Đời sống văn hóa

Khởi sắc văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi

Nhà văn Lê Phương Liên 08:08 24/11/2023

Nhiều người lo ngại rằng khi thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) thì sách và văn hóa đọc có khả năng sẽ biến mất trong đời sống con người. Nhất là khi điện thoại thông minh, internet, truyền hình kỹ thuật số, các trang mạng xã hội… đang dần “xâm chiếm” thời gian của trẻ. Thực tế có như vậy hay không?

Nếu quan sát sự phát triển của ngành xuất bản, chúng ta sẽ thấy từ năm 2013 tới nay, ngành này ở Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể hơn hẳn những năm đầu thế kỷ XXI. Năm 2013 chính là năm thế giới đã ghi nhận thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” xuất hiện lần đầu tiên tại Đức, sau 13 năm diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phải chăng chính cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đã tác động thúc đẩy sự phát triển ngành xuất bản Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mới?

nguoi-tre-va-hoi-sach.jpg

Chúng ta hãy nhìn lại tình hình của Việt Nam khi hội nhập với một thế giới bước sang cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Lúc bấy giờ, đất nước ta đang phát triển không đều: nhà cao tầng ngày càng nhiều tại các thành phố lớn với nhịp sống hiện đại hơn mỗi ngày, còn tại các vùng sâu biên giới vẫn còn không ít nơi vừa mới có điện lưới tới thôn bản. Tại nhiều nơi, sóng điện thoại hay sóng internet còn kém, nhiều gia đình chưa có điều kiện mua máy tính cho con cái học hành, nói gì đến chuyện mỗi đứa trẻ được sở hữu riêng một chiếc điện thoại thông minh. Trong khi đó, người lớn không ngừng kỳ vọng vào một thế hệ trẻ em và người trẻ Việt Nam mang những khao khát hiểu biết để mau chóng trở thành những công dân toàn cầu. Và bản thân chính người trẻ cũng tự nhận thức được điều đó. Trong hoàn cảnh ấy, sách chính là người bạn tốt giúp kết nối thế hệ trẻ với tri thức thế giới.

Sự ra đời của Ngày Sách Việt Nam 21/4 (sau này đã đổi thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam) từ năm 2014 đã thúc đẩy bao hoạt động khuyến đọc với nhiều hình thức. Trong số đó, đã có sự xuất hiện của các tình nguyện viên, những nhà hoạt động xã hội đưa sách đến với các vùng xa xôi hẻo lánh, góp sức xây dựng thư viện công cộng nhằm lan tỏa văn hóa đọc. Có thể kể đến chương trình “Sách hóa nông thôn” của Nguyễn Quang Thạch… Phong trào xây dựng thư viện tư nhân cũng ngày càng phát triển ở nông thôn. Đặc biệt, trong số những người hoạt động, ủng hộ các thư viện này có sự góp mặt của những người khuyết tật, người cao tuổi hưu trí, những người có thể lực yếu nhưng tinh thần lại rất mạnh mẽ như dịch giả Nguyễn Bích Lan. Vượt lên trên phương thức đưa sách đến với người đọc từ thị trường, sách đã được những tấm lòng thiện nguyện đem đến cho trẻ em hiếu đọc đang thiếu sách đọc.

tre-di-hoi-sach.jpg

Tại các thành phố lớn đông dân cư, thị trường sách Việt Nam đã phát triển rất sôi động, nhất là ở Thủ đô. Các hội sách được các đơn vị xuất bản phát hành tổ chức hằng năm, trừ thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19 thì trung bình 1 năm có khoảng 3-4 hội sách ở Hà Nội. Phố sách Đinh Lễ hay Phố sách 19/12 là địa điểm lý tưởng để tổ chức các chương trình, hoạt động khuyến đọc mà các đơn vị phát hành đã vận dụng. Bên cạnh đó, các đơn vị xuất bản, phát hành tại Hà Nội còn mở thêm nhiều mô hình, địa điểm giới thiệu và bán sách từ cà phê sách, các kênh phân phối bán lẻ đến các gian hàng trực tuyến trên các hệ thống thương mại điện tử như Tiki, Fahasa, Shopee… Việc quảng bá, giới thiệu sách được phát triển không chỉ trên báo giấy, mà đã được truyền thông mạnh mẽ trên báo điện tử, trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam và cả trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube, TikTok... Như vậy chính công nghệ thông tin đã hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển văn hóa đọc.

