Văn hóa – Di sản

Hồ Xuân Hương – tiếng thơ trào lộng trữ tình

Nguyễn Hữu Sơn 19/11/2023 17:49

Cho đến nay, chưa có ai phát hiện được một tư liệu cụ thể nào khả dĩ đáng tin cậy nói về cuộc đời nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương (cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX). Căn cứ theo những người góp công đầu trong việc nghiên cứu về Hồ Xuân Hương (Nguyễn Hữu Tiến, Dương Quảng Hàm...) thì nữ sĩ vốn quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

tho-nom.jpg
Tượng danh nhân nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Có tài liệu xác minh rằng bà là con Hồ Phi Diễn. Phi Diễn sinh năm 1703, đậu Tú tài năm hai mươi bốn tuổi, dưới triều Lê Bảo Thái. Vì nhà nghèo nên Phi Diễn phải ra xứ Bắc dạy học kiếm sống. Về sau ông lấy một cô gái họ Hà người Bắc Ninh làm vợ lẽ. Đôi vợ chồng đưa nhau về sống ở phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận, gần hồ Tây (Hà Nội) bây giờ. Khi Hồ Xuân Hương lớn lên, gia đình chuyển tới làng Tiên Thị, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương (nay ở vào khoảng phố Lý Quốc Sư, trung tâm Thủ đô Hà Nội). Đến tuổi trưởng thành, có một thời Xuân Hương làm ngôi nhà riêng ven hồ Tây, lấy tên chữ là Cổ Nguyệt Đường. Đây là nơi sinh sống, cũng là nơi Xuân Hương đón tiếp, xướng họa với các bạn trong làng thơ.

Theo bài Tựa của Nham Giác Phu Tốn Phong Thị viết cho tập thơ Lưu hương ký thì chắc chắn đến năm 1814 - năm Tốn Phong Thị viết bài tựa trên - Xuân Hương còn đang sống ở kinh thành Thăng Long. Theo ý một số bài thơ trong tập Lưu hương ký thì đương thời Xuân Hương có làm thơ xướng họa với Tốn Phong Thị, Hiệp trấn Sơn Nam Thượng họ Trần, Mai Sơn phủ, Cần chánh Học sĩ Nguyễn hầu v.v... Tiếc rằng trong số nhiều người đó chỉ có thể biết được tiểu sử về một Cần chánh Học sĩ Nguyễn hầu - tức nhà thơ Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều. Sau này, tương truyền Hồ Xuân Hương rời Thăng Long, làm lẽ ông Tổng Cóc ở Lâm Thao (Phú Thọ). Ông Tổng Cóc đột ngột qua đời, nàng tục huyền, lại làm lẽ với ông Phủ Vĩnh Tường (Phú Thọ). Nhưng thật không may cho nàng, sau một thời gian chung sống ấm êm, hòa hợp với ông Phủ yêu văn chương và đa tình, một lần nữa nàng lại trở thành góa bụa. Từ đây, số phận nàng ra sao không ai biết nữa... Vậy là chúng ta đành không biết gì hơn về năm sinh, năm mất của Xuân Hương. Ngay vấn đề tính xác thực của văn bản Lưu hương ký gần đây cũng đã được đặt lại với nhiều nghi hoặc. Đến nay cuộc đời người nữ sĩ tài ba xuất chúng ấy vẫn ẩn hiện thấp thoáng trong một lớp sương mờ. Đến với hậu thế, Xuân Hương chủ yếu còn lại những bài thơ truyền tụng thiết tha với tình yêu, với cuộc sống, với sự sống nói chung. Thơ của Xuân Hương, đó là tất cả cuộc đời, tâm hồn và tính cách Xuân Hương. Chính nhà nữ thi sĩ ấy, bằng những dòng thơ vừa ngang tàng tài tử vừa thiết tha sâu lắng, đã tự khắc họa được chân dung bản thân mình cũng như đã truyền lại cho hậu thế bức tranh của cả một thời kỳ lịch sử cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.

