Văn hóa – Di sản

Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hòa “dòng chảy di sản” trong Thành phố Sáng tạo Hà Nội

Quỳnh Phạm 27/11/2023 07:34

Nét đặc sắc văn hóa của núi rừng, cồng chiêng Tây Nguyên đại ngàn đã hòa vào dòng chảy của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 qua chương trình nghệ thuật đặc biệt “Ngẫu hứng đại ngàn”.

Các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng tại sân khấu Cầu Lăn Chìm - Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023.

Chiều 26/11, mọi bước chân và ánh mắt du khách tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 đều đổ về sân khấu ngoài trời Cầu Lăn Chìm – Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên, Thành phố Hà Nội) bởi tại đây diễn ra chương trình nghệ thuật “Ngẫu hứng đại ngàn”. Chương trình do Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam phối hợp tổ chức, với sự tham gia trình diễn của hơn 20 nghệ nhân, diễn viên, trong đó có 18 nghệ nhân đồng bào dân tộc Bana, 2 nghệ nhân dân tộc Jrai đến từ tỉnh Gia Lai.

“Ngẫu hứng đại ngàn” đã đem đến cho người dân và du khách những phần trình diễn độc đáo, hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Bana, Jrai tỉnh Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Thang âm vang vọng, cảm tác hùng vĩ từ đại ngàn đã theo đôi tay, nhịp chân của những thanh thiếu niên Bana chơi cồng chiêng và những cô gái Jrai đàn hát dân ca.

u1.jpg
“Ngẫu hứng đại ngàn” - chương trình nghệ thuật đặc sắc nhất trong ngày thứ 9 của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, diễn ra chiều 26/11.
a33.jpg
31.jpg
Các nghệ nhân mang âm vang cồng chiêng tới nhiều không gian của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.
u3.jpg
Nghệ nhân Sil Thanh đánh đàn Goong (còn được gọi là đàn Tinh Ninh), nghệ nhân dân ca Puih Hwê trình diễn một bài dân ca Jrai tại chương trình.
u4.jpg
Những tập tục, lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc Bana, Jrai tỉnh Gia Lai được tái hiện tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Đây là lần đầu tiên người dân Thủ đô Hà Nội cũng như nhiều du khách đến với Hà Nội được trực tiếp thưởng thức một màn trình diễn cồng chiêng lớn, đến từ chính cộng đồng chủ thể đang thực hành di sản và được nghe những bản dân ca của người Jrai. Thêm một lần nữa, di sản công nghiệp hơn 120 năm tuổi - Nhà máy xe lửa Gia Lâm được “đánh thức” bằng các di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nghệ nhân dân ca Puih Hwê tham gia chương trình, cho biết, cảm xúc vui mừng vì đây là lần đầu tiên chị được đặt chân đến Thủ đô Hà Nội, và cũng là lần đầu tiên được tham gia một sự kiện lớn như Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023.

“Tôi rất ấn tượng với không gian văn hóa nghệ thuật tại lễ hội, tôi nhận ra người Hà Nội rất thanh lịch, quý mến khách. Nếu chúng tôi cần hỏi, mong muốn được trợ giúp thì mọi người đều giúp đỡ chân tình. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì điều đó.

Nghệ nhân dân ca Puih Hwê

a7.jpg
Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền giới thiệu về nét đặc sắc cây đàn Goong (Tinh Ninh) của người Bana, Jrai với người dân và du khách đến với Lễ hội.
a8.jpg
Nghệ nhân Sil Thanh độc tấu một bản dân ca dân tộc Jrai.

Theo nghệ nhân dân ca Puih Hwê, các tiết mục trong chương trình đều rất đặc sắc như phần trình diễn tái hiện nét văn hóa “đi lấy chuối”, vì ngày xưa đồng bào dân tộc Tây Nguyên thường trồng chuối trên nương rẫy. Đến tiết mục mừng lúa mới – một trong những lễ hội lớn nhất của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, mỗi năm chỉ làm một vụ lúa trên rẫy.

Khi mọi người đem lúa về nhà sẽ đem cúng Giàng. Rồi lễ đâm trâu, trâu là con vật được đồng bào dân tộc Tây Nguyên dùng để cúng tế thần linh mang nét văn hóa độc đáo. Đặc biệt phải kể đến tiết mục trình diễn chào đón khách. “Đồng bào Tây Nguyên rất quý trọng và mến khách và khách ở mọi nơi đến bản làng, mọi người đều dùng cồng chiêng để tiếp đón nồng hậu”, nghệ nhân dân ca Puih Hwê tiết lộ.

a9.jpg
Người dân, du khách cùng hòa vào những điệu múa, tiếng cồng chiêng khi chương trình chuẩn bị khép lại.
30.jpg
Tiếng cồng chiêng ngân mãi không thôi...
34.jpg
Nghệ nhân dân gian Puih Hwê và một khán giả lớn tuổi dù mới lần đầu gặp nhau nhưng như đã quen thân từ rất lâu. Hai người cùng hát ca khúc "Cô gái vót chông" mang âm hưởng Tây Nguyên.

“Tôi thấy người Hà Nội rất yêu mến những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc Bana, Jrai nói riêng, nhất là văn hóa cồng chiêng. Khi thấy các nghệ nhân biểu diễn, người dân và du khách tại lễ hội rất hào hứng, chăm chú theo dõi và ai cũng muốn trải nghiệm văn hóa cồng chiêng. Cá nhân tôi rất mong muốn văn hóa cồng chiêng lan tỏa khắp cả nước và ra cả nước ngoài. Tại tỉnh Gia Lai trong những năm trở lại đây, thứ Bảy hàng tuần, chúng tôi lại tổ chức trình diễn cồng chiêng để lưu giữ, giới thiệu và quảng bá di sản văn hóa phi vật thể này tới mọi người”, Nghệ nhân Puih Hwê, chia sẻ.

35.jpg
Âm thanh cồng chiêng của núi rừng Tây Nguyên đại ngàn...
37.jpg
Những điệu múa...
39.jpg
...và các bản dân ca đến từ tỉnh Gia Lai đã đưa di sản văn hóa các dân tộc Tây Nguyên hòa “dòng chảy” lễ hội và văn hóa Thủ đô Hà Nội, thu hút đông đảo người dân và du khách quan tâm, theo dõi.
tac-nghiep-kyniem.jpg
Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội chụp ảnh kỷ niệm cùng Nghệ nhân dân ca Puih Hwê. Sau khi nữ nghệ nhân dành thời gian ít ỏi trò chuyện với phóng viên về buổi diễn tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, nữ nghệ nhân cùng đoàn đã di chuyển đến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, chuẩn bị thực hiện “Ngẫu hứng đại ngàn” diễn ra lúc 20 giờ ngày 26/11 tại không gian đi bộ này.

Xem, nghe và trải nghiệm văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, người dân Thủ đô và du khách thêm hiểu, thêm yêu những di sản văn hóa của các đồng bào dân tộc vùng đất cao nguyên đại ngàn. Và tất cả nhận ra, không gian văn hoá cồng chiêng đã trở thành không gian sinh hoạt cộng đồng đặc thù, mang tính thiêng liêng và có giá trị nghệ thuật đặc sắc.

Chương trình “Ngẫu hứng đại ngàn” đã thực sự đưa di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hòa “dòng chảy” văn hóa Thăng Long, đúng với chủ đề “Dòng chảy” Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 – đó là dòng chảy của di sản trong cuộc sống hiện đại, trong Thành phố Sáng tạo Hà Nội./.

Quỳnh Phạm