Văn hóa - Xã hội

Ươm mầm xanh yêu thương lan toả những giá trị văn hoá tốt đẹp

T. Trang 21/11/2023 20:19

Hơi thở cuộc sống và Ươm nắng là dự án phát triển cộng đồng thông qua các sự kiện giao lưu bảo tồn & phát triển văn hóa – du lịch, di sản Việt.

ac1.jpg
Nghệ sĩ Nguyệt Thu (bên trái) cùng cộng sự chia sẻ về dự án “Ươm nắng”.

Dự án phát triển cộng đồng thông qua các sự kiện giao lưu, kết nối, nghệ thuật và đào tạo. Dự án nhằm nâng cao nhận thức xã hội về trách nhiệm bảo tồn bảo tồn và phát triển văn hóa - du lịch. Đồng thời, hoạt động này cũng góp phần tôn vinh niềm tự hào văn hóa, di sản của từng vùng miền, ngợi khen vẻ đẹp tâm hồn con người, lan tỏa những hành động đẹp trong xã hội...

Người sáng lập dự án nghệ sĩ viola Nguyệt Thu khi nói về dự án “Pneuma - Hơi thở cuộc sống” chia sẻ: “Nghệ thuật giúp tôi có một cái nhìn, nhưng cốt lõi đã hình thành nên tâm hồn tôi chính là tình yêu của cha mẹ, dân tộc. Cũng chính tình yêu thương đã thúc đẩy tôi thực hiện các dự án để tri ân cho Tổ quốc”.

Cô giáo Trang - lớp học “Trúc gia trang” (tỉnh Hà Giang) cho biết, qua dự án “Pneuma - Hơi thở cuộc sống”, các em nhỏ ở trung tâm của cô thường xuyên được đến Hà Nội vào cuối tuần để biểu diễn các tiết mục như múa làn điệu truyền thống của người Tày, khoe sắc trong các bộ trang phục dân tộc. Đặc biệt, các em sẽ được tiếp xúc và trò chuyện với những doanh nhân thành đạt. Đây là động lực để các em thêm yêu văn hóa quê hương và học tập những tấm gương tốt.

Nguyệt Thu chia sẻ, đối với chị, văn hóa Việt Nam đẹp lắm, con người Việt Nam nồng nàn tình yêu thương vô cùng. Nên nhiều năm qua, chị đã dành trọn tâm huyết cho các dự án hỗ trợ người dân vùng cao và giáo dục trẻ em. Mới gần đây nhất, trong vai trò Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Bảo tồn di sản văn hóa, nghệ sĩ Nguyệt Thu đã khởi xướng dự án “Pneuma - Hơi thở cuộc sống”, dự án nhằm bảo tồn di sản văn hóa, xúc tiến thương mại kết hợp nghệ thuật và chuyển đổi số.

Nghệ sĩ Nguyệt Thu cho biết, Pneuma có nghĩa là hơi thở, sự sống. Trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra trong suốt hai năm trời, chị đã có thời gian sống chậm lại, suy nghĩ, nuôi dưỡng và ấp ủ để phát triển các ý tưởng “đi xa, bay cao” hơn, mang đến giá trị bền vững cho xã hội.

Cái tên Pneuma đã ra đời vào năm 2022, suốt một năm trời sau đó, chị và các cộng sự lên ý tưởng để thực hiện dự án. Đến nay, dự án đã có lộ trình, kế hoạch, định hướng. Dự án mang khát vọng to lớn của Nguyệt Thu và các cộng sự để lan tỏa khát vọng bảo tồn các giá trị văn hóa mà hơn thế nữa dự án còn là cầu nối của các doanh nghiệp toàn quốc, cùng nhau phát triển kinh tế thương mại, đẩy mạnh thông tin chuẩn xác phù hợp với nhu cầu bối cảnh thiết yếu của xã hội.

Pneuma giúp nâng cao nhận thức xã hội về trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ. Đặc biệt, nghệ sĩ Nguyệt Thu nhấn mạnh: “Tất cả phải xuất phát từ con đường giáo dục”. Giáo dục ở đây dành hoàn toàn cho trẻ em nhằm bồi dưỡng phát triển tâm hồn, tri thức và tình yêu truyền thống, văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, các em sẽ được tiếp cận với các nền văn hóa, lịch sử lớn trên thế giới.

Chị cũng khẳng định, trong dự án “Pneuma - Hơi thở cuộc sống” và các tiểu dự án về giáo dục có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nhìn một cách tổng quát, phát triển kinh tế chính là tạo tiền đề vật chất cho sự phát triển văn hóa và con người, tạo điều kiện để con người có thể tham gia vào quá trình sáng tạo, sản xuất, truyền bá và thụ hưởng các giá trị văn hóa ngày càng nhiều. Tuy nhiên, phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm sự thống nhất giữa tăng trưởng kinh tế bền vững với bảo đảm các vấn đề xã hội và môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, giáo dục có “sứ mệnh” quan trọng không chỉ nhằm duy trì và phát triển các thành quả văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn là điều kiện để người lao động phát triển năng lực cá nhân, tăng cường thu nhập, củng cố vị thế trong xã hội và cải thiện chất lượng sống. Đặc biệt, để một đất nước đang phát triển như Việt Nam có thể chuyển đổi mô hình thành nền kinh tế số, phát triển năng động, bền vững, bắt kịp với các nước bạn cần phải có lực lượng lao động có kỹ năng cao hơn. Và cách làm là không thể khác ngoài việc cải thiện giáo dục.