Gọi Xuân Hương là nhà thơ trào phúng - đúng thôi! Vì thơ Xuân Hương là tiếng cười châm biếm, đả kích những thói xấu, những kẻ đạo đức giả. Thơ Xuân Hương đập thẳng, đập mạnh, đập trúng bản chất bọn người thống trị, từ vua quan đến bọn vương tôn công tử, từ viên quan thị đến bọn sư hổ mang... Nhưng Xuân Hương cũng là nhà thơ trữ tình đã bộc lộ chân thành nỗi lòng riêng mình và nói lên tiếng nói chung của con người ở một thời đại. Thật ra nói Xuân Hương là nhà thơ trào phúng chỉ có nghĩa là sắc thái trữ tình trong thơ Xuân Hương tập trung vào việc chỉ trích những mặt trái đang tồn tại trong xã hội và trong mỗi con người. Với ý nghĩa đó thì thơ Xuân Hương là tiếng nói trào phúng - trữ tình, tiếng nói phản ứng lại thực tại và mong muốn cho con người phải được hưởng cuộc sống xứng đáng hơn, tốt đẹp hơn.

Một trong những dấu hiệu để xem xét nội dung trữ tình trong thơ ca là việc tìm hiểu thái độ cảm nhận và cách chiếm lĩnh thực tại của nhà thơ đối với thế giới tự nhiên - thiên nhiên nói riêng - đạt tới mức độ nào? Bởi lẽ thiên nhiên muôn đời tự thân nó không biến đổi mà luôn tượng trưng cho sự thuần phác, cái đẹp dừng lặng vĩnh hằng nhưng nó biến đổi trong cách cảm thụ và trong đời sống tình cảm riêng của nhà thơ - “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều). Với Xuân Hương, có thể nói thơ của nhà nữ thi sĩ tài ba ấy ngời sáng những hình ảnh, những nét chấm phá về cảnh sắc thiên nhiên và tạo vật: mặt trăng, con suối, giếng nước, quán Khánh, đèo Ba Dội, động Hương Tích, hang Cắc Cớ... Mặc dù Xuân Hương viết về thiên nhiên để diễn đạt nhiều nội dung sâu kín khác nữa song hình ảnh thiên nhiên vẫn là đối tượng ban đầu thu hút sự chú ý và tạo nguồn cảm hứng cho nhà thơ. Với Xuân Hương, cái đẹp của tự nhiên không chỉ là cái đẹp êm dịu, nhẹ nhàng mà có khi nó được tiếp nhận ở chính những khía cạnh gai góc, chưa thật hoàn thiện. Trong cách nhìn của Xuân Hương, thiên nhiên đẹp là phải tràn trề hơi thở sự sống, phải biết chuyển động, thay đổi, cũng có tình ý, cũng rạo rực như bản tính con người. Mặt trăng không đẹp tĩnh tại mà có phần tinh nghịch “Cớ sao khi khuyết lại khi tròn?”; trái trăng thu phải đạt tới độ “chín mõm mòm” để “Nảy vùng quế đỏ đỏ lòm lom!”. Ngay cả khi mặt trăng tạm gọi là đứng lặng lẽ giữa trời thì nó vẫn tiềm tàng chứa sức sống bên trong:

Năm canh lơ lửng chờ ai đó?

Hay có tình riêng với nước non?

(Hỏi trăng, II)

Cảnh đèo Ba Dội, Kẽm Trống thông thường được miêu tả như một bức tranh sơn thủy nay bỗng trở nên sinh sắc, náo động bởi một loạt những động từ và động trạng từ kế tiếp nhau:

Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,

Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo

(Đèo Ba Dội)

Gió giật sườn non khua lắc cắc,

Sóng dồn mặt nước vỗ long bong.

(Kẽm Trống)

Xuân Hương đã thể hiện những nét chấm phá hết sức sinh động:

Đứng chéo trông theo cảnh hắt heo,

Đường đi thiên thẹo quán cheo leo!

