Văn hóa – Di sản

Nguyễn Huy Lượng – danh sĩ, thi nhân

Nguyễn Vinh Phúc 23/11/2023 17:03

Nguyễn Huy Lượng (1759-1808), biệt hiệu Bạch Liên, thường gọi là Hữu hộ Lượng, quê ở làng Phú Thị, còn gọi Trung Nghĩa, tục gọi làng Sủi, tổng Kim Sơn, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc (nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội).

nguyen-huy-luong.jpg
Vẻ đẹp của hồ Tây ngày nay.

Họ Nguyễn Huy là một trong những họ có nhiều người hiển đạt của làng Phú Thị (nay thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Huy Nhuận là Tiến sĩ năm 1703 làm quan đến Tể tướng. Con ông là Huy Dẫn đỗ Tiến sĩ năm 1748. Con ông Dẫn là Huy Cẩn, Tiến sĩ năm 1760... Cho đến cuối thế kỷ thứ XIX, cử nhân Nguyễn Huy Đức dời sang sống ở làng Vũ Thạch, nay thuộc khu vực đầu phố Bà Triệu, phía nam hồ Gươm (Hà Nội), mở trường dạy học. Trường Vũ Thạch đã đào tạo ra các vị nho sĩ yêu nước chống Pháp mà tiêu biểu là Lương Văn Can, linh hồn của phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Dường như ông thân sinh ra Huy Lượng có dính líu đến vụ tố cáo âm mưu Trịnh Khải chống lại cha là chúa Trịnh Sâm, nên khi Trịnh Khải lên làm chúa thì ông phải lánh sang tị nạn ở làng Lương Xá. Có lẽ vì vậy mà sách Lược truyện các tác gia Việt Nam của nhóm Trần Văn Giáp ghi: “Nguyễn Huy Lượng, nguyên quán làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, sau di cư sang làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây” (Tập I, 1962).

Dưới thời Lê - Trịnh, Nguyễn Huy Lượng thi đỗ Hương cống, được bổ làm Phụng nghi ở Bộ Lễ (tức là một chức quan nhỏ phụ trách việc xem xét các lễ vật khi cúng tế).

Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), Quang Trung ra Bắc, đại phá quân Thanh, giải phóng Bắc Hà thì Nguyễn Huy Lượng nhận ra được con đường đúng đắn mà mình phải noi theo: Dứt khoát đi cùng Tây Sơn.

Bấy giờ, trước thắng lợi vang dội của phong trào nông dân đã đưa người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ lên ngai vàng, các nho sĩ Bắc Hà hoang mang, phân hoá. Kẻ thì bám theo Chiêu Thống chạy sang nhà Thanh cố tôn phò cái thần tượng quá mục ruỗng. Kẻ thì lén lút thổi bùng lên đống tro phủ chúa đã tàn lạnh. Kẻ thì nghĩ tới Nguyễn Ánh với hy vọng cứu vãn đặc quyền đặc lợi của giai cấp mình. Kẻ thì mũ ni che tai, quay lưng lại thời cuộc...

Chỉ có một số ít kẻ sĩ sáng suốt, nhìn thấy phương hướng của lịch sử, đã quyết tâm đi theo phong trào nông dân. Trong số đó có Nguyễn Huy Lượng. Vốn chẳng có gì là nặng nợ với vua Lê - chúa Trịnh nên Nguyễn Huy Lượng đi theo Tây Sơn với tất cả tấm thịnh tình và nhiệt tình. Ông sẵn sàng đem ngòi bút tức cũng là tâm hồn mình mà phục vụ một triều đại tiến bộ, và thực tế là đã viết nên những tác phẩm văn học tiêu biểu cho thơi kỳ lịch sử vẻ vang này.

Cho nên tới năm 1801, vua Quang Toản làm lễ tế giao ở một địa điểm gần hồ Tây, đã giao cho Nguyễn Huy Lượng, bấy giờ đang là Hữu thị lang Bộ Hộ, soạn một bài thơ và một bài phú tiến dâng. Đây là lúc triều đại Tây Sơn sắp tàn mà ông vẫn viết nên bài phú Nôm Tụng Tây Hồ với một bút lực rất cứng cáp, trước sau vẫn một niềm say sưa không giảm, ngợi ca công đức của Tây Sơn, dù rằng lúc này ông đã ngoài bốn mươi tuổi. Vì ở cuối đoạn phú này, khi nói về bản thân mình, ông có viết: Ngoài năm mươi thẹn bóng tang du. Như vậy là rất có thể chào đời vào những năm bốn mươi của thế kỷ XVIII.

