Văn hóa – Di sản

Kiều Oánh Mậu – nhà khoa bảng yêu nước

Nguyễn Minh Tường - Nguyễn Hữu Sơn 20/11/2023 08:53

Kiều Oánh Mậu (1854-1911), tự là Tử Yến, hiệu Giá Sơn, người làng Đông Sàng, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội). Lúc nhỏ, Kiều Oánh Mậu có tên là Kiều Dực (hoặc Kiều Hữu Dực), sau lại đổi là Kiều Cung (hoặc Kiều Doãn Cung). Năm 1883, vua Tự Đức chết, đặt miếu hiệu là Dực Tông, vì kiêng miếu húy, ông mới đổi tên là Kiều Cung rồi đổi là Kiều Oánh Mậu.

kieu-oanh-mau.jpg

Theo Kiều thị gia phả (do Kiều Oánh Mậu biên soạn) hiện lưu giữ tại nhà ông Kiều Vĩnh Khánh, cháu 4 đời của Kiều Oánh Mậu thì cụ tổ của họ này là Kiều Phúc (1452 - ? ), đỗ Hoàng giáp khoa Quý Sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Hiệu thư. Tiếp sau đó, là các cụ: Kiều Văn Bá đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Tỵ, niên hiệu Hồng Thuận thứ 1 (1509); Kiều Bá Nhiễm, Kiều Trọng Dương đều đỗ Hương cống khoa Ất Mùi (1775), đời Lê Cảnh Hưng.

Thân phụ của Kiều Oánh Mậu là Kiều Đỉnh, đỗ Tú tài khoa Đinh Mão (1867), đỗ Cử nhân Ân khoa Mậu Thìn (1868). Sách Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục chép: “Kiều Đỉnh (cha con cùng thi đậu), đỗ Cử nhân khoa Mậu Thìn (1868), người xã Đông Sàng, huyện Phúc Thọ. Cha Phó bảng Kiều Dực” (Bản dịch, 1993). Dưới thời Tự Đức (1848-1883), Kiều Đỉnh nhiều năm làm Tri huyện các huyện Chân Định, Quỳnh Côi, Phù Dực (tỉnh Thái Bình).

Kiều Oánh Mậu sinh năm Giáp Dần (1854), đỗ Cử nhân khoa Kỷ Mão (1879), năm ấy ông 25 tuổi. Hai năm sau, ông đỗ Phó bảng khoa Canh Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880). Ông đỗ đồng khoa với Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh (1835 - ? ) làm Đốc học Hà Nội, thăng Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm ấy, thân phụ của Kiều Oánh Mậu cáo quan về quê dạy học sau 12 năm làm Tri huyện. Sau khi đỗ Phó bảng, Kiều Oánh Mậu được bổ làm Hành tẩu ở Bộ Công trong triều đình Huế. Hai năm sau, 1882, ông được điều ra Bắc làm Tri phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Tháng 12 năm 1883, thực dân Pháp tiến đánh thành Sơn Tây, Kiều Oánh Mậu đã sáng tác bài Ai Sơn thành (Cảm thương thành Sơn Tây) để bày tỏ nỗi lòng của mình. (Bài Ai Sơn thành được Thiết Chi, tức Kiều Tường, con trai của Kiều Oánh Mậu, dịch ra tiếng Việt đăng trên báo Tri Tân số 194, năm 1946). Ngay sau khi ra đời, Ai Sơn thành của Kiều Oánh Mậu được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Bài thơ đã tố cáo tội ác, sự xâm lược của thực dân Pháp, giãi bày nỗi khốn khổ của nhân dân, có tác dụng kích thích lòng yêu nước và ý chí đánh đuổi lũ thực dân cướp nước. Bên cạnh đó, Ai Sơn thành còn lên án thái độ bàng quan, nhu nhược của vua quan triều Nguyễn, trước sự xâm lược của thực dân Pháp. Vì lẽ đó, Kiều Oánh Mậu lập tức bị cách chức và bị buộc phải trở về quê nhà ở Sơn Tây, năm đó (1885), ông mới 31 tuổi.

Năm 1886, Kiều Oánh Mậu được phục chức làm Tri phủ Lý Nhân (Hà Nam). Vài năm sau, năm 1891, ông lại bị giáng làm Tri huyện Vũ Giàng (Bắc Ninh). Sau đó, Kiều Oánh Mậu còn trấn nhậm một số nơi, rồi bỏ ấn từ quan. Sự nghiệp chính trị của ông có thể nói không có gì là đáng kể.

Kiều Oánh Mậu đã dành cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp văn hóa, cụ thể là khảo cứu văn học Việt Nam. Tác phẩm của Kiều Oánh Mậu còn lại là khá phong phú, bao gồm: trước thuật, diễn Nôm, khảo đính, chú giải, đề tựa, đọc duyệt... Cụ thể về trước thuật có: Bản triều bạn nghịch liệt truyện (Truyện những nhân vật phản nghịch của bản triều, tức triều Nguyễn), Giá Sơn di cảo (Bản chữ Hán hiện nay không còn, chỉ còn lại bản phiên âm, dịch nghĩa ra chữ Quốc ngữ, được lưu giữ tại nhà ông Kiều Vĩnh Khánh - gồm các bài ký, bài bàn về hát Ả đào của Kiều Oánh Mậu); về biên soạn có: Kiều thị gia phả; về diễn Nôm có: Hương Sơn Quan Thế Âm chân kinh tân dịch, Tiên phủ dịch lục, Tỳ bà Quốc âm Tân truyện; về khảo đính, chú giải có: Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du; về đề tựa có: Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án; về đọc duyệt có: Bút toán chỉ namToán pháp của Nguyễn Cẩn...

