Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050
Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1287/QĐ-TTg ngày 2/11/2023.
Lễ Công bố Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra vào ngày 25/11 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, TP Đà Nẵng…
Tại Lễ công bố Quy hoạch, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng tập trung cao cho công tác xây dựng Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp với yêu cầu của Luật Quy hoạch và bối cảnh mới, có tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của thành phố, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế - xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của cả nước. Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn mới…
Theo quy hoạch tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế. Là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế và Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.
Cụ thể, TP Đà Nẵng sẽ hình thành 2 vành đai kinh tế trên cơ sở kết nối 4 cụm việc làm nhằm tạo ra các cơ hội liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm Vành đai kinh tế phía Bắc (Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và Cảng biển – Logistics) và Vành đai kinh tế phía Nam (Vành đai Đổi mới sáng tạo và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Đồng thời TP Đà Nẵng sẽ hình thành 7 cực của trung tâm phát triển kinh tế xã hội gồm Trung tâm thành phố sẽ là trung tâm đô thị hiện hữu tập trung chủ yếu tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và nhất là khu trung tâm mới sau khi tái thiết đô thị tại Khu công nghiệp Đà Nẵng. Trung tâm công nghiệp công nghệ cao sẽ bao gồm Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu công nghệ thông tin tập trung (giai đoạn 1, giai đoạn 2) trên địa bàn các xã Hòa Liên Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.
Trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics sẽ tập trung phía Tây Bắc Vịnh Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu và Ga Trung tâm logistics đường sắt, khu logistics và ga hàng hóa phía Tây sân bay gắn với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, các khu logistics phía Tây đường tránh Nam Hải Vân tại quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang. Đồng thời, nghiên cứu phát triển thêm một khu vực logistics ở gần Cảng Liên Chiểu để đáp ứng nhu cầu Cảng biển trong tương lai.
Đối với Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển sẽ hình thành tại các khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu và trung tâm du lịch vui chơi giải trí phức hợp và kinh tế đêm tại các quận Hải Châu, Thanh Khê. Trung tâm dịch vụ đào tạo và nghiên cứu sẽ tập trung ở phía Đông Nam thành phố với các Khu đô thị đại học, Trung tâm đổi mới sáng tạo, Công viên phần mềm cùng với các bệnh viện quốc tế, Khu Liên hợp thể thao.
Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ logistics nông sản sẽ ở khu vực phía Tây Nam huyện Hòa Vang. Hình thành các khu du lịch sinh thái núi gồm Quần thể Khu đô thị du lịch Bà Nà - Suối Mơ, Khu vực Hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ, Khu du lịch thể thao, nghỉ dưỡng Hồ Hóc Khế, Khu du lịch Khe Răm, Khu du lịch sông Nam, sông Bắc, các khu, cụm du lịch phía Tây Nam dọc tuyến Quốc lộ 14G (Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Khu du lịch suối Hoa… thuộc huyện Hòa Vang); Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân, Khu du lịch sinh thái suối Lương, các khu du lịch phía Đông, phía Tây Nam tuyến đường đèo Hải Vân, Khu du lịch sinh thái đồi Chim Chim, Khu du lịch phía Tây đường tránh Hải Vân, quận Liên Chiểu; khu vực sinh thái nghỉ dưỡng phía Đông tại bán đảo Sơn Trà và huyện Hoàng Sa…
Phát biểu tại buổi Lễ công bố Quy hoạch, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao truyền thống anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, thân thiện, mến khách và đặc biệt là niềm tự hào, khát vọng vươn lên, xây dựng thành phố quê hương ngày càng hiện đại của người dân Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Đà Nẵng là cửa ngõ phía Đông mở ra Thái Bình Dương của Hành lang kinh tế Đông – Tây và kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế của khu vực và nằm trên con đường di sản thế giới ở miền Trung với Phong Nha - Kẻ Bàng - Cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn. Có tiềm năng du lịch phong phú, nhất là du lịch biển, sinh thái, nghỉ dưỡng, nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích, lễ hội truyền thống và địa danh lịch sử... Điều đó khẳng định, Đà Nẵng hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt để phát triển nhanh và bền vững, đóng vai trò là một trong những trung tâm tăng trưởng của đất nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho thành phố Đà Nẵng và sẽ tạo ra xung lực mới để Đà Nẵng tiếp tục tạo kỳ tích lần thứ hai về phát triển kinh tế - xã hội với các trụ cột kinh tế tri thức với 2 mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số…