Văn hóa – Di sản

Thăm ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài

Hải Truyền 13/12/2023 16:29

Là cái nôi của nền văn minh người Việt cổ, xứ Đoài được biết đến không chỉ qua những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, độc đáo mà xứ Đoài còn nổi tiếng bởi những ngôi đình có tuổi đời hàng trăm năm, nguy nga, bề thế. Trong đó, Đình So được xem là một trong những ngôi đình đồ sộ và đẹp nhất xứ Đoài .

Dân gian xưa có câu: “Cầu Nam - Chùa Bắc - Đình Đoài” để nói về kiến trúc đặc trưng, công trình tiêu biểu của những vùng miền trên cả nước. Xứ Đoài là vùng đất nổi tiếng với hàng trăm ngôi đình độc đáo, đồ sộ và lộng lẫy. Trong đó có rất nhiều ngôi đình có tuổi đời hàng trăm năm được giữ gìn gần như nguyên vẹn đến ngày nay. Đình So là một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài được dân gian ngợi ca bằng câu ví: “Đẹp đình So, to đình Cấn”.

z4969552511381_37995ba7aa861f7156dfe058d4ff7758.jpg

Đình So là tên gọi dân gian của ngôi đình thuộc xã Sơn Lộ xưa, nay là hai xã Cộng Hòa và Tân Hòa của huyện Quốc Oai. Đình So nằm trong khuôn viên rộng gần 4ha. Hướng của Đình là Đông - Đông Bắc, phía trước nhìn ra sông Đáy, phía sau tựa vào Núi Rùa, bên trái là Núi Rồng, bên phải là Núi Phượng. Thế đất được coi là “sơn chầu thủy tụ”, đắc địa theo phong thủy.

z4965242182646_3640bdafea504c71f8cbf9ff1a291a25.jpg

Đình So thờ Thành hoàng làng là Tam vị Nguyên soái Đại vương. Theo truyền thuyết dân gian, ba ngài vốn là con của Lạc Long, làm quan Thủy Thần ở Long cung, phụng mệnh Thiên đinh đầu thai làm con ông Cao Hiển. Ba ông đã có công lớn giải cứu vua Đinh Tiên Hoàng bị giặc Ngô bao vây ở chùa Bối Khê rồi lại phò vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt.

z4965242658722_839affc65e2eeb280bd845533cb11b41.jpg

Đình So được trùng tu xây dựng lần gần nhất là ngày 27 tháng 7 năm Qúy Mão (1663), dưới thời vua Lê Huyền Tông. Kiến trúc của Đình là kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc. Hiện tại Đình So bao gồm các hạng mục: Đại bái, Hậu cung, hai dãy Tả vu - Hữu vu, Nghi môn, hồ nước lớn hình bán nguyệt. Trong đó, tòa Đại đình dài 32,9m, rộng 13,1m; gồm 5 gian, 2 trái, 2 dĩ.

z4969613168102_fe8b231ae2471e717ee38bc608b695dd.jpg

Đại Đình được dựng từ 60 cột bằng gỗ lim, được chia thành 6 hàng dọc và 10 hàng ngang. Trong đó, 12 cột cái có đường kính 0,7m, 20 cột quân đường kính 0,5m và 28 cột hiên có đường kính 0,4m. Đặc biệt, đây cũng là ngôi đình duy nhất có sàn được làm toàn bộ bằng gỗ lim.

z4965243239641_ec41bfb84fcb8a7c11ea9ab4bdef66dc.jpg

Bên cạnh sự đồ sộ và bề thế thì trang trí mỹ thuật ở Đình So cũng rất phong phú với nghệ thuật chạm khắc đặc trưng của đình làng Bắc Bộ. Các hạng mục chạm khắc tập trung chủ yếu ở các Bức cốn, Nghi môn, Ống muống, các Đầu dư, Ván nong, thân Các kẻ,…

z4965242944598_929ec09fe68b6d19e9f53e86f904f7f7.jpg

Nội dung chạm khắc thể hiện tinh xảo về Tứ linh (Long - Ly - Quy - Phượng), Tứ quý (Tùng - Cúc - Trúc - Mai), kỳ Lân, Long mã, Hổ phù, Cá chép, Rùa xen kẽ và hòa quyện với hoa lá, mây trời, sóng nước,…

z4965242355093_12d4391ddb1dd7a1e14bf42c34a06040.jpg

Hình tượng rồng được chọn là đề tài chính trong những mảng chạm khắc, xuyên suốt từ Nghi môn vào đến Đại đình. Với bức chạm bộ Tứ linh thì trung tâm là hai con rồng lớn đang trong tư thế quay đầu vào nhau được thể hiện rất dữ tợn với hai mắt lồi về phía trước, trán u và mũi chạm vào nhau.

z4965242610812_dd0c80e2123c24521b5d5f9119af3346.jpg

Sự kết hợp khéo léo giữa kỹ thuật chạm khắc và chạm bong đã tạo cho Đình So vẻ đẹp tổng hòa, vừa đa dạng trong trang trí, đa chiều trong kiến trúc, sáng tạo, uyển chuyển mà vẫn giữ được sự thống nhất, hoàn chỉnh. Những kiệt tác chạm khắc ở Đình So không chỉ phô diễn đôi bàn tay tài hoa của người thợ xứ Đoài mà còn gửi gắm vào đó những khát vọng của dân tộc về những giá trị Nhân bản Chân - Thiện - Mỹ.

z4965242761063_2d74ff12b6a5c7309fe1144bb32e7305.jpg

Thành hoàng Làng So nhận được 45 đạo sắc phong từ 27 vị vua từ thời Đinh Tiên Hoàng năm 968 đến triều đại nhà Nguyễn đầu thế kỷ XX. Các vị vua thời phong kiến xưa đã ban tặng cho Thành hoàng Làng So tổng cộng 118 mỹ tự như: Trợ đức, Phù nghĩa, Dương uy, Hiền triết, Chí nhân, Anh linh, Thần vũ, Chính trực, Thánh thiện, Hộ quốc, An dân,…

z4965243125530_6e66f51c5f89ff86355f83fa19948c1e.jpg

Thời đại Hồ Chí Minh, Đình So được tặng 3 bằng xếp hạng Di tích Quốc gia: Di tích Kiến trúc thế kỷ XVII (năm 1980); Di tích Lịch sử-Văn hóa (năm 1995); Di tích Quốc gia đặc biệt (năm 2018).

Lễ hội truyền thống Đình So diễn ra vào các ngày mùng 8, mùng 9 và mùng 10 tháng 2 Âm lịch hàng năm.

Hải Truyền