Văn hóa – Di sản

20 năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng

Tô Ngọc Oanh 26/12/2023 18:40

Ngày 26/12, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Hai mươi năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: từ UNESCO đến cộng đồng” nhằm đánh giá việc thực hiện Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003 của UNESCO trong 20 năm qua; đồng thời chỉ ra sự tác động của Công ước đối với công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam.

z5010928101596_bf1000e2a68c9b43ca4b31016b5397d4.jpg
Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Ảnh: Đình Trung

Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua năm 2003 (Công ước 2003). Ngày 5/9/2005, Việt Nam chính thức tham gia và đã trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước quốc tế quan trọng này, đánh dấu sự hội nhập, xác định vai trò quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể với UNESCO và các nước trên thế giới. Nhiều nội dung quan trọng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở cấp quốc gia và quốc tế được quy định trong Công ước đã và đang góp phần hiệu quả vào phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội bền vững.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh, công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ra đời đã 20 năm, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nhưng chưa một lần sửa đổi, bổ sung, điều đó chứng tỏ tính đúng đắn của Công ước, giá trị lý luận và thực tiễn của Công ước vẫn giữ nguyên giá trị và vẫn phù hợp với thời đại. Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003 là văn bản đề cập khá toàn diện các khía cạnh về di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có một nội dung đặc biệt quan trọng là khẳng định vai trò của cộng đồng, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

z5010928089989_d4e6098bfb37a45ed07ca34adbdfe1a0.jpg
Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam PGS.TS Đỗ Văn Trụ phát biểu đề dẫn tại hội thảo. Ảnh: Đình Trung

“Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của Công ước. Tinh thần của Công ước đã bước đầu vận dụng vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và vào thực tiễn hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta, với những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia thành viên đầu tiên trong số 181 quốc gia thành viên của Công ước tính đến thời điểm này, tổ chức kỷ niệm 20 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực từ Trung ương tới các địa phương liên quan trong năm 2023”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ khẳng định.

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm đưa nội dung về di sản văn hóa phi vật thể vào Luật Di sản văn hóa (2001, 2009). Cụ thể, Luật Di sản văn hóa dành riêng 1 chương để quy định về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Các nội dung về di sản văn hóa phi vật thể quy định trong Luật Di sản văn hóa đã góp phần quan trọng vào thành quả bảo vệ di sản văn hóa nói chung trong suốt hơn 20 năm qua, làm cân bằng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phù hợp với tinh thần, quy định của Công ước 2003, được quốc tế đánh giá cao, góp phần bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tạo bức tranh chung, đa dạng văn hóa của nhân loại.

Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên đề nghị và Ủy ban Liên Chính phủ đồng ý đưa 1 di sản ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Một trong những sự kiện nổi bật đánh giá về công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, đó là tháng 12/2017, hát xoan Phú Thọ trở thành di sản đầu tiên được UNESCO đưa ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và sau đó ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với kết quả nêu trên, Việt Nam đã đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tính đến nay, qua công tác kiểm kê, đã có gần 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. 534 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản được UNESCO ghi danh vào các danh sách (bao gồm 13 di sản văn hóa phi vật thể trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản văn hóa phi vật thể trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp), phân bố ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. 1881 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, trong đó có 131 Nghệ nhân nhân dân và 1.750 Nghệ nhân ưu tú.

Việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đã góp phần nhận diện giá trị của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, nhờ nhận diện được hiện trạng, sức sống của di sản để triển khai kịp thời các đề án/dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền, góp phần tích cực trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa tộc người.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, ông Nông Quốc Thành nhấn mạnh, các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia, quốc tế; các nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đẩy mạnh giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mình, tạo thêm động lực trong quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

phat-bieu.jpg
Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Nông Quốc Thành phát biểu tại hội thảo

"Thông qua việc tăng cường thực hiện và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, cam kết mạnh mẽ việc thực hiện Công ước 2003 của UNESCO, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực, trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; góp phần vào nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của UNESCO và Công ước 2003, cũng như tự cường mạnh mẽ trong việc đóng góp vào bảo vệ sự đa dạng văn hóa và phát triển bền vững di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới", ông Nông Đức Thành khẳng định./.

Tô Ngọc Oanh