Hà Nội

Hà Nội thực hiện 8 nội dung để tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững

Hoa Quỳnh 07:54 06/12/2023

Thủ đô Hà Nội sẽ tập trung triển khai 8 nội dung nhằm thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ, phấn đấu đưa ngành du lịch Hà Nội từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển của ngành, lĩnh vực khác của Thành phố.

Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025”. Trong Kế hoạch này, UBND Thành phố Hà Nội đã đưa ra 8 nội dung và yêu cầu các Sở, ban ngành, đơn vị, quận, huyện, thị xã trên địa bàn cùng phối hợp triển khai, thực hiện hiệu quả.

aodaihnoi.jpg
Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội là sản phẩm du lịch mới với nhiều nét đặc sắc, hấp dẫn du khách trong nước lẫn quốc tế.

8 nội dung trong Kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025, gồm có:

1. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch Thủ đô theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; 2. Tập trung công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, hợp tác liên kết phát triển thị trường khách du lịch; 3. Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường; 4. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường; 5. Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; 6. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; 7. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện; 8. Tăng cường công tác chuyển đổi số ngành Du lịch Thủ đô.

Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa thành dòng sản phẩm chủ đạo

UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện, hiệu quả các hoạt động phát triển sản phẩm du lịch, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch hướng tới phân khúc cao cấp, nhóm khách du lịch có chỉ tiêu cao, thời gian lưu trú dài ngày.

Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu phát triển sản phẩm du lịch theo hướng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa thành dòng sản phẩm chủ đạo, định vị thương hiệu du lịch Thủ đô, làm nền tảng gắn kết, phát triển các sản phẩm du lịch khác như: du lịch MICE, du lịch sáng tạo, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao, du lịch ẩm thực...

Ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các điểm đến du lịch di tích - di sản, du lịch nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch trải nghiệm thực cảnh, có câu chuyện du lịch hấp dẫn, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô. Tập trung xây dựng thương hiệu một số điểm đến du lịch điển hình của một số địa phương của Thành phố. Đồng thời tăng cường kết nối các điểm đến du lịch, cơ sở dịch vụ, ăn uống, lưu trú, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch với các doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế.

tinhhoabacbo.jpg
Chương trình nghệ thuật thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai có câu chuyện hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô.

Tổ chức các chương trình, lễ hội nâng tầm thương hiệu du lịch để thu hút khách quốc tế

Tăng cường các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trọng điểm đặc biệt là các thị trường trọng điểm phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam... Phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức các đoàn famtrip, presstrip, đoàn làm phim, nhiếp ảnh, youtuber đến tham quan, khảo sát các điểm đến du lịch tại các tỉnh, thành phố nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến và xây dựng các tour du lịch hấp dẫn, độc đáo, có tính kết nối cao.

Cơ cấu lại hoạt động xúc tiến du lịch theo hướng triển khai kế hoạch phát triển thương hiệu du lịch chuyên nghiệp, chất lượng, hiện đại, gắn với bản sắc văn hoá Thủ đô, Việt Nam, tận dụng ưu thế hình ảnh nhận diện các thương hiệu của các nhãn hàng uy tín quốc tế. Nghiên cứu, tổ chức các chương trình, cuộc thi, liên hoan quốc tế về các lĩnh vực: ẩm thực, giải trí, điện ảnh, thời trang... tạo tiếng vang và nâng tầm thương hiệu du lịch Thủ đô đối với các thị trường khách du lịch quốc tế. Liên kết hợp tác trong công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch. Các địa phương cùng liên kết hợp tác và quảng bá tại sự kiện xúc tiến quốc tế.

