Czeslaw Milosz - một trong những nhà thơ lớn của thời đại chúng ta
Truyện - Ngày đăng : 10:25, 26/11/2020
Nhà thơ Czeslaw Milosz sinh ngày 30/6/1911 trong một gia đình dòng dõi quý tộc nhiều đời tại Sztejnie, Litva. Nơi chôn rau cắt rốn, cuộc sống yên bình ở làng quê đã có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời sáng tác của nhà thơ. Rất nhiều thi phẩm của ông mang dấu ấn của thời niên thiếu và thời trai trẻ ở Litva.
Năm 1933 cuốn sách đầu tay của ông có tiêu đề “Trường ca về thời đông kết” được xuất bản. Năm 1934 tác phẩm này đã được tặng giải thưởng của Hội Nhà văn Ba Lan ở Vilnius. Năm 1936 tập thơ “Ba mùa đông” được ấn hành. Trong tập thơ này người đọc đã có thể nhận ra giọng điệu trữ tình đầy tính cách của Milosz. Trên thực tế “Ba mùa đông” là một thành công của nhà thơ trẻ Milosz, trở thành một sự kiện quan trọng trong đời sống văn học Ba Lan.
Trong các năm 1945 - 1951, Czeslaw Milosz là cán bộ Bộ Ngoại giao Ba Lan. Ông đã từng đảm nhiệm các cương vị tùy viên văn hóa Cộng hòa Nhân dân Ba Lan tại New York, sau đó tại Paris. Những năm năm mươi ông sống lưu vong tại Pháp.
Năm 1960, nhận lời mời của các trường đại học, ông sang Hoa Kỳ giảng dạy với cương vị giáo sư Khoa Ngôn ngữ và Văn học Slavơ. Làm việc tại trường đại học, Milosz có cơ hội truyền bá văn hóa Ba Lan, nhất là thi ca. Năm 1965 ông cho xuất bản “Tuyển tập thơ” Ba Lan bằng Anh ngữ (Postwar Polish Poetry) do chính ông tuyển chọn và dịch, một tập thơ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp văn chương của ông. Bằng cách như vậy Milosz đã mở đường cho các nhà thơ Ba Lan đến với bạn đọc phương Tây. Cuốn “Lịch sử văn học Ba Lan” của ông bằng tiếng Anh đã trở thành người phát ngôn quan trọng của văn học Ba Lan và dư âm của nó vẫn còn vang vọng cho đến tận bây giờ.
Tiếng tăm của Czeslaw Milosz ngày càng lừng lẫy. Năm 1974 (năm ông cho xuất bản tập thơ quan trọng “Mặt trời mọc ở đâu và lặn ở nơi nào”) ông được nhận giải thưởng Ba Lan - PEN Club. Các phần thưởng thế giới đã dành cho ông gồm có: Giải thưởng Guggenheima năm 1976, Tiến sĩ danh dự Đại học Michigan năm 1977, Giải thưởng văn học quốc tế mang tên Neustadt và Berkeley Citation - phần thưởng cao nhất của Đại học California.
Milosz còn bỏ nhiều công sức dịch các sách thánh kinh và các tác phẩm của William Shakespeare.
Thành quả văn học to lớn và giá trị của Czeslaw Milosz đã đưa ông tới đỉnh vinh quang - năm 1980 ông được Viện Hàn lâm Thụy Điển tặng Giải thưởng Nobel văn chương về toàn bộ sự nghiệp sáng tác của nhà thơ. Một năm sau đó ông về nước, các tác phẩm của ông được xuất bản chính thức ở Ba Lan. Ông được công nhận là Tiến sĩ danh dự (Doktorat honoris causa) của Trường Đại học Công giáo Lublin và Trường Đại học Jagielonski ở Krakow.
Năm 1993, Czeslaw Milosz về ở hẳn trong nước và ông đã chọn Krakow là nơi thường trú, bởi theo ông, thành phố này rất giống thành phố Vilnius ở Litva quê hương ông. Năm 1994, ông được tặng Huân chương Đại bàng trắng. Ông cũng đã được nhận Giải thưởng NIKE (Nữ thần Chiến thắng), giải thưởng văn học hàng năm danh giá nhất Ba Lan. Ông được công nhận là Công dân danh dự của Litva và của thành phố Krakow.
