Ngô Thì Trí – tấm lòng kẻ sĩ trung hiếu
Ngô Thì Trí là con trai thứ tư Ngô Thì Sĩ, em cùng cha khác mẹ với Ngô Thì Nhậm. Ông tên hiệu là Dưỡng Hạo, dưới thời Tây Sơn làm đến chức Hữu thị lang Bộ Hộ, tước Bính Phong hầu. Ngô Thì Trí sinh năm Bính Tuất (1766), cùng năm cha đỗ Hoàng giáp, chưa rõ mất năm nào, nhưng năm 1826 còn làm bài văn khấn thần xin tu sửa đình Hoa Xá.
Ngô Thì Trí mồ côi rất sớm (mẹ mất khi mới bốn tuổi, cha mất năm 14 tuổi, tính theo tuổi ta là 5 tuổi và 15 tuổi), có thể ông sống với gia đình anh cả là Ngô Thì Nhậm. Sau khi Ngô Thì Sĩ mất không lâu, gia đình họ Ngô lâm vào tình trạng sa sút, ly tán. Năm 1782, Trịnh Tông giành lại được ngôi chúa, Ngô Thì Nhậm vì liên quan đến vụ phát giác việc dự định bạo động tranh ngôi thế tử của Trịnh Tông năm Canh Tý (1780) nên phải chạy trốn. Trong hoàn cảnh ấy có phần chắc Ngô Thì Trí cũng không được học hành nhiều. Không thấy có tài liệu nào ghi rõ về chuyện học hành thi cử của ông, nhưng qua những tác phẩm để lại có thể thấy sức học của ông cũng khá dầy dặn và chịu ảnh hưởng của Ngô Thì Nhậm khá rõ. Tuy vậy, khác với người em Ngô Thì Hoàng (1768-1814) từng đi tu và dạy học, Ngô Thì Trí thiên hướng về Nho, chí hướng của ông thời trẻ là nhập thế, gần với tư tưởng Ngô Thì Nhậm. Nếu như bài Phú mộng Thiên Thai của Ngô Thì Nhậm là một “tuyên ngôn” về lý tưởng “kinh bang tế thế” thì bài ký Nhân ảnh vấn đáp của Ngô Thì Trí cũng là một tác phẩm bày tỏ chí hướng của mình sau những trăn trở về lẽ đời, về tư cách, trách nhiệm kẻ sĩ. Đó là phải “... phát huy nề nếp gia tộc để đi đến đích của đạo,... chớ vì vượt hàng bậc mà để mất khí tiết, sống bình dị để đợi mệnh trời, không bẻ cong đạo mà đem bán rao. Thời chưa đến thì hãy nuôi tính trời của ta nơi đồng ruộng, đợi đến khi có kẻ biết mình hãy đem chí hướng của mình ra mà thực hiện. Như vậy các việc giúp đời này, nuôi dân này để làm cho công dụng của đạo mở ra rộng lớn hơn lên, tất cả đều là công việc trong chức phận của mình cả”...
Không rõ những ngày Ngô Thì Nhậm phải lẩn tránh ở Thái Bình, Ngô Thì Trí làm gì, ở đâu, nhưng năm 1793, Ngô Thì Nhậm làm Chánh sứ trong đoàn sứ đi cầu phong cho Quang Toản, Ngô Thì Trí đã được đi theo. Có lẽ ông giúp anh trong việc giấy tờ, cho nên trong dịp đó ông đã chép lại tập thi họa cho anh, đặt tên cho tập thơ trên đường đi sứ ấy của anh là Hoa trình gia ấn và viết lời Tựa. Mùa thu năm sau, Giáp Dần (1794), Ngô Thì Trí được lệnh vào triều, làm ở Bộ Hộ và ngay mùa đông năm ấy được điều đi đến “Binh trường”. Trong dịp này ông đã làm bài Đăng Ải Vân phú thể hiện tinh thần hăng hái trong công việc và tình cảm nồng đậm với nhà Tây Sơn. Đối với ông, Tây Sơn là một triều đại chính thống, được trời cho núi Ải Vân làm cửa quan hiểm yếu, đáng so sánh với cửa Hàm Cốc của nhà Tần. Ông rất tin tưởng ở vận mệnh của triều đại này, ví Ải Vân như đất Bạc (kinh đô nhà Thương, vị trí ở vào khoảng huyện Thượng Khưu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay), đất Kỳ (nơi phát tích của nhà Chu, vị trí ở vào vùng Đông Bắc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc):
Khi trời sắp mở vận cho bậc vương giả,
Tất lấy động khe làm cửa ngõ, để được hiểm trở.
