Văn hóa – Di sản

Đậm đà sắc màu văn hoá truyền thống trong Chương trình chào mừng Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam

Ly Ly 12:01 23/11/2023

Sáng ngày 23 - 11, tại Bến rước nước và Miếu thờ Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng), UBND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 18 năm Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam 23 - 1. Đây cũng là chương trình hưởng ứng Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Tham dự chương trình có các đồng chí: Vũ Văn Hoạt, Trưởng ban Dân vận Quận uỷ, Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch UBND Quận.

Ngày hội lớn, thắp sáng ngọn lửa di sản văn hoá dân tộc

Ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 hàng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam” nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Từ đó đến nay, Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam 23/11 đã thực sự trở thành ngày hội lớn, thắp sáng ngọn lửa di sản văn hoá dân tộc trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam.

img_1581.jpeg
Quang cảnh chương trình nghệ thuật tại Bến rước nước, quận Hai Bà Trưng

Chương trình được tổ chức tại khu vực Bến rước nước - Miếu thờ Hai Bà Trưng rất có ý nghĩa bởi đây là nơi diễn ra nghi lễ rước nước trong lễ hội truyền thống Hai Bà Trưng hàng năm. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 của quận Hai Bà Trưng diễn ra từ ngày 17/11 đến ngày 26/11 nhằm quảng bá, giới thiệu về việc Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO và phát huy tiềm năng thế mạnh của Thủ đô, quận Hai Bà Trưng trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo.

1(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, trong nhiều năm qua, với vị trí là quận trung tâm của thủ đô Hà Nội, là nơi lưu giữ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lớn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hai Bà Trưng đã và đang tập trung quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Thủ đô nghìn năm văn hiến như: trong các nhiệm kỳ công tác, Quận uỷ, HĐND, UBND quận đều ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, tập trung nguồn lực để tăng cường quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

“Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, năm 2023, UBND quận đã phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội biên soạn cuốn sách “Di tích lịch sử quận Hai Bà Trưng” nhằm tổng hợp tư liệu về hệ thống di tích lịch sử văn hoá, di tích cách mạng kháng chiến, di tích lưu niệm sự kiện và lễ hội truyền thống trên địa bàn quận. UBND quận cũng phối hợp với Nhà xuất bản Hà Nội chuẩn bị xuất bản cuốn cẩm nang “Du lịch quận Hai Bà Trưng - Điểm đến năng động, sáng tạo” nhằm tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về quận Hai Bà Trưng đến đông đảo người dân và du khách qua các mặt giá trị tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, nghệ thuật, thẩm mỹ, ẩm thực, thương mại - dịch vụ…, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các hệ giá trị văn hóa trên địa bàn”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có 51 di tích được thành phố kiểm kê, trong đó có 35 di tích đã được xếp hạng, bao gồm 01 di tích quốc gia đặc biệt (cụm di tích Đền, Chùa, Đình Hai Bà Trưng), 19 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 13 di tích xếp hạng cấp thành phố. Quận có 23 địa điểm lưu niệm sự kiện lịch sử - cách mạng kháng chiến.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản là nhiệm vụ trọng tâm

Chương trình nghệ thuật đặc sắc kỷ niệm 18 năm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam với những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: hát Chèo, hát Văn (Đào Liễu (lời cổ); Kể Hạnh - Ru Kệ (Quan âm thị Kính) do NSND Thanh Ngoan biểu diễn; Độc tấu Sáo trúc Xuân về trên bản Mông; Hát chầu văn Quan Hoàng Mười và Chầu bé Bắc Lệ do Nghệ nhân dân gian hát chầu văn Nguyễn Hữu Du thể hiện.

img_1569.jpeg
NSND Thanh Loan biểu diễn tại chương trình
img_1584.jpeg
Tiết mục Độc tấu sáo trúc

Đặc biệt là phần Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại Miếu thờ Hai Bà Trưng thể hiện khát vọng của đời sống thường nhật của người Việt xưa như: cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu làm ăn phát đạt… nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của đạo Mẫu, đồng thời giúp nhân dân hiểu sâu sắc hơn về các giá trị văn hóa thờ Mẫu trong đời sống tinh thần của cộng đồng nói riêng; bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc nói chung.

img_1565.jpeg
Đại đức Thích Đại Thông - Trưởng Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Hai Bà Trưng phát biểu hưởng ứng

Phát biểu hưởng ứng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11, Đại đức Thích Thích Đạo Thông - Trưởng Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Hai Bà Trưng, Trụ trì chùa Khánh Long – Quỳnh Lôi chia sẻ, những nghi lễ, nghi thức, trò chơi, trò diễn dân gian, truyền thống thực hành trong các dịp lễ hội không chỉ tạo nên không khí vui tươi lành mạnh, một món ăn tinh thần trong cộng đồng mà còn tạo ra sự hòa đồng, cộng cảm giữa các thành viên tham gia lễ hội với nhau, tạo nên sự gắn kết, hòa hợp giữa các cá nhân trong cộng đồng tạo cho họ sự đoàn kết gắn bó trong sinh hoạt lao động. Mỗi lần di sản của Việt Nam được thế giới vinh danh, trong mỗi chúng ta lại trào dâng lòng tự tôn dân tộc, lòng biết ơn sâu sắc với các bậc tiền nhân. Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đã góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, ý chí tự lực vươn lên của mỗi người con đất Việt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

img_1538.jpeg
Miếu thờ Hai Bà Trưng, quận Hai Bà Trưng

Trong những năm qua, quận Hai Bà Trưng luôn xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn quận là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong năm 2023, quận tiếp tục thực hiện 04 dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo đối với 07 di tích chuyển tiếp từ năm 2022 và đầu tư 06 dự án tu bổ, tôn tạo đối với 07 di tích, bổ sung các hạng mục phụ trợ phát huy giá trị điểm đến từ nguồn ngân sách quận và xã hội hoá với tổng kinh phí trên 380 tỷ đồng.

Năm 2024, quận Hai Bà Trưng dự kiến lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể đối với Lễ hội truyền thống Hai Bà Trưng và điểm đến du lịch đối với Di tích quốc gia đặc biệt đền, chùa, đình Hai Bà Trưng và Không gian đi bộ - văn hóa phố Trần Nhân Tông và phụ cận.

Trong thời gian tới, quận Hai Bà Trưng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân cùng toàn thể nhân dân để công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại quận Hai Bà Trưng đạt được kết quả như mục tiêu đề ra./.

Ly Ly