Văn hóa - Xã hội

Năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu thanh toán hóa đơn điện, nước không dùng tiền mặt

Trung Kiên 21/12/2023 09:22

Theo Kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2024 của UBND Thành phố Hà Nội, trong năm tới, Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ thanh toán hóa đơn tiền điện, nước không dùng tiền mặt đạt 100%.

Trên cơ sở kết quả thực hiện năm 2023, ngày 18/12, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2024. Theo Kế hoạch trên, Hà Nội đặt ra 12 mục tiêu phát triển thương mại điện tử năm 2024.

thanh-toan-onle.jpg
Hà Nội đặt mục tiêu năm 2024 tỷ lệ thanh toán hóa đơn tiền nước và tiền điện không dùng tiền mặt đạt 100%. (Ảnh minh họa).

Trong đó, Thủ đô phấn đấu giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) hằng năm. Doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng và tính cho cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 13% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố; tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 53%.

Cũng trong năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu trung tâm kinh doanh thương mại trong thương mại điện tử đạt 48%, các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đạt 69%. Các website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến đạt 79%; doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử đạt 49%; doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động đạt 39%.

Duy trì 100% số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã Qrcode truy xuất nguồn gốc. Khai thuế, nộp thuế điện tử, duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt 100%. Hoàn thuế điện tử 100% doanh nghiệp thuộc đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng trường hợp xuất khẩu, đầu tư đăng ký sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử; 100% số doanh nghiệp, tổ chức đăng ký phát hành Hóa đơn điện tử; 95% doanh nghiệp, tổ chức đăng ký phát hành sử dụng Hóa đơn điện tử; đưa vào quản lý 90% số cơ sở kinh doanh thương điện tử trên địa bàn Thành phố (loại trừ các trường hợp hộ cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ…).

Phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử: 2.000 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử. Mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng… qua các kênh thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn.

tmt.jpg
Năm tới, các website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến đạt 79%.

Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công; đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời phát triển hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội và mở rộng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Để đạt được các mục tiêu kể trên, Kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2024 của Hà Nội đặt ra 16 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó có việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật về quản lý và phát triển thương mại điện tử của Trung ương và Thành phố đến các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn; giới thiệu, phổ biến những mô hình thương mại điện tử mới, tiên tiến.

Tổ chức đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho các doanh nghiệp, cá nhân về thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố theo các lĩnh vực kinh doanh. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, hình thức, công nghệ TTKDTM trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, cửa hàng xăng dầu, chợ truyền thống, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và trong mua sắm trực tuyến trên địa bàn Thành phố. Phát triển Logistics phục vụ hoạt động thương mại điện tử, xây dựng và nâng cao năng lực hệ thống kho bãi, địa điểm lưu giữ hàng hóa tập trung, mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng hóa trên địa bàn Hà Nội, kết nối với các địa phương khác trong cả nước, khu vực và toàn cầu.

Hà Nội cũng tổ chức chuỗi cung ứng thương mại điện tử cho các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP; xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để tối ưu hóa chi phí và thời gian đưa hàng hóa ra thị trường.

Phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) quản lý theo phân cấp cơ sở dữ liệu tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố trong việc thực hiện nghĩa vụ đăng ký/thông báo theo quy định của tổ chức, các nhân hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội. Phối hợp tổ chức các sự kiện, hội thảo, hội nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa; tiếp cận mở gian hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.

Phối hợp các hệ thống phân phối tổ chức các hội nghị, sự kiện đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, trang website của doanh nghiệp nhằm quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hiệu quả Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội.

Ngoài ra, Thủ đô Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm với thương mại điện tử để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Tiếp tục duy trì trang thông tin giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phối hợp các sàn postmark.vn, voso.vn hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, định kỳ, đột xuất đối với hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố; đẩy mạnh xử lý vi phạm pháp luật về thương mại điện tử… ./.

Trung Kiên