Nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo để ứng xử văn minh nơi công cộng lan toả sâu rộng
Thời gian qua, Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Thành phố đã được các địa phương của Hà Nội triển khai sâu rộng đến các thôn, tổ dân phố gắn với việc thực hiện nếp sống văn minh từ chính cộng đồng dân cư. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt của các cấp chính quyền và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân cùng nhiều cách làm sáng tạo, kinh nghiệm hay để ứng xử văn minh nơi công cộng đã thu được những kết quả đáng khích lệ.
Thôn, Tổ dân phố văn hoá, không tệ nạn
Tại huyện Ứng Hoà, ngay từ ngày 27/11/2017, UBND huyện đã ban hành Đế án số 01/ĐA-UBND về việc ra mắt mô hình nhà văn hóa tự quản, trong đó các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tủ sách cơ sở được thành lập. Cho đến nay đã có 72 mô hình này ở các thôn, tổ dân phố đi vào hoạt động. Hàng năm UBND huyện hỗ trợ nguồn kinh phí là 2 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị. Đây là cơ sở để nhân dân trên địa bàn các thôn, tổ dân phố giao lưu, học tập, hưởng thụ giá trị văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước.
Tiếp đó, ngày 28/9/2021, UBND huyện ban hành Đề án số 02/ĐA-UBND về xây dựng “Làng văn hóa tiêu biểu văn minh” trên địa bàn huyện Ứng Hòa giai đoạn 2021-2025. Huyện chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin khảo sát, xây dựng 08 làng, bước đầu các tiêu chí được sự đồng thuận vào cuộc hưởng ứng của nhân dân như: việc lắp biển số nhà, biển chỉ dẫn đường, làm các cụm cờ hoa, pano khẩu hiệu tuyên truyền, hạn chế việc rắc vàng mã ở đám tang, tăng tỷ lệ hỏa táng khi có đám tang ở các thôn, tổ dân phố. Đáng nói là việc hạn chế viếng đám tang bằng vòng hoa gây lãng phí, các thôn được khảo sát và triển khai thực hiện ở cơ sở, gồm 08 thôn: Cao Lãm xã Cao Thành, Miêng Hạ xã Hoa Sơn, Bặt Chùa xã Liên Bạt, Nhân Hòa xã Hòa Xá, Trầm Lộng xã Trầm Lộng, Ngọc Trục xã Đông Lỗ, Đặng Giang xã Hòa Phú, Ngọc Động xã Phương Tú.
Từ năm 2022 đến nay, huyện tổ chức Cuộc thi “Ứng Hòa chung sức xây dựng diện mạo nông thôn mới”. Trong đó, kết quả kiểm tra đợt 1/2023 vào tháng 7/2023 cho thấy, diện mạo từ trung tâm huyện đến các xã, thị trấn đều trở nên khang trang, sạch đẹp hơn. Các xã thực hiện tốt phải kể đến như: Đồng Tân, Đông Lỗ, Hòa Lâm, Đại Cường, Hòa Xá, Cao Thành, Hoa Sơn,... Nhờ đó đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn nơi đây.
Một địa phương khác ở Hà Nội cũng được đánh giá là điểm sáng trong triển khai xây dựng văn minh nơi công cộng đó là huyện Mỹ Đức. Tại đây, công tác niêm yết bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Thành phố được thực hiện nghiệm túc tại các cơ quan, đơn vị, trường học; các địa điểm đông dân cư, nhà văn hoá thôn, làng, khu dân cư, tổ dân phố và các di tích, điểm du lịch… trên địa bàn huyện. Đến nay, đã thực hiện niêm yết tại 100% các cơ quan, đơn vị, trường học thuộc huyện. Niêm yết 155 bảng Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các nhà văn hóa thôn, di tích, chợ, nơi công cộng....; biển chỉ dẫn người dân thực hiện Quy tắc ứng xử.
Mô hình thôn, tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường xanh, sạch, đẹp đã được triển khai tại 70 thôn, tổ dân phố và tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.
Bên cạnh đó, để tạo sức lan tỏa trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, nâng cao ý thức thực hiện của nhân dân, dưới sự hướng dẫn của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mỹ Đức, tại 22 xã, thị trấn đã tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình trồng đường hoa, vẽ tranh bích họa, tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp, mang đến một diện mạo đẹp cho nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết: “Thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm huyện Mỹ Đức. Trong đó, huyện Mỹ Đức chủ trương phân tích, nhận định những tiềm năng, thế mạnh riêng có của mình để từ đó triển khai hướng đi phù hợp nhằm phát huy tối đa hiệu quả trong công tác triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử trong thực tế cuộc sống; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá của Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại”.
Mô hình nhà văn hoá tự quản trong cộng đồng dân cư
Huyện Đông Anh được ghi nhận là một trong những địa phương đi đầu, điểm sáng trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Thành phố, trong đó phải kể đến việc nâng cao chất lượng xây dựng mô hình “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” gắn với quản lý, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện.
Toàn huyện Đông Anh đã có 155/155 thôn (làng), 40/40 tổ dân phố tổ chức tọa đàm quy tắc ứng xử nơi công cộng, qua đó từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hoá, điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của các cá nhân, tổ chức nơi công cộng; tạo thành nề nếp, duy trì thường xuyên, liên tục, phù hợp với tình hình thực tế tại các thôn (làng), tổ dân phố; Hội nghị tọa đàm góp phần gìn giữ và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đưa nội dung tuyên truyền bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào các cuộc họp thôn, tổ dân phố; lồng ghép nội dung mô hình gắn với việc bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá”. 195/195 thôn, tổ dân phố đã triển khai việc bổ sung các nội dung phù hợp về quy tắc ứng xử vào hương ước, quy ước, trình UBND huyện công nhận theo quy định. Các nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng được bổ sung đưa vào hương ước, quy ước đã được đưa ra cho cộng đồng dân cư trực tiếp bàn, góp ý và thống nhất tự nguyện thực hiện.
Tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh hiện có 01 trung tâm văn hóa, thể thao; 8/8 Nhà văn hoá - Khu thể thao thôn – Điểm sinh hoạt cộng đồng thôn đã cơ bản đạt chuẩn theo quy định của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa và thể thao trên địa bàn xã Liên Hà phần lớn được xây dựng khá khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các tổ chức chính trị, xã hội và quần chúng nhân dân tại mỗi thôn trên địa bàn. Cùng với hệ thống phương tiện nghe nhìn được phát triển đồng bộ đến với mỗi cụm dân cư, gia đình, cá nhân đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Điều đáng ghi nhận là người dân đã chủ động, tích cực trong việc đóng góp vật chất, tinh thần để xây dựng, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở.
Với kết quả đó, huyện Đông Anh trở thành điểm sáng của Thành phố trong thực hiện Quy tắc ứng xử, được nhiều huyện đến tham quan, học tập.