Lợp lều mái cỏ tranh xơ xác,

Xỏ kẽ kèo tre đốt ngẳng ngheo.

Ba chạc cây xanh hình uốn éo,

Một dòng nước biếc cảnh leo teo...

(Quán Khánh)

Nếu xét thật nghiêm nhặt thì dường như Xuân Hương không có bài thơ đề vịnh thiên nhiên thuần túy nào. Ở đây thiên nhiên chỉ là cái cớ gợi hứng và tạo mối liên tưởng để nhà thơ bộc lộ cảm xúc của mình. Chính từ cách cảm nhận thiên nhiên như thế mà thơ Xuân Hương tạo nên khả năng phản ánh hiện thực hai chiều khá độc đáo. Xem lại các bài thơ Hỏi trăng, Đèo Ba Dội, Kẽm Trống… ta thấy rõ nội dung căn bản của bài thơ không nhằm đề vịnh cảnh sắc thiên nhiên. Ấy thế mà hình ảnh thiên nhiên vẫn cứ xuất hiện và tồn tại như là một yếu tố không thể tách rời nội dung bài thơ. Dường như khi mượn hình ảnh tự nhiên để nói về những điều sâu kín khác, tâm hồn Xuân Hương vốn ham yêu vẻ đẹp đất trời đã không thể không để lọt vào trong bài thơ tâm tình của mình những cảnh sắc thiên nhiên đẹp đẽ ấy. Đến loạt bài thơ mà Xuân Hương chủ yếu chỉ nhằm đề vịnh, thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên thì tình hình lại diễn ra ngược lại. Xin lấy bài thơ Một cảnh chùa làm ví dụ:

Tình cảnh ấy nước non này,

Dẫu không Bồng Đảo cũng tiên đây.

Hành Sơn mực điểm đôi hàng nhạn,

Thứu Lĩnh đen trùm một thức mây.

Lấp ló đầu non vừng nguyệt chếch,

Phất phơ sườn núi lá thu bay.

Hỡi người quân tử đi đâu đó,

Thấy cảnh ai mà đứng lượm tay.

Qua các bài thơ gắn liền với cảm quan thiên nhiên - loại các bài ngụ ý kín đáo lại vẫn phát hiện được vẻ đẹp thiên nhiên và loại các bài nhằm tả cảnh lại cứ bộc lộ cá tính và một cách cảm nhận riêng - ta thấy phong cách thơ Xuân Hương luôn luôn bộc lộ rõ nét. Trong bất cứ trường hợp nào thì cái “tôi” nhà thơ cũng tìm cách lên tiếng. Còn khi muốn quên cuộc sống đen bạc, muốn quên thực tại chật hẹp tù túng để toàn tâm hòa hợp vào thiên nhiên mỹ lệ thì chính cá tính Xuân Hương đã ngăn cản không cho điều đó được thực hiện đến trọn vẹn. Vậy là ngay cả khi một mình đối diện với thiên nhiên hay một mình đối diện với chính mình, bất luận như thế nào, Xuân Hương đều bộc lộ rõ cá tính, tâm hồn và bản lĩnh một phong cách thơ.

