Văn hóa – Di sản

“Tái thiết di sản công nghiệp có thể giúp Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa”

Trung Kiên 23/11/2023 20:52

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ, kiến trúc sư (KTS) Đinh Thị Hải Yến, Hà Nội có nhiều công trình công nghiệp cũ mang dấu ấn văn hóa, lịch sử… Trong đó một số di sản công nghiệp tại Hà Nội đã được chuyển đổi, tái thiết thành không gian sáng tạo độc đáo.

Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, sáng 23/11 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Tái thiết các di sản trong lòng Hà Nội tiếp cận từ khai thác sáng tạo và phát huy giá trị”. Đây là dịp để các chuyên gia cũng như người dân cùng góp tiếng nói để sử dụng hiệu quả những di sản công nghiệp tại Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung trong tương lai theo hướng hiệu quả, bền vững.

ts-hai-yen.jpg
Tiến sĩ - KTS Đinh Thị Hải Yến (người cầm micro) chia sẻ tại tọa đàm “Tái thiết các di sản trong lòng Hà Nội tiếp cận từ khai thác sáng tạo và phát huy giá trị”.

Theo KTS Đinh Thị Hải Yến, nhiều nước trên thế giới như Anh, Italia, Đức, Pháp… đã chuyển đổi đổi các công trình công nghiệp cũ thành bảo tàng, sân khấu biểu diễn, tổ hợp văn hóa, giải trí… thu hút khách du lịch, trở thành yếu tố góp phần phát triển công nghiệp, văn hóa ở các quốc gia này. Ngoài ra, trên thế giới, nhiều nhà máy, xí nghiệp, bến tàu, bến cảng,...đã được công nhận là di sản công nghiệp, hiện UNESCO đã ghi danh gần 30 di sản công nghiệp trên tổng số 529 di sản văn hoá trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, khái niệm “di sản công nghiệp” chỉ mới manh nha và không ít các công trình công nghiệp cũ có giá trị đã bị bỏ qua, phá dỡ. Đối với Hà Nội, các nhà máy, công xưởng từ thời Pháp thuộc cho tới giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc chính là các di sản công nghiệp của Thành phố. Qua nghiên cứu và khảo sát, Hà Nội có 185 công trình công nghiệp, trong đó 95 công trình còn hiện hữu, 90 công trình đã bị phá hủy, chuyển đổi. Dù đã bị phá hủy hay chuyển đổi, các di sản công nghiệp của Hà Nội đều là những công trình kiến trúc có nhiều dấu ấn với người dân Thủ đô, minh chứng sống động cho một giai đoạn khó khăn trong lịch sử dân tộc nói chung và Hà Nội nói riêng.

Một số công trình công nghiệp cũ của Hà Nội đã chuyển đổi thành các không gian công cộng, văn hoá và sáng tạo như Nhà máy In cũ của báo Nhân Dân (phố Tràng Tiền) thành Trung tâm Văn hóa Pháp; Cơ sở sản xuất của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 (phố Trần Thánh Tông) thành tổ hợp Zone 9 (cũ); Nền một nhà máy in cũ phố Tây Sơn cũng được tái thiết thành khu tổ hợp Complex 01.

cong-dong-1.jpg
Biểu diễn nghệ thuật tại khu tổ hợp Complex 01 (phố Tây Sơn, Hà Nội)

Ðến Complex 01, công chúng đều rất ấn tượng trước không gian thiết kế độc đáo với các bức tường gạch đỏ xù xì, thô ráp, bậc thang kim loại gỉ sét, gợi cảm giác hoài cổ. Các nhà thiết kế đã kết hợp giữa những thiết kế mới và các công trình cũ để biến thành một tổ hợp gồm nhiều hoạt động, tổ chức hàng loạt sự kiện như triển lãm, tổ chức hòa nhạc, hội thảo nghệ thuật, các chương trình khám phá nghệ thuật. Qua đó, Complex 01 đã kiến tạo những giá trị kinh tế và văn hóa mới (rộng hơn là một lĩnh vực của công nghiệp văn hóa) mà không tạo thêm áp lực cho hạ tầng đô thị, đồng thời lưu giữ được một di sản công nghiệp của Hà Nội.

Như vậy, các mô hình như bảo tàng, sân khấu biểu diễn, tổ hợp văn hóa tương tự như Complex 01... tạo ra ý nghĩa về việc tái tạo những di sản công nghiệp, tạo cơ hội cho cộng đồng tiếp cận văn hóa, góp phần đem lại giá trị kinh tế, tạo động lực cho công nghiệp văn hóa Hà Nội phát triển.

Hiện tại Hà Nội vẫn còn một lượng lớn di sản công nghiệp như Nhà máy Bia Hà Nội (quận Ba Ðình), Nhà máy xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên)... Ðây là những di sản công nghiệp Hà Nội có thể vừa kiến tạo các không gian văn hóa mới cho người dân, trong khi vẫn giữ gìn, phát huy bản sắc của một đô thị có bề dày lịch sử - văn hóa, vừa có thể cải thiện chất lượng môi trường đô thị, mang lại nhiều giá trị kinh tế, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa, phát triển các hoạt động kinh tế sáng tạo. Bởi bản thân kiến trúc, dây chuyền sản xuất của các di sản công nghiệp đã là những công trình kiến trúc đẹp, tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển, chỉ cần có sự cải tạo phù hợp, sẽ biến thành không gian văn hóa nghệ thuật phục vụ các nhu cầu của xã hội đương đại.

congdong-2.jpg
Một phân xưởng của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trở thành không gian sáng tạo nghệ thuật, trưng bày sắp đặt, là điểm đến của các bạn trẻ tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những mô hình về tái tạo di sản công nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành phố ở nước ta hiện vẫn còn manh mún, nguyên nhân thường do thiếu quy hoạch tổng thể, tầm nhìn xa, thiếu hành lang pháp lý,...Việc chuyển đổi thích ứng các di sản công nghiệp thành nơi đáp ứng nhu cầu và tái tạo giá trị văn hóa - kinh tế vẫn thiếu sự điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước nên chủ yếu ra đời tự phát và luôn đứng trước nguy cơ sớm nở, tối tàn.

Do vậy, để tái thiết các di sản công nghiệp thì đòi hỏi chúng ta cần có nhận thức mới, tư duy mới về di sản công nghiệp, xây dựng hành lang pháp lý mới để kích thích việc chuyển đổi thích ứng các di sản công nghiệp. Từ đó kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy hoạch về xây dựng; cũng như có giải pháp, chính sách ưu đãi về vốn, về thuế, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia tái tạo di sản công nghiệp.

KTS Đinh Thị Hải Yến cho rằng, điều quan trọng để tái thiết các di sản công nghiệp, biến các di sản này thành không gian văn hóa nghệ thuật thì cơ quan quản lý phải có sự đánh giá, thẩm định lại giá trị của di sản công nghiệp trước khi quyết định tái thiết lại không gian. Giải quyết được vấn đề này, các nhà đầu tư sẽ có định lượng cụ thể về việc cần giữ lại bao nhiêu phần trăm giá trị của di sản để bảo tồn và bao nhiêu phần trăm cho xây dựng công trình mới, phát huy vai trò giá trị các di sản công nghiệp trong đời sống hiện tại cũng như tương lai./.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đô thị không ngừng vận động và phát triển, các di sản công nghiệp không chỉ là đối tượng của bảo tồn, mà còn là điểm tựa văn hóa, là động lực cho phát triển kinh tế.

Trung Kiên