Nguyễn Gia Thiều – tiếng khóc nhân loại
Nguyễn Gia Thiều sinh năm Tân Dậu (1741) ở Làng Liễu Ngạn, tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, xứ Kinh Bắc (nay là thôn Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), trong một gia đình quý tộc.
Dòng họ của ông gốc ở làng Tống Sơn, huyện Gia Miêu, tỉnh Thanh Hoá, có cụ tổ là Nguyễn Bặc, làm quan đến chức Thái tể, tước Định Quốc công. Về sau, trong hàng con cháu có người tên là Nguyễn Viết Hựu đã lấy vợ ở xã Liễu Chử (tức là xã Liễu Ngạn) và rồi con cháu đã dời nhà từ Thanh Hoá về quê ngoại. Để nhớ lấy quê tổ, dòng họ ấy đã đổi tên đệm của mình là Viết sang Gia (gốc ở chữ Gia Miêu) và từ đó họ Nguyễn của Nguyễn Gia Thiều có tên đệm là Gia.
Thân phụ ông là Nguyễn Gia Ngô, làm quan võ, được phong tước hầu, gọi là Đạt Vũ hầu.
Thân mẫu ông là quận chúa Quỳnh Liên, con gái thứ sáu của chúa An Đô Vương Trịnh Cương. Như vậy Nguyễn Gia Thiều gọi chúa Trịnh Doanh là cậu ruột.
Ông là thích thuộc nhà chúa cho nên khi 5 tuổi, ông được nuôi trong nội phủ. Khi ông 18 tuổi, chúa ban cho chức Hiệu uý quản binh mã nhưng ông không để chí về đường công danh. Ông thường bỏ việc binh mã, về ở bên hồ Tây, tự hiệu là Tâm Thi Viện Tử rồi lại lấy hiệu là Sưu Chân. Lúc chúa Trịnh đến chơi nhà ông, lại cho hiệu là Sơn Thuỷ Nhân Hoa và sau cho thăng chức, cho nhà ở tại Cửa Nam, sai ông điều khiển việc xây tháp chùa Tiên Tích. Ông nhân dịp đó, sửa sang nhà mình rất là đẹp đẽ. Chúa Trịnh thường ngự đến chơi và khen rằng: “Vào đây có cái phong thú như ngư phủ lạc Đào Nguyên”.
Năm 22 tuổi, được thăng chỉ huy Thiêm sự, 26 tuổi thăng chỉ huy Đồng Tri, 30 tuổi thăng Tổng binh Đồng tri. Nhờ lập được một số quân công, ông được phong tước hầu, gọi là Ôn Như hầu. Năm Nhâm Dần (1782), ông sung chức Lưu thư xứ Hưng Hoá.
Đến khi nhà Tây Sơn chấm dứt nhà Lê - Trịnh, ông không chịu ra làm quan, bèn lánh lên vùng thượng du rồi về ở Hưng Hoá. Đến khi không thể ẩn lánh được nữa, ông về lại Bắc Thành (Hà Nội) nhưng vẫn không chịu ra thờ nhà Tây Sơn. Ông về quê ở cho đến ngày mồng Chín tháng Năm năm Mậu Ngọ (1798) thì mất, hưởng thọ 58 tuổi.
Thơ chữ Hán của ông có bộ Tiền hậu thi tập còn gọi là Ôn Như thi tập nhưng đến nay cũng không còn truyền lại một bài nào.
Quốc âm thì ngoài Cung oán ngâm khúc, ông còn có bộ Tứ Trai thi tập (tập thơ chung của bốn anh em ông) và Tây Hồ thi tập, nhưng cũng không sưu tập lại được, chỉ còn vài ba bài.
Nguyễn Gia Thiều giữ một vị trí lớn trong lịch sử văn học Việt Nam qua tác phẩm Cung oán ngâm khúc, tác phẩm đã gây bao xúc động trong lòng người. Nhưng đánh giá về ông, và về các tác phẩm của ông, lại có những ý kiến khác nhau.
Có người nói: Chỉ vì trải qua lâu năm trong cuộc sống cung đình, từng chứng kiến cảnh ngộ bi thảm của những người cung nữ, nên ông đã dành cho họ những lời thơ hay nhất!
Có người nói: Vì thất bại trên con đường danh lợi, vì không được vua chúa tin yêu nữa, nên ông đã mượn tâm trạng của người cung nữ để thở than cho tâm trạng của mình!
Có người nói: Do xuất thân từ thành phần quý độc, ông đã không vượt qua khỏi sự ràng buộc của địa vị và môi trường xã hội trên các mặt nhận thức, xúc cảm và hành động!
Có người đánh giá thơ của ông cho rằng thành công của Cung oán ngâm khúc là do ông đã học tập Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm!
Nếu quả những điều trên đây là đúng, thì Nguyễn Gia Thiều còn gì nữa để ngợi ca hôm nay? Tôi nghĩ rằng Nguyễn Gia Thiều đã đứng cao hơn rất nhiều so với những điều nhận định ấy.
Con người là sản phẩm của thời đại nhưng cũng là sản phẩm của chính bản thân mình. Tính tất yếu kinh tế chỉ quyết định sự phát triển của con người về mặt đại thể. Nó vẫn dành cho con người một mảnh đất còn khá rộng để người ấy tự do quyết định lấy vận mệnh của mình.
Thế kỷ XVIII quả thật là bức tranh vân cẩu với những hình mẫu cực kỳ phong phú về những số phận con người. Nguyễn Gia Thiều là một trong những sản phẩm độc đáo ấy của cái thế kỷ muôn mầu này.
Thế kỷ XVIII là thế kỷ đầy thử thách của dân tộc Việt Nam. Thế kỷ ấy tạo nên một lò lửa kỳ diệu để mọi người trải qua nó mà trở thành bản thân mình.
Thế kỷ ấy đã chứng kiến sự sụp đổ những ngai vàng từ bao đời rực rỡ của vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và của chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Thế kỷ ấy đã đánh thức dậy các tầng lớp nông dân để họ từ những người cần cù lặng lẽ trở thành những nghĩa quân ở các trấn, những kiêu binh ở triều đình, những chiến sĩ anh hùng dưới lá cờ giải phóng đất nước của Quang Trung.
Thế kỷ ấy trong lò lửa của mình đã rèn đúc ra những kiểu người trí thức vô cùng đa dạng. Có người như Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ đã đem hết tài năng mong củng cố một chế độ đã suy tàn. Có người như Lý Trần Quán, Bùi Huy Bích, Trần Danh Án cản trở bước đi lên của lịch sử bằng những quan điểm bảo thủ của mình. Có người như Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Khản chạy theo cuộc sống cao sang bằng bất cứ giá nào. Có người như Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ đi hẳn với nhân dân, chiến đấu cho độc lập của tổ quốc. Có người như Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiếp xa lánh cuộc thế nhiễu nhương để trở về nhà làm thuốc và dạy học. Ngoài ra, có đông đảo những nhà thơ, đã bằng cách này hay cách khác, ghi lại những xúc động và tâm tư trước những diễn biến của xã hội và cảnh ngộ của con người.
Tất cả những trí thức nói trên, dù cùng sống trong một môi trường xã hội, dù có thể xếp chung vào một loại tầng, vẫn là những nhân cách đặc biệt với những suy nghĩ và ứng xử của riêng mình. Nguyễn Gia Thiều là một nhân cách đặc biệt của thế kỷ XVIII sôi động này.
Xét về hoàn cảnh gia đình và xã hội, Nguyễn Gia Thiều từ khi còn là cậu bé lên năm đã sống trong cung thất của ông Ngoại là chúa Trịnh Cương tuyệt đỉnh giàu sang và quyền lực. Trong lúc nhân dân đói rách, thì cậu bé trong phủ chúa sống giữa vàng son, nhung lụa, tham dự và chứng kiến những cảnh ăn nói cực kỳ xa phí. Từ trong khung cảnh ấy, Nguyễn Gia Thiều lớn lên, trở thành người tài hoa trên các mặt cầm, kỳ, thi, họa... Về thi ca, ông sáng tác trên một ngàn bài thơ chữ Hán và một số bài thơ Nôm. Về âm nhạc, ông soạn nhiều bài ca, bài tán, đặc biệt là bản Sơn trung âm và Sở từ điệu. Về hội họa, ông có bức tranh lớn Tống Sơn đồ dâng lên vua. Về kiến trúc, ông xây tháp ở chùa Tiên Tích và được chúa Trịnh giao cho việc trang trí cung đình. Rất tiếc là những công trình ấy không còn lưu lại đến ngày nay.
