Văn hóa – Di sản

Công chúa Lê Ngọc Hân với khúc Ai Tư Vãn

Tạ Ngọc Liễn 22/11/2023 16:42

Cuộc hôn nhân giữa công chúa Lê Ngọc Hân và người anh hùng áo vải đất Tây Sơn Nguyễn Huệ là một mối kỳ duyên. Lê Ngọc Hân, cô công chúa thứ chín trong số con gái vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) đã trở thành một nhân vật lịch sử và văn học mà tên tuổi sẽ còn mãi bên cạnh tên tuổi Quang Trung Nguyễn Huệ, người có công khai thông nền thống nhất đất nước sau hơn 200 năm bị phân chia thời Trịnh - Nguyễn, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, giữ vững nền độc lập dân tộc, kiến lập vương triều Tây Sơn, tạo dựng một nền chính trị, ngoại giao, một nền văn hóa mang dấu ấn riêng khá rõ.

ngoc-han-cong-chua.jpg
Tranh minh họa công chúa Ngọc Hân.

Theo Hoàng Lê nhất thống chí cùng một số tài liệu lịch sử khác thì công chúa Lê Ngọc Hân là con gái Lê Hiển Tông (tức Lê Duy Diêu, niên hiệu Cảnh Hưng), mẹ là Nguyễn Thị Huyền, quê làng Phù Ninh, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Ngọc Hân sinh năm 1770, nhan sắc xinh đẹp, được học hành chu đáo và có năng khiếu văn chương. Năm 1786, Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc diệt Trịnh, tôn phò nhà Lê, đem lại sự nhất thống cho nhà Lê. Lần ra Bắc thứ nhất này, chàng trai Bình Định 34 tuổi Nguyễn Huệ đã cưới công chúa Ngọc Hân theo sự mai mối của Nguyễn Hữu Chỉnh nhằm một mưu đồ chính trị mà Nguyễn Huệ cũng đoán biết ngay từ đầu, song vẫn vui sướng cho rằng việc mình lấy một cành vàng lá ngọc “là mối duyên kỳ ngộ ngàn năm mới cớ”. Từ một cuộc hôn nhân ngẫu nhiên khá bất ngờ, đối với cả Nguyễn Huệ lẫn Lê Ngọc Hân, nhưng tình cảm giữa hai người nhanh chóng trở nên gắn bó sâu nặng vô cùng. Lê Ngọc Hân sinh được hai người con. Năm Quang Trung qua đời, Ngọc Hân mới 22 tuổi. Cuộc đời của công chúa Lê Ngọc Hân, tức Bắc cung hoàng hậu, kết thúc ra sao hiện giờ vẫn có những truyền thuyết khác nhau chưa ai khẳng định được sự thật là thế nào?

Có thuyết nói Ngọc Hân mất năm 1799. Thân mẫu Ngọc Hân là bà Nguyễn Thị Huyền đã đưa hai con của Ngọc Hân về quê Phù Ninh giấu nuôi ở nhà, nhưng rồi cả hai đều chết; sau Gia Long sai quân về Phù Ninh quật mả đôi trẻ đó. Một thuyết khác nói, sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, lập ra triều Nguyễn, Gia Long đã ép Lê Ngọc Hân làm thiếp. Đầu những năm 20 của thế kỷ này, ở Huế còn lưu truyền câu ca dao:

Số đâu có số lạ đời,

Con vua mà lại hai đời chồng vua...

phải chăng họ muốn nói về Lê Ngọc Hân công chúa?

Còn một thuyết nữa lưu truyền tại vùng Bình Định rằng triều Tây Sơn đổ, tướng Vũ Văn Dũng của Tây Sơn trốn về một nơi núi rừng khuất nẻo ở Bình Định khoác áo nhà sư, sau đấy tìm cách đưa Lê Ngọc Hân về núi rừng Bình Định để bảo vệ Ngọc Hân khỏi rơi vào sự trả thù của nhà Nguyễn.

Theo một số tài liệu ghi chép thì Lê Ngọc Hân để lại hai áng văn Nôm là bài Ai tư vãn và bài Văn tế vua Quang Trung. Riêng bài Văn tế vua Quang Trung có người nghi vấn không phải là văn của Lê Ngọc Hân mà do một người khác, có thể là Phan Huy Ích thay bà viết để tế Quang Trung?

Ai tư vãn là một khúc ngâm khóc thương Quang Trung, dài 164 câu, thể song thất lục bát, trong đó Lê Ngọc Hân giãi bày những tình cảm yêu thương đối với Quang Trung và nỗi đau xé triền miên của mình sau khi Quang Trung mất.

Đọc Ai tư vãn, chúng ta thấy một hình ảnh Quang Trung Nguyễn Huệ trong kí ức Lê Ngọc Hân vô cùng đẹp đẽ:

Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc,

Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.

Và:

Mà nay áo vải cờ đào,

Giúp dân dựng nước biết bao công trình.

Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm đã khắc hoạ được một cách sinh động nhất chân dung Nguyễn Huệ Quang Trung. Nhưng có lẽ ít người biết trong bức thư gửi sang Trung Quốc biện bạch về việc xin cầu hôn của Quang Trung với công chúa nhà Thanh, Ngô Thì Nhậm đã cho chúng ta hiểu thêm Nguyễn Huệ, ngoài tài năng quân sự, chính trị kiệt xuất ông còn là người có kiến thức rộng rãi, một trí tuệ sắc sảo hơn đời: “Quốc vương là người thiên tư hiếu học, tuy trong chinh chiến gấp gáp vẫn không quên bàn bạc đạo lý. Trong nghị luận thường ngày, Quốc vương diễn đạt được một cách có thứ tự những cái mà sách vở đời trước chưa phát triển. Tôi thực nhờ được gần gũi, bơi lội trong kiến thức của Quốc vương mà lĩnh hội được”...

Hình ảnh Nguyễn Huệ sống động chi tiết trong văn xuôi. Còn hình ảnh Nguyễn Huệ trong Ai tư vãn là hình ảnh khái quát của thơ, nó kết đọng nhưng lại có sức lay động sâu xa. 164 câu thơ Ai tư vãn dường như câu nào cũng thấm nước mắt của Lê Ngọc Hân, khi hồi tưởng về những ân tình của Quang Trung đối với bà và tôn thất nhà Lê, nỗi bơ vơ mà mẹ con Lê Ngọc Hân phải chịu đựng sau khi Quang Trung không còn nữa... Quá khứ đẹp đẽ và hiện tại đau buồn cứ đan xen nhau ẩn hiện trong tâm trí bà.

Xưa sao gang tấc gần chầu,

Trước sân phong nguyệt, trên lầu sinh ca.

Giờ sao bỗng cách xa đôi cõi,

Tin hàn huyên, khôn hỏi thăm nhanh.

Nửa cung gẫy phím cầm lành,

Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ.

Nghĩ nông nỗi ngẩn ngơ đòi lúc,

Tiếng từ quy thêm giục lòng thương.

Nếu như Chinh phụ ngâm là tác phẩm văn học đạt tới đỉnh cao nghệ thuật trong việc mô tả tâm trạng cô quạnh của người phụ nữ xưa có chồng đi chinh chiến xa, thì Ai tư vãn cũng là một khúc thơ tuyệt tác nói về nỗi cô đơn trống vắng mà người vợ phải đeo mang sau khi chồng chết. Nghệ thuật thơ song thất lục bát cũng như nghệ thuật sử dụng chữ Nôm của Lê Ngọc Hân trong Ai tư vãn có thể nói không thua kém so với dịch phẩm kiệt tác Chinh phụ ngâm.

Đây là câu thơ buổi tiễn đưa trong bản dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm:

Dấu chàng theo lớp mây đưa,

Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.

Chàng thì đi cõi xa mưa gió,

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.

Và đây là câu thơ khóc thương vô vọng của công chúa quả phụ Lê Ngọc Hân:

Trông Nam thấy nhạn xa lác đác,

Trông Bắc thì ngàn bạc màu sương.

Nọ trông trời đất bốn phương,

Cõi tiên khơi thẳm biết đường nào đi.

Chắc chắn Lê Ngọc Hân đã viết Ai tư vãn với tất cả tinh anh của mình. Văn phong nghệ thuật của Ai tư vãn in rõ dấu ấn văn phong nghệ thuật của một thời đại - thời đại Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm.../.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Tạ Ngọc Liễn