Vì lấy việc phản ánh cương thường đạo lý xã hội làm chuẩn mực, cho nên văn học chính thống trong thời đại phong kiến nói chung thường không chú ý đến sự biểu hiện nguyện vọng, tâm tư tình cảm con người cá nhân. Những tác phẩm đề cập đến tình yêu lứa đôi thường bị coi là “yêu thư yêu ngôn”. Trong tình hình đó, phải nhận rằng chính Hồ Xuân Hương - bên cạnh Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790), Nguyễn Du (1765 - 1820), Phạm Thái (1777 - 1813),... là một nhà thơ lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ đòi quyền sống, quyền được hưởng tình yêu và hạnh phúc cho người phụ nữ. Xuân Hương đã dám bộc lộ tất cả tình cảm và khát vọng thực của mình trong những nguyện ước riêng tư ấy. Tình cảm yêu đương trở thành một niềm tâm sự lớn, một đề tài rộng mở trong thơ Xuân Hương. Loạt các bài thơ xướng họa với các bạn thơ Tốn Phong Thị, ông Hiệp trấn Sơn Nam họ Trần, ông Mai Sơn phủ, ông Cần chánh Học sĩ Nguyễn Du và phần thơ tự bạch còn lại trong tập Lưu hương ký đã cho thấy rõ điều đó. Xuân Hương mong muốn tìm người hòa hợp với cái “duyên mõm mòm” (Tự tình, I) và nỗi ước vọng vô cùng cho tình yêu “Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn” (Chơi đền Khán Xuân) của mình. Rõ là Xuân Hương khao khát mong đợi tình yêu, nhưng cái duyên dẫu đã chín “mõm mòm” ấy không phải dễ dàng trao gửi cho bất cứ ai, mà phải tìm đúng người tri kỷ, xúng sắc xúng tài. Xuân Hương gửi cho bạn tình Tốn Phong Thị hai bài thơ (Ngụ ý Tổn Phong Thị ký nhị thủ).

Bài thứ nhất:

Dồn bước may đâu khéo hẹn hò,

Duyên chi hay bởi nợ chi ru?

Sương treo áo lục nhồi hơi xạ,

Gió lọt cành lê lướt mặt hồ.

Muốn chắp chỉ đào thêu trướng gấm,

Mà đem lá thắm thả sông Tô.

Trong trần mấy kẻ tinh con mắt,

Biết ngọc mà trao mới kể cho.

Bài thứ hai:

Đường hoa dìu dặt bước đông phong,

Nghĩ kẻ tìm thơm cũng có công.

Lạ mắt dám quen cùng gió nước,

Nặng lòng nên nhẹ đến non sông.

Da trời nắng nhuộm tươi màu biếc,

Phòng gấm trăng in dãi thức hồng.

Ai nhớ lấy cho lòng ấy nhỉ,

Trước năm trăm hẳn nợ chi không?

Trong cách nhìn nhận của Xuân Hương thì tình yêu lứa đôi phải là sự gặp gỡ của những trang tài tử giai nhân. Mà sự gặp gỡ đó không phải chỉ là hình thức, nó còn thuộc về nhận thức và sự đồng cảm của “Trong trần mấy kẻ tinh con mắt”. Cũng chính sự hiểu biết “tri âm tri kỷ” mới là cơ sở để đánh giá bạn tình “Biết ngọc mà trao mới kể cho”. Ngay cả ở đây nữa, Xuân Hương có phục tài bạn tình thật đấy nhưng vẫn khẳng định mình là người có quyền trước nhất xét duyệt mọi điều. Ở bài thơ sau Xuân Hương ghi nhận “Ai nhớ lấy cho lòng ấy nhỉ” thì đó cũng là nỗi nhớ của sự phán xét: “Nghĩ kẻ tìm thơm cũng có công”.

Đối với những người yêu nhau thì còn gì buồn hơn khi phải xa cách nhau. Xuân Hương đã diễn tả nỗi nhớ thương khôn cùng ấy trong bài thơ gửi Nguyễn Du:

Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung.

Mượn ai tới đấy gửi cho cùng.

Chữ tình chốc đã ba năm vẹn,

Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.

Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,

Phấn son càng tủi phận long đong.

Biết còn mảy chút sương siu mấy,

Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong.

(Nhớ người cũ, viết gửi Cần chánh học sĩ Nguyễn hầu)

Trong tình cảm của Xuân Hương cứ thấp thoáng hiện lên nỗi lo về sự tan vỡ, nhưng ngay cả khi ấy, Xuân Hương vẫn biểu hiện tấm lòng ưu ái đầy nữ tính bằng việc chấp nhận mọi điều thua thiệt về mình:

Mười mấy năm trời một chữ tình,

Duyên tơ này đã sẵn đâu đành,

Mái mây cắt nửa nguyền phu phát,

Giọt máu đầy hai chén tử sinh.

