Chuyển động Hà Nội

Gần 1,2 triệu lượt khách du lịch về “Xứ Đoài miền đất đá ong”

Quỳnh Phạm 13:18 31/12/2023

Thông tin từ Ban Chỉ đạo phát triển du lịch thị xã Sơn Tây (Thành phố Hà Nội), cho biết, khách du lịch đến “Xứ Đoài miền đất đá ong” năm 2023 ước đạt gần 1,2 triệu lượt khách.

Từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Người Hà Nội, ông Nguyễn Hải Anh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin Thị xã Sơn Tây, cho biết, thị xã Sơn Tây thời gian qua đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, gắn với Chương trình số 11-CTr/TU ngày 21/12/2020 về “Phát triển văn hóa - xã hội trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”...

hai-anh.jpg
Ông Nguyễn Hải Anh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin Thị xã Sơn Tây

Năm 2023, Thị xã đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả các hoạt động phát triển du lịch, số lượng khách du lịch đến địa bàn thị xã tăng cao. Công tác phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng điểm đến du lịch được Thị xã quan tâm, chú trọng. Thị xã xây dựng các tour, tuyến tham quan tại các di tích nổi tiếng như Thành cổ - đền Và - Làng cổ ở Đường Lâm - chùa Khai Nguyên - đền Măng - Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - khu du lịch Đồng Mô - các điểm nghỉ dưỡng sinh thái...

“Thị ủy Sơn Tây đã lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong việc phát triển văn hoá - xã hội, xây dựng người Sơn Tây có nhân cách tốt, lối sống đẹp, đoàn kết, sáng tạo, thanh lịch, văn minh gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch do đồng chí Chủ tịch UBND thị xã làm Trưởng ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo”, ông Nguyễn Hải Anh, chia sẻ.

Xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, UBND Thị xã đã chỉ đạo, ban hành trên 50 văn bản tăng cường công tác quản lý hoạt động phát triển du lịch, trên cơ sở đó đã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh và phát triển du lịch. Qua đó, Thị xã Sơn Tây đã gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển du lịch địa phương nói riêng, Hà Nội nói chung trong năm qua.

conglang.jpg
Khung cảnh thanh bình, yên ả ở Làng cổ Đường Lâm với cổng làng Mông Phụ.

Điển hình, Thị xã Sơn Tây đã cấp phát hơn 600 cuốn sách giới thiệu về di tích thành cổ Sơn Tây và di tích Làng cổ ở Đường Lâm; hơn 2.000 tập gấp nhằm giới thiệu quảng bá điểm đến, di sản văn hóa, phục vụ phát triển du lịch Thị xã. Tổ chức thành công và tham gia các lễ hội, sự kiện văn hóa, triển lãm… về kích cầu du lịch, quảng bá hình ảnh và giá trị của di tích Làng cổ ở Đường Lâm cùng các di tích khác trên địa bàn Thị xã, thu hút đông đảo sự quan tâm của các công ty lữ hành trong và ngoài nước cũng như du khách của địa phương.

Phối hợp với các công ty du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngành giáo dục và các trường học tại địa phương triển khai chương trình tìm hiểu giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây và Văn Miếu Đường Lâm, thu hút hàng vạn lượt học sinh trên địa bàn và các trường từ nhiều tỉnh, thành khác đến tham quan và tìm hiểu các di tích Thành cổ Sơn Tây, Văn Miếu Đường Lâm...Ngoài ra, UBND Thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan của Thị xã, UBND xã, phường tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, cán bộ làm công tác du lịch, các ban quản lý di tích cơ sở.

Thị xã Sơn Tây phát triển, hình thành 3 khu du lịch chính: Khu du lịch Đồng Mô (khu du lịch sinh thái kết hợp vui chơi, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng); khu trung tâm Thị xã - Thành cổ - đền Và - Đường Lâm (khu du lịch về di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng); khu du lịch Xuân Khanh (khu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, du lịch sinh thái).