Sau khi Tây Sơn bị diệt, triều Nguyễn Gia Long triệu tập ông, bổ làm Tri phủ phủ Xuân Trường (Nam Định). Ông mất khi đang tại chức năm 1808.

Nguyễn Huy Lượng có một tập thơ Cung oán thi gồm 100 bài thất ngôn Đường luật. Mở đầu thi phẩm, ta bắt gặp tiếng nói oán thán của một con người bị vùi dập, lãng quên, một thân phận cô đơn:

Cuốn bức khăn là nước mắt đầy,

Nỗi riêng mình lại một mình hay.

Con chim bạt gió ngâm sầu đỡ,

Chiếc nhạn kinh sương nặng tủi dày.

Hoàn cảnh lẻ loi, đơn chiếc, bị ruồng bỏ này cứ day dứt hoài, trở đi trở lại trong nhiều đoạn thơ khác nhau:

Lò chăn thuý vũ năm canh gió,

Dầm gối san hồ một vệt sương.

…Giời bốn mùa thu hoa ủ mặt,

Rèm năm canh nguyệt liễu tan mày.

…Bức lạnh lầu trang sương đóng váng,

Mây giăng non Thục én khuây chừng.

Nếu như ở Cung oán ngâm khúc Nguyễn Gia Thiều đã lên án vua chúa bạc tình:

Khoảnh làm chi bấy chúa xuân,

Chơi cho hoa rữa nhị dần lại thôi.

thì ở Cung oán thi, Nguyễn Huy Lượng cũng tố cáo vua chúa phụ bạc:

Điện Phong cao thẳm thấu cùng chăng,

Cung Quảng sao riêng phụ ả Hằng?

Cung oán thi tuy tầm vóc chưa bằng Cung oán ngâm khúc nhưng cũng thể hiện cái nhìn nhân đạo của tác giả Nguyễn Huy Lượng đối với một lớp người là nạn nhân của chế độ cung tần dâm bạo.

Bài phú Tụng Tây Hồ là một kiệt tác của Nguyễn Huy Lượng nói riêng và văn học cổ điển Việt Nam nói chung. Bài phú ca ngợi cảnh trí hồ Tây nói riêng, Thăng Long nói chung và qua đó ca ngợi sự hiển hách của triều Tây Sơn. Hồ Tây với tư cách là một phần kinh đô Thăng Long đã hiện ra thật mỹ lệ:

Sắc ròn rờn nhuộm thức lam xanh, ngỡ động bích nổi lên dòng leo léo,

Hình lượn lượn uốn vòng câu bạc, tưởng vầng trăng rơi xuống mảnh nhò nhò.

Hồ Tây đã ấp ủ bao truyền thuyết thơ mộng và kỳ vĩ, bao dấu vết lịch sử đẹp đẽ và hào hùng: “Đền Mục Lang hương lửa chẳng rồi”, “Quán Trấn Vũ nắng mưa nào chuyển”, và nào là “Quán Nhiên Niên”, “Ghềnh Vạn Bảo”, “Chùa Trấn Quốc”, “Toà Kim Liên”... Nhưng quan trọng hơn là tác giả đã cho thấy sức sống của hồ Tây. Đó là cuộc sống lao động cần cù của những người dân ven hồ, cuộc sống đang độ phát triển nhờ những chính sách cởi mở khuyến khích của Tây Sơn mà có. Đó còn là sự phồn thịnh trở lại của các nghề cổ truyền như dệt gấm, đúc đồng, ươm tơ, seo giấy... là những sinh hoạt kinh tế nhộn nhịp, thuyền buôn tấp nập, chài lưới rộn ràng:

Rập dềnh cuối bãi Đuôi nheo, thuyền thương khách chen buồm

bươm bướm...

Chày Yên Thái nện trong sương chỉnh choảng, lưới Nghi Tàm

ngăn ngọn nước quanh co.

Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm,

Sen vũng nọ nẩy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò.

Tuy rằng bài phú có nhiều điển tích và từ Hán Việt như vậy, hạn chế tất nhiên của nền văn chương khuôn sáo lúc bấy giờ, nhưng thực ra tác phẩm này cũng rất giàu chất tả thực, chứ không phải chỉ thuần là hình ảnh ước lệ như một số bài phú đương thời.

Còn gì thực bằng hình ảnh người giặt tơ khuya chợt vốc nước lên và chợt thấy một vầng trăng lóng lánh trong bàn tay, hoặc người đi hái hoa sáng sớm, dẫm lên những bông hoa rụng, hương hoa vương vào gót chân thơm lừng khác nào đạp lên một túi xạ hương:

Bến giặt tơ, người vốc nước còn khuya, gương thiềm đựng trong tay

lóng lánh,

Vườn hái nhị, người dày sương hãy sớm, túi xạ rơi dưới gót thơm tho.

Và dù viết về hồ Tây nhưng thành công của bài phú là đã giúp người đọc đang hình dung ra cả thành Thăng Long đang “hồi sinh” cùng với thắng lợi của khởi nghĩa nông dân. Thăng Long vốn có một truyền thống lịch sử lâu đời:

Tựa bóng hoa đặt quán Ngư, kìa đời Gia Khánh,

Đè mặt sóng đem đường Dụ Tượng, nọ thuở Kiền Phù.

Đây là niên hiệu các vua nhà Lý: Kiền Phù (1034 - 1041), Gia Khánh (1059 - 1064). Thăng Long cũng có lúc “nổi bụi tiêu đường”, “góp phần tang hải”. Nhưng từ khi có triều Tây Sơn, Thăng Long cũng như cả nước ta như được “sống lại”, kẻ thù bị đánh tan, nhân dân được yên ổn làm ăn, núi sông như được rửa sạch tủi hờn, cỏ cây cũng được khoe hương khoe sắc:

Tới Mậu Thân từ rỡ vẻ tường vân, sông núi khắp nhờ công đăng địch,

Qua Canh Tuất lại tưới cơn thời vũ, cỏ cây đều gội đức triêm phu.

Mậu Thân là năm 1788, năm mà Nguyễn Huệ chuẩn bị đánh tan 29 vạn quân Thanh, giải phóng Bắc Hà. Canh Tuất là năm 1790, năm mà những đạo hùng binh của Tây Sơn quét sạch bọn phản động trong và ngoài nước, bao gồm bọn quý tộc quan lại cũ câu kết với vua Vạn Tượng và một số tù trưởng phong kiến miền Tây vùng Thanh - Nghệ.

Rõ ràng là các chiến công của đoàn quân Tây Sơn đã làm cho đất nước “hồi sinh”. Những chiến công ấy phải nói là thần kỳ, khác nào ánh mặt trời xua tan bao chướng khí:

Hơi yêu mị quét dưới cờ thanh đạo,

Ánh tường quang tuôn trước ngọn huyền lô.

Đoàn quân nông dân bách chiến bách thắng ấy với cờ xí rợp trời, giáo gươm loà đất, oai hùng dũng mãnh đã làm cho cảnh tượng đất nước thêm tung bùng, đầy tráng khí:

Vẻ hoa lẫn dấu cờ năm thức,

Mặt nước in bóng giáo ba ngù.

Với Tây Sơn, quả thật thiên nhiên cũng như trở mình, khởi sắc, mang một diện mạo mới mẻ:

Vùng trì chiều nước dần dần lặng; nơi đình đài hoa phới phới đua,

Vẻ hoa thạch châu thê, gấm dệt;

Tiếng trùng cầm ngọc gõ, vang khua.

Dưới triều Tây Sơn, khắp nơi vui vầy, thanh bình:

Bãi cỏ non, trâu thả, ngựa buông, nội Chu đã lắm người ca ngợi,

Làn nước phẳng kình chìm, ngạc lặn, ao Hán nào mấy trẻ reo hò.

Cho tới cuối bài phú, Nguyễn Huy Lượng vẫn một niềm vui say không giảm, vẫn tỏ ra tin tưởng ở ông vua trẻ Quang Toản, vẫn hy vọng, dù lúc này tiếng dội thắng lợi của Nguyễn Ánh trong miền Trung đã vang ra tới Bắc Hà.

Trước sau Nguyễn Huy Lượng vẫn tán dương sự nghiệp của Tây Sơn, vẫn bày tỏ lòng trung thành với chế độ này vì chế độ này là chính nghĩa.

