Chuyển động Hà Nội

Khơi niềm tự hào, giữ nghề truyền thống trong lòng di sản công nghiệp Thủ đô

Quỳnh Chi 24/11/2023 11:29

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm - di sản công nghiệp của Thủ đô, không gian Xưởng 3B2 do dự án “Về làng” thực hiện đã khơi niềm tự hào, ý thức gìn giữ các nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam tới du khách.

toan-canh-3b.jpg
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống tại phân xưởng 3B2 – Nhà máy xe lửa Gia Lâm luôn tấp nập người dân và du khách.

Những ngày có mặt tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, bước đến không gian sắp đặt của Về làng tại phân xưởng 3B2 – Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, phóng viên Tạp chí Người Hà Nội luôn bắt gặp hình ảnh người dân và du khách tấp nập tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về các sản phẩm thủ công truyền thống. Dường như các mặt hàng thủ công truyền thống của Hà Nội và một số tỉnh, thành khác đã quy tụ tại phân xưởng 3B2 và đây là lý do để nhiều du khách đổ về không gian này.

“Khi đặt chân đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, chúng tôi rất bất ngờ vì không gian di sản công nghiệp của Thủ đô rất rộng, xung quanh là những máy móc, sắt thép. Để làm không gian sắp đặt tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm tại lễ hội, chúng tôi đã tận dụng các vật dụng có trong nhà máy như thùng phuy, kệ, bàn ghế sắt, tà vẹt, thanh tàu… để phù hợp với không gian. Chúng tôi không phải mang đến nhà máy bất cứ dụng cụ nào”, anh Ngô Quý Đức - nhà sáng lập dự án Về làng, chia sẻ.

trai-nghiem(1).png
Một em nhỏ đang trải nghiệm vẽ gốm tại không gian xưởng 3B2.
gom.png
Sản phẩm gốm đầy tinh xảo.

Điểm nhấn của tổ chức Về làng tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm nhân Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 là không gian trưng bày, trải nghiệm và tương tác mang tên “Hơi thở của Gốm”. Đến với chương trình này, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều có thể tham gia trải nghiệm tự tay nặn gốm, vẽ gốm và tương tác với các sản phẩm gốm truyền thống, ứng dụng từ các nghệ nhân gốm trẻ của nhiều làng nghề tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác tại Việt Nam. Mọi người sẽ được những thợ gốm, các nhà thiết kế tài hoa từ đội ngũ Về làng hướng dẫn cụ thể và chi tiết.

Cùng với hoạt động tương tác trải nghiệm, “Hơi thở của Gốm” giới thiệu đến người dân và du khách các sản phẩm gốm đậm chất Việt Nam, đặc biệt là gốm mộc truyền thống không men qua các ứng dụng tượng phật, bình lọ hoa và men sử dụng hiện đại trên gốm được thiết kế ứng dụng qua bộ sản phẩm quà tặng 12 con giáp đến từ các nghệ nhân gốm trẻ ở nhiều làng nghề trên cả nước.

cua.jpg
Sản phẩm tre tạo hình con tôm khổng lồ làm nhiều du khách đến lễ hội thích thú.

Ngoài gốm, Về làng cũng mang đến không gian trưng bày các sản phẩm thủ công Việt Nam khác, nổi bật là các tác phẩm tinh xảo từ tre của anh Võ Tấn Tân (Quảng Nam) – chủ cơ sở Taboo Bamboo. Du khách không khỏi ngạc nhiên lẫn cảm phục sự sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân khi biến những thân tre – biểu tượng sức mạnh của dân tộc Việt Nam, thành những sản phẩm cá chép, tôm, bình hoa, đèn học… có tính thẩm mỹ, ứng dụng cao và đậm bản sắc văn hóa người Việt.

Các sản phẩm thủ công truyền thống được trưng bày, sắp đặt ở phân xưởng 3B2 đa dạng từ gốm, lụa, tò he, mây tre đan, thổ cẩm… Theo tôi biết, Hà Nội nổi tiếng với gốm Bát Tràng, Kim Lan (huyện Gia Lâm); mây tre đan có làng nghề Phú Vinh (huyện Chương Mỹ). Nhưng đến đây tôi đã biết thêm sản phẩm gốm ở Bắc Ninh, Hà Nam và tre của Quảng Nam không thua kém bất cứ nơi nào. Các sản phẩm đều sáng tạo, độc đáo, đã tôn vinh các sản phẩm thủ công truyền thống của Hà Nội cũng như các tỉnh bạn, giới thiệu đến mọi người nét đặc sắc của các sản phẩm và làng nghề truyền thống của Việt Nam. Khi được xem, chạm vào các sản phẩm, tôi cảm thấy tự hào và tôi tin mọi người cũng có cảm nhận này, cùng nâng cao ý thức để gìn giữ các nghề thủ công truyền thống Hà Nội và cả nước”

Chị Lê Thanh Thảo (phường Kim Liên, quận Đống Đa)

Đó còn là các sản phẩm gốm do xưởng HCeramic của họa sĩ Hải Gốm (Bắc Ninh) thực hiện, có phong cách tạo hình mới vui tươi, sự sáng tạo trong phong cách tạo hình kết hợp với dòng men truyền thống được nghiên cứu kỹ càng để các sản phẩm được khoác lên lớp áo truyền thống màu sắc đầy sâu lắng và tinh tế. Vẫn là gốm nhưng các sản phẩm đến từ cơ sở Liên Kiểm (Hà Nam) áp dụng máy móc kỹ thuật hiện đại, lại làm nhiều người ngỡ ngàng vì các sản phẩm cho thấy không có sự co, ngót, kiểu dáng mẫu mã đa dạng, chất lượng, bền đẹp.

gian-chung(1).png
Các vật dụng có trong nhà máy như thùng phuy, kệ, bàn ghế sắt, tà vẹt, thanh tàu...được sử dụng để các nghệ sĩ thiết kế không gian trưng bày, sắp đặt nghệ thuật.

Về làng cũng góp phần đưa đến cho công chúng dự Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 được chiêm ngưỡng các tác phẩm bonsai từ đồng từ dây đồng của nghệ sĩ Lê Duy Đức, sản phẩm giấy dó của Chạm, thổ cẩm Hoa Tiến, tranh vải của Vụn Art, dép cao su của Vua dép lốp, tò he Xuân La... Có thể nói, không gian trưng bày, sắp đặt và giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 không chỉ mang lại cơ hội tiếp xúc và giao lưu với sản phẩm của tinh thần sáng tạo dân gian, mà còn khơi gợi niềm tự hào và ý thức gìn giữ các nghề, làng nghề truyền thống đối với mọi người.

ve-lang-5.jpg
Sản phẩm làng nghề truyền thống đã được tỏa sáng trên nền di sản công nghiệp - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và ngược lại, di sản công nghiệp được "đánh thức" bởi thiết kế sáng tạo nghệ thuật độc đáo.

Hơn thế, không gian di sản công nghiệp của Hà Nội đã hội tụ và lan toả các ý tưởng và thành quả sáng tạo của các nhóm sáng tạo, nghệ nhân làng nghề truyền thống của Hà Nội với các địa phương khác ở nước ta. Từ đó hình thành mạng lưới sáng tạo, mở rộng giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo sản phẩm thủ công truyền thống, tìm kiếm các ý tưởng thiết kế và khai thác các không gian sáng tạo tại Thủ đô Hà Nội./.

Quỳnh Chi