Chuyển động Hà Nội

Đền Cô Bơ - Bến Bạc (Hà Nội): Điểm du lịch tâm linh ven sông Hồng, tại sao không?

Trung Kiên 28/12/2023 07:29

Dọc sông Hồng của Thủ đô Hà Nội có nhiều đền chùa thích hợp cho việc vừa ngắm cảnh vừa du lịch tâm linh. Hiện nay tour du lịch sông Hồng còn nhiều đền, chùa có giá trị văn hóa lịch sử chưa được đưa vào các chương trình du lịch của Hà Nội, trong đó có đền Cô Bơ - Bến Bạc tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.

cobo2.jpg
Cổng chào dẫn vào Bến Bạc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.

Theo đánh giá của TS. Lê Việt Liên (Viện Nghiên cứu Văn hóa - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, đã xác định sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô. Việc xây dựng không gian văn hóa cảnh quan ven bờ sông Hồng là một việc làm hết sức quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Hà Nội, đồng thời phát triển du lịch. Ven bờ sông Hồng trên địa bàn Hà Nội có không ít công trình văn hóa tâm linh tạo nên cảnh quan tôn giáo đặc sắc như đền Ghềnh, chùa Bồ Đề, đình Chèm, đền Hai Cô...

Hà Nội hiện có các tour du lịch sông Hồng khai thác các di tích hai bên bờ sông nhưng còn rất nhiều đền, chùa có giá trị văn hóa lịch sử chưa được đưa vào trong các chương trình của tour, điển hình có đền Cô Bơ - Bến Bạc. TS. Lê Việt Liên “hiến kế”, trong xây dựng không gian văn hóa cảnh quan ven bờ sông Hồng, Hà Nội có thể kết nối du lịch tâm linh sông Hồng với di tích đền Cô Bơ - Bến Bạc.

Đền Cô Bơ - Bến Bạc là một địa chỉ văn hóa tâm linh tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, được tôn tạo lại trên nền di tích cũ. Nền di tích cũ trước đây là đền Thượng Thụy, ngôi đền cổ được khởi dựng khá sớm ở ngoài bãi. Vào khoảng cuối thời Lê do ngoài bãi bị nước sông xói lở sâu vào móng đền bị sụt võ nên nhân dân Thượng Thụy đã chuyển vào bên trong đê như vị trí hiện nay và phát triển thành đình Thượng Thụy.

Đình Thượng Thụy hiện nằm đối diện với ngõ 144 đường An Dương Vương, nơi có đền Cô Bơ - Bến Bạc. Sau khi đền Thượng Thụy dời vào trong bãi và phát triển thành đình Thượng Thụy thì nền di tích cũ có dựng một miếu nhỏ thờ Cô Bơ, theo dân gian tương truyền Cô Bơ là con thứ ba của Long Vương. Căn cứ theo cuốn thần tích và sắc phong và các sử liệu còn lưu giữ tại đình Thượng Thụy thờ thành hoàng làng là Đức Long Vương thủy thần.

co-bo.jpg
Cung nghinh tiệc mẫu Cửu trùng thiên tại Đền Cô Bơ - Bến Bạc.

Trước đây đền Cô Bơ - Bến Bạc là một ngôi miếu nhỏ nằm sát sông Hồng. Đền thờ Cô Bơ, là Thánh Cô thứ ba trong hàng Tứ Phủ Thánh Cô, sau Cô Đôi - Thượng Ngàn, trước Cô Tư - Địa Phủ. Truyền thuyết dân gian cho rằng, Cô Bơ là công chúa được lệnh Vua Thủy Tề giáng trần để giúp vua tôi nước ta thời phong kiến, đến chí kì mãn hạn thì được xe loan đến đón rước cô trở về Thủy Cung. Sau đó, Cô Bơ hiển linh giúp người dân tại vùng ngã ba sông, che chở cho thuyền bè có thể qua lại được thuận buồm xuôi gió. Chính vì vậy nên cô được người dân kính trọng biết ơn đặt cho danh hiệu là Cô Bơ Bông, hay các tên khác là cô Ba Hàn Sơn, cô Ba Thoải cung hay cô Bơ Thác Hàn (theo tên gọi tại vùng quê nhà cô ở chính là đất Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, ngã ba Bông bến đò Lèn).

