Y tế - Giáo dục

Hướng tới mục tiêu có 50% cơ sở giáo dục đại học đào tạo thương mại điện tử vào năm 2025

PV 05:50 06/12/2023

Trong số 238 cơ sở giáo dục đại học được khảo sát, đã có 47% trường đào tạo học phần thương mại điện tử, trong đó có tới 40 trường đào tạo ngành thương mại điện tử. Một nửa số trường đã bắt đầu đào tạo thương mại điện tử từ năm 2020 cho đến nay.

v1.jpeg
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Ngày 5-12, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo Đào tạo thương mại điện tử 2023. Báo cáo được xây dựng từ số liệu khảo sát của 238 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2023.

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định cho việc thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược trong kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 645/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Từ năm 2022, VECOM đặt ưu tiên cao trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cơ sở giáo dục đại học triển khai hoạt động đào tạo ngành, chuyên ngành và học phần thương mại điện tử.

Theo báo cáo, trong số 238 cơ sở giáo dục đại học được khảo sát, đã có 47% trường đào tạo học phần thương mại điện tử, trong đó có tới 40 trường đào tạo ngành thương mại điện tử. Đây là những con số rất ấn tượng. Trong đó, một nửa số trường đã bắt đầu đào tạo thương mại điện tử từ năm 2020 cho đến nay. Điều này cho thấy các trường đã nắm bắt rất nhanh xu hướng về thương mại điện tử và kinh tế số. Từ đó, nhanh chóng xây dựng chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên.

v3.jpeg

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nếu có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các trường đại học với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo và thương mại điện tử, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng các tổ chức và doanh nghiệp thì mục tiêu đến hết năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đại học triển khai đào tạo thương mại điện tử là khả thi.

Để nâng cao chất lượng về đào tạo thương mại điện tử, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam kiến nghị, các trường đại học, đặc biệt là các trường kinh tế, đào tạo ngành thương mại điện tử cần nắm bắt xu hướng phát triển của xuất khẩu trực tuyến, bổ sung các học phần phù hợp vào chương trình đào tạo.

Đồng thời, chương trình đào tạo cũng phải chú trọng hơn tới các học phần liên quan ngoại ngữ, thương mại quốc tế, thanh toán quốc tế, e-Logistics và dịch vụ hoàn tất đơn hàng (Fulfillment Services).

Nhấn mạnh về vai trò của nguồn nhân lực trong phát triển thương mại điện tử hiện nay, chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, đào tạo nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định cho việc thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược trong kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định 645/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

v2.jpeg
PGS.TS Phạm Thu Hương cũng đánh giá cao báo cáo đào tạo thương mại điện tử 2023.
PGS.TS Phạm Thu Hương cũng đánh giá cao báo cáo đào tạo thương mại điện tử 2023. Báo cáo đã cung cấp thông tin cập nhật, đa dạng về hiện trạng đào tạo thương mại điện tử 2023 trong các trường đại học.
Báo cáo về đào tạo thương mại điện tử 2023 đã chỉ ra, có thể nhận thấy hoạt động đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học đã bước từ giai đoạn phát triển quy mô sang giai đoạn thiên về chất lượng.
Tháng 8 năm 2022 Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cùng 27 trường đại học trên cả nước đã thành lập Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử (VecomNet). Tới tháng 11 năm 2023 số thành viên đã tăng lên 36 trường. Đa số trường thành viên đào tạo ngành thương mại điện tử, một số trường đào tạo chuyên ngành. Trong dài hạn VecomNet sẽ mở rộng tới các trường đào tạo học phần thương mại điện tử cũng như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là các trường cao đẳng.
Sau hơn một năm hoạt động VecomNet đã cho thấy sức mạnh của mình trên cơ sở hợp tác nhiều bên, với Hiệp hội Thương mại điện tử là nòng cốt.
Bên cạnh đó, nhiều văn bản chính sách và pháp luật về chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử cũng như về chuẩn chương trình đào tạo, mở ngành đào tạo được ban hành trong vài năm gần đây đã và đang hỗ trợ tích cực cho sự chuyển đổi này.

Thương mại điện tử trên phạm vi toàn cầu đã phát triển rất nhanh trong hai thập kỷ qua. Bên cạnh những tác động tích cực tới kinh tế, thương mại điện tử đã bộc lộ những tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội.

Các trường đại học đào tạo ngành thương mại điện tử, đặc biệt là các trường vừa đào tạo ngành này đồng thời đào tạo các ngành liên quan tới môi trường, cần dẫn đầu trong việc đưa vào chương trình đào tạo học phần về bảo vệ môi trường. Đây cũng là một hướng đi tạo ra sự khác biệt và nâng cao tính cạnh tranh trong tuyển sinh ngành thương mại điện tử./.

PV