Văn học - Nghệ thuật

Trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài Công nhân và Công đoàn

Yến Ly 08:54 27/11/2023

Tối 26/11, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) đã tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài Công nhân và Công đoàn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Có 24 tác phẩm đã đoạt giải ở các hạng mục Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích.

Tới dự Lễ trao giải có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân; đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo cuộc thi; đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn cùng các đồng chí Lãnh đạo Tổng Liên đoàn và đại diện các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn, các nhà văn tham gia và đoạt giải, các nguyên mẫu nhân vật trong tác phẩm dự thi.

pct.jpg
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Lễ trao giải.

Cuộc thi do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo, Báo Lao động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, diễn ra từ tháng 23/11/2021 - 30/8/2023 với tổng kinh phí giải thưởng khoảng 2.500.000.000 đồng. Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận về 498 tác phẩm dự thi, với 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết của gần 300 tác giả là các nhà văn chuyên và không chuyên ở nhiều độ tuổi đang sinh sống trong và ngoài nước. Hội đồng Sơ khảo đã chọn được 43 truyện ngắn, 18 tiểu thuyết đề nghị đưa vào Chung khảo cuộc thi.

Phát biểu tại Lễ trao giải, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi cho biết: Hầu hết các tác phẩm đều bám sát chủ đề viết về công nhân, công đoàn với chất lượng được các thành viên Ban giám khảo đánh giá cao. Phần lớn các tác phẩm đã vẽ lên được bức tranh sinh động về đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm, ước mơ, khát vọng của công nhân, người lao động và cán bộ công đoàn.

Nhiều tác phẩm đề cập đến hoạt động công đoàn ở cơ sở đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ, với không ít khó khăn, vật cản. Ở đó, người cán bộ công đoàn phải đương đầu, phải thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm, tâm huyết và cả sự hy sinh để bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động. Các tác phẩm cho thấy hiện thực cuộc sống tràn đầy: đó là trải nghiệm về cuộc sống người công nhân nơi xóm trọ, là những quan hệ chằng chịt nơi nhà máy, là những lo toan, trăn trở khi cuộc sống của công nhân còn nhiều khó khăn, và cả niềm vui vỡ òa khi cán bộ công đoàn bảo vệ thành công, mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động. Hình ảnh người công nhân Việt Nam dù còn khó khăn nhưng luôn có niềm tin về tương lai phía trước; sống tử tế, chân thành, biết chia sẻ và khát vọng cống hiến; hình ảnh Công đoàn Việt Nam đang chuyển mình đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế sâu rộng được nhiều tác phẩm thể hiện rất thành công.

hm.jpg
Các đại biểu tham dự Lễ trao giải.

“Cuộc thi đã góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác văn học, khơi lại mạch ngầm dòng chảy văn học về công nhân - người lao động, công đoàn, đóng góp vào dòng chảy chung của văn học - nghệ thuật nước nhà. Thông qua các tác phẩm văn học, giúp xã hội nhìn nhận đầy đủ, chia sẻ và thấu hiểu đời sống, vai trò, vị trí của người công nhân và giai cấp công nhân trong bối cảnh tình hình mới; đánh giá đúng vai trò, đóng góp của tổ chức công đoàn đối với người lao động và đất nước hiện nay. Cuộc thi cũng khẳng định đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm của người lao động, vai trò và hoạt động của tổ chức công đoàn đã và luôn là nguồn chất liệu vô tận đối với những tác phẩm văn học, từ đó tạo ra những tác phẩm có giá trị văn chương, có tính nhân văn cao cả, khơi dậy tình yêu đất nước, yêu công việc, yêu Công đoàn và khát vọng cống hiến của mỗi người lao động”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi nhấn mạnh.

Hội đồng Chung khảo và Ban Tổ chức Cuộc thi đã chọn ra 24 tác phẩm để trao giải, gồm có: 12 giải Khuyến khích (trao cho 7 truyện ngắn, 5 tiểu thuyết); 6 giải Ba (trao cho 3 giải truyện ngắn, 3 tiểu thuyết); 4 giải Nhì (trao cho 2 truyện ngắn, 2 tiểu thuyết); 2 giải Nhất (trao cho 1 truyện ngắn, 1 tiểu thuyết).

Trong đó, giải Nhất thể loại truyện ngắn được trao cho tác phẩm Con đường của Hạ, tác giả Trịnh Thị Phương Trà, trị giá 150 triệu đồng; và thể loại tiểu thuyết được trao cho tác phẩm Hoa xương rồng của tác giả Nguyễn Trí, trị giá 300 triệu đồng.

Tại đêm trao giải, khán giả được thưởng thức màn múa được chuyển thể từ tác phẩm Bể than Đông Bắc (Đặng Huỳnh Thái, giải Ba); và tiểu phẩm Điểm cực hạn được chuyển thể từ các tác phẩm Thu ngân ngành điện (Bùi Thị Anh Thơ, giải Ba), Điểm cực hạn (Nguyễn Văn Hiệp, giải Khuyến khích), Kim chỉ và hoa (Nguyễn Thu Huyền, giải Khuyến khích)./.

Một số hình ảnh khác tại Lễ trao giải:

giai-nhat.jpg
Đại diện Ban Tổ chức trao giải Nhất cho các tác giả.
giai-2.jpg
Đại diện Ban Tổ chức trao giải Nhì cho các tác giả.
giai-ba.jpg
Đại diện Ban Tổ chức trao giải Ba cho các tác giả.
giai-4(1).jpg
Đại diện Ban Tổ chức trao giải Khuyến khích cho các tác giả.
ky-niem.jpg
Ban Tổ chức chụp ảnh kỷ niệm với các tác giả đoạt giải.
thu-ngan-nganh-dien.jpg
Tiểu phẩm "Điểm cực hạn" do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng được giới thiệu tại lễ trao giải.

Yến Ly