Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028: Dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển trong bối cảnh mới
Đại hội diễn ra vào thời điểm đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động cả nước cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, là dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển trong bối cảnh mới, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước.
Đại hội thảo luận, thông qua báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023, trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; quyết định các chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp trong nhiệm kỷ 2023 – 2028; thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII; tổng hợp kiến nghị của đoàn viên công đoàn, người lao động cả nước với Đảng, với Nhà nước về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động. Tổ chức các diễn đàn tại Đại hội; Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII ra mắt Đại hội; Đại hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội, bế mạc Đại hội.
Đại hội đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam Lần thứ XII (2018-2023)
Cụ thể, Các cấp công đoàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; Hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động ở các cấp công đoàn được chú trọng, có bước phát triển mới; Công tác tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng hành với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để lại nhiều dấu ấn;
Cùng với đó là công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục tiếp tục được quan tâm đổi mới, góp phần nâng cao nhận thức của đoàn viên, người lao động; Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị được tập trung triển khai; Phong trào thi đua yêu nước của Công đoàn được triển khai sâu rộng, thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức; Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của tổ chức công đoàn được tăng cường triển khai theo hướng linh hoạt, thích ứng với tình hình mới; Công tác quản lý tài chính, tài sản được quan tâm, tạo nguồn lực để thực vụ của tổ chức Công đoàn; Công tác kiểm tra giám sát được tăng cường , góp phần xây dựng tổ chức công đoàn được vững mạnh.
Năm năm qua, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức song với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, hoạt động công đoàn tiếp tục có bước chuyển quan trọng, nhất là trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Quy mô tổ chức được mở rộng, chất lượng một số mặt công tác được nâng lên, trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ động, linh hoạt; đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa, được đoàn viên, người lao động, cấp ủy, chính quyền và người sử dụng lao động ghi nhận, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Công đoàn Việt Nam trong đại diện, bảo vệ, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển và đổi mới đất nước.
Hoạt động công đoàn sẽ hướng mạnh vào đối thoại, thương lượng
Thời gian tới, hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ diễn ra phức tạp, gay gắt hơn; cục diện đa cực ngày càng rõ nét. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục phát triển nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức. Phong trào công nhân quốc tế và hoạt động công đoàn các quốc gia dự báo sẽ gặp khó khăn, có nơi bị thoái trào; tỷ lệ người lao động tham gia công đoàn ở một số nước có xu hướng giảm sút.
Trong nước, Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ; công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiếp tục được đẩy mạnh trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xu hướng già hóa dân số và mất cân bằng giới tính khi sinh, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng nhanh; đặc biệt biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gay gắt, phức tạp... bốn nguy cơ Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn, có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chưa đánh giá đúng vai trò, vị thế và đóng góp của người lao động trong các thành tựu mà đất nước đạt được. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, Công đoàn và đất nước ta.
Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, nhất là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều, tạo sự thay đổi lớn về lao động và quan hệ lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động, làm thay đổi môi trường hoạt động, đối tượng tập hợp và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn. Cơ cấu lao động tiếp tục có sự thay đổi mạnh mẽ, phần tầng xã hội rõ ràng hơn. Sự dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các địa phương tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động khu vực phi chính thức dự báo tiếp tục tăng, tạo sức ép về nhu cầu phát triển hạ tầng và giải quyết các vấn đề xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực nước ta nhìn chung còn thấp, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao và lao động có tay nghề.
Việt Nam sẽ hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn, thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có việc phê chuẩn, thực thi các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế. Hoạt động công đoàn sẽ hướng mạnh vào đối thoại, thương lượng. Sự xuất hiện tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh công đoàn cơ sở đặt ra những yêu cầu, thách thức mới đối với hoạt động công đoàn. Luật Công đoàn năm 2012 sẽ được sửa đổi, bổ sung nhằm phát huy vai trò, vị thế của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới./.