Sân khấu - Điện ảnh

Điện ảnh cần được bảo tồn như di sản

Bảo Nguyên 08:12 09/12/2023

Điện ảnh có phải là di sản văn hóa hay không? Nếu điện ảnh là di sản cần được bảo tồn thì liệu có cần một tiêu chí cụ thể, rõ ràng nào? Tại nhiều nước trên thế giới, vấn đề này đã được giải quyết nhưng đối với Việt Nam, đây vẫn là nỗi trăn trở của các nhà làm phim trong nhiều năm qua. Đó là mối quan hệ liên ngành cần sự đánh giá, nhìn nhận nghiêm túc của các nhà sử học, bộ phận bảo tồn di sản văn hóa, lưu trữ phim và người làm phim…

Điện ảnh - một di sản văn hóa

Kể từ khi ra đời, điện ảnh đã mất rất nhiều thời gian để được công nhận là một bộ môn nghệ thuật với khái niệm như bây giờ. Bằng những hình ảnh kết hợp âm thanh sống động cùng nhiều hình thức kích thích các giác quan khác, điện ảnh đã góp phần lưu trữ ký ức nhân loại qua từng thời kỳ, tại các vùng đất khác nhau. Điều đó giúp chúng ta ngày nay có thể xem được những hình ảnh đã được quay lại cách đây hơn 100 năm. Khi chúng ta bước vào thời đại kỹ thuật số, di sản nghe nhìn dường như là một thực tế chắc chắn và hiển nhiên.

dien-anh-viet-nam.jpg

Vậy điện ảnh có được xem là di sản văn hóa hay không? Trước hết, theo Luật di sản Việt Nam thì di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần/ vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác; bao gồm tất cả các di sản truyền thống và các loại hình văn hóa do cha ông để lại và còn tồn tại đến ngày nay, đang được thực hành và có ý nghĩa, giá trị đối với cộng đồng…

Tại buổi tọa đàm “Điện ảnh mà là di sản á?” do Ơ kìa Hà Nội tổ chức tại Hà Nội mới đây, PGS.TS. Trần Trọng Dương (Viện Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: Có những di sản dù chưa được công nhận nhưng nó vẫn (đã) là di sản, chẳng hạn như đoạn phim Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình năm 1945. Một đoạn phim, một thước phim, một chi tiết thôi cũng là một phần của lịch sử dân tộc, chúng ta cần phải huy động mọi nguồn lực để bảo tồn nguồn tư liệu quý giá này. Bởi chúng ta không thể biết chắc rằng, trong một bối cảnh nào đó ở thì tương lai, thước phim đó sẽ có giá trị quý đến thế nào.

Trong bộ phim tài liệu “The Living Record of our Memory” (2021), từ câu chuyện của các nhà lưu trữ, kỹ thuật viên và nhà làm phim từ khắp nơi trên thế giới, đạo diễn người Tây Ban Nha Inés Toharia Terán đã đề cập tới vấn đề bảo quản nghe nhìn là gì và tại sao nó lại cần thiết. Bộ phim phản ánh, có rất nhiều thước phim quý giá trên thế giới đã bị mất đi vĩnh viễn, chỉ bởi phim nhựa là thứ vật liệu vừa kỳ diệu vừa mong manh, tuổi thọ có giới hạn, đòi hỏi sự chăm sóc “tận tình, khắt khe, nghiêm cẩn”, đòi hỏi sự đầu tư không giới hạn cả tiền của lẫn sức người. “Bước đầu tiên để loại bỏ một dân tộc là xóa đi ký ức của họ” (Milan Kundera), câu nói thật đáng sợ nhưng cũng đáng suy ngẫm này được bộ phim trích dẫn để nói về tầm quan trọng của việc lưu trữ phim trên thế giới.

dien-anh-vn-2.jpg
Tình trạng kho phim của Hãng Phim truyện Việt Nam. Ảnh: Đạo diễn Thanh Vân.

Thực tế, điện ảnh đã được thế giới xem là di sản từ lâu. Đó là từ những năm 1980, khi UNESCO bắt tay thực hiện bảo tồn, gìn giữ những giá trị, sản phẩm hình ảnh động, trong đó xem điện ảnh là di sản cần phải giữ gìn. Năm 1992, UNESCO khởi xướng chương trình “Ký ức thế giới”, đưa ra những khái niệm ký ức và đã có các tác phẩm điện ảnh trên thế giới được ghi danh tại chương trình đó. Như vậy, từ khoảng 40 năm trước, các hình thức di sản tư liệu được công nhận không chỉ là chữ viết, bản ghi âm hay hình ảnh mà còn là hình ảnh động - những thước phim. Việt Nam đã tham gia chương trình này từ năm 2006 và đến nay đã có 9 di sản tư liệu (bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương) ở loại hình chữ viết và hình ảnh được UNESCO vinh danh.

Sự ra đời của Viện phim Việt Nam (tiền thân là Viện Tư liệu phim Việt Nam) năm 1979 là minh chứng cho thấy Nhà nước ta đã quan tâm, đánh giá cao giá trị của việc bảo quản, lưu trữ phim cũng như các tư liệu điện ảnh. Dù chưa được gọi tên là di sản nhưng điện ảnh Việt Nam đã được bảo quản, gìn giữ ở một mức độ nhất định.

Bà Đinh Thị Thúy Chinh - chuyên gia bảo quản phim (Viện phim Việt Nam) cho biết, hiện nay tại Viện phim vẫn còn lưu trữ rất nhiều phim của điện ảnh Việt Nam hai miền trước 1975. Các phim này vẫn được tu sửa, bảo quản trong kho lưu trữ. Có nhiều phim đã được chuyển sang định dạng số. Viện phim vẫn mở chiếu nhiều phim kinh điển có chất lượng tương đối tốt vào các dịp lễ lớn của đất nước, phục vụ rộng rãi công chúng.

