Văn hóa – Di sản

Lê Quý Đôn - nhà bác học, nhà thơ

Vũ Khiêu 28/11/2023 15:20

Thế kỷ XVIII là một thế kỷ rất đặc biệt trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam. Thế kỷ ấy đánh dấu sự suy sụp của chế độ phong kiến từ mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Nhưng cũng thế kỷ ấy lại tạo ra sự phồn vinh rực rõ của chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa yêu nước và của tinh thần sáng tạo trên các lĩnh vực văn hoá, triết học, nghệ thuật... Chính thế kỷ ấy đã sản sinh ra một nhân vật kiệt xuất mà “vài ba trăm năm mới có một người như thế”. Người đó là Lê Quý Đôn.

le-quy-don.jpg.jpg
Danh nhân văn hóa, Nhà bác học Lê Quý Đôn.

Lê Quý Đôn thủa nhỏ tên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, vốn quê làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Ông sinh ngày 2/8/1727 tại phường Bích Câu, kinh thành Thăng Long, sinh hoạt nhiều năm tại đây, cưới vợ cũng tại đây.

Cha ông là Tiến sĩ Lê Trọng Thứ, hiệu Trúc Anh, trải hơn 50 năm làm quan triều Lê - Trịnh, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, khẳng khái. Là người có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời Lê Quý Đôn.

Mẹ Lê Quý Đôn họ Trương, con của Hoàng phái hầu Trương Minh Lượng. Đám cưới của cha mẹ ông cũng được cử hành tại phường Bích Câu.

Vợ ông là Lê Thị Trang, con của Tiến sĩ Lê Hữu Kiều. Lấy ông từ năm 17, bà qua đời khi chưa đầy 30 tuổi, để lại 6 người con thơ dại.

Từ trước đến nay, nhiều người đã truyền tụng nhau ngợi ca tài năng hiếm có của Lê Quý Đôn: Hai tuổi đã biết học chữ “hữu” và chữ “vô”, 5 tuổi đã đọc được nhiều bài kinh thi, 8 tuổi đã xuất thần làm bài thơ “rắn đầu rắn mặt” nổi tiếng, đọc rất nhanh, một lần đưa mắt đọc liền được 10 dòng chữ (nhất mục thập hàng), 14 tuổi đã đọc hết Ngũ kinh, Tứ thư, sử, truyện, đọc đến cả Chu Tử, trong một ngày có thể làm 10 bài phú không cần viết nháp...

Vốn sẵn thông minh, chăm chỉ, lại được cha và ông ngoại kèm cặp từ nhỏ, Lê Quý Đôn học một hiểu mười. Lớn lên được nhiều lần theo hai người khắp đó đây, được dự những buổi bình văn ở Quốc Tử Giám hoặc hầu chuyện nhiều nhân vật ưu tú thời ấy, giao du với nhiều bạn bè sĩ tử. Lê Quý Đôn không ngừng trau dồi kiến thức, mở rộng tầm nhìn và trên thực tế đã chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết khi bước vào tuổi thành niên.

Năm 17 tuổi, Lê Quý Đôn thi Hương ở trường Sơn Nam, đỗ Giải nguyên. Năm đó ông chính thức đổi tên Lê Danh Phương thành Lê Quý Đôn. Cũng từ năm đó, ông ở lại nhà dạy học viết văn. Đồng thời ông vẫn theo đuổi việc học hành và tiếp tục đi thi Hội mấy khoá song không đỗ. Mãi đến năm 26 tuổi, dự khoa thi Hội Nhâm Dần (1752), ông mới đoạt được bảng vàng rực rỡ: đỗ đầu cả thi Hội và thi Đình. Thi Hội đỗ Hội nguyên. Thi Đình đỗ Bảng nhãn (kỳ thi này không có Trạng nguyên).

Từ đây ông bắt đầu cuộc đời làm quan, nhận chức Thị thư, làm ở Hàn lâm viện, rồi làm ở Ban Toản tu quốc sử. Năm 1757 được thăng chức Thị giảng Viện Hàn lâm. Năm 1760, vua Lê Ý Tông mất. Ông được triều đình cử làm Phó sứ cùng Chánh sứ Trần Huy Mật dẫn đầu một phái đoàn sang Trung Quốc báo tang. Hoàn thành xuất sắc công việc đi sứ hai năm trở về, năm 1762 ông lại được thăng chức Thừa chỉ Viện Hàn lâm, rồi làm Học sĩ ở Bí thư các. Ông từng được cử làm Chánh chủ khảo trường thi Hương, nhiều lần được cử đi coi thi ở kỳ thi Hội.