Czeslaw Milosz mất ngày 14/8/2004, thọ 93 tuổi.
Nhà thơ Nga, Brodski, Giải Nobel văn chương năm 1987, đã dõng dạc tuyên bố: „Tôi không mảy may ngần ngại nói rằng, Czeslaw Milosz là một trong các nhà thơ lớn của thời đại chúng ta…”.
Kỉ niệm 100 năm Ngày sinh Czeslaw Milosz, Quốc hội Ba Lan đã thông qua nghị quyết, công bố 2011 là Năm Czeslaw Milosz. Bảo trợ năm kỉ niệm này còn có: UNESCO, Nghị viện châu Âu, Quốc hội Litva, Bộ Ngoại giao Ba Lan. Tại thành phố Krakow, Ba Lan, từ ngày 9 đến 15/5/2011 đã diễn ra Liên hoan Czeslaw Milosz với sự tham gia của đông đảo nhà thơ, nhà văn, dịch giả, nhà khoa học Ba Lan và thế giới.
Hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh của nhà thơ Czeslaw Milosz (1911 - 2004), báo Người Hà Nội trân trọng giới thiệu chùm thơ đặc sắc của “nhà thơ lớn của thời đại chúng ta”.
Bài ca về ngày tận thế
Trong ngày tận thế
Ong mật lượn vòng trên hoa sen cạn,
Ngư phủ vá tấm lưới chài óng ánh.
Cá heo vui nhẩy trên biển xanh,
Chim sẻ non uống nước máng mát lành
Và rắn có da vàng như xưa nay vẫn vậy.
Trong ngày tận thế
Phụ nữ đội ô đi trên cánh đồng,
Gã say ngủ lăn quay trên vạt cỏ,
Những người bán rau rao hàng trên phố
Chiếc thuyền buồm vàng bơi ra đảo nhỏ,
Tiếng vĩ cầm ngân vang không gian bao la
Và tan vào đêm trời đầy sao.
Những kẻ đợi chờ sấm chớp,
Có gì đâu mà nơm nớp.
Những kẻ chờ tín hiệu và kèn báo
của tống lãnh nhà trời,
Họ không tin chuyện xảy ra rồi.
Khi mặt trời và mặt trăng đang hiện trên cao,
Khi ong mật đang đến với hoa hồng,
Khi trẻ con đỏ hỏn đang chào đời,
Chẳng kẻ nào tin, chuyện xảy ra rồi.
Chỉ ông già tóc bạc khả dĩ là nhà tiên tri,
Nhưng không phải vậy,
Bởi lão có việc khác để thực thi,
Tay buộc chùm cà chua lão phán:
Sẽ chẳng có ngày tận thế khác đâu,
Sẽ chẳng có ngày tận thế khác nữa đâu.
1944
Niềm tin
Niềm tin có khi ta nhìn thấy
Một chiếc lá bồng bềnh trên mặt nước,
Một giọt sương
Và biết rằng, có chúng - vì cần.
Cho dù hai mắt nhắm nghiền mơ ước,
Trên đời này chỉ còn những gì có trước,
Dòng sông kia vẫn đưa lá trôi xuôi.
Niềm tin lại có khi ta què chân vì đá
Và biết rằng trên đời này có đá
Là để làm què chân ta.
Hãy nhìn mà xem, cây thả bóng dài,
Và bóng ta, và bóng hoa in trên mặt đất:
Sự sinh tồn in bóng giữa thanh thiên.
Hy vọng
Hy vọng đến, khi ta tin,
Trái đất chẳng là giấc mơ, mà là cơ thể sống,
Và rằng, thị giác, xúc giác, thính giác chẳng dối lừa.
Tất thảy những gì tôi biết,
Như một thửa vườn, bạn đứng xa ngoài cửa.
