Văn hóa - Xã hội

Một câu chuyện nhỏ nhiều ý nghĩa về công tác phòng cháy chữa cháy

Dương Ngọc Anh 20:24 10/12/2023

Xây dựng ấn phẩm “Mặt nạ chống độc - Vật dụng phòng thân hiệu quả trước hỏa hoạn” và thực hiện tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho thiếu nhi là hoạt động sáng tạo, ghi nhận tâm huyết của nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm nâng cao kỹ năng sống và thoát nạn khi có cháy cho trẻ em.

Dân gian vẫn thường ví “nhất thủy, nhì hỏa” và gọi thủy, hỏa là “giặc” để nói về những tai họa do nước, lửa gây ra đối với con người cực kỳ nguy hiểm. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra hơn một nghìn vụ cháy, gây thiệt hại lớn về người, tài sản và tài nguyên.

Một trong những sai lầm về công tác phòng cháy chữa cháy mà đa số người dân hiện nay đang mắc phải đó là thiếu kiến thức, kĩ năng bảo vệ bản thân trước hỏa hoạn và luôn mặc định sự rủi ro sẽ không bao giờ đến với mình. Không chỉ trong không gian đô thị, mà còn ở bất cứ đâu, sự lơ là, chủ quan của người dân đối với “giặc lửa” đều là nguyên nhân chính và cốt lõi khiến xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn lớn, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng và trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là trẻ khuyết tật. Do đó, việc trang bị kiến thức thoát nạn cho trẻ khi xảy ra cháy là rất quan trọng.

Với mong muốn đem đến cách tiếp cận mới mẻ về PCCC, phù hợp lứa tuổi thiếu nhi, nhất là trẻ khuyết tật, nhóm gồm 7 sinh viên thuộc Lớp Báo Truyền hình chất lượng cao, khoá 41 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã triển khai một dự án nhỏ mang tên “Vì em” nhằm tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng PCCC cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật.

Dự án được triển khai nhằm hướng tới đối tượng trẻ em nên nhóm sinh viên đã lên ý tưởng, sáng tạo kịch bản một câu chuyện nhỏ với hình ảnh nhân vật bắt mắt, qua đó kết hợp nêu lên tác dụng của mặt nạ chống độc cũng như các bước đeo mặt nạ. Cùng với sự hỗ trợ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, nhóm sinh viên xây dựng thành công ấn phẩm lưu hành nội bộ mang tên “Mặt nạ chống độc - Vật dụng phòng thân hiệu quả trước hỏa hoạn”.

sv.jpg
Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền hướng dẫn học sinh Trung tâm KT education (Bắc Ninh) đeo mặt nạ phòng độc.

Cụ thể, ấn phẩm mở đầu bằng câu chuyện về An Nhiên- cô bé không may mắn khi có đôi mắt không thể nhìn thấy và có bố là một người lính cứu hoả. Trong một buổi tuyên truyền về PCCC ở chung cư, các hộ dân được phát mặt nạ phòng độc nhưng không ai lấy vì thấy không cần thiết. Riêng An Nhiên đã nhận và sau đó được bố của mình hướng dẫn cách sử dụng mặt nạ phòng độc.

Một ngày nọ, không may chung cư nơi An Nhiên sống xảy ra hoả hoạn. Vì ở nhà một mình, mắt lại không nhìn được nên An Nhiên đeo mặt nạ phòng độc và ngồi vào nơi an toàn theo hướng dẫn của bố mà thoát nạn.

Sau câu chuyện là các hình ảnh và hướng dẫn các bước đeo mặt nạ phòng độc nhằm ứng phó khi có cháy. Đây là cách tiếp cận mới, vừa sinh động, dễ hiểu, gây được sự chú ý của trẻ em, đặc biệt hướng tới đối tượng trẻ em khuyết tật.

sv2.jpg
Học sinh Trung Tâm Hy Vọng Hà Nội đang xem ấn phẩm.

Sau khi hoàn thành ấn phẩm, nhóm sinh viên xây dựng kế hoạch, liên hệ và tiến hành tuyên truyền về nội dung ấn phẩm và kiến thức PCCC. Từ ngày 2 đến 7-12, nhóm tổ chức được 4 buổi tuyên truyền tại: Trung tâm Hy vọng, Trung tâm Nghệ thuật Amie (Hà Nội); KT Education-Trung tâm đào tạo MC, MC nhí, Kỹ năng mềm (thành phố Bắc Ninh) và Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Ninh.

Nội dung của mỗi buổi tuyên truyền được nhóm hết sức chú trọng để tạo tính hấp dẫn và hiệu quả: Bắt đầu bằng các trò chơi như sáng tạo cùng em, nhìn hình đoán tên. Sau đó xem video về các vụ hoả hoạn và tuyên truyền phương pháp thoát nạn, trong đó có sử dụng mặt nạ phòng độc. Phát ấn phẩm để các em đọc và giải thích toàn bộ câu chuyện, kết hợp hướng dẫn, thực hành đeo mặt nạ phòng độc.

Cuối buổi tuyên truyền là phần tổng kết và trao quà cho những em có thành tích tốt trong các trò chơi. Các buổi tuyên truyền nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực, hào hứng của các bạn trẻ.

sv3.jpg
Các em học sinh Trung Tâm Hy Vọng hào hứng tham gia trò chơi.

Cô Nguyễn Thị Bích Hằng, giáo viên lớp trẻ khuyết tật của Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Ninh bày tỏ: “Tôi nhận thấy thiết kế, nội dung ấn phẩm “Mặt nạ chống độc - Vật dụng phòng thân hiệu quả trước hỏa có cách tiếp cận mới mẻ và có ích trong việc truyền tải thông điệp, cách thức bảo vệ bản thân cho trẻ khuyết tật trước cháy, nổ.

Đặc biệt là cách thức tuyên truyền về PCCC mang tính sáng tạo của các bạn sinh viên tạo sự hấp dẫn, phù hợp để trẻ khuyết tật dễ dàng đón nhận”.

Trao đổi với Nguyễn Phương Ly, đại diện cho nhóm sinh viên, được biết: Việc triển khai dự án tuyên truyền về PCCC mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho sinh viên. Trước hết là học tập và hình thành khả năng làm việc nhóm, phân bổ thời gian, trí tuệ và công sức để lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Huy động sự nỗ lực, quyết tâm để hình thành và phát huy được trí tuệ tập thể trong xây dựng ma két, nội dung, kêu gọi tài trợ, in ấn phẩm, lên chương trình, tập dượt.Khi thực hành tuyên truyền lại rèn luyện được kỹ năng tổ chức và thuyết trình. Và hơn hết, nhóm muốn có những đóng góp nhỏ bé giúp cho trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng có kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân an toàn khi không may có hoả hoạn xảy ra.

sv4.jpg
Hình ảnh ấn phẩm “Mặt nạ chống độc- vật dụng phòng thân trong hoả hoạn”.

Từ thành công bước đầu, nhóm sinh viên ấp ủ mong muốn được mở rộng quy mô tuyên truyền hơn nữa cho ấn phẩm “Mặt nạ chống độc - Vật dụng phòng thân hiệu quả trước hỏa hoạn” và kiến thức PCCC. Việc làm tuy nhỏ nhưng rất đáng ghi nhận vì đó chính là sự mạnh dạn dấn thân, “tắm mình” trong thực tiễn cho khát vọng trưởng thành, đóng góp có ích cho cộng đồng./.

Dương Ngọc Anh