Văn hóa – Di sản

Nguyễn Đăng Đạo - “lưỡng quốc trạng nguyên”

Lưu Minh Trị - Nguyễn Hữu Sơn 29/11/2023 16:19

Nguyễn Đăng Đạo, danh sĩ đời vua Lê Hy Tông, tự Chất Phu, sinh năm Tân Mão (1651), quê ở làng Hoài Bão (tục gọi là Bịu), tổng Nội Duê, huyện Tiên Du (nay thuộc xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Ông là con của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh, anh của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuấn và là cháu của Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo.

nguyen-dang-dao.jpg
Đền thờ danh nhân Nguyễn Đăng Đạo.

Sinh trưởng nơi quê hương văn hiến, trong một dòng họ nhà nho, một gia đình có người mẹ thông minh, nhân đức, mọi người cho là có phong độ hiền tài, Nguyễn Đăng Đạo thuở nhỏ đã tỏ ra hơn người, thông minh đĩnh ngộ, chăm chỉ học hành, có chí nối nghiệp cho dòng họ.

Tương truyền khi phu nhân Ngọc Nhĩ có thai ông, một đêm mùa hạ trăng sáng như ban ngày, bà ra giếng lấy nước, chợt thấy một ngôi sao lớn rơi vào thùng nước bèn lấy khăn chụp bịt miệng thùng lại mang về. Sáng hôm sau, bà nói chuyện lại cho Đông các Nguyễn Đăng Cảo (anh trai của Nguyễn Đăng Minh, bác ruột của Nguyễn Đăng Đạo) nghe việc sao rơi vào thùng nước đêm qua. Ông Đăng Cảo cho là điềm lành, khuyên dùng nước ở thùng đó để ăn uống sẽ sinh quý tử. Bà Ngọc Nhĩ nghe lời, khi có mang đến ngày đến tháng thì sinh được một con trai, mặt mũi khôi ngô sáng sủa, đặt tên là Nguyễn Đăng Đạo. Bà đỡ thấy cậu bé khác người cũng nói rằng đây chính là Trạng nguyên nên phải tắm rửa sạch sẽ, nuôi nấng chu đáo.

Lúc mới một tuổi, Nguyễn Đăng Đạo thường được bác ruột là Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo rất yêu quý, lúc nào cũng theo bên cạnh hoặc bế đi chơi và thường nói khoe với mọi người về Nguyễn Đăng Đạo rằng:

“Triều đình ghét ta không cho đỗ Trạng nguyên, nhưng còn thằng bé ngày sau không cho nó đỗ là không được đâu!”.

Nguyễn Đăng Đạo khi lên ba tuổi, lại được bác Nguyễn Đăng Cảo cho theo lên biên giới nhân một chuyến đi tiếp sứ nhà Thanh. Sứ Thanh trông thấy Đăng Đạo còn nhỏ tuổi rất lấy làm kinh ngạc, liền hỏi rằng: “Bé như vậy mà đã vượt qua trăm núi nghìn sông lam chướng hiểm trở, vẫn nhanh nhẹn tháo vát, thật là kỳ đồng!”. Đôi câu đối còn lưu được tại nhà thờ Nguyễn Đăng Đạo ngày nay:

Tam tuế kỳ đồng kinh sứ Bắc

(Ba tuổi kỳ đồng tài kinh sứ Bắc)

Thập niên tể tướng trọng triều Nam

(Mười năm Tể tướng danh trọng triều Nam)

Trong đó có vế đối Tam tuế kỳ đồng kinh sứ Bắc chính là nói sự kiện nêu trên trong cuộc đời Nguyễn Đăng Đạo tuổi ấu thơ..

Năm 16 tuổi, Nguyễn Đăng Đạo đi thi đỗ tam trường. Đến năm 19 tuổi ông đi thi Hương đỗ đầu Hương cống, được vào học ở Quốc Tử Giám. Ông tiếp thu kiến thức rất giỏi, tỏ ra có sức học phi thường, được bạn bè đồng học mến phục. Đến năm Chính Hòa thứ tư (1683) thi Đình, ông đỗ Trạng nguyên.

Trong khoảng 10 năm 1688 đến 1697 theo sách sử như Việt sử thông giám cương mụcLịch triều hiến chương loại chí đã ghi lại, nhiều vụ lấn chiếm biên giới nước ta của quan lại nhà Thanh đã xẩy ra:

“Tháng 5 - 1688, thổ ti Vân Nam nhà Thanh xâm chiếm biên giới ở ba châu thuộc Tuyên Quang và châu Thủy Vĩ thuộc Hưng Hóa, giáp liền với địa phủ Khai Hóa nhà Thanh... Từ đấy trở đi đất ở ba châu bí mật về nhà Thanh”.

“Tháng 6 - 1689, triều đình cử Đinh Tuấn Khoa, Hữu thị lang Bộ Hình hội với quan nhà Thanh để khám xét biên giới thôn Na Oa, châu Lộc Bình thuộc Lạng Sơn... Tranh cãi mãi cuối cùng đất Na Oa vẫn bị mất về nhà Thanh”.

Năm 1690, Việt Nam cử một phái đoàn gồm Chánh sứ là Nguyễn Danh Nho, Nguyễn Quý Đức, Phó sứ Nguyễn Tiến Sách và Trần Thọ sang nhà Thanh nộp lễ tế cống. Nhân tiện tâu về việc: 1) Dư đảng họ Mạc lẩn lút ở Vân Nam họp bè đảng cướp bóc biên giới thuộc Tuyên Quang, Hưng Hóa và Cao Bằng; 2) Thổ ti ở Khai Hóa và Mông Tự xâm chiếm các thôn động ở các châu Bảo Lạc, Vị Xuyên, Thủy Vĩ và Quỳnh Mai, xin tra xét cho. Nhưng triều nhà Thanh vẫn ỉm việc này đi, không trả lời.

Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú thì đất đai bị mất do quân nhà Thanh lấn chiếm không phải chỉ là ba động mà còn nhiều hơn. Năm 1691, sứ thần nước ta tâu với nhà vua: Thổ ti phủ Khai Hóa xâm chiếm 60 động biên giới thuộc ba châu Vị Xuyên, Bảo Lạc, Thủy Vĩ và xâm chiếm ba châu Quảng Lăng, Hoàng Nham và Hợp Phì. Tháng giêng năm Đinh Sửu (1697), triều đình sai Chánh sứ là Nguyễn Đăng Đạo và Nguyễn Thế Bá, Phó sứ Đặng Đình Tướng và Nhữ Tiến Hiền sang Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) nộp tuế cống và dâng quốc thư xin vua Thanh trả đất ba động. Nguyễn Đăng Đạo đã bàn luận với quan trong triều, trình bầy những bằng chứng và bản đồ để chứng minh ba động đó là của Việt Nam...

Tuy chưa đòi được đất nhưng thư của vua Nam đã đến tận tay vua Thanh. Những lý lẽ của Nguyễn Đăng Đạo làm cho vua Thanh phải để ý đến việc đất đại vùng biên giới và phải khen tài ứng đối, biện bác xuất sắc của Nguyễn Đăng Đạo đã thể hiện văn tài của trạng nguyên nước Nam, nên theo tương truyền, đã phong cho Đăng Đạo là Lưỡng quốc Trạng nguyên.

Sứ bộ đi từ tháng Giêng năm trước đến mãi tháng sáu mùa hè năm 1698 mới về đến Thăng Long.

Ông còn để lại cho đời một tập thơ nhan đề Nguyễn Trạng Nguyên phụng sứ tập (Tập thơ làm lúc đi sứ của trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo) nhưng đã thất truyền. Hiện chỉ còn tám bài thơ xướng họa được Lê Quý Đông chép trong sách Toàn Việt thi lục và hai tấm bia kể về những gương công đức ở hai xã của vùng Kinh Bắc do chính tay ông soạn thảo.

Cả tám bài thơ hiện còn của Nguyễn Đăng Đạo đều là những bài họa vần các bạn đồng liêu khi hưu quan. Trên tất cả, Nguyễn Đăng Đạo đồng cảm với bè bạn đồng triều sống theo đạo nhà nho, toại nguyện với những tháng năm quá khứ mà mình lựa chọn:

Thụy phù vân thái phi phàm dân,

Tụy cái quang lâm dạ nhuận thân.

Tráng tuế tích tằng ung hiển sĩ,

Bạch nhiệm kim phủ chiếm cao tuần.

Tạ thời sủng tứ khâm đan bệ,

Hồi nhật bang lai tổng lý nhân.

Vô hạn kỷ canh vô hạn thọ,

Trường ngâm thiển chước nhận di chân.

(Thứ vận hạ Đô cấp sự trung Bùi Công Phụ trí sĩ)

Trần Thị Băng Thanh dịch thơ:

Mây lành rữ rỡ đến cùng ai?

Võng lọng tôn vinh khách quí đài.

Lúc trẻ từng vang danh kẻ sĩ,

Tuổi già càng rạng vẻ cân đai.

Bệ rồng phủ dụ khi từ tạ,

Bè bạn tâm giao lúc phản hồi.

Năm tháng vô cùng dày phúc thọ,

Tính trời thơ rượu thú đầy vơi.

(Họa bài mừng ông Bùi Công Phụ, Đô cấp sự trung về nghi quan)

Trong một bài thơ họa lại người bạn đồng khoa, ông bày tỏ tiếng nói chân tình, vừa tổng kết lại quãng đời quan chức đã qua vừa tỏ niềm thanh thản khi trở lại cố hương an hưởng tuổi già:

Cao khoa hiển sĩ thân đồ do,

Cao xỉ như kim thất thập thu.

Nhất phiến tạ thiên thư phủ thượng,

Cửu trùng di quyến lễ gia ưu.

Bôi trung hiền thánh bằng trâm hạp,

Tất hạ nhi tôn khánh vĩnh lưu.

Đồng vọng hành trần không miễn đệ,

Đại phu cao hứng chính du du.

(Thứ vận hạ Thái thường tự khanh Đào Tuấn Ngạn trí sĩ)

Trần Thị Băng Thanh dịch thơ:

Thư sinh hiển đạt phẳng đường quan,

Tuổi tác nay đà bảy chục niên.

Một mảnh tờ hưu dâng tới đó,

Mấy tình ưu ái đức vua ban.

Nâng chén hiền tài duyên phận định,

Gối kê con cháu phúc chan chan.

Ngoảnh mặt đông phương mờ cát bụi,

Trượng phu thi hứng mãi dâng tràn.

(Họa vần bài thơ mừng ông Thái thường tự khanh Đào Tuấn ngạn nghỉ quan)

Làm tới chức Tể tướng Thượng thư nhưng ông không bao giờ quên rằng dân ta còn rất đói khổ lam lũ. Nguyên Đăng Đạo đã thường xuyên quan tâm đến đời sống dân chúng. Những dịp từ triều đình về quê, ông thăm hỏi khuyến khích việc cần lao, việc học hành của dân quanh vùng. Tôn trọng truyền thống tín ngưỡng của một vùng quê nhiều chùa chiền thờ thần, ông còn góp tiền cho xây dựng tu bổ đình đền miếu mạo ở quê hương. Chùa Bách Môn tương truyền là do ông cho tu bổ, xây dựng lại trong thời kỳ này.

Nhân dân làng Hoài Bão vẫn còn nhớ câu chuyện chia ruộng vua ban cho dân xưa kia. Đấy là, do việc Nguyễn Đăng Đạo được triều đình ban cho ruộng lộc nhưng vốn tính liêm khiết, ông nhất mực từ chối không nhận. Vua và các triều thần nói mãi, ông Đăng Đạo bèn xin lĩnh khu ruộng bỏ hoang đầy lau lách và cỏ dại, xấu nhất gọi là cánh đồng cầu Vực. Sau đó, ông cho các gia đình nghèo khó ra đó phát cỏ, cải tạo để làm thành ruộng cày cấy được. Khi đã trở thành khoảnh ruộng tốt, ông chia hẳn cho các gia đình...

Nhân dân quanh vùng còn nhớ ơn ông Nguyễn Đăng Đạo cứu đói cho dân. Một năm kia, trời làm mất mùa, dân chúng quê ông đói khổ, làng xóm tiêu điều. Thấy vậy ông liền viết thư về khuyên phu nhân phát tiền gạo cứu giúp người nghèo đói, với lời lẽ cảm động và tình thương dân sâu nặng của vị quan đại thần: “Ta thân danh làm quan đại thần coi việc triều đình không nỡ ngồi nhìn nhân dân ta đói mà không xót thương, phu nhân hãy đem tiền thóc của nhà ra mà cứu đói, cấp thóc cho dân gieo mạ cấy tái giá”. Nhờ đó mà dân địa phương vượt được bước khó khăn, làm vụ sau bội thu.

Dân chúng được no ấm, cảm ơn ân nghĩa và công đức của quan trọng Đăng Đạo đã có lời ca truyền tụng:

Bất hữu Trạng nguyên tiền,

Ngô dân hà dĩ an.

Bất hữu Trạng nguyên túc,

Ngô dân hà dĩ dục.

Tướng công chi đức,

Tướng công chi công,

Lịch vạn thế nhi bất vong.

(Không có tiền quan Trạng,

Dân ta làm sao sống yên lành.

Không có lúa của quan Trạng,

Dân ta làm sao nuôi nhau được.

Đức của Tướng công,

Công ơn của tướng công,

Trải muôn đời nhắc nhở khôn cùng)

Nguyễn Đăng Đạo làm Đô đài Ngự sử ngót 30 năm rồi thăng Tham tụng, sau thăng Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đông các đại học sĩ, tước Bá. Ông là vị quan tài giỏi, cần kiệm, liêm chính, tận tụy mưu phúc lợi cho nhân dân, nên được người dân và sĩ phu trọng vọng.

Ông mất năm Kỷ Hợi (1719), thọ 68 tuổi, được phong tặng Thượng thư Bộ Lại, tước Thọ Quận công. Vua Lê Dụ Tông đã tặng ông bốn chữ “Lưỡng quốc Trạng nguyên” và đôi câu đối hiện vẫn còn lưu lại tại nhà thờ ông:

Tiến sĩ Thượng thư thiên hạ hữu

(Đỗ Tiến sĩ làm Thượng thư thế gian có nhiều)

Trạng nguyên Tể tướng thế gian vô

(Đỗ Trạng nguyên làm đến Tể tướng thì hiếm có)

Ngoài ra vua Lê còn làm một bài thơ điếu ông, sắc phong ông làm phúc thần. Dân làng Hoài Bão tôn ông làm thành hoàng, đời đời thờ cúng./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Lưu Minh Trị - Nguyễn Hữu Sơn