Tác giả - tác phẩm

Chặng đường sáng tạo của hai nhà thơ Chử Văn Long và Hoàng Cát

Yến Ly 14:13 12/12/2023

Chử Văn Long và Hoàng Cát là hai nhà thơ đồng niên (sinh năm 1942), có nhiều đóng góp quan trọng vào thơ ca Thủ đô nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Buổi tọa đàm “Nhà thơ Chử Văn Long và Hoàng Cát - tác phẩm và cuộc đời” do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức tại Hà Nội ngày 11/12 đã giúp người đọc hình dung rõ thêm về chặng đường mà hai nhà thơ đã đi qua.

Chử Văn Long và Hoàng Cát là hai nhà thơ có nhiều điểm tương đồng thú vị trong hành trình đến với thơ ca: Từ năm sinh, xuất phát ngành học đến những chặng đường đời vất vả gian nan, vào sinh ra tử…

qc.jpg
Đông đảo các văn nghệ sĩ tham dự buổi tọa đàm “Nhà thơ Chử Văn Long và Hoàng Cát - tác phẩm và cuộc đời”.

Hoàng Cát - “thơ là lõi linh hồn giúp ta sống”

Nhà thơ Hoàng Cát sinh ra tại Nam Đàn, Nghệ An. Ông tốt nghiệp trường Trung cấp cơ điện Hà Nội và làm việc tại Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Ông thường cùng trò chuyện học hỏi văn chương từ nhà thơ Xuân Diệu rồi hai người kết nghĩa anh em. Năm 1960, Hoàng Cát có một truyện ngắn là Cây táo ông Lành, do một số suy diễn lúc bấy giờ nên ông bị đưa vào danh sách nghi án văn chương. Từ đó, các bài viết của ông gửi đi không được báo nào đăng và bị “treo bút” suốt 15 năm. Năm 1965, Hoàng Cát tham gia chiến trường Trị Thiên - Quảng Nam, và tiếp tục sáng tác dù vẫn không báo nào nhận đăng. Cũng tại chiến trường, ông đã bị thương nặng, phải cưa bỏ mất một chân. Tới năm 1971, ông giải ngũ trở về cùng với chiếc chân giả. Mạch văn chương trong ông vẫn dồi dào và dần dần ông được xóa bỏ nghi án văn chương năm xưa. Năm 1994, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Cuộc đời thăng trầm của nhà thơ Hoàng Cát cùng gia đình trong giai đoạn khốn khó đã trải qua 17 nghề để sinh sống: dán hộp đựng thuốc cho ngành dược, cuốn thuốc lá điếu, rang đậu phộng, bán nước chè, nuôi gà, nuôi chó ta,... và nhà thơ Phạm Đình Ân là người bạn thân thiết đã luôn bên cạnh và sẻ chia.

hc..jpg
Nhà thơ Hoàng Cát.

Bên cạnh những đóng góp vào thơ ca đương đại, Hoàng Cát còn được biết đến với những ẩn dụ và giai thoại xung quanh bài thơ BiểnEm đi nổi tiếng của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu.

Nhà thơ Hoàng Cát nhận mình chỉ là nguyên mẫu nhân vật trong bài thơ Biển. Và để nói rằng ông là đối tượng trữ tình mà Xuân Diệu hướng đến thì phải kể tới bài thơ Em đi - tác phẩm được đề từ rõ tặng Hoàng Cát khi người em kết nghĩa lên tàu vào chiến trường miền Nam năm 1965. Ông đã xúc động mạnh:

“Em đi, để tấm lòng son mãi

Như ánh đèn chong, như ngôi sao.

Em đi, một tấm lòng lưu lại

Anh nhớ thương em, lệ muốn trào.

Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga

Chưa chi ta đã phải chia xa!

Nụ cười em nở, tay em vẫy

Ôi mặt em thương như đoá hoa.

