Văn hóa – Di sản

Người Việt trẻ khơi “màu dân tộc” từ tranh truyền thống xứ Kinh kỳ

Hà Trang 21:58 06/12/2023

Bằng sức sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ, các thành viên trong nhóm dự án Magic Of Color (MOC) đã đưa màu sắc dân tộc trong ba dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam trở nên hòa nhịp với cuộc sống hiện đại.

Magic Of Color (MOC) được sáng lập bởi “chị cả” Nguyễn Thị Hữu từ tháng 12/2020. Đó là quãng thời gian vô cùng khó khăn đối với việc vận hành các bảo tàng văn hóa, các di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Hà Nội khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội. Thấu hiểu được điều đó, chị Hữu cùng 4 thành viên khác cùng nhau khởi chạy chương trình hỗ trợ các hoạt động truyền thông online cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám,...

Qua thời gian, niềm say mê với nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ngày càng được bồi đắp trong lòng mỗi thành viên. Chị Hữu quyết định viết thành dự án riêng và chọn chủ đề “Màu dân tộc” gắn với 3 dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam: tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống và tranh Kim Hoàng.

anh-1-3-.jpg
Cặp tranh "Vinh hoa - Phú quý" thuộc dòng tranh Đông Hồ được trưng bày tại buổi workshop “Vờn màu”.

Để đáp ứng khối lượng công việc, số lượng thành viên của dự án tăng lên 10 người. Phần lớn các thành viên đều là các bạn trẻ thuộc thế hệ 9x, 10x đến từ các trường đại học như: Học viện Báo chí và tuyên truyền, Đại học Mỹ thuật công nghiệp.

anh-2-3-.jpg
Các thành viên nhóm dự án Magic Of Color.

Với mục tiêu tạo ra các hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm về các loại hình tranh dân gian Việt Nam chất lượng, các thành viên tại MOC đã kiên trì tìm đến học hỏi các nghệ nhân lâu năm. Nhờ đó, phần nào nắm được các đặc điểm, nét độc đáo từng loại tranh và học hỏi về quy trình làm tranh chuẩn.

Đối với tranh dân gian Đông Hồ, dự án nhận được sự giúp đỡ của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế cùng người thân trong gia đình nghệ nhân về nguồn nguyên vật liệu, các chủ đề,... Với tranh dân gian Hàng Trống, các thành viên tìm đến nghệ nhân Lê Đình Nghiên để học hỏi cách chọn giấy, làm hồ, kỹ thuật dùng bản khắc in,... sao cho đúng cách. Dòng tranh Kim Hoàng từng có thời gian “biến mất” hơn 7 thập kỷ nay được làm “sống dậy” cũng được các bạn trẻ đưa vào các chương trình trải nghiệm tại MOC với sự đồng hành của nghệ nhân Đào Đình Trung và họa sĩ trẻ Nam Chi.

anh-3.jpg
MOC luôn được nghệ nhân Lê Đình Nghiên “ưu ái” vẽ các bức tranh Hàng Trống từ tranh thờ, tranh chơi Tết cho đến tranh của các nhân vật trong truyện, tranh thế sự…

Tất cả những cơ duyên đó đã giúp từng bước đi của MOC đúng hướng hơn và khơi dậy sự kết nối giữa thế hệ xưa và nay, giữa nghệ nhân và người trẻ thông qua những buổi chia sẻ, hướng dẫn.

Sau hơn 3 năm triển khai dự án, giờ đây tất cả các hoạt động: từ lên ý tưởng, thiết kế ấn phẩm đến tổ chức chương trình, truyền thông dự án, bán hàng,... đều do các bạn trẻ trong nhóm đảm nhiệm.

anh-4.jpg
Thành viên nhóm dự án trực tiếp hỗ trợ du khách làm đèn lồng tranh Hàng Trống.

Anh Đỗ Hào Quảng - trưởng dự án Magic Of Color bày tỏ niềm tự hào về các thành viên trong nhóm: “Là những người rất trẻ nên tư duy của các bạn rất sáng tạo và không bị giới hạn bởi bất kỳ khuôn mẫu nào. Cả nhóm cùng mang tư duy đó vào cách làm việc để tạo ra những chương trình, sản phẩm có thể lan tỏa đến với người trẻ. Mọi người cảm thấy thích thú và trân trọng khi tham gia chính là thành công của chương trình”.

Nhóm dự án mong muốn thông qua các hoạt động trải nghiệm mỗi du khách sẽ có thêm hiểu biết và ngày càng yêu mến các dòng tranh dân gian của dân tộc. Mỗi du khách cũng chính là cầu nối góp phần lan tỏa tinh hoa văn hóa truyền thống đến với nhiều người hơn.

anh-6.jpg
Những buổi workshop luôn thu hút sự tham gia của các em nhỏ và các bậc phụ huynh.

Chính vì thế, từ cuối năm 2020 đến nay, MOC đã tổ chức hàng chục các sự kiện workshop với chủ đề Tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng. Gần 20 chuyến tham quan và trải nghiệm tại làng nghề tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng cũng được MOC thực hiện.

Ngoài ra, với sự sáng tạo và nhanh nhạy, các bạn trẻ đã phối hợp cùng nghệ nhân làm nên các sản phẩm “độc bản” bằng cách vẽ các mẫu tranh lên gốm, đèn lồng, các mẫu tranh cải biên,... Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của du khách, các thành viên cũng tự thiết kế các mẫu để in hàng loạt lên túi tote, cốc, bình giữ nhiệt, các thiết bị học tập,... Việc kết hợp tranh dân gian lên các sản phẩm có tính ứng dụng trong đời sống là một cách để gắn kết giữa nghệ thuật và cuộc sống hằng ngày.

anh-7.jpg
Những sản phẩm nhỏ xinh, tiện dụng như móc khóa, tranh để bàn, hộp đựng bút,... được các thành viên MOC thiết kế làm quà tặng người tham gia.

Dự án Magic Of Color không chỉ mang đậm màu sắc của những dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam mà còn mang trong đó sự đa sắc, cá tính của những thành viên trong nhóm. Được biết, trong tương lai, MOC sẽ tập trung xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp hơn và phát triển các chương trình liên kết với đại sứ quán các nước. Chị Nguyễn Thị Hữu - người sáng lập dự án MOC chia sẻ: “Chúng tôi muốn tổ chức nhiều hoạt động lan tỏa nét đẹp tranh dân gian Việt Nam không chỉ với du khách trong nước mà còn cả du khách nước ngoài”./.

Hà Trang