Trong số những tác phẩm trên đây, riêng việc khảo đính lại quyển Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) của Nguyễn Du đã làm cho tên tuổi của ông được nhiều người biết đến. Kiều Oánh Mậu đã căn cứ vào “Bản Kinh” do Đào Nguyên Phổ mang từ Kinh đô Huế ra Hà Nội tặng cho mình vào năm 1898, để đối chiếu với các “Bản Phường” mà khảo đính lại. Trong việc khảo đính ấy, ông đã ghi rõ xuất xứ của một số câu có sự dị đồng giữa các bản: Bản Kinh - Bản Phường - Nguyên tác - Nhất tác - Hoặc tác. Kiều Oánh Mậu lại có công quy phạm hóa chữ Nôm, để cho câu thơ được rõ nghĩa...

Nói riêng về ngọn nguồn và tính chất văn bản Đoạn trường tân thanh, nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn xác định:

“Theo sự đọc của chúng tôi thì người đầu tiên đẻ ra hai khái niệm “bản Kinh” và “bản Phường” chính là Kiều Oánh Mậu. Trong bản Đoạn trường tân thanh do ông khảo đính và cho khắc in năm năm 1902, Kiều Oánh Mậu đã “tung” ra giữa học giới hai khái niệm này mà không một lời “định nghĩa”. Ông không nói rõ “bản Phường” ông dùng là bản in năm nào, chỉ nói là có năm sáu bản khác nhau. Ông cũng không nói rõ “bản Kinh” mà ông có được và muốn nói tới chỉ là bản do bạn ông là Đào Nguyên Phổ mang từ trong Kinh đô Huế ra, tặng ông vào năm 1898...

Vậy đến đây chúng ta đã có cơ sở chắc chắn mà nói rằng: Kiều Oánh Mậu là người đầu tiên đưa thuật ngữ “bản Kinh” với hàm nghĩa xác định: Đó là bản Kiều chép tay của công tử họ ngoại nhà vua, do Đào Nguyên Phổ tặng lại ông vào năm 1898. “Bản Kinh” này có đôi câu đối của Tự Đức; có lời bình của Nguyễn Lượng, Vũ Trinh bằng hai màu mực son và đen phân biệt...

Từ sau khi Đoạn trường tân thanh được Kiều Oánh Mậu cho in và phát hành rộng rãi, hai khái niệm “bản Kinh”, “bản Phường” mà ông dùng nghiễm nhiên được xã hội chấp nhận. Không ai thấy cần thiết phải biện bạch tìm hiểu ngọn nguồn hai khái niệm thuật ngữ văn bản này...

Sau Kiều Oánh Mậu, có thể là do lời giới thiệu rất đại khái về khái niệm “bản Kinh”, “bản Phường” của Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim mà người ta đã “tương truyền” nhau về một “bản Phường đầu tiên” do Phạm Quý Thích đưa in từ sinh thời nguyễn Du và “bản Kinh đầu tiên” do Tự Đức đưa in vào năm 1871, khiến các nhà nghiên cứu đều than tiếc rằng trong tay không có các “bản Kinh”, “bản Phường” đầu tiên ấy; rằng các ông chỉ có thể hình dung diện mạo của “bản Kinh” qua lời chú của Kiều Oánh Mậu...

Hiểu rõ được lai lịch và khái niệm của từng loại văn bản trên đây, chắc tin rằng không có “bản Phường” sớm nhất do Phạm Quý Thích đưa in và “bản Kinh” do Tự Đức đưa in, chúng ta sẽ đỡ đi cái đau đáu thắc thỏm vì cứ trông chờ vào một thứ văn bản in vốn không hề có mà cứ tưởng có mà đã mất, khiến lâu nay nhiều người tưởng rằng có thể xác lập được một văn bản gần với nguyên tác Truyện Kiều (!)” (Tạp chí Văn học, 1998)...

Kiều Oánh Mậu còn công phu tìm đến bản Kim Kiều tình từ (Lời tình tự của Kim và Kiều), tức bản được xem là cổ của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, mà ông Nghè Nguyễn Mai (1876-1956) còn giữ được để hoàn tất công việc khảo đính của mình. Khảo đính xong, ông nhờ Đào Nguyên Phổ đề Tựa, và đưa nhà sách Quan Văn đường tàng bản, ấn hành năm 1902. Qua bản khảo đính Truyện Kiều, Kiều Oánh Mậu đáng được xem là nhà khảo chứng văn bản học có uy tín đầu tiên trong văn học cận đại Việt Nam.

Với cương vị người bạn “thanh khí” của Đào Nguyên Phổ, Chủ bút tờ Đại Nam đồng văn nhật báo, cho nên có một thời gian Kiều Oánh Mậu còn làm trợ bút của tờ báo đầu tiên viết bằng chữ Hán xuất hiện ở Hà Nội vào năm 1903 này.

Kiều Oánh Mậu có thể coi là một nhà khoa bảng có tinh thần yêu nước, một tác gia Hán Nôm có nhiều đóng góp với nền văn hóa Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Minh Tường - Nguyễn Hữu Sơn