Với bài phú Tụng Tây Hồ ta có thể nói rằng Nguyễn Huy Lượng là người đã vận dụng thể phú để sáng tạo một công trình cao hơn rất nhiều một bài phú cổ điển thông thường. Nguyễn Đổng Chi và Phương Chi đã có lý khi nhận định rằng: “Bài phú này đã là “một bức minh hoạ về hồ Tây từ trước chưa từng có, đồng thời cũng là một thiên sử ca tương đối quy mô về Thăng Long, mà cái ý nghĩa quý giá nhất là nó đã trực tiếp được xây dựng dưới ánh sáng của phong trào nông dân khởi nghĩa, tiếp thu được đến chừng mực nào đó là cái âm hưởng lạc quan đầy phấn khởi do một phong trào nông dân lớn nhất trong lịch sử mang lại. Với ý nghĩa là một áng sử ca, nó là những lời ca ngợi chân thành chiến công cứu nước của Nguyễn Huệ, chiến công có ý nghĩa đổi đời cho Thăng Long, và rộng ra là cả xã hội Việt Nam. Với ý nghĩa là một bức hoạ, phần nào nó đã ghi lại khung cảnh sinh hoạt tươi đậm của Thăng Long dưới triều Tây Sơn”... Minh đô sử cũng ghi lại một chi tiết khá lý thú, góp phần nói lên giá trị của bài phú này: “Nguyễn Huy Lượng hiến Tây Hồ tụng, nhân tranh truyền tả, đô hạ vị chi chỉ quý” (Nguyễn Huy Lượng dâng phú Tụng Tây Hồ. Người ta tranh nhau truyền chép, ở kinh đô giấy quý hẳn lên)...

Thật chẳng khác nào câu chuyện “Lạc Dương giấy đắt” thuở xưa. Ở Trung Quốc đời Tần, có Tả Tư viết bài Tam đô phủ rất nổi tiếng. Người ở kinh đô Lạc Dương tranh nhau chép bài phú này, khiến giấy trở nên khan hiếm và giá đắt vọt lên.

Nói về Tụng Tây Hồ phú mà không nhắc tới một bài phú đối cực với nó là bài Chiến tụng Tây Hồ phú của Phạm Thái thì e cũng chưa là đầy đủ.

Phạm Thái có biệt tài về văn Nôm. Tập truyện Sơ kính tân trang cũng như những bài văn tế chị, văn tế Quỳnh Như là những bài văn kiệt tác. Nhưng suốt đời ông đã có thái độ chống đối Tây Sơn, một mực tôn phù nhà Lê - Trịnh, cho nên khi thấy bài phú nổi tiếng của Nguyễn Huy Lượng ra đời thì ông ta phản ứng, viết bài Chiến tụng để chống lại...

Cuối cùng cũng phải nhắc tới bài thơ mà Nguyễn Huy Lượng dâng lên Quang Toản cùng lúc với bài Tụng Tây Hồ phú. Đó là một bài thơ Nôm làm theo thể Đường luật, thất ngôn bát cú có nhân đề là Vịnh Tây Hồ, nguyên văn như sau:

Đầy vơi thực lạ cảnh Tây Hồ,

Trước bởi khôn thiêng khéo vẽ đồ.

Mây lẩn nước xanh màu đúc ngọc,

Nguyệt lồng hoa thắm vẻ in châu.

Cây là tán rợp tầng cao thấp,

Sóng gẩy cầm tâu nhịp nhỏ to.

Vầy chốn chốn tiên non nước đủ,

Tây Hồ giá ấy dễ đâu so.

Đây lại là một bài làm theo lối thuận nghịch độc nên đọc ngược lại thì có một bài thơ thứ hai:

So đâu dễ ấy giá Hồ Tây,

Đủ nước non tiên chốn chốn vầy.

To nhỏ nhịp tâu cầm gẩy sóng,

Thấp cao tầng rợp tán là cây.

Châu in vẻ thắm hoa lồng nguyệt,

Ngọc đúc màu xanh nước lẩn mây.

Đồ hoạ khéo thiêng khôn bởi trước,

Hồ Tây cảnh lạ thực vơi đầy.

Ngoài những tác phẩm trên, Nguyễn Huy Lượng còn có Lượng như long phú và đáng chú ý là bài Văn tế trận vong tướng sĩ. Theo Minh đô sử thì năm 1802, khi hạ được thành Thăng Long thì tướng của Gia Long là Nguyễn Văn Thành có tổ chức một cuộc tế các lính tráng chết trận. Ông ta có nhờ Huy Lượng làm một bài văn tế, lâu nay vẫn quen gọi là Văn tế trận vong tướng sĩ mà các sách văn học sử cũ đều ghi tên tác giả là Nguyễn Văn Thành. Về bài văn tế nổi tiếng này, có một vài tài liệu không khẳng định tác giả là ai, hoặc cũng có tài liệu cho rằng đó là của Võ Lượng hay của Đặng Đức Siêu.

Tuy nhiên, vượt lên toàn bộ tác phẩm của ông vẫn là Tụng Tây Hồ phú và chỉ cần một kiệt tác này thôi cũng đủ để tiêu biểu cho văn chương, sự nghiệp và chí hướng của con người Nguyễn Huy Lượng./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Vinh Phúc