Sự kiện & Bình luận

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết

Kim Thoa 09/12/2023 16:21

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra sau thành công tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII của Đảng. Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, tập trung giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao.

z4925777073354428df4597ba9fa169dd9f62189c2d619-1701233017388135870791.jpg
Toàn cảnh cuộc họp báo về kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ của Quốc hội để đánh giá việc thực hiện các kế hoạch 5 năm và hằng năm; trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế duy trì, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Tại Kỳ họp lần này Quốc hội quyết nghị: Thông qua 7 luật: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi).

Cụ thể, Luật Nhà ở được sửa đổi nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành; bổ sung các quy định điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh, hoàn thiện chế tài xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật về nhà ở; đồng thời luật hóa các quy định dưới luật đã được thực tiễn khẳng định phù hợp... Luật gồm 13 chương với 198 điều (tăng 15 điều so với Luật hiện hành). Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Luật kinh doanh bất động sản được sửa đổi đã thể chế hóa đầy đủ các trương của Đảng, góp phần khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật; hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, minh bạch, lành mạnh, bền vững, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ủng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật mới ban hành có 10 chương 83 điều (tăng 04 chương, 01 điều so với Luật hiện hành). Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Luật Tài nguyên nước được sửa đổi nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn, hoàn thiện khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, bổ sung khai thác các cơ chế, chính sách để khuyến khích nguồn lực xã hội hóa, quản hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước, định giá tài nguyên nước, sử dụng và phân bổ nguồn thu từ tài nguyên nước. Luật gồm có 10 chương, 86 điều (tăng 07 điều so với Luật hiện hành). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Luật Viễn thông được sửa đổi nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện các cam kết quốc tế; góp phần phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực viễn thông; thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số... Luật gồm 10 chương, 73 điều (tăng 10 điều so với Luật hiện hành). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là đạo luật mới được nâng lên từ Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự số 32-L/CTN nhằm tiếp tục cụ thể hóa đầy đủ, quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân; góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật gồm có 06 chương 34 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng là một luật mới, được ban hành để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Luật gồm 5 chương, 33 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Luật Căn cước được ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ trực tuyến, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu quốc gia về dân cư; tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và quản lý nhà nước; bảo đảm quyền con người, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Luật gồm 7 chương, 47 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua 9 nghị quyết: Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến đó là, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Dự án Luật Đường bộ; Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Về xem xét kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương đã tích cực, chủ động, trách nhiệm, khẩn trương và phối hợp chặt chẽ trong triển khai rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xem xét, xử lý kết quả rà soát, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đối với các nội dung do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước kiến nghị; có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các văn bản dưới luật; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có liên quan theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Quốc hội đã xem xét, thảo luận các báo cáo về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 và Nghị quyết số 160/2021/QH14; Kết quả 03 năm thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù tại thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 119/2020/QH14. Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết số 97/2019/QH14, số 119/2020/QH14, số 131/2020/QH14 và số 160/2021/QH14 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Kết quả công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan đã hoàn thành 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt 83,2%. Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung đầu tư nguồn lực cho xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án được giao theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; kịp thời triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, ban hành đồng bộ, đúng thời hạn văn bản quy định chi tiết thi hành luật; có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện tiêu chí, quy trình, thủ tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thống nhất, hiệu quả; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước./.

Kim Thoa