Văn hóa – Di sản

Nguyễn Án – chứng nhân Kinh thành dâu bể

Vũ Thanh 22/11/2023 16:42

Nguyễn Án (1770-1815) tự Kính Phủ, hiệu Ngu Hồ Khách và Kiếm Hồ Ngư Ẩn, người thôn Nội, xã Du Lâm, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Sinh ra trong một gia đình quan lại có truyền thống khoa cử từ lâu đời, nhưng Nguyễn Án đã lên kinh kỳ Thăng Long học hành từ nhỏ và cả đời ông, toàn bộ sự nghiệp của ông đã gắn bó, cống hiến cho mảnh đất yêu dấu này.

Giống như người bạn thân của mình là Tùng Niên Phạm Đình Hổ, cuộc đời Kính Phủ Nguyễn Án cũng long đong lận đận. Thực tế phũ phàng đã dần dần gạt bỏ mọi lý tưởng và cuộc đời mỗi người đều có những phần dang dở. Việc học hành thi cử lỡ làng, Kính Phủ đành ở nhà dạy học, làm thuốc, nuôi mẹ già, sống như một người ẩn dật. Đến 35 tuổi (1805) Nguyễn Án mới được tiến cử, giữ chức Tri huyện Phù Dung (nay là huyện Phù Cừ, Hưng Yên) nhưng chỉ được một năm, cám cảnh thời cuộc nhiễu nhương, lấy cớ có việc riêng, ông xin từ quan. Năm Gia Long thứ 4, khi đã 35 tuổi, ông mới tiếp tục việc thi cử, thi Hương đỗ Cử nhân và được bổ Tri huyện Yên Lãng, Kiến An (nay thuộc Hải Phòng). Nhưng cũng chỉ làm quan được khoảng sáu năm thì ông mất tại nhiệm sở.

nguyen-an.png
Tác phẩm Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án viết chung với Phạm Đình Hổ.

Về sáng tác, ngoài Tang thương ngẫu lục viết chung với Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án còn có tập thơ Phong lâm minh lãi thi tập. Đây là tập thơ tập hợp các bài thơ đề vịnh núi sông, cảm hoài về thời cuộc và tiễn tặng bạn bè của Nguyễn Án. Ngoài ra, ông còn viết lời tựa cho tập thơ của Phạm Đình Hổ Đông dã học ngôn thi tập, qua đó thể hiện ít nhiều quan niệm của mình về thi ca đương thời.

Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án là hai tác giả viết ký xuất sắc của văn học Việt Nam buổi giao thời giữa thế kỷ XVIII và XIX. Cảm hứng chủ đạo trong các tác phẩm của Tùng Niên và Kính Phủ là thái độ bất mãn trước hiện thực xã hội với những cảnh “đời suy, thói tệ”, trước sự thoái hóa của lễ giáo, đạo đức, trước sự bất tài, sa đọa của bọn quan lại thống trị cũng như của cả thiết chế xã hội phong kiến. Những biến đổi của thời cuộc và con người, hôm qua còn là “nương dâu”, hôm nay đã thành “bãi bể” gây một nỗi buồn man mác cho các tác giả. Nếu có hoài cổ, có ca ngợi cái cũ, hay lý tưởng hóa dĩ vãng vàng son thì cũng chính là để phê phán hiện tại “đau đớn lòng” này. Đầu đề của tác phẩm Tang thương ngẫu lục chính là thể hiện nỗi niềm cảm thán đó. Tập truyện ký được viết ra với tâm trạng của những kẻ nhớ Lê, bất mãn với Trịnh và phần nào chấp nhận nhà Nguyễn. Nhưng ý nghĩa khách quan trong những hình ảnh được các tác giả khắc họa không chỉ dừng lại ở đó. Tang thương ngẫu lục gồm 90 thiên, chia làm 2 quyển. Trong đó có một số thiên ghi rõ do Phạm Đình Hổ (Tùng Niên) hoặc Nguyễn Án (Kính Phủ) viết. Một số thiên không ghi rõ tên người, có thể do hai ông viết chung. Có 32 thiên do Nguyễn Án trước tác và phần nào đó là các thiên có khả năng do ông viết chung với Phạm Đình Hổ.

