"Mật ngôn của tình yêu" - Nỗi niềm thầm kín của một thi nhân

Truyện - Ngày đăng : 12:56, 20/11/2020



“Mật ngôn của tình yêu” của Lê Khánh Mai là tập thơ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, ra mắt bạn đọc tháng 8 năm 2019. Đây là tập thơ đánh dấu bước phát triển nhất quán và vững chắc hành trình thơ 30 năm của Lê Khánh Mai từ 1990 đến nay, kế tiếp 6 tập thơ trước đó của chị: “Trái chín”;  “Nước mắt chảy về đâu”; “Cổ tích xanh”; “Cát mặn”; “Đẹp, buồn và trong suốt như gương”; “Giấc mơ từ cơn giông”.

“Mật ngôn của tình yêu” - là tên của một bài thơ được nữ thi sĩ chọn làm tên chung cho cả tập để thể hiện những nỗi niềm thầm kín của mình về những mất mát đau thương, những chiêm nghiệm nhân sinh và những trăn trở về đất nước và thời cuộc. 

Tôi đã đọc tập thơ không chỉ một lần và thực sự bị cuốn hút bởi “mật ngôn” của nữ sĩ. Cho dù con người đang sống trong nền văn minh công nghệ hiện đại, các phương tiện nghe nhìn đầy ắp, thơ vẫn bừng tỉnh như một cứu cánh cho cái đẹp, vượt xa sự hiện hữu của vạn vật. Đó là nỗi niềm về đôi lứa, về thế thái nhân quần dưới dạng thức tình yêu; dưới dạng thức tìm tòi bản ngã trên đường đi đầy bất ngờ của nó. Tiếp cận tập thơ ở góc độ này, “Mật ngôn của tình yêu” đọng lại trong tôi vẻ đẹp thuần khiết và nồng hậu, với sợi chỉ hồng tươi thắm là chất trữ tình xuyên suốt tập thơ. Cảm xúc trữ tình theo không gian và thời gian được lượng hóa đã trở nên bất tử: “… Hát một mình trong sương mù/ Trên ngọn cây/ Những chiếc lá viết thư tình gửi trời xanh/ Trong lòng đất/ Từng cặp rễ nâu quấn vào nhau ân ái”. Và cùng với nó là sự khai mở remote vô thức: “Ai đánh thức nỗi đau của đá/ Sự im lặng của tình yêu/ Tro cốt trong bình/ Viên đá vỡ từ đỉnh cao/ Rơi thấm xuống vực/ Kiêu hãnh quyên sinh…/ Thơ dìu nỗi đau/ Trong vô lượng thời gian”. Đọc đến đây tôi có cảm giác dường như từ sâu thẳm của tập thơ thì thầm âm hưởng của thi ca Lermontov. Tiếng thì thầm của “Mật ngôn…” như một vòng xoáy chuyển động tịnh tiến vào khoảng không vô tận của tình yêu: “Người tình xưa có dễ mấy ai quên/ Ngay cả lúc mơ tới bờ tới bến/ Miếu dẫu bỏ hoang/ Vẫn là… nơi hương khói/ Còn cánh buồm khi bị động trời/ Thì cần xem bão tố/ Tưởng chừng trong những bão tố có chỗ bình yên”. 

Như vậy, “Mật ngôn của tình yêu” của Lê Khánh Mai cũng có khởi đầu như một cuộc tình qua giông bão: tươi non, đơm hoa và đằm thắm trái ngọt. Nhưng với thời gian khắc nghiệt, sự trải nghiệm và thử thách đã rọi sáng ý niệm về sự hy sinh, tận hiến kết nên một khối tình trọn vẹn. Tình yêu lớn đó luôn dìu dắt ta vững bước bên bờ vực thẳm mê hoặc và cám dỗ. Giọt mật của tình yêu nhỏ xuống niềm đau vị ngọt của hạnh phúc. Vết đau lên da non cho ta niềm sinh lực hứng khởi đi tiếp cuộc đời. Chính ở đây, Lê Khánh Mai đã tìm thấy sự lý giải qua cảm thức thơ: “Thơ không cho tiền bạc/ Nhưng khi tôi rơi xuống hố thẳm/ Thơ vực tôi đứng dậy”. Có thể thấy, chất trữ tình trong “Mật ngôn…” như được thoát ra khỏi thể xác để hoàn nguyên trong cõi mộng, để tận hưởng hồi quang của sự vui sống: “Tiếc không có anh để biết em đẹp/ Trong giây phút hồi sinh người đàn bà thanh xuân/ Em không nhận thức được mình/ Như không thể nhận thức số phận”. Trong cảm thức này, nữ thi sĩ nhìn thấy điểm rơi của hạnh phúc trong cõi vĩnh hằng: “Chiếc lá vàng níu trên cây lấn khấn chưa muốn rụng/ Dày lên nỗi khát khao sương đêm/ Tắm mình trong đầm đìa ánh trăng/ Và lịm chết trong giấc mơ diệp lục”. Ở đây, không còn hoài nghi gì nữa, ta đã tìm thấy bí mật của bản thể tình yêu: “Em/ Từng đêm, từng đêm/ Hồn đi hoang thoát khỏi căn phòng đơn lạnh/ Đêm đêm căn phòng trống trải bỗng ngập tràn mùi hương ân ái/ Cái mùi hương đi vắng đã mười năm/ Hạnh phúc giờ đây còn lại chút này thôi/ Mà ràng buộc đan bện nhau muôn kiếp? Như mật ngôn của tình yêu/ Chỉ riêng em biết”.

Con người là một vũ trụ nhỏ trong vũ trụ lớn không bao giờ có thể khám phá hết, nên tình yêu cũng mãi mãi là một bí mật. Lê Khánh Mai thổ lộ: “Hai tinh cầu bé nhỏ trượt qua nhau lặng lẽ/ Chỉ không trung nghe được tiếng vọng thầm…/ Không thể chọn chuyến tàu/ Không thể chọn nhà ga…/ Dòng sông chảy kia ta không tắm hai lần”. Lê Khánh Mai thường tự sự với chính mình trong không gian mênh mông của cõi lòng. Cái tôi thông qua nhận thức và thấu cảm tìm lại chính mình với tất cả niềm vui sống chân chính. Từ tình yêu đơn lẻ đến sự tìm lại  chính mình trong tình yêu lớn là cả một hành trình đau đớn. May mắn thay cho những ai có đủ kiến văn và lý trí để giác ngộ ra nó: “Hạnh phúc biết bao khi ta được trở về đích thực là mình sau những kiếm tìm trải nghiệm nhiều đắng cay, mất mát/ Dù nhỏ bé bản thể vẫn là vũ trụ của riêng mỗi người”.  Nó chỉ một lần được sinh ra giữa vô vàn thực thể và sống dài hơn một kiếp sống như tâm sự chân thành của nữ thi sĩ. 

Ngân vang suốt tập thơ là những đề từ: “Khởi đầu”, “Ngày mới”, “Tản mạn”, “Mật ngôn của tình yêu” như từ giấc mơ bước ra trong vô thức tự nhiên của nó, nuôi khát khao tìm bản thể, tìm nửa kia của chính mình: “Nuôi giấc mơ hoang đường, ta đi tìm bản thể thất lạc/ Vượt bao triền dốc quanh co/ Vực sâu tăm tối, vũng lầy mê muội/ Trôi mãi vào u minh…”.  Khi tâm hồn rạng rỡ ánh sáng của giác ngộ, ta trở thành một gắn kết lại với nhau những phần rời rạc trong tâm thức, khi ấy “mật ngôn” sẽ đem đến một bí mật ngọt ngào. Và đến lúc đó tình yêu sẽ lại tái sinh trong một hiện thực khác tinh khôi và nồng ấm: “Bão tan, bầu trời trong biếc/ Vang lên tiếng hát/ Chú chim non vừa hóa kiếp hôm qua”. 

Lắng nghe điệu thức tâm hồn, quan sát hình tượng thơ trong “Mật ngôn…” của Lê Khánh Mai có thể thấy thấp thoáng cách biểu hiện của thơ hiện đại, ở phương diện thơ thị giác (Visual Poetry). Đó là  thứ tinh thần mở, trọn vẹn một văn bản sống hiện hữu, tạo ra sự tương tác nhiều chiều. Với bổn phận một nhà thơ đi tìm bản nguyên của con người và vũ trụ, nữ thi sĩ đã gắng gỏi tiếp cận thế giới tâm linh cùng nền tảng của nhận thức, mạnh dạn cắt nghĩa đâu là hạnh phúc đích thực, đâu là niềm cảm hứng tuyệt đối của tình yêu. Bằng phương thức biểu hiện thị giác, hư cấu và xếp đặt các mảnh vỡ ký ức (Fragment action), “Mật ngôn của tình yêu” là những trang thơ đằm thắm và đắm đuối, đem lại cho người đọc những suy ngẫm và chiêm nghiệm sâu sắc.

“Thơ là nước mắt, tiếng kêu, lời tự thú, sự cứu rỗi, nỗi ẩn ức tiền kiếp và nhiều ký thác với muôn sau; là vẻ đẹp của tình yêu… được biểu đạt bằng ngôn ngữ giàu tín hiệu thẩm mỹ, giàu hình tượng, nhiều dư vang, lạ lùng, mới mẻ, đôi khi nhòe mờ, quái đản, đầy ma lực làm đắm say và bừng ngộ con người”. Đó là sự nhận thức của Lê Khánh Mai về thơ. “Mật ngôn của tình yêu” cùng với 6 tập thơ trước đó của chị đã thể hiện hoàn mãn sự thức nhận đó.

Trần Đăng Huấn