Chuyển động Hà Nội

Cầu Long Biên cần được coi là Di sản đô thị của Thủ đô Hà Nội

Trung Kiên 05/12/2023 20:42

Theo TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh, Phó Trưởng khoa Sau Đại học - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cầu Long Biên và Công viên Văn hóa Bãi Giữa sông Hồng cần được nhìn nhận là Di sản đô thị của Thủ đô Hà Nội.

Trong Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng là tương lai của Thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN) mà năm 2019, Hà Nội đã chính thức trở thành thành viên với danh hiệu Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế, sẽ là thách thức mới cho chính quyền Thành phố thể hiện quyết tâm, sáng tạo, khát vọng phát triển, đưa sông Hồng là một phần của không gian mở đô thị Hà Nội.

caulongbien-2.jpg
Cầu Long Biên cần được nhìn nhận là Di sản đô thị.

Góp ý về tầm nhìn và giải pháp xây dựng Công viên Văn hóa Cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng, TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, nhắc đến không gian Bãi Giữa sông Hồng, không thể quên một di sản đô thị của Hà Nội đó là cầu Long Biên, một công trình đặc biệt, kết cấu thép đặc biệt và một kết nối có giá trị đặc biệt qua sông Hồng, kết nối với không gian xanh Bãi Giữa sông Hồng. Hai yếu tố này là hai thành phần cấu trúc không chỉ là điểm nhấn cảnh quan mà còn là sự kết nối văn hóa, lịch sử, là nhân chứng lẫn nhau về sự biến đổi qua thời gian.

“Dựa trên ảnh vệ tinh chụp từ năm 1984 -2023 cũng cho thấy giai đoạn trước năm 2000, Bãi Giữa sông Hồng có sự biến đổi mạnh về cấu trúc, bồi lắng, dịch chuyển vị trí, quy mô, trong đó có những thời điểm như năm 1998, 2000 có sự thu hẹp đáng kể. Có thể thấy, khoảng 20 năm trở lại đây, sông Hồng đã có sự ổn định, thu hẹp về dòng chảy, mực nước suy giảm đã tạo nên sự thay đổi không gian Bãi Giữa sông Hồng theo hướng mở rộng, dịch chuyển, kết nối với phần bờ phía Nam sông Hồng, đã tạo nên quỹ đất ngày càng lớn, là cơ sở tạo lập công viên văn hóa Bãi Giữa sông Hồng”, TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh, phân tích.

TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh đánh giá, với các giá trị của cầu Long Biên hội đủ các giá trị toàn cầu về lịch sử, kết cấu, cảnh quan, kiến trúc... thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà quy hoạch, cảnh quan, kỹ sư kết cấu, kiến trúc sư, nhà sử học... và đặc biệt là sự yêu mến của cộng đồng cư dân Thủ đô Hà Nội cũng như trong nước và bạn bè quốc tế. “Nếu gỡ bỏ cầu Long Biên ra khỏi hình ảnh của Hà Nội sẽ làm mất đi một phần không gian lịch sử của Thủ đô, của người dân Hà Nội cũ và thế hệ tương lai, và đối với thế giới là một công trình có kết cấu đặc biệt, có tuổi đời lịch sử, công nghệ, tác giả thiết kế tháp Effiel nổi tiếng thế giới”, TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh khẳng định.

Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã có nhiều hội thảo về vấn đề bảo tồn cầu Thăng Long nhằm gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của cầu Long Biên, sự cần thiết phải bảo tồn những giá trị vật thể và phi vật thể. Mặc dù vậy, trong thể chế pháp lý hiện nay, những công trình có giá trị như cầu Long Biên lại chưa được thể chế hóa trong góc nhìn văn hóa, di sản. Thực tiễn đã minh chứng sự biến mất của rất nhiều công trình có giá trị kiến trúc ở các đô thị Việt Nam bởi vì chưa được đưa là công trình di tích.

Nhưng cầu Long Biên với các giá trị sử dụng của nó trong suốt thời gian qua không thể và không nên biến thành một di tích mà nên biến nó là một phần của di sản sống của đô thị, Thủ đô Hà Nội. Đó chính là Di sản đô thị, nó có thể là di sản đầu tiên của thành phố được công nhận cùng với nhiều các di sản đô thị khác, hoặc theo Luật Kiến trúc với công cụ pháp lý là Quy chế quản lý kiến trúc quản lý mới chỉ quy định thuộc nhóm các công trình kiến trúc có giá trị, tuy nhiên sẽ chỉ được nhìn nhận ở phạm vi thành phố Hà Nội.

TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh, Di sản đô thị là khái niệm có phạm vi rộng, hướng đến gìn giữ, bảo vệ những không gian, đối tượng (đang sống), là một phần trong cấu trúc, không gian phát triển của đô thị. Mặc dù vậy, tại Việt Nam, Luật Di sản Văn hóa (2012) hiện chưa có khái niệm về Di sản đô thị, do vậy về mặt pháp lý các công trình tuy có thể có các giá trị được cộng đồng xã hội, mang tính đại diện cho hình ảnh, ký ức của đô thị nhưng chưa được xếp hạng di tích có thể bị phá bỏ, hủy hoại theo nhiều cách khác nhau.

tu-lieu.jpg
Cầu Long Biên và khu vực Bãi Giữa nhiều chục năm trước đây. (Ảnh tư liệu).

Đối với khu vực trung tâm cũ của đô thị, nhiều công trình thuộc quyền sử dụng của cá nhân, tổ chức có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, khẳng định cho một giai đoạn lịch sử phát triển đô thị đã bị xóa bỏ thay thế bằng các công trình 1 năm tuổi. Sự hủy hoại các di sản đô thị là không thể khôi phục và đánh mất hoàn toàn “bản sắc” văn hóa của một đô thị. Do vậy, làm thế nào để có thể bảo vệ các công trình có giá trị, công trình di sản đô thị, hài hòa xung đột giữa bảo tồn và phát triển được coi là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng của chính quyền đô thị, các nhà quản lý và ban hành chính sách.

Hiện nay, Luật Di sản Văn hóa đang được sửa đổi bổ sung, năm 2022 trong văn bản giải trình góp ý Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp thu, bổ sung khái niệm “di sản đô thị” vào dự thảo Đề cương Luật theo góp ý của Tòa án nhân dân tối cao về việc Đề nghị bổ sung khái niệm: “di sản đô thị” và khái niệm “di sản kiến trúc nông thôn” vào Điều 3 “Giải thích từ ngữ”....

Cụ thể, đối với khái niệm “di sản kiến trúc nông thôn”, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị bảo lưu, chưa bổ sung khái niệm vào luật này, do chưa định hình rõ để có thể quy định thành khái niệm đưa vào luật. Tuy nhiên, theo dõi trên dự thảo Luật đăng tại website của Bộ Văn hóa vào tháng 10/2023 về Hồ sơ dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) đã không thấy có các nội dung về khái niệm “Di sản đô thị”. Đây là một câu hỏi còn bỏ ngỏ đối với vấn đề Luật hóa khái niệm Di sản đô thị ở Việt Nam.

Sự thiếu vắng công cụ pháp lý sẽ tạo ra những khó khăn trong việc khẳng định các giá trị quan trọng, lâu dài và là các điểm nhấn cảnh quan đặc biệt của Thành phố Hà Nội và quốc gia, cũng như hình ảnh thành phố xanh, sáng tạo với quốc tế. Cấu trúc của 2 không gian và công trình kiến trúc cầu Long Biên nếu được coi là di sản đô thị, có thể áp dụng một số các chính sách ưu đãi trong gìn giữ và bảo tồn dựa trên huy động được các nguồn lực xã hội thông qua chương trình chuyển quyền phát triển. Một số nước đã có những thành công trong áp dụng các công cụ chính sách để tạo nguồn lực cho công tác bảo tồn, cân bằng lợi ích của các bên tham gia, đặc biệt là những đối tượng thụ hưởng trực tiếp. Đó là các chương trình chuyển nhượng TDR (Transfer Development Right) tại Mỹ và Air Right Sale tại Nhật Bản.

Tương lai của Công viên Văn hóa Bãi Giữa sông Hồng gắn với tương lai của cầu Long Biên, hai cấu trúc này không thể và không nên tách rời bởi dấu ấn thời gian, lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Tháp Rùa nổi tiếng vì được toạ lạc giữa Hồ Gươm, chứ không phải do kiến trúc đặc biệt. Vậy nên, Công viên văn hóa Bãi Giữa sông Hồng, cầu Long Biên sẽ trở nên nổi tiếng bởi cấu trúc lân cận, bờ sông, vị trí trung tâm Hà Nội, là những không gian hội tụ hướng đến cầu Long Biên, cung cấp nhiều dịch vụ chất lượng, đa dạng đưa hình ảnh cầu Long Biên, luôn được nhìn thấy gắn với các không gian mở, thu hút các hoạt động công chúng với công viên bãi giữa.

Đồng thời, sự phát triển hai phía cầu sẽ tạo nên sự thu hút, với các hoạt động trên cầu. Nếu không tạo được sức sống, sẽ ít người sử dụng, ít người sẽ nhanh chóng khiến các công trình tại đây sẽ trở nên hoang vắng, hư hỏng, xuống cấp.

Trung Kiên