Em hỡi! Đường kia vướng những gì

Mà anh mang nặng bước em đi

Em ơi, anh thấy như anh đứng

Ôm mãi chân em chẳng chịu lìa…”

(trích Em đi)

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, đây là một bài thơ mang đầy tính tiên tri của Xuân Diệu. Đó là mối liên hệ của câu thơ “Em ơi, anh thấy như anh đứng/ Ôm mãi chân em chẳng chịu lìa” với việc nhà thơ Hoàng Cát bị mất một chân tại chiến trường ác liệt.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, nhà thơ Hoàng Cát tự nhận mình là một người nhạy cảm và dễ xúc động: “Những câu chuyện ở quá khứ, tôi xin được gác lại quá khứ, cho nó qua đi, pass đi. Trong ngày vui nhất cuộc đời tôi như hôm nay, tôi chỉ xin được nói về thơ thôi”. Ông tâm sự: “Nếu không có bạn bè, đồng đội yêu thương, tôi khó mà sống được như ngày hôm nay, trước hết về cuộc sống vật lý chứ chưa kể đến cuộc sống tinh thần: “Tôi đã sống được nhờ vào lòng bè bạn/ Như nắng mùa đông, như gió mùa hè/ Như cốc nước làm vợi đi cơn khát…”.

Vừa là bạn thơ thân thiết vừa là đồng hương, nhà thơ Vương Trọng khẳng định, “Hoàng Cát là một con người đa sầu, đa cảm và đa tình. Nhưng chính những điều đó cũng là cái gốc của thi nhân, và làm nên hồn thơ Hoàng Cát”.

“Nghề văn là một nghề vô cùng cao quý. Cho dù nhà văn có thể rất nghèo. Nếu một xã hội không biết quý trọng nhà văn thì đó là một xã hội man rợ, một xã hội bỏ đi. Là con người thật sự, con người đúng nghĩa, Con Người-viết hoa, không thể thiếu thi ca, không thể thiếu văn học. Nếu có kiếp sau, xin cho tôi được làm thi sĩ” cũng là chia sẻ của nhà thơ Hoàng Cát trong kỷ yếu của Hội Nhà văn Việt Nam.

tho-hc.jpg
Cuốn “Cõi người” - thơ tuyển Hoàng Cát.

Cũng tại buổi tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến giới thiệu cuốn “Cõi người” thơ tuyển Hoàng Cát, dày 1000 trang, mới xuất bản trong năm 2023.

Chử Văn Long - một tâm hồn chân chất đồng quê

Nhà thơ Chử Văn Long quê ở Thanh Trì, Hà Nội. Rời trường phổ thông, ông đã đi học trường Trung cấp cơ điện rồi xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Quảng Ninh. Sau khoảng 10 năm, ông về công tác tại Xí nghiệp Gạch Văn Điển. Năm 1979, ông về công tác tại Hội Văn nghệ Hà Nội, làm báo Người Hà Nội (nay là Tạp chí Người Hà Nội) cho đến khi nghỉ hưu.

Nhớ về những năm khốn khó xa xăm, nhà thơ Chử Văn Long chia sẻ: “Nhà tôi ở bãi sông Hồng, năm nào cũng gặp cảnh ngập lụt. Và đây là một hình ảnh ám ảnh tôi mãi. Tuôi thơ tôi gắn liền với đồng quê và cuộc sống thuần nông. Sau này lớn lên, được tiếp cận nhiều tác giả văn chương thế giới nhưng tôi đặc biệt thích thơ của Ê-xê-nhin, thi sĩ người Nga. Bởi những đồng cảm sâu sắc về tình cảm với người mẹ, bởi hồn thơ đậm chất đồng quê của Ê-xê-nhin…”

Khi rời làng quê lên nội đô học tập sáng tác ở trường Viết văn Nguyễn Du, ông đã có dịp giao lưu với các văn nghệ sĩ đương thời như Chế Lan Viên, Xuân Diệu,... Song sau những thăng trầm cuộc đời, ông vẫn giữ một hồn thơ chân chất đồng quê. Có thể nói, thơ ca Ê-xê-nhin đã chiếm hết tâm hồn ông và để lại những ảnh hưởng sâu sắc. Ông tự nhận, Hội Văn nghệ Hà Nội nơi ông từng công tác đã xây đắp thêm cho nền tảng thơ ca ông.

nt-cvl.jpg
Nhà thơ Chử Văn Long chia sẻ tại tọa đàm.