Từ năm 1752 đến 1762 là 10 năm đầu làm quan tương đối suôn sẻ và thăng tiến của Lê Quý Đôn. Song tiếp sau đó là hơn hai chục năm lăn lộn chốn quan trường với biết bao gập ghềnh chìm nổi mà người trí thức tài năng xuất chúng và vị quan thanh liêm mẫn cán như ông khó mà tránh khỏi. Quanh ông có lắm kẻ vì đố kỵ tài năng mà công kích ông, có lũ tham quan ô lại luôn rình rập mưu hại ông. Nhà chúa phục tài ông, nhưng khi tin dùng ông chỉ có mức độ.

Năm 1764, ông dâng sớ xin thiết định pháp chế, liền bị điều đi làm Đốc đồng trấn Kinh Bắc. Sau đó ít lâu lại làm Tham chính xứ Hải Dương. Thời gian này ông thường dâng khải về triều điều trần nhưng vấn đề xoay quanh việc cai trị phải dựa trên đạo lý và pháp luật: “Đấng anh quân phải định ra phép tắc chế độ để nắm vững nhà nước”. Ông nói tới lòng dân: “Nếu bỏ mất lòng dân thì không phải là cái đạo đẹp yên mối loạn”... Những điều như vậy đều bị bọn quyền thần bưng bít, bỏ qua. Trong khi đó, Trịnh Doanh ngày càng đam mê tửu sắc, sao nhãng triều chính. Bất đắc chí, Lê Quý Đôn dâng khải cáo quan, nói rằng: “Thần đem cái thân sống sót muôn dặm trở về nước, mà nay phiêu bạt nơi sông hồ. Vậy xin cho thần được trở về nơi quê cũ”. Lời lẽ thiết tha nhưng nghịch nhĩ. Trịnh Doanh bèn hạ lệnh bãi chức và cho phép về quê hay ở lại kinh sư cũng được. Lúc này Lê Quý Đôn chưa đầy 40 tuổi.

Cuối năm 1766, Trịnh Doanh chết, Trịnh Sâm lên nối ngôi chúa, đã phục chức cho Lê Quý Đôn làm Hàn lâm thị thư, Tổng tài Quốc sử quan kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Trở lại nghiệp quan, Lê Quý Đôn chăm lo làm tròn bổn phận. Ông thường đề bạt với phủ chúa những việc làm lợi cho dân, cho nước.

Năm 1769, nhân chuyến đi kiểm tra hai xứ Thanh, Nghệ là nơi dân tình điêu đứng bởi chiến tranh và hạn lụt, ông dâng khải xin ban hành nhiều chính sách cụ thể về mộ dân khẩn hoang, lập ấp.

Năm 1771, khi làm Hữu thị lang Bộ Hộ, ông dâng khải đề nghị tiến hành điều tra lại đất đai, làm lại sổ hộ tịch, xem xét lại việc bổ nhiệm các cống sĩ...

Năm 1774, đi khảo sát các huyện ở Trấn Sơn Nam, thấy tình hình thiếu đói, ông dâng khải đề xuất chủ trương quyên tiền và thóc của nhà giàu để phát chẩn, bớt thuế vụ chiêm, giảm việc bắt dân đi phu...

Phần lớn những kiến nghị như trên được Trịnh Sâm chấp nhận.

Với Trịnh Sâm, có phần ông được trọng dụng hơn. Thậm chí đã có lần ông được cử làm Tán lý quân vụ trong quân đội đi tham gia dẹp quân khởi nghĩa Lê Duy Mật. Tiếc thay, đây lại là “một tỳ vết” của đời ông mà thế gian

sau này chê trách, nhưng cũng là nghịch lý mà hoàn cảnh tạo nên. Đã nặng lòng thương dân mà lại đi “dẹp loạn” đàn áp những người dân nổi dậy!

Năm 1774, Lê Quý Đôn được thăng chức Tả Thị lang Bộ Lại kiêm Quốc sử Tổng tài. Năm sau lại được cử vào làm Hiệp đồng trấn Nghệ An.