Năm 2004, Việt Nam tham gia Công ước Berne đã mở đường cho các đơn vị xuất bản, phát hành có quyền giao dịch bản quyền bình đẳng với tất cả các nhà xuất bản trên thế giới. Trong khoảng 10 năm qua, các đơn vị xuất bản, phát hành Việt Nam đã có gian hàng trưng bày và bán sách, giao dịch bản quyền tại các Hội chợ sách quốc tế nổi tiếng như: Hội chợ sách Frankfurt (CHLB Đức), Hội chợ sách HongKong, Hội chợ sách Thái Lan, Hội sách Thiếu nhi châu Á... Đất nước gần 100 triệu dân của chúng ta rõ ràng đã có một số lượng độc giả đáng kể hàng năm vẫn đóng góp tiền mua sách làm nên doanh thu cho ngành sách.

Các đơn vị xuất bản phát hành Việt Nam hiện nay không còn chỉ mua bản quyền từ nước ngoài mà đã mang sách của tác giả Việt giới thiệu và bán bản quyền xuất bản cho các nước trên thế giới. Có thể nhắc đến các đầu sách đã được các nước trên thế giới mua bản quyền xuất bản trong những năm qua như: “Truyện Kiều”, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Nỗi buồn chiến tranh”, “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, “Cánh đồng bất tận”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Lược sử nước Việt”, “Chang hoang dã - Gấu”, “Việt Nam - cuộc chiến sinh tử chống Covid”…

Trong vài năm gần đây, việc đẩy mạnh sáng tác, xuất bản sách dành cho trẻ em Việt Nam đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đàng, Chính phủ và các cơ quan chức năng. Hệ thống các giải thưởng sách cho trẻ em được phát triển. Giải thưởng sách quốc gia có hạng mục Sách thiếu nhi bình đẳng với các sách chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học cho người lớn. Hội Nhà văn Việt Nam đã khôi phục Hội đồng văn học thiếu nhi và trao Giải thưởng văn học thiếu nhi hằng năm. Trong đó phải kể đến Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi vào đầu năm 2023 do Hội Nhà văn Việt Nam phát động. Theo thông tin từ Ban tổ chức, bước đầu cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các cây bút chuyên nghiệp và không chuyên ở khắp mọi miền đất nước.

Nhắc tới điểm nhấn về giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi, phải kể tới Giải thưởng Dế Mèn do báo Thể thao văn hóa tổ chức thường niên, dành cho các nhà văn và các tác giả mọi lứa tuổi viết cho thiếu nhi. Bên cạnh đó là Giải thưởng văn học Kim Đồng do Nxb Kim Đồng tổ chức với giá trị giải thưởng cao nhằm kích thích và thu hút các tác giả viết cho thiếu nhi.

Tại các cuộc thi dành cho văn học thiếu nhi, số lượng người viết ở độ tuổi thanh thiếu niên đã tăng lên đáng kể và trải rộng khắp các vùng miền cả nước. Nhiều tác giả thiếu nhi dưới 15 tuổi đã xuất hiện với những sáng tác đầy triển vọng. Cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” do Đại sứ quán Nhật Bản ở Việt Nam phối hợp với Nxb Kim Đồng tổ chức thường niên từ năm 2018 đã thu về những thành tựu đáng kể. Với ba hạng mục chính: Tiểu học, Trung học cơ sở và Tự do, cuộc thi đã tạo ra được một dòng chảy văn học thiếu nhi giàu sức tưởng tượng, gần gũi với các em nhỏ.

Văn hóa đọc cho trẻ ngày nay ở Thủ đô đã được nhiều gia đình, các phụ huynh chú ý hơn. Các nhóm hội cha mẹ lập tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ… ra đời. Những hoạt động dạy con đọc sách, cùng con đọc sách đã được các tổ chức xã hội khởi xướng như hoạt động của Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” do Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh sáng lập và dự án “Sách nhà mình” do chị Lê Thị Thùy Dương sáng lập.

Bên cạnh xu hướng vươn ra thế giới hội nhập cùng toàn nhân loại, thế hệ người đọc trẻ hiện nay lại có xu hướng quay về bản sắc dân tộc Việt Nam. Ngành Việt Nam học đã xuất hiện ở đầu thế kỷ XXI tại Việt Nam. Những loạt sách đã ra đời để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống, kiến trúc cổ Việt Nam, cây cối quê hương, văn hóa ẩm thực… Các đề tài và thể loại sách Việt Nam hiện nay đang được mở rộng phong phú đa dạng, cách trình bày mỹ thuật càng ngày càng đẹp và đậm đà bản sắc sách Việt hơn trước.

Vừa qua, trong cuộc giao lưu tọa đàm tại Đại sứ quán New Zealand cùng nhà văn viết cho thiếu nhi Kat Quinn (New Zealand) với chủ đề: “Phát triển văn hóa đọc của trẻ em câu chuyện từ Việt Nam và New Zealand”, nhà văn Kat Quinn đã nói rằng: “Khi đến Hà Nội, tôi được đến Phố sách Hà Nội và thấy cảnh người lớn, trẻ em mua sách, tôi thực sự cảm phục vì ở New Zealand chưa có Phố sách như vậy”./.

Nhà văn Lê Phương Liên