Nhắc tới thơ Ê-xê-nhin và những đồng cảm mãnh liệt, nhà thơ Chử Văn Long xúc động đọc lên nỗi nhớ của ông với người mẹ đã xa: “Con thường nhớ mẹ bâng khuâng/ Chiều nay cơn nhớ bỗng dưng vỡ òa/ Nhớ gì như nhớ mẹ ta/ Ngọn đèn hạt đỗ rọi qua chân trời/ Rọi qua hết cả kiếp người/ Mồ hôi trộn với mồ hôi ướt đằm/ Trăm năm rồi những ngàn năm/ Khát khao vẫn chỉ âm thầm buồn vui/ Giờ con xin nhớ nụ cười/ Nụ cười của mẹ sáng ngời trong tim/ Như ngôi sao sáng đêm đêm/ Long lanh không để lụy phiền cho ai/ Nâu sồng quê thiền mẹ ơi/ Mà cho con được một đời tài hoa/ Với đôi cánh mộng như là/ Bay qua hết lượt xót xa đau buồn”.

Có thể thấy sự đồng cảm, gần gũi tình cờ với Ê-xê-nhin đã vang vọng trong những trang viết của ông. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng: “Khác với Nguyễn Bính, Chử Văn Long không trực tiếp kêu gọi con người trở về với sự chân quê. Song ông luôn tự hào gốc nhà quê của mình”.

Đó là những câu thơ như: “Anh hát em nghe khúc hát đồng quê/ Cho lắng lại buồn vui muôn thuở” (Khúc hát đồng quê) hay: “Tôi sống giữa những người chân đất/ Những người của nắng mưa thấm đẫm vui buồn/ Cả khi có dép rồi họ vẫn thích đi chân đất/ Chân đất đã quen, chân đất tự do hơn…” (Tôi sống giữa những người chân đất). Là những nỗi đồng cảm sâu xa với những người chân lấm tay bùn, sớm hôm ở một miền quê: “Người dưng gắn bó gì tôi/ Sao tôi thương giọt mồ hôi đầm đìa/ Suốt đời dậy sớm thức khuya/ Dáng đi chân vịt, chân le trên đường” (Người dưng).

Bên cạnh những trang thơ về mẹ, về đồng quê, Chử Văn Long vẫn dành riêng những bài thơ tình cho người vợ của ông. Từ người vợ tào khang đã cùng ông chăm lo cho con cái trong những năm tháng chiến tranh nhưng lại sớm ra đi; cho đến người vợ thứ hai cũng phải vượt qua bao định kiến xã hội mới đến được với nhau. Đó là mối tình yêu nhau yêu cả đường đi lối về: “Nhớ em để nhớ về Vinh/ Nhớ cầu Bến Thủy nơi mình lại qua/ Sông Lam thành nỗi thiết tha/ Mỗi khi trông ngóng đường xa chưa về/ Vinh giờ đã hóa thành quê/ Những đêm Hà Nội nằm nghe còi tàu…”

Với nhà thơ Chử Văn Long, “cuộc sống trở nên ý nghĩa khi con người luôn nhầm lẫn, chọn lựa vẻ đẹp của mình. Chỉ có trái tim mới dò dẫm được hướng đi cho thơ. Hạnh phúc của người cầm bút là làm cho cuộc sống hòa thuận thương yêu lẫn nhau. Cuối cùng, thơ không có chỗ để căm thù. Như thế, tôi nghĩ, thi ca là nguồn cội của hi vọng, nguồn cội của yêu thương”.

anh.jpg
Đại diện Ban Chấp hành Hội chụp ảnh với các nhà thơ.

Nhà thơ Đỗ Bạch Mai (vợ của cố nhà thơ Bế Kiến Quốc - cựu Tổng biên tập báo Người Hà Nội) chia sẻ thêm, gia đình bà đều có mối quan hệ thân thiết với hai nhà thơ Hoàng Cát và Chử Văn Long. "Nếu không có nghị lực lớn, người ta khó có thể vượt qua những chặng đường mà họ đã trải qua. Tình yêu của những người viết bao giờ cũng rất đẹp", nhà thơ Đỗ Bạch Mai nói./.

Yến Ly