Năm 1776, chúa Trịnh đặt ty Trấn phủ ở Thuận Hoá, ông được cử làm Hiệp trấn, Tham tán quân cơ, 6 tháng sau lại về triều. Năm 1778 được bổ làm Hành Tham tụng.

Năm 1782, Trịnh Sâm lâm bệnh qua đời, Trịnh Khải được kiêu binh đưa lên ngôi chúa. Đầu năm 1783, Lê Quý Đôn được cử đi làm Hiệp trấn Nghệ An, cuối năm lại về triều.

Năm 1784, ông mắc bệnh, xin về chữa thuốc tại quê ngoại Duy Tiên và mất ngày 2 tháng 6 năm đó, được truy phong Thượng thư Bộ Công.

Tên tuổi và sự nghiệp Lê Quý Đôn sáng chói lên không phải chỉ ở vị trí khoa bảng, cũng không phải ở những gì ông làm được trong phận sự người làm quan. Người ta biết đến Lê Quý Đôn, nhìn ra giá trị đích thực làm nên sự nghiệp của ông, trước hết bởi ông là nhà bác học lớn đã để lại cho đời cả một lâu đài văn hoá và khoa học vô cùng quý báu. Đó là khối lượng đồ sộ những tác phẩm có giá trị, gồm 50 bộ sách lớn với hàng trăm quyển, bao hàm cả khoa học xã hội nhân văn và khoa học tự nhiên. Ông cũng để lại tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, về phương pháp làm việc, tư duy khoa học và phong cách sống của người cầm bút chân chính cùng những kinh nghiệm thực tế hết sức phong phú trong học tập, nghiên cứu, sưu tập và trước tác.

Có thể kể ra một số tác phẩm tiêu biểu. Về triết học, có Thư kinh diễn nghĩa, Dịch kinh phu thuyết, Xuân Thu lược luận, Quần thư khảo biện... Về sử học, có Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Bắc sứ thông lục, Lê triều công thần liệt truyện... Về văn học, có Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt văn hải, Quế Đường thi tập, Quế Đường văn tập... Đặc biệt về bách khoa có Vân Đài loại ngữ...

Qua di sản Lê Quý Đôn, người ta thấy hầu như ông đã nắm hết những tri thức mà thời đại ông cho phép, từ lịch sử xa xưa Việt Nam và các nước đến những việc cụ thể hàng ngày như sinh hoạt và ăn uống, từ những đặc điểm của chim muông, cây cỏ đến phong tục tập quán của từng huyện, từng làng, từ những tư tưởng thần bí trong các tôn giáo đến những nhận thức khoa học mới nhất về chiều quay của trái đất chung quanh mặt trời.

Tác phẩm của ông bao trùm mọi vấn đề của thiên nhiên, xã hội và con người, thể hiện tài năng và trí tuệ của một danh nhân lỗi lạc về mọi mặt: Triết học, xã hội học, sử học, kinh tế học, chính trị học, văn học, nghệ thuật học...

Trần Danh Lâm, bạn của Lê Quý Đôn đã viết về ông: “Không sách gì không đọc, không việc gì không suy xét đến cùng, thường ngày ngẫm nghĩ được điều gì đều viết ngay thành sách, sách chất đầy bàn đầy tủ, kể ra không xiết” (Lời tựa sách Vân Đài loại ngữ).

Ngô Thì Sĩ, cũng là bạn ông, viết về cuốn Phủ biên tạp lục: “Sách này chép về xứ Thuận Hoá và Quảng Nam: ghi rõ núi sông, thành ấp, rạch kinh, thuế má, nhận tài, vật sản... rõ ràng dễ thấy như nhìn ngón tay trên bàn tay”.

Hai lời đánh giá trên đây đã nói lên hai đặc điểm nổi bật ở Lê Quý Đôn. “Không sách gì không đọc” để vươn tới đỉnh cao của kiến thức, đó là đặc điểm đầu tiên của người trí thức chân chính, là mục tiêu phấn đấu suốt đời của người ấy. Nhưng đọc sách mà không “suy xét đến cùng” để gạn đục khơi trong, để biến những kiến thức của xã hội thành những nhận định độc lập của bản thân trước những hiện tượng phức tạp của cuộc sống thì đọc sách như thế chỉ là con mọt sách.