Xây dựng kế hoạch tuyên truyền quảng bá thành phố Hà Nội trên các kênh truyền thông, truyền hình quốc tế, quốc gia… mang tính chiến lược. Sở Du lịch phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Thành phố tổ chức các sự kiện, lễ hội, chuỗi hoạt động du lịch lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế hằng năm theo hướng chuyên nghiệp, đặc sắc, tạo nét khác biệt, mang đậm giá trị văn hóa của Thủ đô, gắn các hoạt động du lịch với hoạt động văn hóa, thể thao, đầu tư và thương mại. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch Thủ đô tại các chương trình, hội chợ xúc tiến du lịch quốc tế đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

hong-van-9.jpg
Hoạt động văn hóa nghệ thuật tại chợ đêm xã Hồng Vân - điểm du lịch nông thôn nổi tiếng của huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội.

Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch theo định hướng từng khu vực

Tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm du lịch Hà Nội tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn như du lịch văn hóa, lịch sử, thể thao, vui chơi giải trí, ẩm thực, MICE, du lịch golf, chăm sóc sức khỏe, sản phẩm du lịch đêm, định hướng phát triển sản phẩm, sản phẩm quà tặng - OCOP du lịch Thủ đô...

Xây dựng, triển khai kế hoạch quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô trên các nền tảng số, mạng xã hội phù hợp với xu hướng mới của thị trường, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động liên kết vùng, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, với Thủ đô các nước trong khu vực và quốc tế, nhất là trong khảo sát, xúc tiến, kết nối các doanh nghiệp du lịch, khai thác, chia sẻ dữ liệu tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch.

UBND Thành phố Hà Nội đồng thời yêu cầu Sở Du lịch chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến liên kết, hợp tác phát triển đa dạng các sản phẩm, loại hình du lịch mới. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch theo định hướng từng khu vực.

Cụ thể, khu vực trung tâm Thành phố tập trung nâng cao chất lượng các điểm đến du lịch văn hóa - di sản, du lịch đêm, du lịch MICE, du lịch sáng tạo, du lịch ẩm thực. Khu vực phía Tây (Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai) định hướng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa. Khu vực phía Bắc (Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn) định hướng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch mua sắm - giải trí, du lịch thể thao; Khu vực phía Đông (Gia Lâm, Long Biên) định hướng phát triển các hoạt động du lịch mua sắm, du lịch đêm. Khu vực phía Nam (Hà Đông, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai...) định hướng phát triển du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch văn hóa.

du-lich-muong-5.jpg
Hoạt động trải nghiệm của du khách tại một điểm du lịch cộng đồng ở thôn Đồng Bồ, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai.

Sở Du lịch phối hợp với UBND các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức... xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại các xã miền núi, gắn với phát triển các sản phẩm, tour du lịch trải nghiệm văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Cùng đó, Sở Du lịch phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Tổng công ty Du lịch Hà Nội xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống, trước mắt hình thành tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đồng Tử.

Làm mới sản phẩm, phát triển các tour du lịch trải nghiệm, du lịch đêm

Đối với Sở Văn hóa - Thể thao, chính quyền Thành phố Hà Nội yêu cầu Sở này chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô hiệu quả, thực chất. Tập trung đề xuất các nhóm chính sách, giải pháp phát triển các nhóm lĩnh vực: du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, thời trang... Triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch thực hiện sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO gắn với phát triển du lịch. Thiết kế chỉ dẫn, biểu tượng địa danh các di sản văn hoá của Thành phố.

Đồng thời, Sở Văn hóa – Thể thao tập trung triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các dự án trùng tu, tôn tạo di tích, di sản trên địa bàn Thành phố Hà Nội, quan tâm lồng ghép các nội dung phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch tại các dự án này. Sở Văn hóa – Thể thao phối hợp với Sở Du lịch chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị điểm đến di tích, di sản tập trung làm mới sản phẩm, phát triển các tour du lịch trải nghiệm, du lịch đêm gắn với các giá trị, nội dung lịch sử, văn hóa của di tích, di sản…

Hai đơn vị này cùng phối hợp rà soát, lựa chọn một số điểm đến di tích - di sản, làng nghề, phố nghề điển hình, hấp dẫn tại một số địa phương của Thành phố để tập trung đầu tư phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, làm nổi bật hình ảnh du lịch./.

Hoa Quỳnh