Lấy núi sông làm thành quách, để được kiên cố,
Dành ra một khoảng không nhàn.
Để có thể ngồi yên ổn, vững vàng mà giữ mệnh trời trong đó,
Đấng Tiên hoàng đế khởi nghĩa Tây Sơn.
Chín cõi thu về, trải bao gian khó,
Khác nào nhà Ân dấy ở đất Bạc, nhà Chu dấy ở núi Kỳ,
cùng một khuôn khổ
Binh trường đóng tại Nha Trang. Suốt cả năm 1795 ông đã ở đây, cùng hai người bạn đồng liêu trong Bộ Hộ họ Lê, họ Đỗ, cộng tác trong công việc, ý hợp tâm đầu, “tình cảm ngày càng thân thiết, mọi “gia mưu quốc kế”, điều lợi điều hại, việc lớn quan trọng, không điều gì không bàn bạc nên chăng” (Lan phả ký). Không rõ Ngô Thì Trí dời Nha Trang năm nào và sau đó ông giữ những trách nhiệm gì dưới thời Quang Toản, nhưng khi nhà Nguyễn thu phục toàn bộ đất nước, ông vẫn một lòng trung thành với Tây Sơn, tự coi mình người “vong quốc”, về quê nhà làm người “cùng dân”, nối chí ông nội Ngô Thì Ức xây dựng ngôi nhà “ẩn dật”, “xa lánh bụi trần”. Và cũng như ông nội, viết một tác phẩm - bài Sơn Hải Kính phú - bày tỏ quan niệm của mình về cuộc sống thanh sạch, thực hiện niềm ham thích đã nghĩ đến từ buổi thiếu thời:
Miền nam trấn Sơn Nam thượng,
Bên bờ sông Nhuệ.
Quê làng Song Thanh,
Họ là “khẩu thi”.
Dưỡng Hạo tử, đó là tiểu tự,
Tính giản chất, ý phóng khoáng, ngoài khuôn khổ.
Cầm kỳ thi họa, tuy biết qua loa, nhưng chí không hâm mộ,
Gần đây lại thích ở nơi hẻo lánh, ít ai nhòm nhé.
Trồng cỏ hoa, xây bể cạn, chất non bộ,
Để làm nơi thưởng ngoạn và đặt tên “Sơn Hải Kính” cho nó.
Ấy là lấy chữ “kính” ở “tam kính” của Đào Uyên Minh đó...
Ngô Thì Trí nói đến làng quê Song Thanh (Tả Thanh Oai và Thanh Oai), họ “Khẩu thỉ” (chiết tự chữ Ngô, gồm chữ khẩu và chữ thi kết hợp thành). Ngôi nhà Sơn Hải Kính của Ngô Thì Trí chắc chưa có được những hoạt động thơ ca phong phú như thư trai của Ngô Thì Ức nhưng cũng là một địa điểm văn hóa của Tả Thanh Oai đương thời.
Những năm cuối đời Ngô Thì Trí, gia tộc họ Ngô càng có nhiều chuyện buồn. Anh cả bị đánh đòn ở Văn Miếu đã mất, em ruột Ngô Thì Hoàng góa vợ, không có con nối dõi, cuộc sống thanh bần, thích ẩn dật, ham nghiên cứu đạo Thiền, đến mức trong dòng họ còn lưu lại cái tên “cụ Tú Chùa”. Ngô Thì Trí phải thay thế vai trò anh cả dìu dắt các em các cháu, khích lệ họ làm việc với triều Nguyễn. Ông đặt nhiều hy vọng ở người em út Ngô Thì Hương, mong em nối được nghiệp nhà và tiếp tục tinh thần “cần chính ái dân” của cha anh. Riêng phần mình, đối với ông, lúc này không điều gì quan trọng hơn là giữ gìn gia phong, củng cố gia tộc. Một dòng họ thi lễ thanh danh lẫy lừng gần trăm năm, “các gia tộc thư hương của nước Việt ta chưa có nhà nào được như vậy” (Phan Huy Ích - Tựa Ngô gia văn phái), không thể để con cháu sa sút, nổi trôi theo thế tục đến nỗi đứt đoạn. Chính vì vậy Ngô Thì Trí luôn đau đáu ý tưởng sưu tập tác phẩm của ông cháu, cha con ba bốn đời, cái “ơn trạch thi thư của cha ông để lại”, chủ đích là “Trên để soi tỏ công lao của ông cha, dưới đủ để khảo sát suốt một nhà” (Tựa Ngô gia văn phái). Ý tưởng ấy được Ngô Thì Điển thực hiện và Phan Huy Ích rất tán thưởng. Chính ông cùng với cháu là Ngô Thì Điển đặt tên cho bộ sưu tập ấy là Ngô gia văn phái. Có thể nói trong văn học Việt Nam, Ngô Thì Trí, Ngô Thì Điển và Phan Huy Ích là “nhóm” tác gia khai sinh ra thuật ngữ “văn phái”, đồng thời đề xuất nội hàm cùng những tiêu chí cho khái niệm “văn phái” này. Trong quan niệm của ba ông, “văn phái” chính là danh gia chính phái, phải được bắt nguồn từ một nền học vấn uyên áo - “dòng mạch sách Nho”, phải có “người trước sáng tạo, người sau thuật theo” (Ngô gia văn phái tự, Phan Huy Ích), “Phàm gọi tên là phái, đó là ơn trạch của thi thư cuồn cuộn như nước chảy không cùng” (Ngô gia văn phải tự - Ngô Thì Trí); văn phái phải đạt tới cái đặc sắc, khuôn thước riêng và phải tạo được ảnh hưởng với văn giới đương thời. Đó là một đề xuất quan trọng, đóng góp đáng kể cho bộ môn lý luận văn học Việt Nam thời trung đại.
Ngô Thì Trí là một tác giả ít khi đề vịnh, cũng ít “hào hoa”. Tập Sóc Nam hành kính (Con đường Bắc Nam) còn lại của ông phần lớn được viết nhân một sự kiện nào đó, chủ yếu gửi cho anh em, con cháu, bè bạn. Tuy vậy, văn chương của ông cũng có những nét đặc sắc riêng. Trong văn xuôi, ông thích bàn bạc những vấn đề có tầm tư tưởng, triết luận. Ông bàn về thuyết “cái vô” và so sánh “cái vô” của Nho với Phật, Lão, bàn về nhân cách kẻ sĩ, cái cách học “đạo nhân”, “đạo hiếu”, “đạo điều hành chính sự”, cả quan hệ anh em bạn bè...
Ngô Thì Trí ít làm thơ trữ tình, văn chương chân thật, giản dị, nhưng mỗi lời viết ra, nhất là gửi cho các em, đều xuất phát tự tâm can. Khi răn đe thì nghiêm khắc mà khi thương xót thì thống thiết. Chẳng hạn ông từ chối dự tiệc sinh nhật Ngô Thì Hương, nhưng sự thực là để răn đe em, bởi ông quan niệm trách nhiệm kẻ làm quan trước hết là công việc mà không phải là vui chơi hành lạc: “Hẹn với em ngày ấy sẽ họp mặt, vốn là điều xuất phát từ đáy lòng anh. Nay nghĩ lại anh cho rằng việc vui này chưa thể tiến hành được. Có ba nguyên cớ. Trong động thờ cha đá đổ, duyên do sự việc không phải là nhỏ. Hoặc đạo vỗ về biên cương, nuôi dưỡng dân chúng có điều gì khiếm khuyết chăng? Hoặc ở chốn thờ cha, việc đối xử với người thân, tấm lòng và việc làm có gì trái nhau chăng? Hoặc là chuyện chăn gối nơi phòng khuê có mối lo đắm đuối quá, hoặc có điều gì ẩn giấu mà chưa lộ ra chăng? Tất cả những điều đó đều phải nên lo sợ, tu tỉnh. Nay lời đoán cỏ thi mai rùa chưa quyết mà đã trống phách huyên náo, e rằng chưa phải là việc đền đáp sự phù trợ của thần, đón nhận phúc lành cảnh thổ. Đó là nguyên cớ thứ nhất chưa thể làm tiệc được. Em lấy tư cách là một cận thần, ra trị nhậm biên trấn, nơi xưa kia cha đã trị nhậm, hàng ngày đơn kiện cáo chồng chất, án văn xét xử vừa mới xong đã vội bày đàn ca múa hát, tuy tiếng tăm chưa lộ ra ngoài nhưng tai mắt thiên hạ sao có thể che bịt được. Đó là nguyên cớ thứ hai. Cha chúng ta sinh hạ được sáu anh em, bất hạnh, các anh đều đã bỏ ta đi trước cả, giữa chừng chỉ còn lại em và hai anh mà thôi. Gần đây mỗi khi có chuyện vui thưởng ngoạn thì ắt là một chiếu ba chén, anh em cùng nhau đối ẩm, nhưng than ôi, một người nay đã ở đâu! Nay cất chén mừng sinh nhật em không thể không nghĩ tới chiếc chén của Huyền Trai đã úp lặng lẽ. Thánh nhân đặt ra lễ, anh em để tang nhau không cần hết năm, nhưng tình anh em sao có thể vội vã quên nhau được! Đó là nguyên cớ thứ ba. Với ba nguyên cớ đó trong thâm tâm anh cho rằng chưa thể tiệc tùng được. Không can ngăn em mà lại miễn cưỡng cùng em mở tiệc thì đấy không phải là anh em thành thực với nhau”...
