Chuyển động Hà Nội

“Huyện Đan Phượng xác định phát triển du lịch văn hóa kết hợp trải nghiệm nông nghiệp”

Quỳnh Phạm 30/11/2023 18:30

Đây là chia sẻ của đồng chí Trần Đức Hải, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng (Thành phố Hà Nội) với hơn 30 phóng viên, biên tập viên đang công tác tại các cơ quan báo chí Hà Nội.

Theo đó, ngày 30/11, Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội tổ chức chuyến đi thực tế cho phóng viên, biên tập viên đang công tác tại các cơ quan báo chí của Hà Nội tới huyện Đan Phượng, để tìm hiểu một số một số mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và các gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt tại địa phương này.

u36a6130.jpg
Đồng chí Trần Đức Hải, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng chia sẻ thông tin với đoàn công tác của Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội.

Cùng đi với đoàn có nhà báo Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Phòng Báo chí – Xuất bản, Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Sỹ Lâm, Phó Chánh Văn phòng, Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội…

Đón tiếp đoàn công tác Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội có đồng chí Trần Đức Hải – Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy; cùng các đồng chí: Nguyễn Thị Hiền, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy; Nguyễn Viết Đạt, Trưởng Phòng Kinh tế; Hoàng Văn Thái – Chánh Văn phòng Huyện ủy…

Tại buổi gặp gỡ, trao đổi thông tin với đoàn công tác, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, Đan Phượng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử, có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nổi tiếng như chèo Tàu (xã Tân Hội), ca trù (xã Thượng Mỗ), nhất là diều làng Bá Giang (xã Hồng Hà). Cả nước có rất nhiều làng nghề làm diều, kể cả thế giới cũng có nhưng diều các nước thuần túy ở mô hình, còn diều sáo Đan Phượng rất hiếm. Cũng theo ông Trần Đức Hải, huyện Đan Phượng có nhiều tài nguyên khác như ẩm thực, nổi bật nhất là cháo Se, nem Phùng…

Trao đổi về việc xây dựng, phát triển nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu nổi bật nhất trong 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, cho biết, từ năm 2015, Đan Phượng là huyện đầu tiên của Hà Nội được công nhận huyện nông thôn mới. Đến năm 2020, 15/15 xã của Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hết năm 2022, 12/15 xã của huyện đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.

lniem.jpg
Nhà báo Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội cùng các phóng viên, biên tập viên chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo 1 số ban ngành huyện Đan Phượng.

Để đạt được danh hiệu nông thôn mới, đồng chí Nguyễn Đức Hải cho biết phải đạt được nhiều tiêu chí, chỉ tiêu thành phần. Về giáo dục, Đan Phượng có 55 trường ở các cấp học thì cả 55 trường đều đã đạt chuẩn quốc gia, trong đó cấp độ 2 chiếm hơn 70%. “Chúng tôi xác định phát triển đô thị theo hướng đô thị hóa nông thôn “Xanh, văn minh, văn hiến”. Vì thế các giá trị truyền thống, giá trị văn hóa là những tài nguyên rất quan trọng trong quá trình phát triển đô thị. Sau này phát triển đô thị thì Đan Phượng vẫn giữ được bản sắc vốn có”, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, khẳng định.

Người đứng đầu cấp ủy huyện Đan Phượng, cho rằng, tài nguyên nào với địa phương này cũng quan trọng, nhưng con người vẫn quan trọng nhất. Muốn tài nguyên con người phát triển thì phải đầu tư, phát triển giáo dục. Thứ hai, huyện Đan Phượng đã đi thẳng vào nội dung “Xã hội số” và tiếp tục nhấn mạnh vào công dân số, đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong xây dựng nông thôn mới của Đan Phượng có một “đặc sản”, đó là huyện tổ chức cuộc thi “Thôn, tổ dân phố sáng – xanh – sạch – đẹp”, được thực hiện trong nhiều năm trước khi có đại dịch Covid-19. Sau 20 tháng triển khai cuộc thi kể trên, khi sơ kết, không tính giá trị ngày công, chỉ thuần túy vật chất của người dân đóng góp, tham gia ước tính hơn 30 tỷ đồng. “Chủ trương đúng, chính sách đúng thì người dân sẽ chủ động tham gia để phát triển nông thôn mới”, ông Nguyễn Đức Hải, chia sẻ.

a2e.jpg
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải khẳng định, huyện xác định phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó trọng tâm là du lịch văn hóa kết hợp trải nghiệm nông nghiệp.

Đến thời điểm có dịch Covid-19, ngoài “sáng– xanh – sạch – đẹp”, Đan Phượng đã thêm tiêu chí “an toàn” để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Khi đại dịch Covid-19 đi qua, Đan Phượng thêm một tiêu chí nữa, đó là “thông minh”. Vì thế, 129 thôn/Tổ dân phố của huyện đều là thôn/Tổ dân phố “thông minh”. Lực lượng đoàn viên thanh niên, các thành viên là doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn huyện là nòng cốt chính để thực hiện thành công yếu tố “thông minh” của địa phương này.

“Huyện Đan Phượng có hơn 35km đê, huyện tiến hành cải tạo cảnh quan, làm đẹp bộ mặt phố phường, bảo vệ môi trường. Nhưng việc cải tạo này không dùng ngân sách Nhà nước mà thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Điều này tạo nên sản phẩm của nhân dân. Đối với huyện Đan Phượng, chúng tôi xác định phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó trọng tâm là du lịch văn hóa kết hợp trải nghiệm nông nghiệp. Đến với Đan Phượng, nhìn thấy cảnh quan sạch và đẹp, đó là yếu tố để thu hút người dân, du khách đến với địa phương”, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, thông tin thêm.

Ngoài ra, thực hiện “Năm 2023: Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, cũng như thực hiện các chỉ thị của Thành phố Hà Nội. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ quan chức năng huyện Đan Phượng đã xử lý quyết liệt những vi phạm, tồn tại liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp và hành lang đê điều trái pháp luật, với 90 trường hợp. Nói là thực hiện cưỡng chế nhưng thực chất huyện Đan Phượng hỗ trợ bà con di chuyển ra khỏi khu vực đất người dân vi phạm. Để làm được điều này, quan trọng nhất chúng tôi nhận được sự đồng thuận của nhân dân, kết hợp với tinh thần quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Ngay sau những chia sẻ của lãnh đạo huyện Đan Phượng, hơn 30 phóng viên, biên tập viên và đoàn công tác của Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội, đã đi thực tế tìm hiểu một số mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và các gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt tại một số xã trên địa bàn huyện. Cùng đó, các phóng viên, biên tập viên đã có dịp được tham quan một số điểm di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của huyện Đan Phượng như Miếu Hàm Rồng, Đền Văn Hiến...

Chuyến đi thực tế đã giúp cho các phóng viên, biên tập viên thêm nguồn tư liệu phục vụ công tác chuyên môn, được cảm nhận rõ hơn các giá trị văn hóa, lịch sử cũng như tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch của huyện Đan Phượng.

Một số hình ảnh chuyến đi thực tế của phóng viên, biên tập viên đang công tác tại các cơ quan báo chí của Hà Nội tới huyện Đan Phượng, do Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội tổ chức, diễn ra ngày 30/11:

a9b.jpg
Lãnh đạo huyện Đan Phượng, thành viên đoàn công tác Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội dâng hương tại Đền Văn Hiến - nơi thờ Thái úy Tô Hiến Thành và quan nghề Đỗ Trí Trung.
a81.jpg
Lãnh đạo huyện Đan Phượng, đoàn công tác Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội chụp ảnh lưu niệm trước tượng Thái úy Tô Hiến Thành.
35.jpg
Cán bộ văn hóa xã Hạ Mỗ giới thiệu nét văn hóa, lịch sử Đền Văn Hiến với đoàn công tác Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội.
a4-3.jpg
Bà Bùi Hường Bích, Giám đốc HTX Đan Hoài - Flora Việt Nam (huyện Đan Phượng) giới thiệu mô hình trồng hoa lan Hồ điệp với lãnh đạo địa phương, thành viên đoàn công tác.
a5t.jpg
HTX Đan Hoài đã xây dựng thành công thương hiệu riêng “Flora Việt Nam” được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu và bảo hộ độc quyền.
u36a6287.jpg
Bà Bùi Hường Bích giới thiệu về cách chọn, chăm sóc lan hồ điệp "mini" với các phóng viên.
u36a6295.jpg
Chị Đặng Thị Cuối, Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý - một trong những người phụ nữ đã khoác áo mới cho mảnh đất quê hương Đan Phượng bằng mô hình nông nghiệp sạch công nghệ cao.
a7b.jpg
Phóng viên, biên tập viên chăm chú và thích thú về những câu chuyện sản xuất rau sạch của chị Đặng Thị Cuối chia sẻ.
u36a6313.jpg
HTX Cuối Quý đang cung cấp rau quả cho 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng, 3 chuỗi cửa hàng rau sạch trên địa bàn Thành phố Hà Nội, 6 chợ đầu mối trong vùng./.

Quỳnh Phạm