Việc phản ảnh hiện thực lịch sử trong các tác phẩm văn xuôi Việt Nam đến giai đoạn này đã đạt tới đỉnh cao, nhất là với Hoàng Lê nhất thống chí, Thượng Kinh ký sự, Vũ trung tùy bútTang thương ngẫu lục. Con người và số phận của họ gắn liền với những biến cố thời cuộc đã trở thành những vấn đề trung tâm được phản ánh trong các tác phẩm, đặc biệt là trong các tác phẩm của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án.

Tang thương ngẫu lục tiếp tục đào sâu vào những ung nhọt của xã hội phong kiến, nhưng trong một thời gian và không gian lịch sử rộng lớn hơn. Thời gian mà Hoàng Lê nhất thống chí miêu tả gói gọn trong khoảng hơn 30 năm cuối thế kỷ XVIII từ khi Trịnh Sâm đang giữ ngôi chúa (1767) cho đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua (1802). Tang thương ngẫu lục với đặc điểm riêng của thể loại tùy bút đã trở ngược lại quá khứ của dân tộc, cho ta một bức tranh lịch sử có phần điểm xuyết hơn và tất nhiên cũng tản mạn hơn Hoàng Lê nhất thống chí. Nhưng cũng chính qua đó, tập truyện ký đã góp phần dựng lại một cách khá rõ nét bước thăng trầm của một xã hội: từ thời kỳ hoàng kim đến khi xuất hiện những mầm mống của sự mục nát trong xã hội Lê - Trịnh.

Phạm Đình Hồ và Nguyễn Án đi sâu vào những sinh hoạt hàng ngày của tầng lớp chóp bu trong xã hội. Đó là những bức ký họa rất sinh động, như một sự bổ sung sâu sắc và cần thiết cho bức tranh hoành tráng trong Hoàng Lê nhất thống chí. Ở Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh, Nguyễn Án đã kể lại cung cách ăn chơi xa xỉ của những kẻ trong vương phủ. Chúa rất “thích chơi đèn đuốc”, “cứ đến tết trung thu, từ trước mấy tháng, chúa phát gấm trong cung để làm hàng trăm hàng nghìn cái đèn lồng... mỗi cái giá đến mấy chục lạng vàng”. Mỗi tháng, ba bốn lần chúa ngự chơi cung Thụy Liên trên bờ hồ Tây, bắt nội thần “bịt khăn mặc áo đàn bà” bày hàng bán buôn như trong chợ” (?). Trên cái đà ấy việc xây lăng tẩm, đền đài cứ liên miên tốn bao mồ hôi xương máu của dân. Rồi chúa lại sức thu những loài chân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian. Nhân cơ hội ấy, bọn hoạn quan, cung giám cậy thế làm càn, hò nhau đi ăn cướp, dọa nạt lấy tiền; nhiều nhà chỉ vì chơi non bộ, chậu quý mà phải vạ; mọi người phải chặt cây, phá cảnh, giết chim chỉ vì cớ ấy.

Chúa đã vậy, những người thân cận chúa còn quá quắt hơn. Trong Quận mã Đặng Lân, Nguyễn Án đã kể chuyện em ruột chính phi Đặng Thị Huệ, cậy thế được chúa vị nể “thường hay ngông càn phạm pháp. Y cưỡng dâm một người đàn bà không được, bèn cắt vú người ta” mà chẳng bị tội tình gì (?), “Lân càng làm nhiều điều càn rỡ, nuôi hàng trăm đầy tớ, cho đội mũ đeo gươm chợ uống rượu say rồi đánh người vô tội. Đi đâu Lân cũng đem theo hàng mấy chục con chó săn, con nào cũng đeo nhạc vàng, khoác áo thêu, hét trước, hô sau..”. Y “giết chết nội giám Sử trung hầu, rồi cắm gươm ở trước cửa để không ai dám vào bắt”. Khi y bị đày ra An Quảng, nhà chức trách lại phải “sắm sẵn ghe thuyền ở bến sông Nhị” cho “đem theo nàng hầu vợ lẽ rất nhiều” “giữa tiếng đàn sáo véo von không dứt”. Thật đáng buồn rầu và cũng thật nực cười!

