Chính sách & Quản lý

Hà Nội có nhiều nguồn lực phát triển thương hiệu Thành phố Sáng tạo

Phạm Quỳnh 21/11/2023 15:34

Phát biểu tại Tọa đàm quốc tế “Thành phố Sáng tạo Hà Nội – Xây dựng Thương hiệu và Phát triển Nguồn lực”, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định, Thủ đô đã có các chính sách đặc biệt cùng nhiều nguồn lực để phát triển thương hiệu Thành phố Sáng tạo.

Buổi tọa đàm nói trên diễn ra sáng 21/11 tại Bảo tàng Hà Nội do Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam, cùng một số đơn vị liên quan tổ chức. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, thu hút đông đảo các chuyên gia là sáng tạo của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có 3 Thành phố Sáng tạo đến từ Vương quốc Anh: Belfast, Londonderry, Dundee.

toa-dam-1.jpg
Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại Tọa đàm “Thành phố Sáng tạo Hà Nội – Xây dựng Thương hiệu và Phát triển Nguồn lực”.

Tại tọa đàm, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Thủ đô Hà Nội gia nhập thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019. Hiện nay tại Việt Nam, Thành phố Hà Nội là địa phương duy nhất có nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa (Nghị quyết số 09-NQ/TU). Trong Nghị quyết này có 8 nhiệm vụ thì có một nhiệm vụ riêng biệt về Thiết kế sáng tạo thể hiện đầy đủ nội hàm, nhận thức cho đến những cơ chế, chính sách liên quan đến nguồn lực, cách thức tổ chức, thực hiện để khơi dòng sáng tạo những gì Hà Nội đang có. Từ Nghị quyết số 09-NQ/TU, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã có kế hoạch riêng hết sức bản, triển khai từng năm các nhiệm vụ của Nghị quyết đặt ra.

Để xây dựng được thương hiệu, chính sách phát triển nguồn lực sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế, Thành phố Hà Nội xây dựng các chương trình ngoài số Nghị quyết 09-NQ/TU, Kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội. Theo ông Đỗ Đình Hồng, trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội đã thiết kế những điều khoản, điều luật (Điều 23) nói rất rõ về phát triển công nghiệp văn hóa và Thành phố Sáng tạo. Các chính sách về phát triển nguồn lực và thương hiệu, cách thức tổ chức, thực hiện cũng được Hà Nội sắp đặt, thể hiện từ Điều 21 đến 42 trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Khi thấy những chính sách, thể chế này trong Luật Thủ đô chưa đủ, Hà Nội tiếp tục thực hiện quy hoạch. Hiện tại, Hà Nội đang hoàn thiện 2 quy hoạch, đó là Quy hoạch chung Thủ đô, tiếp đến là quy hoạch về xây dựng, thiết kế Thủ đô. “Chúng tôi cũng đang thiết kế những không gian sáng tạo, khu vực sáng tạo mà Hà Nội sẽ có nguồn lực để xây dựng và phát triển các không gian này. Ngoài ra, Hà Nội cũng có những chính sách rất cụ thể trong lĩnh vực sáng tạo và lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể. Thủ đô có nguồn lực ngân sách để phục vụ cộng đồng thực hành di sản văn hóa phi vật thể để họ sáng tạo”, ông Đỗ Đình Hồng, nhấn mạnh.

toadam-2.jpg
Hình ảnh trên màn hình Led tại tọa đàm thể hiện một Hà Nội giàu bản sắc văn hóa và có nhiều di sản, cùng sự sáng tạo không ngừng.

Trưởng ngành văn hóa Thủ đô Hà Nội khẳng định, sau khi gia nhập mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Hà Nội rất quan tâm đến vấn đề nguồn lực cũng như xây dựng thương hiệu. Năm 2021, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo nhưng ở quy mô nhỏ, tuy nhiên cũng có nhiều ngành, lĩnh vực sáng tạo tham gia. Năm 2022, khi đại dịch toàn cầu Covid-19 được khống chế, Hà Nội mở rộng phạm vi tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo, đưa lễ hội ra khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm.

Đến năm nay, Hà Nội tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo với chủ đề “Dòng chảy”. “Dòng chảy ở đây là dòng chảy di sản trong thành phố sáng tạo, để chúng tôi mô phỏng, mô tả tất cả các di sản Thủ đô Hà Nội hiện có. Qua đó, tất cả cộng đồng sáng tạo nhìn vào, đến lúc nào đó từ những di sản, chính cộng đồng sáng tạo sẽ có những sáng tạo mới phát triển trên nền tảng di sản Thủ đô Hà Nội sẵn có. Chúng tôi muốn biến tất cả những luận giải, suy nghĩ và tập hợp các nhà sáng tạo lại để tạo thành một dòng chảy. Lễ hội năm nay không chỉ diễn ra ở một điểm mà ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Và chúng tôi cũng đã tạo dựng lại những không gian sáng tạo có nét đặc sắc riêng”, ông Đỗ Đình Hồng, chia sẻ.

Thủ đô Hà Nội cũng biến nhiều không gian công cộng thành không gian phố đi bộ. Ban đầu chỉ có tuyến phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, sau đó có thêm phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phố đi bộ khu vực Công viên Thống Nhất, Thành cổ Sơn Tây, một số không gian phố đi bộ tại hồ Trúc Bạch. Cùng đó, ngoài Lễ hội Thiết kế Sáng tạo, Thủ đô Hà Nội còn có nhiều sản phẩm sáng tạo khác như chương trình âm nhạc Gió mùa là điển hình.

Về định hướng phát triển Hà Nội, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ sau đó ra Nghị quyết số 12/NQ-CP về việc phát triển Thủ đô, trong Nghị quyết có Đề án xây dựng hai bên bờ sông Hồng là không gian công nghiệp và sáng tạo của Hà Nội. Điều này cho thấy Thủ đô có nguồn lực để xây dựng và phát triển các không gian sáng tạo, công nghiệp.

pht_0397.jpg
Du khách thưởng lãm trưng bày tranh ký họa về Nhà máy Xe lửa Gia Lâm tại Xưởng 3B1 thuộc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 (17 - 26/11).

Theo Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, tới đây, trong báo cáo tổng kết sau 4 năm tham gia mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Hà Nội sẽ thể hiện rõ số liệu có gần 200 không gian sáng tạo mà cộng đồng sáng tạo đã, đang làm rất hiệu quả trên địa bàn Thành phố.

“Xây dựng thương hiệu sáng tạo cho Thủ đô, Hà Nội xác định nguồn lực đầu tiên là con người, bởi con người Hà Nội tập trung những tinh hoa, trí tuệ nhất. Nguồn lực tiếp theo là tài nguyên di sản, Hà Nội có hơn 5.000 di tích lịch sử, gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể và cả hàng nghìn làng nghề. Nguồn lực thứ ba là các thiết chế và thể chế có liên quan đến văn hóa, Thủ đô Hà Nội có hơn 6.000 thiết chế văn hóa – thể thao, cũng nhiều nhất cả nước.

Song song đó, Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam, Thành phố của Hòa bình, Thành phố Sáng tạo và có bề dày ngàn năm văn hiến. Về cơ chế, thể chế và chính sách, Hà Nội có Luật Thủ đô, các Nghị quyết chuyên về Thiết kế Sáng tạo rất chi tiết, cụ thể”, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng dẫn các nguồn lực sẵn có, để Hà Nội phát triển thương hiệu Thành phố Sáng tạo như các thành phố khác trên thế giới./.

Phạm Quỳnh