Một kiếp đã thề cùng dạ thắm,

Trăm thân đành phụ với đầu xanh.

Mai sau lòng chẳng như lời nữa,

Đao búa nguyền xin lụy đến mình.

(Thệ viết hữu cảm - Cảm xúc khi viết lời thề)

Tấm lòng ưu ái có phần yếu đuối đó là một nét thực trong thơ Xuân Hương song nó không phải là âm hưởng chủ đạo. Về căn bản, thơ Xuân Hương biểu hiện tính cách con người dám chấp nhận và đương đầu với thực tại. Xuân Hương lên tiếng phủ nhận những mặt trái của xã hội. Tiếng nói đó thể hiện một cách nhất quán và làm nên phong cách Xuân Hương. Ẩn đằng sau tiếng nói trào phúng, châm biếm xã hội vẫn thấy nỗi lòng riêng và bản tính con người của nhà thơ. Với Xuân Hương, thấm sâu trong tâm thức nhà thơ là sự oán hận và không bằng lòng với thực tại. Cuộc đời dường như quá chật hẹp và không cho người ta thấy chút hy vọng nào về tương lai. Ba bài thơ Tự tình của Xuân Hương làm thành cụm bài biểu lộ trực tiếp nỗi niềm tâm sự riêng của nhà thơ.

Ba bài thơ liên hoàn là cả một nỗi bất đắc ý với cuộc sống. Trước hết đó là cái nhìn bao quát chung về duyên phận chứa đầy những bi thương: Oán hận trông ra khắp mọi chòm... Con người đang đòi hỏi một sự đổi mới, vì nếp sống và nếp tình cảm cũ đã trở thành gò bó, chật hẹp. Đối với Xuân Hương, ngay cả cái đẹp của mùa xuân cũng đã thành tù túng, đơn điệu: Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại/ Mảnh tình san sẻ tí con con... Nhưng trong thực tế thì nhà thơ cũng khó có thể tìm cho mình một lối thoát khỏi cuộc sống buồn tẻ, ngưng đọng ấy nên Xuân Hương có lúc chán ghét tất cả và phó mặc cuộc đời mình theo dòng nước chảy: Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến/ Dong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh”. Xuân Hương càng chán ghét hơn những kẻ sống vô tâm, hời hợt, có mới nới cũ: Ấy ai thăm ván cam lòng vậy/ Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh... Những kẻ “thăm ván bán thuyền”, đúng núi này trông núi kia, họ đến nhưng nào họ có thật hiểu, thật biết quý trọng tình yêu lớn lao của Xuân Hương. Họ ra đi nhưng nữ sĩ không buồn cho mình mà chỉ thấy ngán ngẩm, thương hại cho họ đã sống quá ư đơn điệu và dễ dãi. Thế là Xuân Hương từ địa vị người bị bỏ rơi bỗng trở nên chủ động, đường hoàng phán xét lẽ phải trái của cuộc tình duyên. Trên hết cả, bao giờ Xuân Hương cũng tỏ rõ được thế đúng và bản lĩnh của riêng mình.

Dám bộc lộ tất cả tình cảm thực của mình, đó là một bước tiến và là một đóng góp của Xuân Hương trong toàn bộ nền thơ truyền thống. Có lẽ phải đến Xuân Hương thì tình cảm con người cá nhân mới được thể hiện một cách sâu sắc và chân thành ở khía cạnh tình yêu lứa đôi và nhu cầu ân ái. Một mặt Xuân Hương lên tiếng nói về tình yêu, nỗi nhớ thương và chấp nhận tình yêu là một loại tình cảm chân chính, đẹp đẽ, có sức hấp dẫn chung cho mọi con người. Ý nghĩa khách quan của việc Xuân Hương tập trung vào đề tài tình yêu là tiếng nói nhân bản đòi giải phóng tình cảm, quyền sống và năng lực ở mọi cá nhân, đặc biệt là đối với phụ nữ, những “nạn nhân” của xã hội gia trưởng. Mặt khác Xuân Hương lấy tiếng cười làm vũ khí phê phán mọi biểu hiện xấu xa, đặc biệt sự giả dối trong ái tình. Công khai bộc lộ thế giới tình cảm riêng, đồng thời dám phê phán thói đạo đức giả, đó chính là hai mặt của một vấn đề “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương” trong thơ Xuân Hương.

