Thế giới điện ảnh

Xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn

Ngọc Ánh- Huyền Nhung 17:26 24/11/2023

Sáng 23/11, Hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam” trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ XXIII đã được diễn ra tại TP Lâm Đồng. Trong đó, phát triển điện ảnh Việt Nam không chỉ dừng lại ở một tác phẩm có giá trị, mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế.

123.jpg
Hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam”.

Trong thời gian gần đây, nền điện ảnh Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng tự hào trên đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, để tiếp tục giữ vững và phát huy những thế mạnh, nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam cần có những chiến lược phát triển cụ thể. Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, một trong những mục tiêu quan trọng trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Chính phủ ban hành và Luật Điện ảnh 2022 là phát triển điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật, mà còn là ngành kinh tế. Bên cạnh đó, nền điện ảnh Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch và tạo vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

234.jpg
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh.

Như vậy, để đạt được mục tiêu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, cần có sự chung tay, nỗ lực của các nhà hoạt động điện ảnh, nhà đầu tư, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý ngành; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành lĩnh vực khác như tài chính, du lịch, khoa học công nghệ và thông tin truyền thông; cùng vai trò đặc biệt quan trọng từ công chúng khán giả.

Công nghiệp điện ảnh là ngành kinh tế sáng tạo thông qua sức sáng tạo, tài năng của những người làm nghệ thuật và ứng dụng công nghệ hiện đại; tạo nên một sản phẩm có sức hấp dẫn, lôi cuốn, phổ biến đến người xem bằng nhiều hình thức hiện đại, phù hợp với thời đại 4.0 và tính toàn cầu hóa của nghệ thuật điện ảnh. Sức sáng tạo độc đáo, nhân văn của các nghệ sĩ trong mỗi tác phẩm điện ảnh đóng vai trò quan trọng để thu hút công chúng khán giả và khẳng định vị trí của điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Từ góc nhìn về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Trần Hải Vân cho biết, mỗi năm, Nhà nước đều dành kinh phí để điện ảnh Việt Nam tham dự các LHP quốc tế có uy tín như: LHP Tokyo, LHP Busan, Chợ phim Hongkong… Từ năm 2010 đến nay, điện ảnh Việt Nam đã tham gia 148 LHP quốc tế với 330 lượt đầu phim. Điện ảnh Việt Nam cũng gửi phim tham dự các LHP, Giải thưởng phim danh tiếng như Oscar, LHP Cannes, LHP Berlin, LHP Thượng Hải… Với mục đích quảng bá mạnh mẽ điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài, bên cạnh việc tham gia các LHP, Giải thưởng phim quốc tế, Bộ VHTTDL còn tổ chức các chương trình tuần phim, ngày phim Việt Nam tại nước ngoài.

Như vậy, để xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành nền văn hóa mũi nhọn, cần phải xem xét từ rất nhiều khía cạnh: chính sách của nhà nước trong sản xuất, phát hành, phổ biến phim; hoạt động sản xuất phim trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; việc huy động nguồn vốn cho điện ảnh; công tác lý luận phê bình điện ảnh gắn kết với khán giả; hoạt động gắn kết giữa điện ảnh với du lịch và hợp tác quốc tế. Đồng thời, phải giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn: Phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương để thu hút các nhà làm phim; tiếp nhận nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài; công nghệ số trong công nghiệp điện ảnh… Đặc biệt, đó là vấn đề về công nghệ; về đào tạo nguồn lực; các vấn đề đưa điện ảnh Việt Nam ra thế giới, xây dựng Quỹ điện ảnh; vấn đề an ninh mạng, vấn đề bình luận trên mạng xã hội; vấn đề nhận diện, phê bình điện ảnh, trách nhiệm của người nghệ sĩ; vấn đề sử dụng công nghệ AI như một trợ lý ảo hỗ trợ mạnh mẽ cho việc sáng tạo của nghệ sĩ… nhằm gợi mở, xây dựng, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Đáng chú ý tại hội nghị lần này là những phát hiện, nhấn mạnh việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào hỗ trợ việc xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Đại biểu Quốc hội Bùi Vũ Sơn có nhắc đến big data đối với việc thu thập, số hóa, lưu trữ lượng lớn thông tin: “Việc sử dụng dữ liệu lớn có khả năng nâng cao chất lượng của công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam. Không chỉ giúp tạo ra nội dung sáng tạo và phong cách hấp dẫn hơn mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành điện ảnh. Các công ty và nhà sản xuất phim có thể sử dụng dữ liệu lớn để hiểu rõ hơn về nhu cầu của khán giả, cải thiện quản lý sản xuất và tối ưu hóa chiến lược tiếp thị”.

Công nghiệp điện ảnh - một trong những con đường phát triển đất nước, thể hiện ý thức phát triển kinh tế song hành cùng phát triển văn hóa. Bằng ngôn ngữ đầy sinh động là hình ảnh, âm thanh, câu chuyện của mình, điện ảnh sẽ tiếp tục góp phần vào công cuộc gìn giữ, lan tỏa nét đẹp trong cách ứng xử, quảng bá văn hóa Việt.

Ngọc Ánh- Huyền Nhung