Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển Fintech tại Việt Nam
Chiều 22/11, trường Đại học Đại Nam tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoàn thiện hệ sinh thái phát triển Fintech tại Việt Nam”.
Hội thảo khoa học quốc tế do Khoa Tài chính Ngân hàng trường Đại học Đại Nam và Phòng Quản lý Khoa học phối hợp cùng trường Đại học Á Châu, Đài Loan tổ chức.
Đây là cơ hội giúp các nhà khoa học và sinh viên gặp gỡ, giao lưu với các diễn giả nổi tiếng như: Mr. Hessel Abbink Spaink (Hà Lan), Mr. Maxx Tsai (Đài Loan), Mrs. Vaz, Elishia, Benchmark Suite (Mỹ), Dr. Hans Chen (Đài Loan), Prof. Tsang, Đại học Monash (Úc),…
Các diễn giả trong nước như: Ông Nguyễn Hải Nam - Uỷ viên thường trực, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội; TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, TS. Vũ Nhữ Thắng - Phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; Bà Nguyễn Thị Minh Ngân - Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hà Nội; TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV,…
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Thầy Lê Đắc Sơn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đại Nam, TBC hội thảo chia sẻ: Nội dung của Hội thảo bao gồm ba vấn đề nhằm đạt được ba mục tiêu cơ bản: (1) đánh giá thực trạng về sự phát triển Fintech trên thế giới và những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam; (2) những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của các công ty Fintech, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp từ đó đề xuất các giải pháp và khuyến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn (3) triển khai nghiên cứu và phát triển các chương trình đào tạo về công nghệ tài chính (Fintech) tại các trường đại học.
Hội thảo đã tiếp nhận được 108 bài viết của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia Fintech trong và ngoài nước, các nhà quản lý và các chuyên gia Fintech. Các bài viết nghiên cứu đều tập trung khai thác các vấn đề chính của chủ đề chủ đề Hội thảo, như hoàn thiện hành lang pháp lý và đề xuất chính sách với Chính phủ, thúc đẩy sự hợp tác giữa ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp với các công ty công nghệ Fintech, tăng cường quản trị rủi ro cũng như tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển Fintech tại Việt Nam, Ông Sơn chia sẻ.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV cho biết: Hiện nay các sản phẩm - dịch vụ mô hình Fintech ở Việt Nam dần trở nên phổ biến. Ngân hàng số (digital banking) các tổ chức nhận tiền gửi cung cấp các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng điện tử/số thay vì chi nhánh vật lý. Ngân hàng số có đầy đủ các dịch vụ phục vụ khách hàng thông qua các kênh kỹ thuật số. Ngân hàng cũng trở thành một sàn giao dịch như Hệ sinh thái gồm các sản phẩm dịch vụ thông qua API… từ đó đem hệ sinh thái số áp dụng vào phương thức hoạt động của đơn vị.
Bên cạnh đó, Hội thảo có sự tham luận của các đại biểu là các nhà quản lí đến từ các cơ quan lãnh đạo và quản lý nhà nước: Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan; cán bộ, giảng viên và nhà khoa học đến từ các trường đại học trong và ngoài nước; chuyên gia tài chính, ngân hàng và công nghệ đến từ các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp và công ty Fintech.
Những kiến nghị tại hội thảo sẽ được tập hợp và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền như Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng như các Bộ, Ngành và các đơn vị liên quan./.