Ông khóc Ngô Thì Hoàng bằng những lời lẽ thương xót tận đáy lòng: “Than ôi! Hôm trước em lên xứ Lạng, anh còn tiễn em đến bến sông, hỏi bao giờ về thì hẹn cuối năm. Ngờ đâu đi lần này lại là đến dinh quan để từ biệt em trai và trở về động của cha, mà là một đi không trở lại. Em nay đã cưỡi sao Cơ mà đi xa, anh đưa em ra đồng kêu khóc, em có biết đâu. Thế là từ nay một sớm bỗng trở thành người thiên cổ, mãi mãi không còn được nghe em nói, mãi mãi không còn được thấy dung nhan em, mà từ đây mỗi khi anh em gặp nhau vui vẻ hoà hợp sẽ mãi mãi không còn có em!”...
Riêng bài văn tế Ngô Thì Hương viết năm 1821 có thể xem là lời tổng kết cả cuộc đời nhiều vất vả của ông: “Tôi 5 tuổi mồ côi mẹ, 15 tuổi mồ côi cha. Tuổi trung niên tuy may mắn được đắc chí nhưng rồi cũng thất bại. Thân này 57 tuổi, khi nhỏ mồ côi cha mẹ, khi lớn là kẻ bề tôi mất nước, về già là kẻ cùng dân; anh em có sáu người, lần lượt bỏ đi cả, chỉ còn lại tấm thân này, mà trước mắt đầy rẫy cảnh thê lương, nát gan đứt ruột, tóc bạc răng long! Đời người được bao lâu, mới quá nửa mà đã trải biết bao phiền não vất vả! Đời người chưa hết, chẳng biết từ nay về sau, thân thế sẽ ra thế nào? Như vậy tôi còn vui gì mà muốn sống! Cho nên nói rằng ta có thể chết mà lại chưa chết, kỳ lạ thay! Tạo hóa đa đoan, đảo lộn sinh tử, mỗi khi nghĩ đến điều đó, lẽ nào không hận em vội chết mà không buồn ta sống thừa hay sao!”...
Ngô Thì Trí không phải là tác gia lớn, tập Sóc Nam hành kính chỉ có 26 bài thơ, 2 bài phú, 24 bài văn, 2 đôi câu đối, nhưng cũng là một tác gia quan trọng của Ngô gia và có những đóng góp đặc biệt trên cả lĩnh vực sưu tầm, biên soạn và lý luận văn học. Chính ông là người khởi xướng việc sưu tập tác phẩm dòng họ Ngô, có ý thức chung kết thành Văn phái, nhờ vậy ngày nay hậu thế còn lại được bộ sách Ngô gia văn phái đồ sộ, rất quý giá cho văn học nước nhà. Ngay cả trong sáng tác, những tác phẩm bàn bạc về học thuật, hoặc “phân thân” tự phản biện cũng đóng góp những giá trị mới mẻ riêng. Trong văn học thời trung đại, đương thời cũng mới gặp bài Nhân ảnh vấn đáp ký của ông, tác phẩm Nhân nguyệt vấn đáp (Người nói chuyện với trăng) của dòng văn Phan Huy và sau đó có truyện Nôm Người nói chuyện với bóng mà thôi.
Ngô Thì Trí là nhân chứng lịch sử lúc chuyển giao cả ba triều đại. Ông cũng đã thành danh và Ngô Thì Nhậm đã tự hào khen “thực là em giỏi”, không cần điều gì cũng phải “trỏ mặt ghé tai mà khuyên nhử” (Tục Ải Vân phú). Ngô Thì Du cũng thán phục: “Anh ta là Dưỡng Hạo Phủ, trải đời sâu rộng, kiến văn uyên bác...” (Bình về “Vô thuyết”). Ông cũng rất xứng đáng với cha anh, là một nhân cách đáng nể trọng và có những đóng góp đáng kể với quê hương, đất nước./.
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội