Hội thảo khoa học Quốc tế '10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long'
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:51, 12/11/2020
Hội thảo nhằm khẳng định những thành tựu đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội sau 10 năm được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa thế giới, đồng thời giới thiệu những thành tựu đạt được trong những năm gần đây trong công tác nghiên cứu về di sản quan trọng này. Hội thảo cũng là dịp trao đổi, học tập kinh nghiệm của những người làm công tác nghiên cứu và bảo tồn di sản trong nước và quốc tế, từ đó thảo luận nhằm nêu lên định hướng cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị nhiều mặt của Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Ủy ban Ký ức Thế giới UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương;các cơ quan Trung ương, Thành phố Hà Nội, các Viện Nghiên cứu, các trường Đại học, các Bảo tàng, các Khu di sản Thế giới của Việt Nam cùng nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực Lịch sử, Khảo cổ, Hán Nôm, mỹ thuật, bảo tồn,bảo tàng,di sản... của Việt Nam, Pháp, Nhật Bản…, các cơ quan báo chí, truyền hình.
Nội dung Hội thảo tập trung vào hai chủ đề chính:
Chủ đề 1: Tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm nghiên cứu Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (từ năm 2010 đến năm 2020) và định hướng nghiên cứu phục dựng các công trình kiến trúc;
Chủ đề 2: Quản lý bền vững các Khu Di sản ở Việt Nam và Thế giới - kinh nghiệm và định hướng phát huy giá trị văn hóa phi vật thể và giáo dục di sản.
Hội thảo đã nhận đượcgần 40 tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý di sản.Các bản tham luận đề cập đến những vấn đề chính sau đây:
- Những kết quả đã đạt được trong các hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long trong 10 năm qua trên các lĩnh vực khai quật khảo cổ học theo khuyến cáo của ICOMOS; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long; sự hợp tác trong các hoạt động nghiên cứu, trưng bày của Hoàng thành Thăng Long với các Bảo tàng, các cơ quan, viện nghiên cứu và các nhà khoa học; tổng quan về Hoàng thành Thăng Long sau 10 năm đón nhận bằng Di sản Văn hóa thế giới…
- Bảo tồn di sản trong quá trình đô thị hóa, sự tương tác giữa bảo tồn văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; bảo tồn di sản thông qua du lịch; vai trò của cộng đồng trong bảo tồn… Bên cạnh đó công tác bảo tồn/bảo quản di tích/di vật, bảo vệ môi trường khu Di sản cũng được đề cập.
- Các hoạt động trưng bày, triển lãm cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tăng cường giới thiệu các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến khu Di sản. Giáo dục học đường hiện đang được tăng cường phát huy giá trị di sản ở các khu Di sản và các Bảo tàng. Một số tham luận cũng đóng góp và chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các chương trình giáo dục nhằm đưa di sản đến với trường học, với thế hệ trẻ…
Kết quả của Hội thảo khoa học Quốc tế “10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành ThăngLong” nhằm tổng kết những thành tựu đã đạt được trong các hoạt động sau 10 năm kể từ khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa Thế giới và định hướng trong giai đoạn tiếp theo, làm tiền đề cho công tác quản lý bền vững di sản, vì sự phát triển của Di sản Thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.