Văn hóa – Di sản

Nguyễn Hi Quang – nhà giáo hiền thần

Nguyễn Hải Trừng 29/11/2023 16:48

Nguyễn Hi Quang, sinh năm Giáp Tuất (1634), là người làng Trung Tự, phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên, kinh thành Thăng Long (nay chủ yếu thuộc địa bàn phường Trung Tự, quận Đống Đa, nội thành Thủ đô Hà Nội). Đông Tác là một phường cổ đã có từ xa xưa, cùng với 35 phường khác của Thăng Long. Làng Trung Tự là phần đất trung tâm, bộ phận quan trọng và tiêu biểu của phường Đông Tác. Theo các sách cổ, bao quanh làng thời đó là một số ngòi lạch, đầm hồ “sóng nước long lanh như gương chiếu, tràn đầy khí thần tiên”.

nguyen-hi-quang.jpg
Tranh minh họa Nhà giáo Nguyễn Hi Quang.

Cảnh làng Trung Tự thật đẹp, nhưng đất thổ cư hồi ấy chỉ có 5 - 6 mẫu. Dân cư cũng rất ít. Điều không may lớn nhất đến với làng là khoảng cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII, có vị Thái phó Việt Quận công được lập quân doanh ở tây bắc làng, đã ỷ vào quyền thế mà hà hiếp xâm lấn, làm cho người dân buộc phải bỏ làng ra đi. Cụ nội ông phải sang trú ở quê vợ là phường Kim Hoa (đời Thiệu Trị đổi là Kim Liên) bên cạnh. Tiếp đó, con cụ làm lý trưởng Trung Tự cũng tận tình thu xếp cho dân làng sang ngụ ở phường Kim Hoa.

Hoàn cảnh thật khó khăn. Nhưng dân làng đoàn kết một lòng và luôn giữ niềm tin: sẽ có ngày khôi phục lại nghiệp tổ. Mọi người quyết chí vượt khó, cố cho con cái học hành, ai học được thì khuyến khích học thành tài. Nhờ đó dù phải ăn nhờ ở đậu đến đời Nguyễn Hi Quang là thế hệ thứ tư, làng Trung Tự nhỏ bé cũng đã có 6 - 7 người có học vấn, thành nòng cốt để dân làng đòi lại đất đã mất.

Trong hoàn cảnh khó khăn chung, Nguyễn Hi Quang kế thừa ý chí mạnh mẽ của dân làng và dòng họ, vượt lên cảnh nghèo, gắng sức họcnhành. Đề đốc Văn Phụng hầu Phạm Công Uy, người làng Kim Hoa, mến đức tài đã gả con gái yêu cho. Năm 23 tuổi (1657) thi Hương, ông đỗ ưu cả bốn trường, trúng Giải nguyên và tiếp tục học thêm. Đầu những năm 1670, ông là người tích cực nhất, đã cùng người anh họ và một số người trong làng đứng lên đòi lại đất cũ. Tháng 6 năm Quý Sửu (1673), triều đình sử cho Trung Tự được lấy lại đất cũ để trở về phục nghiệp.

Cuối năm 1670, Nguyễn Hi Quang đỗ khoa Sĩ vọng. Được bổ Giáo thụ phủ Thường Tín, ông sống kiệm cần thanh bạch, không sợ quyền thế và tỏ rõ tài năng trong việc đào tạo thế hệ trẻ. Chúa Tây Vương Trịnh Tạc (1657 - 1682) nghe tiếng, cử quan Bồi tụng đặc triệu ông vào phủ chúa năm Quý Sửu (1673), làm Sư phó dạy thế tử. Chẳng bao lâu, trước đức độ và học vấn uyên bác của ông, sự tiến bộ của cháu chúa thụ giáo ông, chúa thấy tâm đắc, có lời khen và tặng thơ.

Với tấm lòng luôn coi trọng việc chung của đất nước và nhận thấy cảnh vua Lê chúa Trịnh danh phận hỗn độn, ông đã nhân dịp chúa vui dâng bài Quân thần luận. Lời lẽ ngay thẳng mà thuyết phục làm chúa nghe cũng tỏ ý bằng lòng, cởi áo ban cho và khen: “Lời này không kém gì 10 kế sách của Ngụy Trưng”. Ngụy Trưng là một đại thần nổi tiếng tài giỏi và cương trực, đã giúp vua Thái Tông đời Đường, Trung Quốc làm nên sự nghiệp lớn. Ngụy Trưng đề ra nguyên tắc làm hiền thần không làm trung thần và được Đường Thái Tông tán đồng. Tuy nhiên, cũng có lúc lời can quá ngay thẳng của ông khiến nhà vua tức giận, nhưng cuối cùng ông vẫn được Đường Thái Tông đánh giá rất cao: “Từ niên hiệu Trinh Quán trở đi, hết lòng với ta, tâu bày lời trung, yên nước lợi dân, thẳng thắn can ngăn, sửa lỗi lầm của ta, chỉ có Ngụy Trưng mà thôi”. Năm Trinh Quán thứ 17 (643), Ngụy Trưng bệnh nặng qua đời. Vua Đường Thái Tông thương xót và đưa ra những lời nhận xét hết sức trân trọng, sau này được Tư Mã Quang ghi lại trong sách Tư trị thông giám: “Soi vào gương bằng đồng, ta có thể biết quần áo của mình có ngay ngắn không. Dùng lịch sử làm gương soi, có thể biết nguyên nhân hưng vong của một triều đại. Lấy người làm gương soi, có thể biết việc mình làm là đúng hay sai. Ngụy Trung mất đi, là trẫm mất một tấm gương soi tốt”... Điều này cho thấy sự đánh giá hết sức trọng thị của nhà chúa với Nguyễn Hi Quang.

