Hà Nội hướng đến xây dựng thành phố thông minh phát triển bền vững
Sáng 29/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức Khai mạc Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023.
Thành phố thông minh hướng đến phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là nhân tố quan trọng để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc vào năm 2045. Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mô hình thành phố thông minh bền vững mà thành phố Hà Nội hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân; xây dựng chính quyền phục vụ vì sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp; với nền kinh tế năng động, trong đó kinh tế số chiếm tỷ trọng ngày càng lớn; lực lượng lao động có khát vọng vươn lên, không ngừng sáng tạo và cống hiến, góp phần tạo nên xã hội thịnh vượng và toàn bộ người dân được sống, học tập, lao động trong môi trường an toàn, hạnh phúc.
Nhận thức và quyết tâm xây dựng Thành phố Hà Nội văn minh, văn hiến, hiện đại, xứng tầm Thủ đô của một đất nước gần 100 triệu dân; Hà Nội có rất nhiều lợi thế quan trọng, tuy nhiên cũng cần giải quyết rất nhiều bài toán khó trong việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; giữa đô thị hóa, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân... Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.
Một thành phố phát triển bền vững là thành phố phát triển với mọi tiện ích thông minh, được thể hiện thông qua những lựa chọn “thông minh”, giải pháp “thông minh”, công nghệ “thông minh”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND thành phố nêu vấn đề: Hiện nay, thực trạng xây dựng và phát triển đô thị thông minh của Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước đang diễn ra như thế nào? Những chính sách nào cần được khuyến nghị cho quá trình xây dựng thành phố thông minh bền vững của không chỉ Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố khác để cùng nghiên cứu, tham khảo? Công nghệ số, chuyển đổi số, và đặc biệt là dữ liệu số sẽ đóng góp như thế nào vào quá trình phát triển, Mô hình Thành phố thông minh nào trên thế giới mà Hà Nội có thể tham khảo?....
Với mong muốn có được câu trả lời cho những vấn đề nói trên, thành phố Hà Nội đã quyết định lựa chọn chủ đề “Khai thác dữ liệu - Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững” cho Hội nghị quan trọng ngày hôm nay.
Chủ tịch UBND thành phố hy vọng rằng, Hội nghị với chủ đề “Khai thác dữ liệu – Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững” và 03 nhóm hội thảo chuyên đề với các nội dung: Chính quyền, người dân và doanh nghiệp; Công nghệ, dữ liệu và kết nối; Hợp tác và phát triển sẽ chia sẻ những khuyến nghị, kinh nghiệm và bài học thực tiễn thực sự bổ ích, qua đó giúp thành phố Hà Nội lựa chọn và tận dụng tốt hơn cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, an toàn, phát triển nhanh và bền vững; đồng thời các tỉnh, thành phố trên cả nước, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tham dự cũng sẽ có thêm góc nhìn mới trong định hướng xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững.
Xây dựng hạ tầng dữ liệu thiết yếu
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị cho thấy quyết tâm rất lớn của lãnh đạo TP Hà Nội trong việc xây dựng Thủ đô hiện đại, phục vụ tốt hơn nữa người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, phát triển đô thị thông minh là một quá trình liên tục, lâu dài do vậy cần có tầm nhìn dài hạn, toàn diện, cách tiếp cận tổng thể. Cũng giống như chuyển đổi số, đô thị thông minh là sự thay đổi về tư duy và nhận thức nhiều hơn. Phát triển đô thị thông minh là chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị, tập trung vào giải quyết các vấn đề lớn của đô thị, các bài toán về giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh trật tự...
Để đạt được những nội dung một cách bài bản thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị, thành phố. Thành phố thông minh cũng chính là phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, phát triển công nghệ số...
Phát triển đô thị thông minh tại địa phương phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể tham gia thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng
Hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế -xã hội khác. Một hạ tầng thông tin mạnh, thống nhất và an toàn là nền tảng để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong không gian đô thị, Thứ Trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Với mục tiêu xây dựng một hướng dẫn chung về việc xây dựng, phát triển và đánh giá mức độ trưởng thành của đô thị thông minh, tạo sự thống nhất về nhận thức chung trong việc phát triển đô thị thông minh gắn với chương trình chuyển đổi số Quốc gia.
Thứ Trưởng Nguyễn Huy Dũng tin tưởng rằng, với sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân, Việt Nam sẽ sớm xây dựng được những thành phố thông minh, hiện đại, bền vững, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân./.