Trong dự án “Pneuma - Hơi thở cuộc sống”, nghệ sĩ Nguyệt Thu đã chia sẻ một tiểu dự án mang tên “Ươm nắng” đi sâu vào lĩnh vực giáo dục. Chị cho biết, từ năm 2019, chị đã từng khởi quay những tập đầu tiên, đây là một dự án sản xuất các chương trình truyền hình với mục đích giới thiệu những người tốt, việc tốt trong giúp đỡ cộng đồng yếu thế, người tàn tật. Trong cương vị là Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Bảo tồn di sản văn hóa, chị chia sẻ: “Giáo dục là con đường để tạo dựng các giá trị văn hóa, bảo tồn, phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông Việt Nam ta”. Đối tượng được hướng đến trong dự án là những trẻ em lang thang, cơ nhỡ và những em nhỏ mắc chứng tự kỷ.

Kiến trúc sư Đặng Thục Trang hiện đang là Giám đốc văn phòng đại diện tại TP HCM, Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, nhận định: “Dự án “Ươm nắng” giúp các trẻ em cơ nhỡ, tự kỷ tiếp cận với những bài giảng văn hóa, cảm thụ nghệ thuật và được học tập trong môi trường quốc tế từ sớm. Tương lai, các em sẽ trở thành “sứ giả” để quảng bá văn hóa Việt Nam”.

Chia sẻ về lý do chọn những đối tượng này làm trung tâm, chị Nguyệt Thu cho biết: “Mỗi trẻ em đều có quyền được hưởng cuộc sống hạnh phúc, một nền giáo dục tốt”. Những em nhỏ cơ nhỡ là một bộ phận người yếu thế trong xã hội, khi không được hưởng thụ nền giáo dục tốt, thường có một tương lai mịt mù. Cũng như vậy, những trẻ em tự kỷ, là đối tượng bị cộng đồng “bỏ quên”. Dự án hướng đến việc nhận nuôi, đào tạo các em trở thành công dân toàn cầu, có những đóng góp, cống hiến cho xã hội trong tương lai.

ac2.jpg
Dự án nhận rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp.

Nói về dự án “Ươm nắng”, nghệ sĩ Nguyệt Thu cho biết: “Có những vấn đề cần giải quyết luôn và có những vấn đề cần một hành trình dài”. Đặc biệt, chị cũng nhận định trẻ em cơ nhỡ là một nhân tố cho việc thúc đẩy sự thay đổi giáo dục. Bởi cha mẹ đôi lúc là một giới hạn của trẻ, chi phối, quyết định tương lai của con. Chính vì vậy, trẻ nhỏ không thể phát huy hết thế mạnh, tiềm năng, đam mê của mình. Nếu được định hướng đúng đắn, các em nhỏ lang thang, cơ nhỡ sẽ “tỏa sáng”, trở thành người có ích cho xã hội.

Trong tiểu dự án “Ươm nắng”, nghệ sĩ Nguyệt Thu đã kết nối và ký kết hợp tác với các chuyên gia thuộc một trong 20 trường học nổi tiếng ở Mỹ đồng ý xây dựng chương trình cũng như hỗ trợ đào tạo cho các em. Trong chương này, các em sẽ được học cả trực tuyến (online) kết hợp học trực tiếp (offline), ban ngày các em học những môn văn hóa, nghệ thuật. Đến buổi chiều tối, các em sẽ học online với các giáo sư hàng đầu tại nước ngoài về văn hóa, lịch sử thế giới.

Tất cả những tri thức trong dự án “Ươm nắng” sẽ được số hóa, đưa lên trình duyệt ICloud để làm dữ liệu học tập cho các em. Nghệ sĩ Nguyệt Thu chia sẻ: “Tôi không muốn gọi đây là “dạy học” vì nghe quá nặng nề, trong dự án “Ươm nắng” chúng tôi gọi là chia sẻ tri thức về lịch sử, địa lý, kỹ năng sống, văn hóa vùng miền, cảm thụ nghệ thuật,… nhằm hỗ trợ các em trở thành những công dân có ích”. Mong muốn lớn nhất của chị, sau khi tham gia “chương trình học” các em nhỏ sẽ có vốn ngoại ngữ và kiến thức phong phú, đa dạng.

Đặc biệt, số tiền thu được từ các chương trình xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp giới thiệu được sản phẩm, nối kết giao thương, ký kết, cung ứng các sản phẩm sẽ được trích một phần vào để hỗ trợ các dự án dành cho cộng đồng. Chính vì vậy, dự án “Ươm nắng” sẽ được hỗ trợ kinh phí, nhằm đem lại giá trị tốt đẹp cho xã hội. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp lớn đang dành sự quan tâm, ủng hộ chương trình này.

Trong thời gian tới, nghệ sĩ Nguyệt Thu cùng cộng sự và các nhà tài trợ, doanh nghiệp hảo tâm sẽ có nhiều chuyến thiện nguyện giúp các trẻ em vùng cao khó khăn, lan toả giá trị sống chân thực, đem một phần công sức nhỏ bé giúp các trẻ em có cuộc sống no đủ hơn./.

T. Trang