Tin tức

Luật Thủ đô (Sửa đổi): Cần quan tâm mô hình TOD phát triển đường sắt đô thị

T. Trang 27/11/2023 16:34

Thảo luận về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 27/11, các đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đến mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) và cho rằng TP Hà Nội nên dành ngân sách để đầu tư cho những dự án TOD trong khu vực nội đô.

ab1.jpeg
Phát triển đô thị gắn liền với giao thông công cộng. Ảnh: Hải Linh

Luật Thủ đô trên cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn thi hành Luật Thủ đô nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng có liên quan, đặc biệt là Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Qua đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong 9 năm thi hành Luật trong việc xây dựng, quản lý, thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, cơ chế tài chính, chính sách liên vùng, quản lý dân cư, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, để hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của Thủ đô. Từ đó thúc đẩy kinh tế xã hội của Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, đưa Thủ đô trở thành trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ lớn, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, là động lực phát triển của vùng và cả nước.

vsng.jpeg
Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Tô Ái Vang ủng hộ sự cần thiết sớm ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu quan tâm đến Góp ý vào Điều 39 phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng TOD, đại biểu cho rằng, việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ hội để Hà Nội phát triển đô thị, góp phần giảm tắc đường, là hướng ra để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị.

Tuy nhiên, với mô hình phát triển đô thị mới chưa từng có tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi tình trạng xuất hiện hàng loạt các mối quan hệ và các xung đột lợi ích của nhiều bên có thể nằm ngoài năng lực vận hành của thiết chế hiện tại. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nếu xác định TOD là mô hình giao thông mới, mô hình này có sự khác biệt nào so với quy định trong dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ?

Đồng thời, phát triển mô hình đô thị TOD không chỉ với những đô thị mới mà cả với những khu vực tái thiết đô thị, cải tạo chung cư cũ, nhà ở cũ xây dựng tự phát trong khu vực nội đô để khai thác không gian ngầm cho phát triển thương mại, dịch vụ, không gian trên cao trong phát triển nhà ở và tái định cư người dân tại chỗ; không gian mặt đất dành cho cây xanh và các công trình hoạt động công cộng. "TP không nên dành tiền để xây dựng những con đường đắt nhất hành tinh mà nên dành ngân sách đó để đầu tư cho những dự án TOD trong khu vực nội đô"- đại biểu góp ý./.

T. Trang