Đền thờ chính của Cô hiện nay mang tên Đền Ba Bông ngụ tại xã Hàn Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ngoài Thanh Hóa, còn có các di tích văn hóa đền thờ Cô Bơ ở các địa phương khác trong đó có đền Cô Bơ ở làng Bạc cũ, nay là xã Thượng Thụy hay còn gọi là đền Cô Bơ - Bến Bạc. Đền Cô Bơ thường ở vùng ven sông nước, tín ngưỡng thờ Cô Bơ gắn với tín ngưỡng thờ thủy thần của người Việt. Cô Bơ là một trong số những Thánh Cô thường xuyên ngự đồng trong bất cứ khóa lễ nào thỉnh cô.

ben-bac2.jpg
ben-bac-5.jpg
Di tích Bến Bạc gần cạnh bờ sông Hồng, Hà Nội.

Đền Cô Bơ - Bến Bạc hiện vẫn đang trong quá trình chỉnh trang, tu bổ và sẽ được mở rộng trong khuôn viên 2 ha. Đền chính thờ Cô Bơ đã được hoàn thành với đầy đủ các hệ thống ban bệ thờ tự thuận tiện cho người dân cũng như con nhang đệ tử đến thực hành nghi lễ. Phía trước đền nhìn ra sông Hồng là khoảng đất rộng trồng cây sinh thái, cây ăn quả và cũng là nơi sinh hoạt thực hành cộng đồng của nhà đền trong các dịp lễ lạt, hội chợ từ thiện. Đằng sau đền vẫn đang được tiếp tục quy hoạch mở rộng các hạng mục để có thể đón tiếp con nhang đệ tử và du khách thập phương được chu đáo hơn. Đây là tâm huyết của thủ nhang và nhân dân trong làng.

“Với vị thế ngay sát đường chính An Dương Vương và đường sông Hồng, đền Cô Bơ - Bến Bạc hoàn toàn có điều kiện phát triển du lịch cả về đường bộ lẫn đường sông. Hiện nay đền đang trong quá trình quy hoạch, mở rộng. Nếu là du lịch đường sông thì bãi đất phía trước đền có thể chỉnh trang thành bến đón khách. Khu đất này hiện đang được nhà đền trồng các loại cây trái, đây cũng có thể phát triển thành công viên sinh thái.

den-cobo.jpg
Đền chính thờ Cô Bơ tại phường Phú Thượng với đầy đủ các hệ thống ban bệ thờ tự thuận tiện cho người dân cũng như con nhang đệ tử đến thực hành nghi lễ.

Khung cảnh xung quanh đền chính là môi trường tâm linh tràn đầy cây cối thiên nhiên kết nối vạn vật. Mọi người đến đây hành lễ sẽ cảm thấy thư thái. Những thực hành tín ngưỡng Đạo Mẫu tại đền Cô Bơ là môi trường lý tưởng để con người “chữa lành những vết thương tinh thần”, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 toàn cầu”, TS. Lê Việt Liên, chia sẻ.

Cốt lõi của đền Cô Bơ - Bến Bạc là tính thiêng, cùng với khung cảnh thiên nhiên sinh thái, đền Cô Bơ Bến Bạc vẫn đang tiếp tục chỉnh trang, mở rộng. TS. Lê Việt Liên hy vọng điểm di tích lịch sử này sẽ là điểm đến thú vị không thể bỏ qua trong chuỗi du lịch tâm linh của Hà Nội.

“Trong toàn tuyến sông Hồng chảy qua địa bàn Hà Nội có rất nhiều ngôi chùa, đình, đền được xếp hạng di tích văn hóa lịch sử. Sự đa dạng và phong phú của các di tích tôn giáo là điểm đến lý tưởng cho du lịch tâm linh hiện nay, tạo nên cảnh quan sinh thái văn hóa ven bờ sông Hồng”, TS. Lê Việt Liên, đánh giá./.

Trung Kiên