UBND Thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo rà soát, đánh giá, lựa chọn phát triển các mô hình điểm về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái cảnh quan nông nghiệp, du lịch ẩm thực, văn hóa lễ hội làng quê, mô hình homestay tại các làng nghề nông nghiệp về trồng trọt sạch an toàn, hữu cơ từ đó có kế hoạch giúp đỡ các tổ chức và các hộ dân phát triển các sản phẩm du lịch. Đến nay Làng cổ ở Đường Lâm đã có một số mô hình điểm ứng dụng theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm giáo dục - du lịch học đường, du lịch sinh thái; du lịch ẩm thực... và các mô hình này hiện đang thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia của du khách đến Sơn Tây.

dinh-lang.jpg
Đình làng Mông Phụ có tuổi đời hàng trăm năm trong làng cổ Đường Lâm.

Ông Nguyễn Hải Anh thông tin thêm, thị xã đã chỉ đạo các ban, ngành, chính quyền các xã phường quan tâm thực hiện công tác quản lý di tích, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn. Yêu cầu UBND các xã, phường quan tâm công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các điểm di tích, triển khai sâu rộng Quy tắc ứng xử nơi công cộng, nâng cao nhận thức trong ứng xử văn minh du lịch cho cộng đồng dân cư một số điểm du lịch trọng điểm; góp phần giữ gìn môi trường du lịch, xây dựng điểm đến du lịch Sơn Tây “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.

Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin Thị xã Sơn Tây phấn khởi cho biết, năm 2023, khách du lịch đến Thị xã ước đạt 1.175.000 lượt khách. Trong đó 470.000 lượt khách đến Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; 450.000 lượt khách tham quan tại các di tích Làng cổ ở Đường Lâm, Văn Miếu Đường Lâm, Thành cổ, phố đi bộ Sơn Tây. Khách quốc tế đến thị xã trong năm 2023 ước đạt 22.400 lượt khách.

Hướng đi trong năm 2024

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Thị xã Sơn Tây trong phát triển du lịch, ông Nguyễn Hải Anh thông tin, thị xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, phát triển du lịch Thị xã trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội chợ quảng bá sản phẩm du lịch, tuyến phố đi bộ…Tổ chức Hội thảo về phát triển kinh tế du lịch thị xã; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm; thành lập đơn vị tư vấn phát triển du lịch, lữ hành trên địa bàn thị xã.

pho-di-bo.jpg
Không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây tấp nập người dân và du khách tham quan, trải nghiệm thời gian qua.

Chỉ đạo tổ chức, thẩm định các nội dung các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các chương trình quảng bá, quảng cáo của doanh nghiệp. Tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch hiện có. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tổ chức Lễ giỗ Vua Phùng Hưng, Vua Ngô Quyền. Tổ chức thành công sự kiện Năm Du lịch Sơn Tây 2024, Trung thu Thành cổ Sơn Tây - xứ Đoài lần thứ 3, Lễ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Sơn Tây và 555 năm danh xưng Sơn Tây gắn với các hoạt động, sự kiện, lễ kỷ niệm lớn của Trung ương, thành phố năm 2024.

Chỉnh trang, cải tạo lại hệ thống thoát nước xung quanh hào Thành cổ; Lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng trang trí, cây xanh tạo các điểm check-in; bổ sung các điểm dừng, nghỉ; bố trí lại hệ thống nhà vệ sinh công cộng và thùng rác công cộng đảm bảo hợp lý…Tiếp tục phát huy giá trị các di tích trong phát triển du lịch, nhất là các điểm du lịch tâm linh. Phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, mô hình phát triển kinh tế đêm gắn với hoạt động của tuyến phố đi bộ.

“Thị xã sẽ duy trì hoạt động giao ban Ban Chỉ đạo phát triển du lịch hàng quý, 6 tháng. Định kỳ sơ kết, tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo. Đồng thời xây dựng Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2024 – 2025 và giai đoạn 2025 – 2030. Chúng tôi cũng sẽ rà soát các khu du lịch có tiềm năng, đề xuất xây dựng và phát triển các điểm du lịch của Thành phố trong năm 2024 và những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Hải Anh, nhấn mạnh./.

Quỳnh Phạm