Sự kiện & Bình luận

Kỷ niệm 10 năm ngày UNESCO ghi danh, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được vinh danh trên trang chủ Google

Phan Anh 06/12/2023 19:57

Ngày 5/12, Google đổi biểu tượng trang chủ Google Tiếng Việt thành hình ảnh của môn nghệ thuật Đờn ca tài tử. Thông qua hoạt động này, Google muốn vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử nhân Kỷ niệm 10 năm ngày UNESCO ghi danh loại hình nghệ thuật này vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (5/12/2013-5/12/2023).

1200px-ban_nhac_don_ca_tai_tu_sai_gon_-1911-.jpeg
Kỷ niệm 10 năm ngày UNESCO ghi danh, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được vinh danh trên trang chủ Google

Theo Google, đờn ca tài tử xuất hiện từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nghi lễ và âm nhạc cung đình Huế.

Nghệ thuật này vừa mang tính bác học,vừa mang tính dân gian gắn liền với mọi sinh hoạt cộng đồng dân cư Nam Bộ, được cải biên từ nhạc cung đình Huế và sáng tác mới trên nền tảng âm nhạc dân ca, hát đối, hò vè của vùng đất Nam Bộ.

Đây là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, là nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động.

Đờn ca tài tử là sự hòa hợp giữa các loại nhạc cụ như đàn tam thập lục, sáo, đàn tỳ bà... để tạo nên giai điệu đẹp. Dù xuất phát từ Huế nhưng nghệ thuật đờn ca tài tử phát triển mạnh ở các tỉnh, thành Nam Bộ.

Theo Google, đây là thời điểm thích hợp để thưởng thức Đờn ca tài tử tại Việt Nam. Loại hình nghệ thuật này đóng góp một phần quan trọng trong các dịp kỷ niệm, đám cưới, Tết Nguyên đán, sinh nhật và bất kỳ cuộc tụ họp nào. Đờn ca tài tử giúp kết nối cộng đồng thông qua việc chia sẻ văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc và sẽ tiếp nối cho các thế hệ mai sau.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ mà còn góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật Đờn ca tài từ Nam Bộ là một gạch nối giữa nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật hiện đại, góp phần tạo nên sự giao lưu đa dạng cần thiết của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử phát triển mạnh ở ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam như: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, TP.HCM và Vĩnh Long./.

Phan Anh