Bài văn Quân thần luận cùng hầu hết thơ văn, kể cả cuốn Gia phả chữ Nôm do Nguyễn Hi Quang soạn, tiếc thay đã bị thất lạc. Rất may bộ phả hơn 400 trang Thọ Xương Đông Tác Nguyễn thị toàn phổ do Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (1795 - 1868) soạn đã ghi lại được một số thông tin quý, giúp cho hậu thế hiểu được một phần hành trạng của Nguyễn Hi Quang.

Cuối năm 1682, con thứ của chúa Trịnh Căn (1682 - 1709) là Khiêm Quận công Trịnh Bách đang chuẩn bị ra mở phủ Tiết chế (Theo chế độ của các chúa Trịnh, khi con hay cháu có khả năng làm được việc nước, chúa cho ra lập phủ riêng, tùy từng đời mà đặt tên khác nhau, để tham dự hoặc trực tiếp điều hành chính quyền) do ốm nguy cấp đã cử đích tôn của chúa là Trịnh Bính tạm thay để coi chính sự. Nguyễn Hi Quang, thầy dạy của Bính được ủy làm người phụ tá. Khi Bách mất, năm 1688 chúa lại ủy cho ông phụ tá thế tử Thái úy Tấn Quốc công Trịnh Bính ra mở phủ Tiết chế kiêm Tổng chính quyền. Những việc lớn trên, ông đều gắng sức hoàn thành và sự tín nhiệm ngày càng tăng. Tuy vậy với tinh thần tri túc của một nhân cách và trí tuệ lớn, khi bước vào tuổi 57 (1691), ông nghĩ: “Ta vâng mệnh dạy các công tử, báo ơn tri kỷ của tiên công (tức chúa Trịnh Tạc). Nhiệm vụ nặng nề và đến nay cũng đã nhiều năm, sức đã yếu, nên nghỉ”. Sớ dâng lên, chúa lưu luyến mãi, cuối cùng phải thuận cho.

Năm Nhâm Thân (1692), ông lâm bệnh rồi qua đời tại nhà riêng. Định vương Trịnh Căn rất thương xót, lệnh nghỉ chầu 3 ngày, sai quan lo việc tang tế. Tiết chế kiêm Tổng chính quyền Trịnh Bính không những đã chăm sóc tận tình khi thầy ốm, lập đàn và thân soạn bài văn cúng trời xin tuổi thọ cho thầy mà lúc này cũng đích thân soạn văn tế thầy, rất thiết tha, chân thành.

Văn tế có đoạn (lược dịch):

Học tất phải có thầy,

Chữ lễ trước tiên là trọng đạo.

Thầy có tài kinh luân, đã truyền cho con nhiều điều tốt,

Con sớm thừa hưởng sự dạy dỗ đó mà nên.

Được lời đúng đạo ngay, mưu hay kế giỏi,

Đem vận dụng thực thi đã làm lợi cho đất nước.

Những việc ấy hoàn toàn là nhờ thầy dạy bảo,

Nhớ thủa học xưa, nghe lời giảng sáng, được đọc sách hay.

Thương xót khôn cùng!

Có thể nghĩ rằng tài trí, đức độ và công lao của người thầy phải lớn như thế nào mới để lại trong người trò cũ, nay đang giữ quyền cao chức trọng bậc nhất trong nước, những tình cảm thắm thiết và lòng biết ơn sâu sắc như thế, quy các việc làm lợi cho nước đều là do công thầy!

Ngoài việc tặng phong Nguyễn Hi Quang là Công Bộ Thượng thư, Hiển Quận công, đến năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745), triều đình lại gia phong ông là Phúc thần. Những lời đánh giá về ông ghi trên sắc phong, có độ lùi về thời gian hơn 50 năm nên có thể thêm phần khách quan chăng? Xin trích một đoạn (lược dịch).

Sắc cho Nguyễn Hi Quang...

Tài cao bậc lương đống rường cột triều đình, vật quý như ngọc Phan Dư,

Trong trướng đã bồi giảng các học vấn của thánh hiền kịp thời và cần mẫn, hết lòng phụ tá, góp nhiều ý hay vào mưu lược lớn, ngày ngày lo nghĩ giúp (vua) hoàn thành nền thịnh trị...

Phụng lệnh chi của Đại nguyên soái, Tổng quốc chính, Thượng sư Minh Vương Trịnh Doanh, chuẩn gia phong Trung đẳng Phúc thần, Trực Ôn Văn Nhã đại vương.

Một người thầy học đã thông qua việc giảng dạy thế tử, góp phần đáng kể mang lại sự hưng thịnh cho đất nước, không những được ghi nhận trong lời văn tế mà còn được các đời chúa nhận rõ, tặng tuất điển cao quí bậc nhất như thế, quả là một nhân cách và sự nghiệp rất đáng trân trọng./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Hải Trừng