Cần những tiêu chí nào?

Từ năm 2019, chuỗi hoạt động “Điện ảnh như một di sản văn hóa” bao gồm hội thảo chuyên đề, các workshop chuyên môn và các sự kiện dành cho công chúng do Viện phim Việt Nam và Hội đồng Anh tại Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của các đơn vị thuộc hãng phim quốc gia và các nhà làm phim độc lập, người yêu điện ảnh. Chuỗi hoạt động này đã thúc đẩy những góc nhìn mới vào việc bảo tồn và lan tỏa các tư liệu lịch sử ở lĩnh vực phim/ điện ảnh; thúc đẩy các hoạt động và đầu tư vào các quy trình lưu trữ, phục chế và quảng bá phim và video.

dien-anh-vn-3.jpg
Một cảnh trong phim “Cánh đồng hoang”. Ảnh tư liệu.

TS. Trần Hoài (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, giá trị di sản của tác phẩm điện ảnh không chỉ là cuộn/ đĩa phim (ở khía cạnh vật chất) mà còn là bối cảnh trường quay, tri thức về kỹ thuật làm phim/ của nhà quay phim/ diễn viên/ đội ngũ làm phim… và đó là các giá trị phi vật thể nằm ở ký ức của mỗi gia đình, mỗi dân tộc.

Đạo diễn Inés Toharia Terán đã cho thấy, những thước phim về cuộc sống thường ngày của một cộng đồng dân cư dù chỉ là đoạn ngẫu hứng vu vơ của người quay phim, nhưng hàng chục năm sau, đoạn phim đó là trang lịch sử sống động nhất mà thế hệ sau của vùng đất ấy biết được về thời trẻ của cha mẹ mình cũng như bối cảnh xã hội của quê hương. Và thú vị là, một bộ phim nổi tiếng như “Cuốn theo chiều gió” (đạo diễn Victor Fleming, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Margaret Mitchell) cho đến nay lại bị cấm chiếu ở nhiều quốc gia trên thế giới, vì có yếu tố phân biệt chủng tộc.

Vậy với một lĩnh vực đặc thù như điện ảnh, khi trở thành di sản thì liệu có tiêu chí nào cụ thể hay không? Những bộ phim chỉ mang tính giải trí nhất thời, thậm chí là “hài nhảm” mà không có giá trị cao về mặt nghệ thuật, nội dung, tư tưởng liệu có được coi là di sản?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng: “Một bộ phim điện ảnh dù ở thể loại nào đi nữa, cũng đã mang sứ mệnh truyền tải tất cả tri thức của đoàn làm phim, xu hướng thời đại, quan điểm, lối sống đại diện của một nhóm người trong một thời điểm nhất định. Vì thế, khi xét điện ảnh ở góc độ di sản, ta chỉ nên nhìn nhận với các tiêu chí dành cho di sản”. Đó là bắt đầu từ những đặc điểm như sản phẩm có tính lịch sử, văn hóa, tính đại diện, là bản sắc cộng đồng, là sự phản ánh đa dạng văn hóa/ sự sáng tạo của con người… Còn các yếu tố khác như giá trị nghệ thuật hay giá trị kinh tế thuộc vào câu chuyện khác. Giống như sự khẳng định của PGS.TS. Trần Trọng Dương: “Phim ảnh chính là một nguồn sử liệu. Chưa cần biết giá trị thế nào, phải cố gắng lưu trữ tối đa, ít nhiều sẽ có ích cho mai sau”. Như vậy, dù là phim điện ảnh nghệ thuật, hay đơn thuần là điện ảnh giải trí thông thường, đều đáng được lưu trữ, chỉ khác ở cấp độ lưu trữ mà thôi.

Bên cạnh đó, có một thực tế oái oăm là những bộ phim điện ảnh mà ta được xem trên màn ảnh rộng chưa phải là phiên bản đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất của một tác phẩm. Sự chưa trọn vẹn ấy chưa kể đến những cảnh quay đã bị cắt bớt vì thời lượng, vì kiểm duyệt hay vì bất cứ lý do nào khác. Mà đó là các lỗi về sai màu, sai tiếng, sai nhạc, sai tỷ lệ khuôn hình… Ở đây, là vấn đề kỹ thuật. “Vì thế, bản thân những người làm phim, đơn vị sở hữu phim, những người hiểu bộ phim của mình nhất, phải tự ý thức bảo quản phim của mình trước khi mong đợi một tiêu chí, chính sách cụ thể nào đó từ phía các đơn vị có thẩm quyền”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhấn mạnh.

“Chưa kể, hiện nay cái được gọi là số hóa ở Hãng phim Truyện Việt Nam chỉ còn giữ được 40% giá trị của những bộ phim nhựa”, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đề cập tới thực trạng đáng buồn của việc lưu trữ phim. Và nói như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thì, trong việc bảo tồn điện ảnh như một di sản, ngoài các tiêu chí mà các cơ quan có thẩm quyền sẽ đưa ra cụ thể thì “trước hết cần xuất phát từ cái gốc của nó, đó là ngôn ngữ điện ảnh. Điện ảnh nên và phải luôn được hiển thị bằng hình ảnh và âm thanh như nó vốn có, không phải chịu một sự xâm phạm hay sai lệch nào…”

Khi điện ảnh được xem là di sản, rất cần một bản dự thảo về những điều kiện, tiêu chí bảo tồn di sản điện ảnh đưa vào luật di sản văn hóa. Hi vọng rằng, dù muộn còn hơn là không, những trang sử sống động của dân tộc ta, sẽ được lưu trữ, bảo tồn một cách tốt nhất có thể./.

Bảo Nguyên