Chuyển động Hà Nội

Sửa đổi Luật Thủ đô hướng đến khát vọng xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại

Văn Thiện 01/12/2023 20:41

Sáng 1/12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và các đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội thuộc Đơn vị bầu cử số 10 đã tiếp xúc trực tiếp kết hợp trực tuyến với cử tri huyện Sóc Sơn, Mê Linh sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

txct4-1701407626998-1701407628483113579542.jpg
Các đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội thuộc Đơn vị bầu cử số 10 tại hội nghị tiếp xúc cử tri - Ảnh: HMO

Nhất trí với nội dung, kết quả chương trình kỳ họp thứ 6 của Quốc hội và trả lời của các nghành chuyên môn về một số vấn đề cử tri quan tâm tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri hai huyện Mê Linh và Sóc Sơn đã gửi 7 ý kiến tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, trong đó tập trung về; đề xuất Quốc hội sớm thông qua Luật Thủ đô, việc đẩy nhanh tiến độ nhà ở xã hội, công tác kiểm tra việc bố trí quỹ đất 20% tại các dự án. Lập và phê duyệt quy hoạch Thành phố Bắc sông Hồng, công tác phân cấp ủy quyền và việc quản lý hè đường, cây xanh và phân cấp về quy hoạch cho địa phương.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, Thông tin về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ sáu, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận hội trường đã có 177 ý kiến tham gia vào dự thảo Luật. Trong đó các hầu hết các ý kiến đại biểu Quốc hội bảy tỏ ủng hộ với sự cần thiết sửa đổi Luật, đồng thời đề nghị dự thảo cần trao thêm quyền nhiều hơn nữa, cụ thể hơn nữa cho Thủ đô.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, tổ đại biểu sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri, tổng hợp gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố để báo cáo với Quốc hội. Đối với Luật Căn cước, làm rõ kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định theo quy định của luật, thẻ căn cước công dân gắn chip đang sử dụng hoàn toàn có giá trị cho đến khi hết hạn, không phải thực hiện cấp đổi lại nên không gây lãng phí, phiền hà cho người dân.

Đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận hội trường đã có gần 180 ý kiến tham gia vào dự thảo luật. Hầu hết các ý kiến của đại biểu Quốc hội bày tỏ ủng hộ sửa đổi luật, đồng thời đề nghị dự thảo cần trao thêm quyền, cụ thể hơn cho thủ đô. Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô năm 2012 là luật đi đầu, khai sinh ra cơ sở pháp lý riêng cho một đơn vị hành chính, trên cơ sở đó Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương khác.

Việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này có nhiều thuận lợi khi vừa kế thừa luật hiện hành, vừa tiếp thu các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương khác; là cơ sở bảo đảm pháp lý, bảo đảm nguồn lực để hướng đến khát vọng xây dựng Hà Nội văn minh, văn hiến, hiện đại.

Đề cập các nhiệm vụ trọng tâm đang triển khai, ông Thanh cho hay thành phố đồng thời xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (quy hoạch 1259). "Các nhà thầu đang xây dựng quy hoạch công phu, bài bản và rất hiện đại", ông nói và cho biết thành phố đã xin được khoản tài trợ 3 triệu USD (khoảng 72 tỷ đồng) để mua toàn bộ ý tưởng về phát triển của công ty tư vấn hàng đầu thế giới và rất am hiểu về Việt Nam.

Thành phố đã lấy ý kiến, tham vấn các nhân sĩ, trí thức trong nước, tổ chức nhiều cuộc hội thảo để xây dựng, hoàn thiện đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030. Tuy nhiên, ông Thanh không nói cụ thể về đơn vị tư vấn nước ngoài cũng như những ý tưởng đó là gì. Đây là lần đầu tiên thông tin việc mua ý tưởng phát triển Thủ đô được thông tin rộng rãi. Trước đó hôm 31/10, ông Thanh chủ trì cuộc họp với các bên liên quan nghe kết quả nghiên cứu "Thành phố Hà Nội: Ý tưởng đột phá và chiến lược" sau hơn 2 tháng triển khai.

Theo kết quả nghiên cứu bước đầu, các đơn vị đã đưa ra sáu ý tưởng đột phá giúp Hà Nội có thể đạt được mục tiêu trở thành Thủ đô kết nối toàn cầu, phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa và xã hội vào năm 2045. Đó là văn hóa và di sản; đô thị xanh và bền vững; sức hút đầu tư; kinh tế số/xã hội số; hạ tầng giao thông vận tải hiện đại; môi trường đáng sống.

Thông tin về công tác phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, dự báo thành phố sẽ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khoảng 6,2%; dự kiến thu ngân sách khoảng 400 nghìn tỷ đồng trong năm 2023; các lĩnh vực về an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, quốc phòng - an ninh đều được bảo đảm và có kết quả tích cực. Trong năm qua, UBND TP Hà Nội đã phân cấp cho các địa phương thuộc 9 lĩnh vực; phân cấp 16 lĩnh vực cho các sở, ban, ngành với tổng số 708 thủ tục hành chính. "Trong quá trình thực hiện, thành phố rút ra hai bài học: Một là thấy đúng thì phải quyết tâm làm; hai là làm thì phải quyết liệt", Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Chủ tịch UBND Trần Sỹ Thanh cũng đã thông tin về một số nội dung thuộc thẩm quyền của thành phố mà cử tri quan tâm. Cụ thể, với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, dự thảo luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ Sáu. Hầu hết, các ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ ủng hộ với sự cần thiết sửa đổi Luật. Đồng thời, đề nghị dự thảo cần trao thêm quyền nhiều hơn nữa cho Thủ đô. “Việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ là cơ sở bảo đảm pháp lý, bảo đảm nguồn lực để hướng đến khát vọng xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định./.

Văn Thiện