Văn hóa - Xã hội

‏Chuyển đổi số - xu thế tất yếu của báo chí hiện đại‏

‏Ngọc Ánh 30/11/2023 18:23

‏Sáng 30/11, Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn" đã được diễn ra tại Thái Bình do báo Nhân Dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Tỉnh ủy Thái Bình phối hợp tổ chức. ­‏

‏ ‏Hội thảo có sự tham dự của ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, TS Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của các lãnh đạo quản lý lĩnh vực báo chí, xuất bản, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các đơn vị xuất bản trong cả nước.‏

453-202311301920231.jpg
‏Hội thảo "Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn"‏

‏Hội thảo có sự đóng góp của 63 bài tham luận và nhiều ý kiến khác đã nêu rõ: cơ sở lý luận và thực tiễn, thực trạng và kinh nghiệm, định hướng, giải pháp và khuyến nghị khi thực hiện chuyển đổi số báo chí, xuất bản. Trong đó khẳng định: Chuyển đổi số là một trong những trụ cột của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những thay đổi chưa từng có trong đời sống kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia, là quá trình thay đổi toàn diện về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số, đem lại những giá trị to lớn và cơ hội bứt phá. Đây là xu thế mà Việt Nam không thể nằm ngoài, đòi hỏi từng ngành, từng lĩnh vực, trong đó có báo chí, xuất bản phải có chiến lược gia nhập vào “đường đua” chuyển đổi số để giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng.‏

‏Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân dân cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ tác động nhiều tới việc vận hành, phát triển của các cơ quan báo chí. Trước những thách thức và cơ hội này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".‏

453-202311301920232.png
‏Ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam‏

‏Theo đó, mục tiêu của chiến lược nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số".‏

‏Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí hiện đại để phục vụ nhanh nhất, tốt nhất tới độc giả. Chuyển đổi số không đơn giản là đầu tư thiết bị công nghệ, phần mềm, mà chính là thay đổi tư duy từ lãnh đạo đến cán bộ, phóng viên, nhân viện; đổi mới toàn bộ quy trình sản xuất nội dung, quy trình kinh doanh, vận hành tòa soạn và đáp ứng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, chuyển đổi số phải bảo đảm chất lượng báo chí ngày càng cao, xây dựng đội ngũ độc giả trung thành. Các cơ quan báo chí phải mạnh dạn triển khai hoạt động chuyển đổi số; vừa làm vừa điều chỉnh thay vì chờ đợi; tăng cường công tác đào tạo, đổi mới hình thức đào tạo; xây dựng kho dữ liệu dùng chung, công cụ đo lường, thu thập dữ liệu độc giả...‏

‏ ‏‏Theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật, thực tiễn đã chứng minh, chuyển đổi số mang tính sống còn đối với báo chí, xuất bản hiện nay; không chỉ giúp quy trình vận hành được tối ưu hóa và thông minh hơn, mà còn tăng cường khả năng tiếp cận độc giả, hướng đến nâng cao trải nghiệm của người dân và công chúng. Bên cạnh đó, với việc phát triển của công nghệ, độc giả ngày càng sử dụng các thiết bị điện tử để tìm kiếm thông tin, tài liệu, thay vì sử dụng các phương pháp tiếp cận truyền thống, càng đòi hỏi các cơ quan báo chí, xuất bản phải đẩy mạnh số hóa một cách toàn diện.‏

‏Đối với công tác xuất bản, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc NXB Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, bên cạnh sách giấy truyền thống thì xuất bản điện tử là xu hướng mới không thể khác. Tham gia vào chuyển đổi số, làm thế nào đảm bảo được quyền tác giả và quyền liên quan để làm sao cho sách giấy truyền thống vẫn có những chỗ đứng thì đây là một vấn đề rất khó khăn.‏

‏ ‏‏Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học ở Trung ương và các cán bộ hoạt động thực tiễn tại địa phương đã phát biểu, tham luận, phân tích, đánh giá và đóng góp ý kiến, cung cấp những mô hình mới, cách làm hay, kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế, đưa ra những giải pháp phù hợp nhất về chuyển đổi số trong xuất bản và báo chí; cụ thể: Nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý thông tin, truyền thông, lãnh đạo, nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm công tác xuất bản của các cơ quan báo chí, xuất bản từ Trung ương đến địa phương về vai trò, tầm quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số báo chí, xuất bản đồng bộ với chương trình chuyển đổi số quốc gia. Rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, chuyển đổi số báo chí, xuất bản và các văn bản pháp luật có liên quan. Phát triển các sản phẩm báo chí số, xuất bản số chất lượng cao cả về nội dung và hình thức, nâng cao hiệu quả trải nghiệm của người dân; xây dựng nền tảng công nghệ vững chắc và đảm bảo nguồn tài chính cho chuyển đổi số báo chí, xuất bản; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số báo chí, xuất bản…

‏Ngọc Ánh