Đối với những kẻ ngang ngược như vậy thì chính quyền dung túng, thả sức cho chúng tác oai, tác quái, nhưng đối với những công thần có công với nước, những nhà Nho có chí khí thì lại đối xử tàn tệ và tìm cách hãm hại. Nguyễn Công Hãng là một đại thần có công lớn với nhà chúa, chỉ vì khuyên Trịnh Cương phải suy tính khi đưa Trịnh Giang lên ngôi mà bị Giang thù, bắt đem an trí ở Tuyên Quang, rồi sai sứ đánh thuốc độc chết. Đứng trên lập trường đạo đức Nho giáo, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án phê phán hiện tại - cái hiện tại đầy rẫy sự thối nát - dựa trên khuôn mẫu là cái đã qua mà hiện tại không những không tiếp nối được mà còn làm méo mó hư hỏng đi. Hai ông còn cố gắng đào sâu vào gốc rễ các hiện tượng, tìm ra cái nguyên cớ đã tạo nên những ung nhọt đó. Nhưng điều đặc biệt ở hai ông là trong quá trình lý giải những vấn đề xã hội, các ông không chỉ nhìn nhận cuộc sống bằng con mắt của một nhà văn mà còn cả với tư chất của một nhà khoa học. Thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX là giai đoạn của những đỉnh cao khoa học và nghệ thuật; là giai đoạn xuất hiện những con người “khổng lồ” về văn hóa mà Lê Quý Đôn và Nguyễn Du là hai đại biểu xuất sắc. Chính sự kết hợp giữa thiên chức của người nghệ sĩ và tư chất của nhà khoa học là nét đặc trưng của đa số các nhà thơ, nhà văn giai đoạn này (Lê Hữu Trác, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Chú...). Sự kết hợp ấy đã tạo nên bản sắc riêng cho cả một giai đoạn và tạo ra cho văn học của giai đoạn này khả năng phân tích, mổ xẻ xã hội mà ở các giai đoạn trước còn mờ nhạt. Tất cả những vấn đề đó được ý thức một cách rõ nét trong tập truyện ký Tang thương ngẫu lục...

Kiến thức xã hội của Nguyễn Án rất rộng và sâu. Ông am hiểu truyền thống, biết tìm thấy ở hiện tại những nét tương đồng cũng như khác biệt với quá khứ. Bên cạnh những giá trị về nghệ thuật, những trang viết của ông còn là những tập sử liệu vô giá, đem lại cho ta nhiều thông tin khá chính xác về thực trạng của một giai đoạn lịch sử - từ những chi tiết cụ thể đến những vấn đề then chốt của cả xã hội. Ngòi bút nghệ sĩ đã giúp ông tạo nên những hình tượng nghệ thuật hấp dẫn, ghi lại những hiện tượng xã hội có ý nghĩa bản chất, còn tư chất của nhà khoa học lại giúp các ông tìm về ngọn nguồn của những hiện tượng ấy, gợi lên sự so sánh xưa - nay, tốt - xấu và đem lại tính thuyết phục cho những vấn đề đang đặt ra.

Nguyễn Án (và Phạm Đình Hổ) rất chú trọng đến những biến đổi của phong tục, lễ giáo. Từ chuyện trồng hoa, uống chè, chữ viết, địa mạch, thi cử, bói toán cho đến các lễ lạt, tôn giáo, cưới xin, mũ áo, âm nhạc... Bằng tri thức phong phú của mình, Nguyễn Án và người bạn tri kỷ của mình đã dẫn dắt người đọc lần theo những biến thiên của từng phương diện và chỉ ra sự suy thoái của chúng. Nhiều quan điểm của các ông đến nay vẫn còn phù hợp, như việc phê phán tệ cưới cheo, ma chay linh đình, tệ bói toán, đồng cốt, tệ ông Nghè vinh quy làm khổ dân, khiến bao người sạt nghiệp. Để có được cái nhìn tiến bộ như vậy, đòi hỏi tác giả phải tỉnh táo, phải biết đối lập lại với những thói quen đã thành “lệ”, thành máu thịt từ ngàn đời.

Ngay cả chuyện học hành, thi cử vốn được cả xã hội coi trọng, Nguyễn Án cũng chỉ cho thấy: việc học và thi giờ đây đã bị lợi dụng mua bán. Kẻ đi học thì “chỉ học lỏm mấy câu mồm mép”. Vì vậy những kẻ được đào tạo ra đa số là bất tài, ngu dốt. Việc thi cử, việc chấm thi mới thật lôi thôi, tắc trách. Gian lận, đút lót, đố kỵ, ghen ghét, mua danh bán tước, mua đề bài, hay dựa vào quyền thế bắt quan giám khảo phải chấm cho người thân mình đỗ... Trong một bối cảnh như vậy những người tài giỏi tất bị trù úm, đánh hỏng, bị gạt ra khỏi cuộc. Bên cạnh việc phê phán chuyện học hành thi cử thời Hậu Lê, Kính Phủ Nguyễn Án đã chép lại chuyện xưa để mọi người thấy được truyền thống học hành của cha ông. Ông Chu Văn Trinh là một trong những truyện như vậy. Câu chuyện không chỉ nhằm ca ngợi bản lĩnh và dũng khí của Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An mà còn ca ngợi sự nghiệp giáo dục của ông và câu chuyện hiếu học, hy sinh vì chúng sinh của hai thiếu niên thủy thần, học trò của thầy Chu... Cứ từng bước, từng bước như vậy, Nguyễn Án đã bóc dần lớp vỏ bề ngoài, cho ta thấy rõ bản chất của một xã hội đã thực sự mục rỗng.

Một điều nữa khẳng định giá trị của Tang thương ngẫu lục là sự quan tâm một cách chi tiết, cụ thể đến đời sống nghèo khổ của người dân thường. Tính thời sự gay gắt trong sự biến đổi, suy thoái của đạo đức và mọi mặt cuộc sống, nhất là những vấn đề xung quanh số phận người nông dân và sự tấn công mãnh liệt của họ vào thành trì của giai cấp phong kiến đã khiến các tác giả phải quan tâm. Hoàng Lê nhất thống chí chỉ chú ý đến những vấn đề lớn lao mà ít đề cập một cách cụ thể đến những biến đổi bình thường trong cuộc sống, nhất là cuộc sống hàng ngày của người dân. Chính những ghi chép “vặt vãnh” chi tiết trong Tang thương ngẫu lục lại cho ta những hiểu biết cụ thể hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhiều tầng lớp xã hội, nhất là người dân thường. Sinh hoạt của họ hiện lên qua một ngày hội phong tục, qua một phiên chợ, qua những tập quán ma chay, cưới xin, nhưng quan trọng hơn cả là số phận của họ biến thiên theo những biến đổi nóng bỏng của các vấn đề chính trị - xã hội đương thời. Trước hết, hãy nói đến hậu quả tai hại của những cuộc chiến tranh kéo dài liên miên hàng mấy chục năm ròng giữa các tập đoàn phong kiến đã đẩy người dân vào cảnh lầm than khốn cùng. Đó chính là nguyên nhân sâu xa của nối thống khổ của người dân lao động. Tang thương ngẫu lục đã ghi lại hình ảnh những trận đói khủng khiếp vào những năm giữa thế kỷ XVIII, bắt đầu từ Hải Dương, đã gần như xóa sổ nhiều làng, biến ruộng thành rừng rậm, đất hoang “những giống gấu chó, lợn lòi sinh tụ đầy cả ngoài đồng. Những người dân sống sót còn lại phải đi bóc vỏ cây, bắt chuột đồng mà ăn”. Có những nơi người ta nấu canh thịt người để bán...

Chính quyền phong kiến mà tập đoàn chúa Trịnh là đại diện, đã trở thành đối lập với đông đảo nhân dân và cả với những tầng lớp tiến bộ trong hàng ngũ giai cấp thống trị. Sự lớn lao của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án là các ông phần nào đã giải thích được nguyên nhân “bùng nổ” mãnh liệt của phong trào nông dân khởi nghĩa giai đoạn này. Nhưng không phải chỉ có những người dân nghèo khổ, mà ngay cả những nho sĩ có khí tiết đã dũng cảm đứng lên chống cường quyền. Quan Đông các họ Phạm (xem Phạm Tấu – Kính Phủ viết) vốn là cháu Nguyễn Công Hãng, đã trốn theo cuộc khởi nghĩa Duy Chúc, Duy Mật. Ra trận bị bắt, khi triều đình hỏi:

" - Nhà ngươi là người trong khoa giáp, sao lại theo đảng nghịch. Ông cười:

- Đã lâu nay danh phận không rõ, còn ai biết đâu mà phân biệt thuận nghịch!

Nói rồi vươn cổ ra chịu hình”...

Nguyễn Án tỏ ra đồng tình với những hành động bất khuất ấy. Ông cũng đã kín đáo phê phán thái độ cam chịu của nhiều người. Trong Phạm Tấu, Nguyễn Án chỉ trích con trai quan Đông các họ Phạm, không theo được chí cha, rồi chán nản đâm ra bừa bãi, rượu chè bét nhè.., cuối cùng bể tắc mà trở nên điên dại.

Nỗi buồn u hoài tràn ngập trong sáng tác của Nguyễn Án trước những sự việc báo hiệu sự sụp đổ của một thể chế đã lỗi thời. Nhưng bên cạnh những vấn đề sống còn của dân tộc, bên cạnh mặt đen tối căng thẳng của cả một thiết chế xã hội, Nguyễn Án (và Phạm Đình Hổ) đã ngợi ca những tám gương yêu nước trong lịch sử, ca ngợi phong tục tập quán và những truyền thống tốt đẹp, tìm thấy trong thiên nhiên tư thế hùng vĩ của đất nước. Chính điều đó đã làm nên phần tươi sáng trong các tác phẩm của các ông, tạo nên sự đối lập với những mặt đen tối của xã hội được các ông phản ánh.

Lòng tự hào về dân tộc, về truyền thống văn hiến ngàn năm với những tấm gương sáng trong lịch sử là một trong những cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Án. Ở nhiều truyện, các ông còn đối lập, so sánh, tìm ra nét độc đáo khác biệt giữa các danh nhân Việt Nam và Trung Quốc, từ đó khẳng định truyền thống và niềm tự hào dân tộc. Các ông ca ngợi sức mạnh của Phù Đổng Thiên Vương, công lao Chử Đồng Tử, lòng trung thành của Tô Hiến Thành, khí tiết và học vấn của Chu Văn An, tài kinh bang tế thế và tấm lòng vằng vặc của Ức Trai, cũng như dũng khí và tài năng của Phạm Ngũ Lão, Lê Lợi, huân nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phùng Khắc Khoan, v.v...

Nhưng Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ không chỉ ghi chép về các danh nhân cổ xưa, điều đặc biệt là hai ông còn viết cả truyện về các nhân vật đương thời mà nhiều khi đó lại là những tên tuổi chưa hề có trong sử sách - những con người bình thường nhưng có công với dân với nước. Ông Nguyễn Công Hãng là một hiện tượng tiêu biểu. Khi được bổ nhiệm làm Tổng đốc An Bang, chỉ vì chép nhầm một câu chữ Hán mà ông cương quyết từ chức, bỏ về học trong ba năm thành tài mới xin lĩnh chức lại. Khi đi sứ Trung Quốc ông đã đem tài hùng biện đòi vua Thanh phải bỏ lệ cống người vàng và hũ nước giếng thành Cổ Loa rửa ngọc trai, giữ được thể diện của dân tộc đã từ lâu bị kẻ thù khinh thường. Lại có những tấm gương tiết liệt vì nghĩa lớn mà không sợ cường quyền như Nguyễn Bá Dương, Võ Công Trấn. Ông Dương “làm quan trọng triều có tiếng là ngay thẳng” dám bắt cả kẻ thân tín của chính cung Đặng Thị Huệ về tội ăn của đút lót, bắt y đền tiền và phạt giam. Ông Võ Công Trấn đòi chém đầu Đỗ Thế Giai, một kẻ được chúa tin yêu nên rất chuyên quyền... Những tấm gương như vậy được Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án ghi lại với một sự đồng tình và khâm phục.

Nguyễn Án luôn tự hào về những mỹ tục tốt đẹp của dân tộc, tìm thấy trong đó nét đặc trưng, độc đáo khu biệt với văn hóa phương Bắc. Tác giả quay về với thời kỳ khởi thủy của đất nước, tìm ra cái gốc của phong tục tập quán, từ âm nhạc, lễ nghĩa, cách ăn mặc, cúng tế, ma chay, cưới xin, cổ tích... đến cách uống chè, lối chữ viết... Cả một xã hội, với những phương thức sống và thế ứng xử tồn tại từ nghìn đời, với những hình thức tổ chức đời sống ở cả bề nổi lẫn chiều sâu, quy định sự tồn tại của chính xã hội đó. Một làn điệu dân ca, một tiếng đàn bầu, một đêm ngắm sao đổi ngôi, một lần xem pháo hoa rực trời v.v... thể hiện sự sâu lắng của tâm hồn mỗi người dân Việt Nam đều được các tác giả yêu mến ghi lại. Là một nhà văn hóa, Kính Phủ say sưa với truyền thống văn hóa của dân tộc, tìm thấy ở đó khát vọng của chính bản thân mình. Ông đã bỏ công tra cứu sách vở xưa, sưu tầm tư liệu trong dân gian, và trên cơ sở những cứ liệu xác thực đã đính chính lại một số nhầm lẫn trong nhiều lĩnh vực, đồng thời cũng đưa ra được những suy nghĩ, giả thiết rất bổ ích về những vấn đề văn học, sử học, khảo cổ học, dân tộc học, v.v... đem lại những thông tin vô giá đối với việc hiểu biết một cách sâu sắc nền văn học dân tộc.

Nguyễn Án còn ca ngợi thế mạnh mẽ kỳ vĩ của từng vùng đất, từng dải núi, con sông, kể ra nhiều đặc sản quý báu thân thuộc với người dân Việt. Những bài về Chùa Thiên Mụ, Chùa Tiên Tích, Núi Dục Thủy, Chùa Tây Sơn, Hồ Hoàn Kiếm... về những áng văn đầy tự hào dân tộc của Nguyễn Trung Ngạn trên bia núi thành Nam... là những bài viết hứng thú. Đặc biệt Nguyễn Án đã dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho cố đô Thăng Long. Lịch sử thăng trầm của Kinh đô với những biến đổi qua nhiều thời đại được Kính Phủ chú ý ghi nhận. Đọc ông, chúng ta say sưa trước những thông tin chính xác về sự thay đổi tên tuổi của một đường phố, một ngôi đền, một dòng sông; sự phát sinh và trưởng thành của một vùng đất mới, cái nhộn nhịp tấp nập cũng như sự hưng phế của một ngôi chùa, một góc phố, một con sông hay một địa danh nào đó.

Đó là một Thăng Long cổ tích với những hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm... không những đẹp về cảnh, về người mà còn gắn với những truyền thuyết, huyền thoại kỳ thú tạo nên cái hồn của cảnh vật. Như truyện Hồ Hoàn Kiếm đã được Nguyễn Án ghi lại với sự tích hồ Gươm có con rùa vàng và thanh kiếm thần gắn liền với cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân Minh xâm lược. Rõ ràng nét đẹp đẽ của thiên nhiên cảnh vật đã được tôn tạo nên bởi sự đẹp đẽ của tâm hồn con người. Nét trữ tình đậm đà ấy đã làm dịu đi sự căng thẳng nghiêm trang trong các trang ghi chép những mặt đen tối của xã hội. Nhưng cũng chính cả hai nét ấy đã tạo nên phong cách của tác giả.

Những trang thơ của Nguyễn Án cũng chất chứa những tâm sự ưu tư về thời thế. Nỗi lòng của Kính Phủ được thể hiện ngay trong tiêu đề của nhiều bài thơ: Hoài cổ, Thu hoài, Lưu biệt, Điếu cây quế vườn cũ, Hữu sở cảm, Hữu sở tư, Đêm đông trú ở Kiều Niên lưu biệt... Những vần thơ mang nỗi buồn của một con người luôn đau đáu niềm dằn vặt vì nước non ấy luôn thức tỉnh lương tri của mọi người, hướng họ đến với những điều tốt đẹp, khiến họ thêm yêu mến quê hương đất nước mình.

Những bài thơ của Nguyễn Án và những trang viết của ông (và phần viết chung với Phạm Đình Hổ trong Tang thương ngẫu lục) là những tấm gương phản ánh trung thành tình hình xã hội nước ta ở vào giai đoạn lịch sử nhiều biến động của dân tộc. Mặt khác, đó cũng chính là những đóng góp tích cực của hai ông và của riêng Nguyễn Án cho bước tiến của văn học và tư duy khoa học Việt Nam thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Vũ Thanh