Được giữ chức Hiệu uý từ năm 18 tuổi, Nguyễn Gia Thiều tiếp tục được giao nhiều công việc quan trọng khác và được phong Hầu. Giá như ông cứ tiếp tục theo đuổi con đường danh lợi và an phận với cuộc sống phong lưu của một vị hầu tước thì cuộc đời ông chả còn gì đáng nói.
Xã hội học tầm thường quan niệm rằng con người chỉ là sản phẩm tiêu cực của hoàn cảnh. Quan điểm ấy đứng ngoài thế giới văn thơ. Nó che lấp đi nét tinh vi của cuộc sống. Nó xa lạ với tính thẩm mỹ của ngôn từ. Nó không đánh giá được sự giao lưu kỳ diệu giữa hiện thực xã hội và tâm hồn nghệ sĩ.
Địa vị quý tộc, bối cảnh cung đình, cuộc sống phong lưu và trách nhiệm triều thần đã không thể nào nặn ông trong khuôn định sẵn.
Từng chứng kiến số phận gian truân của những người cung nữ, từng tiếp xúc với những cảnh thương tâm ngoài xã hội, ông càng nhận ra những sự bất công và phi lý đã diễn ra trong xã hội từ triều đình đến thôn dã.
Cuộc sống như một chiều gió muốn cuốn ông đi nhưng cái nhân tính bẩm sinh đã thức dậy ở con người ông, khiến ông đã vượt qua bao thử thách và vượt lên trên bản thân mình để trở thành một nhân cách đặc biệt.
Ông đã nhìn cuộc đời với con mắt triết học. Trong thanh bình ông nhìn thấy tang thương. Từ cái nhất thời ông nghĩ về vĩnh cửu. Ở má đào của người cung nữ, ông nhận ra mệnh bạc của con người. Từ sự hẩm hiu của những cá nhân, ông xót xa cho nỗi đau thương của cả nhân loại.
Ông hiểu sâu sắc về hoàn cảnh những người cung nữ, và nêu lên những nét rất tinh vi về tâm trạng của họ. Tâm trạng này không chỉ của riêng cung nữ, không phải trước cảnh ngộ của riêng ông như người ta tưởng, mà là trước cảnh phù sinh của cả cõi nhân gian.
Nguyễn Gia Thiều đã gán cho người cung nữ những phẩm chất tuyệt với, những cái quý giá nhất mà ông mong đợi ở con người: Đó là trí tuệ, là tài năng, là sắc đẹp, là sự cao cả của tâm hồn, là sự mãnh liệt của tình yêu, nhưng những thứ ấy đáng lẽ phải đem lại vinh quang và hạnh phúc thì ngược lại, chúng chỉ dẫn đến bị kịch và sự huỷ diệt, chỉ chứng minh cho tính phi lý trong kiếp sống của cả nhân loại.
Kiếp sống ấy, theo Nguyễn Gia Thiều, không có nghĩa: Trăm năm chỉ còn là một nấm cổ khâu. Kiếp sống ấy đầy rẫy đau thương và khổ cực. Ai chả muốn cho mình một cuộc sống đời hạnh phúc, được đầy đủ về vật chất, được thoải mái về tinh thần. Ai chả muốn lăn vào cuộc sống để tìm danh lợi bằng tất cả tài năng và trí lực.
Nhưng “gót danh lợi bùn pha sắc xám, mặt phong trần nắng rám mùi dâu”, sự cố gắng của con người để trải qua thiên ma bách triết. Bao nhiêu lần mài và bao nhiêu lần để vỡ! Suốt cuộc đời lo lắng về sự “thành bại”, tính toán về bước “cùng thông” mà mái tóc cằn đi, mà buồng gan thắt lại. Phú quý vinh hoa chỉ là cái bả lừa dối con người, còn sự đói rét như dao cắt da, như lửa đốt ruột vẫn luôn chờ sẵn. Cái vô thường mà đạo Phật nhắc nhở được Nguyễn Gia Thiều cụ thể hoá qua những hình tượng rung động lòng người. Không chỉ kẻ muốn làm quan thường bị cái phong ba dìm hết trong bể hoạn. Cả cõi đời này đều giống sóng cồn cửa bể, trong đó thân phận con người mong manh như chiếc thuyền bào ảnh, sẽ sớm muộn bị dập vùi.
Nếu nhà Phật coi cuộc đời là bể khổ, bến mê thì con người chỉ là bèo bọt trong đó. Đất bằng luôn nổi lên những lớp chông gai và bãi cạn cũng có thể khiến người ta chết đuối.
Từ lúc trắng răng đến thuở bạc đầu, cuộc sống con người không có niềm vui, không có bình minh và ánh sáng. Con người chỉ là những hình bóng nhạt mờ trong buổi chiều tàn, trăng lặn. Tấn bi kịch của con người được khái quát ở Ôn Như, lại được gặp lại ở Tố Như. Văn chiêu hồn đã tiếp nối Cung oán ngâm khúc, tạo nên tiếng khóc đau thương của nhân loại đối với bản thân mình.
Ở Nguyễn Du, chúng ta cảm thấy ghê rợn trước những cô hồn thất thểu lang thang mang theo nỗi oan ức của hầu hết những thân phận con người. Nhưng Nguyễn Du đã giải quyết vấn đề bằng cách hướng vào siêu sinh tịnh độ của đức Phật từ bi. Còn ở Nguyễn Gia Thiều thì khác, chúng ta thấy ở ông vấn đề được treo lại. Ông đã từng viết:
Vắt tay nằm nghĩ cơ trần,
Nước dương muốn rẩy nguội dần lửa duyên.
Nhưng ông mới chỉ nghĩ như thế và muốn như thế. Ông còn gắn bó với cuộc đời và lửa trong lòng ông chưa đủ nguội để ông đi con đường cửa Phật. Hỷ, nộ, ai, lạc..., cả thất tình của con người vẫn còn day dứt ông.
Trước cảnh đời, ông đã không chỉ một lần muốn thét lên một tiếng cho dài kéo căm. Người cung nữ của ông cũng từng “bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra”. Đạp tiêu phòng mà ra không chỉ là tâm trạng ấy chính là sự phản ánh này chỉ diễn ra trong nội tâm, chứ không thể hiện bằng hành động. Đó là sự hạn chế của Nguyễn Gia Thiều và cũng là sự bế tắc của lịch sử trước những vấn đề cơ bản của nhân loại.
Những vấn đề cơ bản ấy của nhân loại 200 năm sau được nêu lại ở chủ nghĩa hiện sinh với cách trình bày khác và những kết luận khác.
Chủ nghĩa hiện sinh nêu lên hình tượng con lạc đà, con sư tử và đứa trẻ em, coi như ba trạng thái của con người hiện sinh trước cuộc sống.
Con người sinh ra nhận trên vai mình sự đè nén của xã hội giống như con lạc đà mang gánh nặng trên lưng.
Không cam tâm với số phận của mình, con người vùng lên như con sư tử, nhưng tất cả đều vô nghĩa, cuộc sống chỉ bộc lộ tính hư vô và đem lại tuyệt vọng. Cuối cùng, con người thấy rõ sự bất lực của mình. Đã ngoan ngoãn chấp nhận số phận của mình như một đứa trẻ em. Nói như Jean Paul Sartre, “cuộc đời chỉ là sự ham mê vô ích và không còn gì nữa để đáng gọi là niềm tin. Nếu ngay như chúa trời cũng coi như đã chết thì chẳng còn gì là thiện là ác nữa. Ai muốn làm gì thì làm, mọi ý nghĩa và hành động đều ngang bằng về giá trị”.
Nguyễn Gia Thiều cũng cảm thức sâu sắc về cuộc sống phù du và thân phận mỏng manh của con người. Nhưng ông không tước bỏ niềm tin và vẫn muốn tìm ra một lối thoát.
Người cung nữ có lúc muốn Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên. Nhưng “có âm dương, có vợ chồng”, trốn làm sao khỏi quy luật của tạo hoá?
Người cung nữ có lúc muốn làm bạn với gió mát trăng thanh, nhưng khi xã hội đã tiêu điều thì Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư. Và toàn cảnh thiên nhiên đều ủ rũ:
Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ,
Quán thu phong đứng rũ tà huy.
Người cung nữ có lúc tỏ ra thèm tiếc cuộc sống thanh bình ở nông thôn, lấy một người chồng cục mịch, bằng lòng với cuộc sống thanh đạm rau dưa. Điều này chỉ là một sự an ủi gượng gạo mà thôi. Bởi vươn lên một cuộc sống đầy đủ và phong lưu là nguyện vọng chính đáng của con người, là điều kiện đi lên của cả xã hội.
Đi vào nghệ thuật chăng? Đem bài ca, tiếng hát để giải phiền chăng? Nhưng trong lòng đã ủ dột thì Cười ra tiếng hát, khóc lên giọng sầu..
Nguyễn Gia Thiều cũng từng muốn như Lý Bạch uống chén rượu quên đi nỗi sầu vạn cổ. Nhưng mối sầu vạn cổ ấy lại không dễ tiêu tan. Nó là số phận của con người. Nó là bạn đồng hành của nhân loại khi nhân loại chưa tìm được cho mình một con đường giải phóng.
Mọi con đường bế tắc. Nhưng Nguyễn Gia Thiều vẫn chờ đợi, chờ đợi cái ngày mà nhà vua sẽ quay trở về với người cung nữ, cũng như ánh sáng kỳ diệu nào đó sẽ đến với nhân loại đau thương.
Nguyễn Gia Thiều vừa là nhà triết học, vừa là nhà thơ. Nhà triết học đã giúp nhà thơ khái quát lên những nét cơ bản nhất của cuộc đời. Nhà thơ đã giúp nhà triết học biến những tư tưởng lớn thành những hình tượng khắc sâu vào tâm thức.
Nguyễn Gia Thiều là một nhà thơ trong những nhà thơ lỗi lạc nhất của dân tộc. Thơ ông là sự kết đọng đẹp nhất của một tâm hồn thẩm mỹ. Tài năng của ông trong âm nhạc, trong hội hoạ, trong kiến trúc kết hợp với bộ óc vô cùng uyên bác đã giúp ông tạo nên những lời thơ như hoa, như ngọc. Mỗi chữ trong câu thơ đều được gọt giũa công phu và tế nhị. Âm thanh và màu sắc cùng vẻ đẹp của ngôn từ đã tạo cho thơ ông một phong cách đặc biệt chẳng giống bất cứ ai. Thật oan ức cho ông nếu bảo ông chỉ biết học tập và bắt chước Đoàn Thị Điểm.
Trên 200 năm qua, từ ngày ông qua đời, nhân loại vẫn chưa khô nước mắt. Nhưng cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng kỹ thuật của thế kỷ này đã thức tỉnh toàn thể nhân dân thế giới. Ánh sáng của ngày mai đã rực sáng ở chân trời, mặc dù ở nơi này và nơi khác vẫn có bóng đen của bất công và áp bức. Đường đi còn muôn vàn khó khăn, nhưng nhân loại sẽ tiến lên làm chủ vận mệnh của mình và xoá đi mọi nguyên nhân đã đem lại tiếng khóc.
Trong buổi khải hoàn của nhân loại, tiếng khóc sẽ thay bằng tiếng hát. Lúc đó nếu tưởng lại nỗi lòng của những người đã suốt đời đau thương trước nỗi bất hạnh của nhân loại thì có lẽ lời ước nguyện “Tam bách dư niên hậu” sẽ được thực hiện. Người ta sẽ nhỏ nước mắt cho cả Tố Như và Ôn Như. Nhưng đây là nước mắt của niềm vui, nước mắt của lòng biết ơn của nhân loại đối với những người con bất diệt của mình./.
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội