Ngô Thì Vị - cây bút giàu lòng tự hào dân tộc
Ngô Thì Vị (còn gọi Ngô Thì Hương) là con trai út Ngô Thì Sĩ ở Tả Thanh Oai, tự là Thành Phủ, hiệu Ước Trai, sinh năm 1774, làm quan dưới triều Gia Long tới chức Hữu Tham tri Bộ Lại (dưới Thượng thư), tước Lễ Khê hầu. Ngô Thì Vị từng giữ chức Hiệp trấn Lạng Sơn, nơi Ngô Thì Sĩ, cha ông đã làm Đốc trấn và qua đời tại đó năm 1780, khi ông mới 6 tuổi. Ngô Thì Vị hai lần được cử đi sứ Trung Quốc. Lần thứ nhất (1809) làm Phó sứ. Lần thứ hai (1820) làm Chánh sứ. Hoàn thành nhiệm vụ trở về, nhưng dọc đường Ngô Thì Vị mắc bệnh và qua đời ở Trung Quốc, gần biên giới Việt Nam (năm 1821), thọ 47 tuổi.
Tác phẩm của Ngô Thì Vị để lại có Mai dịch tu dư và Thành Phủ công thi văn. Cả hai tập thơ văn này đều nằm trong Ngô gia văn phái. Riêng Mai dịch tu dư là tập thơ có hơn một trăm bài được Ngô Thì Vị sáng tác trong thời gian ông đi sứ Trung Quốc. Đặc điểm đáng chú ý của thi tập Mai dịch tu dư là ở phần lớn các bài thơ đều có nguyên chú của tác giả ghi rõ thời gian, hoàn cảnh bài thơ ra đời, do đó giúp cho người đọc hiểu rõ hơn ý nghĩa, giá trị từng bài thơ cũng như tư tưởng, tình cảm sâu xa mà tác giả muốn biểu lộ trong đó. Cũng giống như nhiều tác giả khác trong Ngô gia văn phái, thơ văn của Ngô Thì Vị có nội dung phản ánh hiện thực đời sống chính trị, xã hội đương thời khá cao. Đặc biệt, ngọn bút của ông dù viết văn xuôi hay thơ, đều mang đậm tính chất “ký sự” (ghi việc), chi tiết, cụ thể, vì vậy thơ văn ông ngoài giá trị văn chương còn có giá trị sử liệu, lịch sử rất đáng chú ý.
Trên đường đi sứ sang Bắc Kinh, khi qua Trấn Nam Quan (cửa ải Trấn Nam), sau này đổi thành Hữu Nghị Quan, Ngô Thì Vị đã quan sát và mô tả lại cửa ải này như sau: “Cửa ải ở đầu địa giới tỉnh Quảng Tây. Cửa một tầng xây bằng những phiến đá. Hai bên tả, hữu có hai ngọn núi đối diện nhau. Ở trên mỗi ngọn núi đều cắm một lá cờ trắng đề bốn chữ “Trấn Nam đại quan”. Phía trước cửa ải giáp với đài Ngưỡng đức của nước ta. Đằng sau cửa có một đài, tức là đài Chiêu đức, nơi sứ thần đốt hương, bầy đồ cống. Cửa ải chỉ mở vào những ngày hội đồng giao tế. Khi mở cửa ải, trước tiên nổ ba phát súng, rồi viên quan coi cửa cầm cờ vàng mở khóa. Trong cửa, bọn thư lại và lính tráng giao gậy vào nhau, ngăn lính kỵ mã theo sau, bắt dừng lại, đợi sứ bộ tiến qua. Cuối cùng họ quay lại đóng cửa ải”...
Trấn Nam quan được sách vở thời xưa nói tới rất nhiều nhưng qui mô kiến trúc và hoạt động của cửa ải này như thế nào thì ít ai để ý ghi chép khi có dịp đi sứ qua như Ngô Thì Vị.
Ngô Thì Vị là người am hiểu sâu sắc lịch sử và văn hóa dân tộc. Những suy nghĩ của ông về lịch sử và văn hóa được thể hiện qua thơ văn thường hàm chứa một ý thức dân tộc cao, một lòng tự hào chính đáng đối với lịch sử dân tộc. Trong bài Liễu Thăng thạch ký (Bài ký hòn đá Liễu Thăng), Ngô Thì Vị viết: “Qua Quỉ Môn quan vài dặm, ở quãng giữa đền Quan Lang và đền Hổ Lao, có năm sáu phiến đá nằm ngửa ở vệ đường về phía tay trái. Trong số đá đó có một phiến đá giống hình người, đầu mất nhưng thân thể còn đủ. Tục truyền rằng vua Lê Thái Tổ chém tướng nhà Minh là Liễu Thăng ở đó, linh khí của hắn không tan, kết lại thành đá. Lúc bấy giờ nước ta bị nhà Minh xâm lược, người Minh chia đất ta thành quận huyện, coi dân ta là thịt, cá. May mắn có Lê Thái Tổ dấy binh giành lại được nước. Từ chiến thắng ở Quỉ Môn về sau, người Minh không dám dòm ngó nước ta nữa...”.
Phần kết của bài ký là một bài thơ:
Để sự hà tu biện hữu vô,
Hoàng Lê công đức tại bình Hồ.
Thạch ngân ẩn ước sương đao lạc,
Đài sắc y hi huyết giáp ô.
Lưu thủy tuyền như minh Liễu bại,
Thường kim ngã tự tiếu Minh ngu.
Đình luân nhật vãn khan di tích,
Tưởng kiến đương niên bố trận đồ.
(Chuyện ấy chẳng cần biện giải xem có thật hay không thật,
Công đức của nhà Lê là ở chỗ dẹp yên giặc Hồ Lỗ.
Ngấn đá còn lờ mờ hình lưỡi đao chém xuống,
Sắc rêu mường tượng vệt máu khô trên áo giáp.
Nước suối chảy như reo lên nỗi thất bại của Liễu Thăng,
Ta tự cười nhà Minh ngu đòi bồi thường người vàng.
Trời chiều dừng xe xem dấu tích xưa để lại,
Tưởng thấy hiện ra cảnh bầy binh bố trận đương thời)
Trong số những bài thơ đi sứ của Ngô Thì Vị, Đề lầu Hoàng Hạc là một bài hay đặc sắc, mang phong cốt và bút lực một đại gia:
Hán thủy thành biên vân thụ thu,
Tiên nhân bất kiến, chi không lâu.
Hà thời thiên tế lai hoàng hạc,
Để ý giang trung phó bạch âu.
Lý bá vị ưng thâu bút lực,
Thôi quân bất hợp, tác hương sầu.
Việt Nam sứ giả Ngô Thì Vị,
Đấu đảm đề thi ký thử du.
(Cây mùa thu dưới bóng mây bên thành ở sông Hán,
Người tiên không thấy, chỉ còn trơ tầng lầu.
Bao giờ hạc vàng trên trời trở lại,
Dường như phó mặc bầy chim âu trắng giữa sông.
Thi bá Lý Bạch bút lực chưa nên thua như thế,
Chàng Thôi Hiệu không hợp cảnh, làm nỗi buồn nhớ quê.
Sứ giả Việt Nam là Ngô Thì Vị,
Mạnh dạn đua sức đề thơ ghi lại cuộc đi chơi này)
Sứ thần Việt Nam các đời sang Trung Quốc khi đến thăm Hoàng Hạc Lâu, nhiều người có thơ đề vịnh thắng tích nổi tiếng này. Nhưng bài thơ của Ngô Thì Vị có lẽ là một bài thú vị nhất, vì nó có cái chất men ngạo nghễ của một thi sĩ tự ý thức được tài năng mình, tư thế mình, sứ thần một nước từng bao lần hiển hách võ công./.
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội