Y tế - Giáo dục

Đưa chăm sóc sức khoẻ, thẩm mỹ Nhật Bản gần hơn tới người Việt

Hữu Phúc 22:19 25/11/2023

Các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành đã thảo luận, chia sẻ hướng đi mới về triển vọng phát triển trải nghiệm du lịch y tế ở nước ngoài tới người Việt tại Toạ đàm Du lịch Y tế chăm sóc sức khoẻ và thẩm mỹ Nhật Bản sáng 25/11 ở Hà Nội.

dlyt.1011.jpg
Các doanh nghiệp du lịch và chăm sóc y tế tại Toạ đàm.

Du lịch y tế, sức khoẻ là loại hình không mới nhưng tương đối mới mẻ với đông đảo người Việt. Có nguồn gốc phát triển từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, đến Hiệp hội Du lịch Y tế (2017) định nghĩa du lịch y tế là một quá trình đi du lịch ra ngoài quốc gia cư trú với mục đích điều trị và chăm sóc sức khoẻ.

Dựa trên hiểu biết về du lịch y tế, hơn 200 doanh nghiệp lữ hành uy tín đã tham gia sự kiện và trao đổi về những điểm mạnh và mong muốn liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị chăm sóc sức khoẻ, y tế và các công ty lữ hành, du lịch tại Việt Nam.

Bà Ngô Mai (Đại diện tập đoàn Y tế tái sinh và Thẩm mỹ công nghệ cao Ever Việt Nam) đánh giá nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người Việt sau Covid-19 ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, một thực tế nhiều du khách Việt muốn sang Nhật khám, chữa bệnh nhưng phát sinh nhu cầu liên quan đến du lịch, tham quan, lưu trú.

Vì thế, trong tương lai, các công ty sức khoẻ và đơn vị du lịch sẽ có nhiều cơ hội tiềm năng để trao đổi kinh nghiệm. Mỗi đơn vị sẽ chăm sóc khách hàng theo đúng chuyên môn của mình, mang tới trải nghiệm du lịch hoàn hảo tới du khách. Từ đó, các doanh nghiệp liên quan sẽ nâng cao nghiệp vụ, đẩy mạnh xu hướng du lịch y tế uy tín tại Việt Nam.

Người Việt có cơ hội trải nghiệm tầm soát sức khoẻ, thực hiện các dịch vụ y tế hàng đầu tại Nhật Bản bên cạnh khám phá các điểm đến thú vị ở xứ sở Mặt trời mọc trong hành trình. Những tour du lịch Nhật Bản kết hợp dịch vụ như tầm soát, phát hiện sớm tế bào nguy hại; khám tổng quát cao cấp áp dụng công nghệ PET/CT tân tiến hay các liệu pháp trẻ hoá tuổi sinh học.

Đánh giá sự thay đổi, nhận thức của du khách Việt về dịch vụ chăm sóc y tế, thẩm mỹ, bà Phạm Thị Hương Thơm (Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Sức sống Việt) cho biết: “Trước dịch Covid 19, một năm chỉ vài người có thu nhập tốt, không đi tour mà chỉ hỏi về đặt dịch vụ khám chữa bệnh bên đó. Còn bây giờ, lượng khách trong năm nay tăng khá nhiều và cũng có nhu cầu đi tham quan bên cạnh chăm sóc sức khoẻ. Câu hỏi của du khách cũng kĩ lưỡng hơn, thể hiện nhu cầu thật của họ”.

Từ thực tiễn này, đây cũng là cơ hội nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm du lịch đa dạng hơn tới du khách Việt. Nhân lực trong ngành du lịch thông qua những xu hướng du lịch y tế sức khoẻ độc đáo như vậy cũng cần không ngừng trau dồi hiểu biết về sản phẩm, nghiệp vụ tư vấn. Đồng thời, chính sách ưu đãi giá cũng cần nghiên cứu để sản phẩm du lịch y tế đến đông đảo hơn tới người Việt chứ không tập trung nhóm khách hàng thu nhập cao trong xã hội.

Khởi đầu, thuật ngữ “du lịch y tế” chỉ đề cập đến những cư dân ở các nước chưa phát triển du lịch sang các nước đã phát triển để theo đuổi các phương pháp điều trị mà ở nước họ không có. Nhưng ngày nay, đã có sự thay đổi ngược lại, cư dân ở những nước “giàu” hơn di chuyển sang các nước đang phát triển để tiếp cận các loại hình dịch vụ y tế.

Từ đó, bên cạnh xu hướng du lịch y tế, thẩm mỹ tại Nhật Bản, chúng ta đang tận dụng công nghệ hiện đại trong chăm sóc sức khoẻ. Còn Việt Nam lại có nền y học cổ truyền phong phú và đã chứng minh hiệu quả y học. Thực tế này đưa đến cơ hội Việt Nam tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm để Việt Nam trong tương lai cũng trở thành một trung tâm chăm sóc sức khoẻ, y tế của khu vực và thế giới./.

Hữu Phúc