Phạm Nguyễn Du, sau khi đọc những sách của Lê Quý Đôn, đã viết về tinh thần gạn đục khơi trong, độc lập suy xét và suy xét đến cùng ở Lê Quý Đôn như sau: “Tập hợp được những chỗ khác nhau mà tóm lấy cái cốt yếu, mổ xẻ cái ngờ vực mà đi đến chỗ tinh tế. Phàm những việc gì mà người trước chưa kịp nêu dẫn chứng, chưa kịp suy nghĩ tới, chưa kịp đặt thành lời, thì nhất thiết phân tích mở rộng rành rọt. Ví như người trên núi mà leo được chỗ cao. Vượt biển mà tìm được chỗ sâu”..

Nhìn đất nước mình, “như nhìn ngón tay trên bàn tay”, đó là đặc điểm thứ hai nổi bật ở người trí thức chân chính. Cuốn sách quan trọng nhất của người trí thức chưa phải là những cuốn sách được xếp trong kho của thư viện, mà là cuốn sách rộng lớn mở ra giữa cuộc đời. Khác với những nhà Nho thoát ly thực tế, xa rời nhân dân, Lê Quý Đôn luôn luôn bám sát đời sống xã hội, cố gắng biết rộng nghe nhiều, vừa học tập vừa biên soạn, vừa điều tra nghiên cứu. Chính ông đã viết về ông như sau: “Tôi vốn người nông cạn, lúc còn bé thì thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo “lời dạy lúc qua sân”, lại được giao du với bậc hiền sĩ đại phu. Thêm vào đấy, phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi. Đi đến đâu cũng để ý tìm tòi, phàm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao tiểu đồng đựng vào túi sách, lâu ngày tích tập, sau mới chép thành từng thiên” (Tựa sách Kiến văn tiểu lục)...

Kết hợp tri thức sách vở với tri thức đời sống, lại rất cần cù chịu khó, luôn khao khát vươn tới, ông chứng tỏ một năng lực làm việc phi thường.

Phủ biên tạp lục: Tập ký gồm 6 quyển đầy ắp những tư liệu có giá trị về hai xứ Thuận Hoá và Quảng Nam, ông làm xong chỉ trong 6 tháng.

Toàn Việt thi lục, bộ hợp tuyển thơ chữ Hán Việt Nam gồm 15 quyển, sưu tầm được 2391 bài thơ của 175 tác giả, cũng chỉ hoàn thành trong vòng một năm.

Vân Đài loại ngữ, bộ Bách khoa toàn thư này gồm 4 quyển, 9 chương, 967 điều, với những sự việc cụ thể, những nhận định, đánh giá, khen chê rành mạch, đã trích dẫn tới 557 cuốn sách, trong đó có cả những cuốn sách của châu Âu dịch ra tiếng Trung Quốc. Đó là điều mà xưa nay chưa ai có thể chỉ một mình mà làm được. Đọc chương Phẩm vật trong bộ sách này, người ta thấy Lê Quý Đôn biết đến 2010 thứ lúa. Ông còn khuyên các nông gia những việc làm cụ thể: “Phép làm cho tốt ruộng, thì nên trồng đậu xanh trước đã, thứ đến đậu nhỏ và vừng, các thứ ấy trồng vào tháng 5, tháng 6. Đến tháng 7 tháng 8 (thu hoạch xong) cày lật úp xuống, làm ruộng trồng lúa cho mùa xuân năm sau, thì mỗi mẫu thu được 10 thạch thóc. Những cây đậu và vừng bừa chày lên như thế, sẽ bón cho ruộng tốt ngang với bón phân tằm hay phân người”...

Những kiến thức, những kinh nghiệm, những cách thức làm ăn thiết thực như thế đã tràn ngập trong nhiều tác phẩm của Lê Quý Đôn.

Dân tộc Việt Nam tự hào có một Lê Quý Đôn. Mọi người ngưỡng mộ ông là nhà bác học lớn nhất của thế kỷ XVIII, và có thể là của cả thời kỳ trung đại lâu dài trong lịch sử dân tộc, đã để lại một di sản tinh thần cực kỳ to lớn và quý báu.

Ông mãi mãi là tấm gương sáng của người trí thức đã dành cả cuộc đời say mê học tập, nghiên cứu và sáng tạo để từ đỉnh cao của văn hoá đương thời đem hết tài năng, sức lực của mình phục vụ cho sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Vũ Khiêu