Tiếp tục gợi mở, đề xuất các ý tưởng, giải pháp xây dựng quy hoạch Thủ đô
Sáng ngày 21/11, tại Hội trường Thành ủy Hà Nội (số 9 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Tham dự hội thảo về phía Trung ương có đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; GS.TS Phùng Hữu Phú - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương; đồng chí Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông...
Về phía Thành phố Hà Nội có các đồng chí: TS Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; TS Vũ Đức Bảo - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Doãn Toản - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Dự hội thảo còn có các đồng chí nguyên lãnh đạo đảng Nhà nước, đại diện các cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế; đại diện các tỉnh, thành phố lân cận; lãnh đạo các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã; các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp…
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định: “Công tác lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, là một trong những nội dung quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trên cơ sở Đề cương định hướng được BCH Đảng bộ Thành phố thông qua, Dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được tập trung xây dựng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, với phương pháp tích hợp, đồng bộ và cách làm khoa học, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới; với mục tiêu xuyên suốt đó là “văn hóa và con người không chỉ là mục tiêu, còn là động lực, nguồn lực quan trọng phát triển Thủ đô”.
Hiện nay, Thành phố Hà Nội đang tiến hành các bước xin ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và các tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi trình thẩm định theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được gửi xin ý kiến gồm 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực, 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã kèm theo hệ thống sơ đồ, bản đồ được số hóa.
Hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm mục đích làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng Quy hoạch Thủ đô, đồng thời tiếp tục gợi mở, đề xuất các ý tưởng, giải pháp xây dựng quy hoạch, nhất là các nội dung đột phá, các trọng tâm và việc khai thác, huy động nguồn lực để thực hiện Quy hoạch một cách hiệu quả, bền vững.
Văn hóa và con người không chỉ là mục tiêu, còn là động lực, nguồn lực quan trọng phát triển Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 2 nhóm vấn đề lớn: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thực tiễn xây dựng và thực hiện quy hoạch các ngành và quận, huyện thành phố Hà Nội để sử dụng hiệu quả các nguồn lực thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham luận của PGS. Nguyễn Ngọc Hà, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã khái quát lịch sử hình thành và phát triển Thủ đô Hà Nội; vai trò của Thủ đô qua các văn kiện của Đảng và đặc biệt là 4 ý tưởng về tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô cần quan tâm trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô. PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra cách nhìn tổng quan chung về khung lý thuyết lập Quy hoạch Thủ đô, các vấn đề thực tiễn cần quan tâm trong công tác lập Quy hoạch Thủ đô. Còn GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội có những gợi ý mang tính triết lý đồi với phát triển Thủ đô…
Nhiều ý kiến trình bày tại hội thảo đề cập tới thể chế phát triển Thủ đô theo hướng thông minh và bản sắc; đề xuất có chính sách “vượt trội”, đặc thù bảo đảm lợi thế so sánh và ưu thế cạnh tranh cho phát triển Thủ đô. Nhiều tham luận nêu rõ cách tiếp cận đa chiều đối với lập quy hoạch Thủ đô; quản lý Quy hoạch để phát triển không gian Thủ đô; phát huy vai trò của các nguồn vốn tài chính, đất đai trong xây dựng và phát triển Thủ đô…
Phát biểu bế mạc và kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong bày tỏ sự trân trọng trước những tham luận, ý kiến đóng góp tại hội thảo của các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tham dự dành cho Thủ đô Hà Nội.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay, để chuẩn bị cho lập Quy hoạch Thủ đô, Thành phố đã lập Ban chỉ đạo, tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm tại một số quốc gia trên thế giới cũng như tổ chức nhiều hội thảo, toạ đàm… tranh thủ được ý kiến góp ý cho quy hoạch. Cuộc hội thảo lần này đã gợi mở nhiều hướng tiếp cận cũng như vấn đề cụ thể cần tiếp tục nghiên cứu trong Quy hoạch Thủ đô.
“Thành phố tiếp thu toàn bộ ý kiến phát biểu cũng như các bài tham luận gửi tới hội thảo. Sau cuộc hội thảo này, Thành phố rất mong muốn sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học đối với Quy hoạch Thủ đô góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội để Hà Nội có được bản quy hoạch xứng tầm, cập nhật xu thế phát triển của thời đại và bảo đảm tính khả thi”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh./.