Đặng Đình Tướng – sứ thần, nhà thơ
Đặng Đình Tướng (1649-1735) nguyên tên là Đặng Thụy, tự là Đình Tướng, sau lấy tên là Đặng Đình Tướng, hiệu là Trúc Trai và Trúc Ông, người xã Lương Xá, huyện Chương Đức, sau là huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Xuất thân dòng dõi danh gia vọng tộc, tiên tổ năm đời là công thần Lê trung hưng Đặng Huấn, ông nội là Đặng Thế Tài làm trấn thủ Sơn Tây, cha là Yên Quận công Đặng Tiến Thự làm trấn thủ Nghệ An. Đặng Đình Tướng thi Hương đỗ Giải nguyên, 22 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 đời vua Lê Huyền Tông (1670)...
Mùa xuân năm Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa thứ tư đời vua Lê Hy Tông (1683), Đặng Đình Tướng được cử cùng với Bồi tụng Nguyễn Khuê và Cấp sự trung Trần Thế Vinh lên nhận tù binh họ Mạc do nhà Thanh trao trả ở trấn Nam Quan. Tháng 5 năm Kỷ Tỵ niên hiệu Chính Hòa thứ 10 (1689), Đốc thị Đặng Đình Tướng được cử cùng với Đốc suất Lê Thì Hải, Trấn thủ Nguyễn Công Triều tiến đánh giặc cướp bóc vùng biên giới Tuyên Quang Hưng Hóa. Tháng Giêng năm Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1697), Đặng Đình Tướng và Nhữ Đình Hiền sung chức Phó sứ trong sứ bộ do Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, Tiến sĩ Nguyễn Thế Bá làm Chánh sứ sang tuế cống nhà Thanh và tâu về việc biên giới Hưng Hóa, Tuyên Quang nước ta bị nhà Thanh xâm chiếm. Tháng 3 nhuận năm Át Dậu niên hiệu Chính Hòa thứ 26 (1705), Khang vương Trịnh Căn thấy ông giỏi việc binh, nên đổi sang bên võ, từ chức Tả Thị lang Bộ Lại sang làm Đô đốc trấn thủ Sơn Nam, tước Quận công. Tháng 10 năm Giáp Ngọ niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 10 đời vua Lê Dụ Tông (1714), thăng đến Tá lý công thần, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Trung dũng quân doanh Tây quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc, Thự phủ sự, Thiếu phó Ứng Quận công, được mở dinh quân Tiền Hòa. Tháng 9 năm Mậu Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718), gia phong Thái phó Quốc lão tham dự triều chính rồi về trí sĩ. Tháng 6 năm Canh Tý niên hiệu Bảo Thái thứ nhất (1720), chúa Trịnh Cương (1709-1729) ban ân cho các quan văn võ, xét Đặng Đình Tướng là người có công giúp rập và giảng dạy nên gia phong làm “Ngũ lão”. Đến tháng 12 năm Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724), ông lại được chúa vời ra, quản Trung khuông quân doanh, Đại tư mã, Chưởng phủ sự. Tháng 8 năm Đinh Mùi niên hiệu Bảo Thái thứ 8 (1727), Quốc lão Chưởng phủ sự Đặng Đình Tướng dâng cuốn Thuật cổ quy huấn lục xin đem ban cho Thế tử nhà chúa. Năm 80 tuổi, ông lại về trí sĩ, được gia phong Đại tư đồ. Tháng Giêng mùa xuân năm Ất Mão niên hiệu Long Đức thứ tư đời vua Lê Thuần Tông (1735), Quốc lão trí sĩ Ứng Quận công Đặng Đình Tướng mất, thọ 87 tuổi, được truy phong làm Phúc thần. Các con ông là Đình Giản, Đình Quỳnh, cháu ông là Đình Mật đều dự võ ban, lấy quận chúa. Dòng họ Đặng Đình Tướng có nhiều người làm quan to dưới triều Lê Trịnh, “Một nhà vinh diệu, không có điển lễ nào sánh bằng”, “người bấy giờ gọi ông là ‘Tiên quốc lão”” (Đại Việt sử ký tục biên. Bản dịch, 1991).
Tác phẩm của Đặng Đình Tướng có Trúc Ông phụng sứ tập là tập thơ chữ Hán viết khi đi sứ nhà Thanh năm 1697-1698. Linh Giang doanh vệ lục là tập thơ chữ Hán gồm 258 bài thơ tức cảnh, tức sự, cảm hoài, mừng viếng, tiễn tặng... của Thái phó Đặng Đình Tướng. Thuật cổ quy hứng lục là tác phẩm chữ Hán của Quốc lão Đặng Đình Tướng biên soạn dùng để nhà chúa dạy học thế tử, gồm 8 thiên: Dưỡng đức tính (Nuôi đức tính); Thời triều thị (Thường phải chầu hầu); Thân chính nhân (Thân người ngay thẳng); Sùng chính học (Chuộng chính học); Viễn nữ sắc (Xa nữ sắc); Trạch bộc ngự (Chọn người hầu hạ); Giới kiêu xa (Răn kiêu căng, xa xỉ) và Biện trung nịnh (Phân biệt người ngay, kẻ nịnh)... Bài thơ Lập xuân nhật tức sự (Tức sự ngày lập xuân) của tác giả viết trên đường đi sứ phương Bắc năm 1697 là niềm trung quân ái quốc thiết tha:
Tuyết sương vạn lý khổ phong trần,
Bất giác kim triều trị lập xuân.
Ngọc bệ thái giai trùng niệm niệm,
Đồ gian Nam vọng bái quân thân.
Trần Văn Hiến dịch thơ:
Tuyết sương muôn dặm khổ phong trần,
Nào biết hôm nay đã lập xuân.
Bệ ngọc thềm hoa luôn tưởng nhớ,
Trời Nam ngoảnh lại lạy quân thân!
Hay như bài thơ Quá Ân Thái sư Tỷ Can mộ (Qua mộ Tỷ Can, Thái sư triều Ân) là niềm cảm khái, lòng ngưỡng mộ của tác giả về một bậc Nho thần nghĩa sĩ:
Xâm vân tàng hiến bán tùng âm,
Bắc đẩu quang hồi thất khiếu tâm.
Tự thị nhân nhân độc thiên cổ,
Lẫm nhiên sinh khí đáo vu câm.
Lương Anh Tuấn dịch thơ:
Ngọn tùng tỏa bóng giữa non cao,
Bảy khiếu tim vàng ngợp ánh sao.
Danh tiếng người nhân truyền vạn thuở,
Đến nay sinh khí vẫn tuôn trào.
Trong bài thơ Tặng Hàm Long tự trụ trì (Tặng sư trụ trì chùa Hàm Long), vị Thái phó triều Lê Trịnh ấy lại khắc họa một cách sống động hình ảnh vị cao tăng an nhiên tự tại chốn Thiền lâm; tác giả đồng thời biểu đạt một cách chân thực, sâu sắc về triết lý xử thế “Vô kiến vô văn” “Vô ngôn vô thuyết” hay “Vô tư vô tri” của nhà Phật:
Công danh lợi đạt đẳng mao khinh,
Tùng bách âm trung bán yểm quynh.
Bối diệp dương chi Tam tạng mật,
Bồ đoàn trúc ý nhất ban thanh.
Đại thiên thế thượng nhân giai túy,
Bất nhị môn trung ngã độc tinh.
Trú tĩnh vận thâm xuân thụy túc,
Thương Chu Tần Hán nhậm thâu doanh.
(Công danh, lợi lộc, hiển vinh tất thảy đều xem nhẹ,
Chỉ khép hờ cánh cửa trong bóng dâm của tùng bách.
Lá bối, cành dương cùng với kinh Tam tạng,
Bồ đoàn, ghế trúc một màu xanh.
Trên Tam thiên Đại thiên thế giới ấy mọi người đều say,
Trong cửa Bất nhị này riêng mình ta là tỉnh.
Kìa ngày vắng lặng, đám mây trên cao, giấc ngủ xuân tràn,
Mặc cho cuộc được thua Thương Chu Tần Hán)
Lại như truyền thuyết kể về những nhân vật giỏi văn hay chữ của đất Thăng Long xưa, như vị Quốc lão Nguyễn Quý Đức người huyện Từ Liêm thường cùng Quốc lão Đặng Đình Tướng người huyện Chương Đức đi khám đê điều, khi cao hứng làm thơ, câu kết của Đặng Đình Tướng đầy khí vị nhàn nhã, ung dung:
Dạ thâm cánh diễn lưu xuân quyết,
Thủy tự vô ba nguyệt tự nhàn.
(Đêm khuya diễn dịch bí quyết lưu xuân,
Nước không có sóng, trăng lơ lửng giữa trời)
Ngôi chùa Hàm Long số 18 phố Hàm Long Hà Nội thờ Phật và thờ cả thần Ngô Long. Truyền thuyết kể rằng, Ngô Long là vị Phụ đạo dưới thời Hùng Duệ vương, lãnh chức Bộ Binh nguyên soái, có công đánh tan quân Hồ Lư ở Hoan Châu, sau đó được thăng Phụ đạo quốc chính. Trong Hàm Long tự bi ký (Bài ký trên bia chùa Hàm Long) viết năm Giáp Ngọ niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 10 đời vua Lê Dụ Tông (1714), Đặng Đình Tướng ca ngợi công đức trùng tu chùa Hàm Long của bà Từ cung tôn đức Tấn quang vương Thái phi Trương thị (tức mẹ của chúa Trịnh Cương người xã Như Kinh, nay là xã Như Quỳnh, Gia Lâm Hà Nội) đáng là bậc mẫu nghi thiên hạ: “Phong giáo đủ để làm người mẹ chung trong thiên hạ, ân trạch đủ để nuôi dân như nuôi con. Hát lời ca Cù mộc, ngâm bài thơ Chung tư, cũng khó mà nói lên phúc lớn đức tốt của bà. Nhưng cao đẹp nhất là đức tính khiêm nhường, không tự mãn, chỉ chăm chỉ nghĩ việc làm điều thiện” (Tuyển tập văn bia Hà Nội. Quyển II, 1978).
Bên cạnh thơ văn chữ Hán, Đặng Đình Tướng còn sáng tác thơ Nôm. Như bài thơ ông viết để cảm tạ các quan đồng triều trong buổi tiệc thơ mừng vị Quốc lão về trí sĩ:
Bảy mươi viện lễ mặc xin nhàn,
Mượn luật Hàn Thuyên tạ bách quan.
Bé trúc còn ghi văn thiết khoán,
Treo trâm vì luật ước thanh san.
Cân bằng minh đổng tài Y lão,
Điếu hạ vui riêng thú Lữ bàn.
Nghiêu Thuấn quân dân đời chợt thấy,
Hai nơi cùng thỏa tấc niềm đan.
Đặng Đình Tướng trong khoảng gần 70 năm làm quan dưới triều Lê - Trịnh được sử gia các triều đại phong kiến đánh giá cao. Không chỉ là một vị danh thần văn võ song toàn, được chúa tin dùng, có nhiều công lao. Ông còn là một vị danh Nho chính trực, giản dị, có tấm lòng khoan thứ thương dân. Sáng tác thơ văn của Đặng Đình Tướng mang phong vị của thời kỳ xã hội hưng thịnh, thái bình và đậm bản sắc văn hóa Thăng Long giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVII, nửa đầu thế kỷ XVIII, trong đó tam giáo Nho - Phật - Đạo cùng phát khá mạnh mẽ./.
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội