Sự kiện & Bình luận

Lấy phiếu tín nhiệm là sự cụ thể hóa hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội

Kim Thoa 11/12/2023 21:26

Lấy phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn được đánh giá là một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội. Việc lấy phiếu tín nhiệm là sự cụ thể hóa hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Do vậy, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ tạo động lực phấn đấu, phát huy tinh thần trách nhiệm của những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng như không khí dân chủ, tích cực trong xã hội.

a1.jpg
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. (Ảnh: VGP).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: “Đây là kết quả của cả quá trình chuẩn bị khẩn trương, thận trọng, nghiêm túc và trách nhiệm cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan và những người được lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội đã thống nhất cao thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV".

Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan.

Trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Tổng cộng đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ (03 Phó Thủ tướng Chính phủ, 16 Bộ trưởng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ) và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Qua phiên chất vấn cho thấy, các nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, ngành triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm với nhiều giải pháp đồng bộ, đã tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chi tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm theo nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai một số nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp; Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”, trong đó, Quốc hội giao Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024; giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn, trong đó, có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước, xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Quốc hội cũng đã xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Quốc hội cho rằng, ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước đã được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kịp thời tổng hợp đầy đủ gửi đến Quốc hội.

Quốc hội đã thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các Đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị của cử tri; đảm bảo đúng thẩm quyền xử lý của các cơ quan ở Trung ương; gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại, hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.

Ngoài ra, Quốc hội đã xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023./.

Kim Thoa