Không được vào. Nhưng đương nhiên có
Khi ta nhìn kỹ hơn và khôn hơn,
Vẫn còn không chỉ một ngôi sao
và một bông hoa mới
Trong thửa vườn thế giới
Ta nhìn.
Có kẻ bảo rằng, mắt đánh lừa chúng ta
Và rằng, chẳng có gì hết, do lầm tưởng mà ra,
Song chính họ là những người vô vọng.
Họ tưởng rằng, khi con người quay lưng lại,
Cả thế giới đằng sau ắt ngưng tồn tại,
Như bị bàn tay lũ trộm cướp đi rồi.
Adam và Eva
Adam và Eva đọc truyện khỉ nhà đang tắm,
Nó nhảy vào bể, bắt chước một cô nàng
Nó vặn vòi nước: Ôi cứu tôi! Nóng quá!
Cô gái lao tới, đồ ngủ mỏng tang
Bộ ngực to, trắng ngần, lúc lắc
mạch máu hằn xanh.
Cứu con khỉ nàng ngồi bên bể nóng,
Đi vô nhà thờ, nàng gọi con sen.
Và Adam, Eva không chỉ đọc chuyện đó
Tay giữ cuốn sách đặt trên đùi trần.
Những lâu đài này! Những cung điện này!
Những thành phố nhà cao ngất trời này!
Những sân bay hành tinh giữa những ngôi chùa cổ!
Họ nhìn nhau, mỉm cười,
Song chẳng dám tin
(Các người xuống đó, các người khắc rõ)
Và tay Eva với vào quả táo.
Berkeley, 1989
Trái đất của chúng ta
Nếu phải diễn tả
thế giới là gì đối với tôi
thì tôi bắt một con chuột cống,
hoặc con nhím, hay con chuột chũi,
tối đặt lên ghế nhà hát
và ghé tai vào cái mõm ướt át
để được nghe,
chúng nói gì về ánh đèn pha
về múa ba lê
và tiếng nhạc.
Tổ quốc tôi
Tổ quốc, nơi tôi không trở lại
Là rừng xanh quanh hồ rộng
Là mây trôi, trời cao lồng lộng
Tôi nhớ như in mỗi khi hướng về Người.
Là nước hồ thủ thỉ đêm đêm,
Là đáy hồ mọc đầy cỏ sắc,
Là loài hải âu đen đang hót,
Là ánh hồng lành lạnh lúc hoàng hôn,
Là tiếng vịt trời cao vút trên không.
Trong bầu trời của tôi, hồ khổ đau đang ngủ
Tôi cúi khom và nhìn xuốngđáy
Thấy ánh đời tôi. Và thứ dọa tôi,
Muôn năm dưới đó là dáng hình tôi
trước lúc qua đời.
Mặt trời
Mặt trời có nhiều màu sắc.
Mà không có một màu riêng,
bởi màu gì cũng có.
Tráiđất như bản trường ca,
Mặt trời trên cao đóng vai nghệ sĩ.
Ai định dùng màu vẽ hình thế giới,
Xin chớ nhìn thẳng vào mặt trời.
Bởi sẽ quên ngay những gì mình thấy,
Trong đôi mắt xanh chỉ còn lệ nóng bừng.
Hãy quỳ gối, cúi mặt xuống cỏ xanh
Nhìn tia nắng ánh lên từ mặt đất.
Những gì bỏ rơi bạn tìm được tất:
Những ngôi sao và những bông hồng,
những bình minh và những hoàng hôn.
Vacsava, 1943
Thế giới này
Hóa ra có sự hiểu nhầm
Thực ra, chỉ là thử thách.
Sông quay về nguồn, về thác,
Gió ngừng thổi lúc xoáy tròn.
Cây thôi mọc chồi để về với rễ.
Người già đuổi theo bóng lăn,
Soi gương thấy mình lại là con trẻ.
Người chết tỉnh dậy, chẳng hiểu tại sao.
Mọi chuyện xảy ra lại hoàn như cũ.
Hỡi những con người chịu nhiều đau khổ
Sung sướng biết bao! Xin hãy thở phào.
Berkeley, 1993