Thơ Xuân Hương thấm nhuần cảm quan về tình yêu: tình yêu là bản tính và phẩm chất của con người. Ngắm nhìn mặt trăng đơn chiếc giữa trời, nhà thơ suy nghĩ và liên tưởng:

Năm canh lơ lửng chờ ai đó,

Hay có tình riêng với nước non?

(Hỏi trăng, II)

Nhà thơ gán cho tạo vật cũng có bản tính như con người, cũng biết mơ mộng, cảm xúc, nuối tiếc:

Đá kia còn biết xuân già dặn,

Chả trách người ta lúc trẻ trung!

(Đá Ông chồng Bà chồng)

Cho đến cả đất trời cũng đa tình, cũng lắm chuyện như một ông già chơi trống bỏi:

Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại,

Rõ khéo trời già đến dở dom!

(Động Hương Tích)

Nhưng những bài thơ hướng về việc giải phóng tình cảm trong quan hệ lứa đôi của Xuân Hương cũng không phải đơn thuần chỉ là sự đề cao, ca ngợi tình yêu. Bởi tình yêu ở đây còn có ý nghĩa của sự cảm nhận cuộc sống và là cái cớ để nhà thơ gửi gắm niềm tâm sự bất bình. Khi Xuân Hương mượn cớ để thách thức, bỡn cợt, châm biếm bọn người giả dối, tiếng cười trào phúng trong thơ Xuân Hương xuất hiện! Liền theo đó, vấn đề tục - thanh, thanh - tục là cảm quan, đồng thời còn là bút pháp nghệ thuật được thể hiện một cách độc đáo trong thơ Xuân Hương.

Lịch sử dân tộc giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX có những biến động mạnh mẽ và thay đổi hết sức phức tạp. Nhưng cũng thật vinh dự cho thời đại đau thương đó, thời đại đã đồng thời sinh ra hai văn tài kiệt xuất: Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương. Văn tài Xuân Hương càng đáng được đề cao bội phần vì đó là một nhà thơ nữ. Điều gì đã góp phần tạo nên nhà thi sĩ tài ba bậc ấy? Phải chăng ở đây có sự kết hợp giữa cái khí chất ngang tàng, quyết chí của người cha xứ Nghệ với nét uyển chuyển của người mẹ làng quan họ xứ Bắc? Được tiếp thu nguồn học vấn sâu rộng của cha lại sống giữa mảnh đất Thăng Long thanh lịch ngàn năm văn hiến, giữa thời đại đang khắc khoải yêu cầu một sự đổi thay, tâm hồn Xuân Hương đã nhanh nhạy bắt nhịp với cuộc sống và trả lại cho đời những dòng thơ tâm huyết. Thơ ấy là bản lĩnh, là phong thái ngang tàng của Xuân Hương, ngang tàng trên cơ sở kết hợp tài và tình. Hơn nữa, những sắc thái trữ tình khác nhau như sự nghi ngờ, phê phán cuộc sống thực tại và niềm hy vọng mong manh về tương lai; tấm lòng vừa ưu ái vừa có phần khinh thị, thách thức thực tại; vừa tin tưởng vào mình vừa mơ hồ dự cảm thấy tấn bi kịch của chính mình, của thời đại mình... quả nhiên đã là một đặc điểm hết sức rõ nét trong thơ Xuân Hương./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Hữu Sơn